TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Phát triển Trị Thiên
 
Lên mạng ngày 5/8/2011

Nhận Định Về Phát Triển Vùng Trị Thiên
 
Giáo sư Thái Công Tụng
 
1.   TỔNG QUAN
2.   Vài đặc điểm về môi trường tự nhiên
3.   Khí hậu
4.   Tài nguyên nước
5.   Tài nguyên đất đai
6.   Các vấn đề của tài nguyên đất
7.   Các vấn đề của tài nguyên nước
8.  Thế nào là 5 O trong vấn nạn môi trường Trị Thiên?       
9.   Thế nào là 5 C trong vấn đề quản trị môi trường?
10.   Thiết lập một hệ thống địa lý
11.   Định hướng sỬ dụng đất
12.   Vài đường hướng phát triển trong thời đại toàn cầu
        hóa
13.   Kết luận
 
 
 
1.   TỔNG QUAN
 Bài này chỉ giới hạn nghiên cứu vào hai tỉnh Trị Thiên (Quảng Trị và Thừa Thiên) và sẽ đề cập nhiều đến tài nguyên tái tạo như đất, nước, rừng, nói khác đi đến các hệ sinh thái chính và đồng thời vai trò các tài nguyên này trong sự chi phối đến sử dụng đất đai của con người và làm thế nào để có phát triển bền vững (sustainable development).
Tuy nhiên, những vấn đề của Trị Thiên cũng có thể gặp trên các đồng bằng khác ở miền Trung vì cùng có những đặc điểm giống nhau: đồng bằng nhỏ hẹp, lưu vực các sông không lớn, sông ngòi thường ngắn, diện tích đất nông nghiệp nhỏ vì dân đông, nhiều cồn cát duyên hải, khí hậu khắc nghiệt vì thường gặp bão từ Thái Bình Dương thổi vào. Do đó, những đề xuất cho sự phát triển bền vững cũng có thể ứng dụng được cho những tỉnh khác miền Trung vậy.
 
2.   Vài dặc điểm về môi trường tự nhiên
Cũng như mọi đồng bằng duyên hải khác ở Trung Việt, Trị Thiên vừa có miền núi, miền gò đồi, miền đồng bằng, miền đầm phá và cồn cát.
            Nếu làm một phẫu diện từ Trường sơn đến biển Đông, ta có thể phân biệt nhiều địa mạo sau đây:
 

2.1.   Miền núi
 
 
Giáp giới với Ai Lao, với nhiều cao độ khác nhau, có nhiều loại đá acid như đá hoa cương, sa thạch, phiến thạch, nằm rải rác tại các huyện miền núi như DaKrong, Hương Hóa (Khe Sanh), A Lưới, Nam Đông.
Các đỉnh núi cao phân chia thành hai sườn núi: phía đông sườn núi dốc, độ cao giảm nhanh xuống mặt biển còn phía Tây, từ đỉnh núi xuống song Mekong bên Ai Lao, sườn núi thoai thoải và thấp dần dần. Vì dãy Trường Sơn gần biển, nên sự chảy tràn rất mạnh, nhất là trong các điều kiện triền dốc lớn và khi không có rừng cây che chở. Do đó, dễ có lụt lội ở miền hạ lưu.
 
2.2.   Miền gò đồi chân núi
Miền gò đồi là vùng giáp giữa núi non và đồng bằng duyên hải, có nhiều thung lũng ngang (vallées latérales) mà danh từ địa phương thường gọi là‘trọt’ được cải biến thành ruộng lúa. Các đồi thấp thường có đỉnh bằng, sườn thoải và vì không xa vùng đồng bằng nên ‘thượng gia hạ điền’, đây là nơi được khai phá tích cực nhưng cũng là nơi dễ bị xói mòn nhiều nên lắm khi đồi trọc trơ sỏi đá với nhiều khe rảnh...
 
2.3.   Miền thềm phù sa cổ
Trong thời kỳ địa chất xa xưa, các đồng bằng Trị Thiên còn nằm dưới biển. Bằng chứng địa chất hùng hồn nhất là các dãy đá vôi Vân Xá, Long Thọ ở Thừa Thiên, Tân Lâm ở Quảng Trị hiện vẫn ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’. Đá vôi do các rạn san hô cổ tạo thành.
Đất phù sa cổ sinh là các bực thềm do sự rút lui của biển. Giai đoạn biển rút lui và hạ thấp xuống tạo nên những bực thềm này. Do quá trình biển tiến vào mài mòn đường bờ biển cổ nằm sát tận chân núi, nên khi biển rút đi tạo thành các thềm biển (terrasses marines) ở các cao độ khác nhau 40 m, 25 m, 20 m; càng ra gần biển thì các thềm biển cứ thấp dần và tuổi địa chất cũng trẻ dần.
Trong các thềm phù sa cổ, ở dưới lớp đất mặt luôn luôn có những cuội sỏi đang phong hóa. Thềm phù sa cổ lâu ngày đã bị tác động xâm thực gọt rũa, nhiều nơi có dạng lượn sóng và có nhiều sỏi laterit kết thành đá ong. Chính các tảng đá laterit này khi mới đào lên còn rất mềm có thể gọt rủa được nên người Chàm sử dụng để làm các tháp rải rác khắp nơi tại miền Trung; các laterit này khi khô trở nên cứng lại vì bị oxyt hóa.
 
2.4.   Miền đồng bằng bồi tích sông biển
Các đồng bằng đều là những châu thổ rộng hay hẹp của các dòng sông như sông Hương, sông Bồ, sông Thạch Hãn...; vì các dòng sông thường ngắn nên trầm tích phù sa đệ tứ kỷ khá mỏng, không giống như đồng bằng sông Cửu Long có bồi tích rất dày. Các trầm tích bồi lấp các vũng biển; các vũng biển này được tạo nên trong các giai đoạn biển tiến do băng hà thế giới tan hoặc do các dao động của các thời kỳ băng hà (période glaciaire) và tan băng (période interglaciaire) của kỷ thứ tư Pleistoxen.
            Vậy nền địa chất chủ yếu là bồi tích phù sa, vừa nguồn gốc sông, vừa nguồn gốc biển: nguồn gốc biển vì có những vật liệu thô của các dãy cồn cát lẫn lộn với các vỏ sò ốc biển. Nguồn gốc sông vì sông bào mòn các rặng núi Trường sơn gồm nhiều loại đá khác nhau (đá granit, đá bazan, đá vôi).
Ngoài hai nguồn gốc trên, các đồng bằng duyên hải miền Trung nói chung và đồng bằng Trị Thiên nói riêng lại vừa chịu ảnh hưởng các vật liệu feralit từ các vùng đồi di chuyển xuống; vì nhiều nguồn gốc nên trắc diện đất phức tạp.
 
2.5.   Miền các dãy đồi cát duyên hải, có nhan nhãn từ Vĩnh Linh của Quảng Trị đến Lăng Cô của Thừa Thiên. Các động cát rất cao vì bờ biển nằm thẳng góc với gió đông bắc và gió tây nam ngược chiều nhau. Các dãy đồi cát trắng này với nạn cát bay vào mùa hạ tạo nên sa mạc hóa.
 
2.6.   Miền đầm, hồ, đất sình lầy nằm kẹp giữa các dãy đồi cát duyên hải và đồng bằng phù sa. Dạng địa hình này không nối dài liên tục, còn gọi là cát nội đồng do sự di động của các cồn cát cắt ngang.
 
2.7.   Ven bờ biển có bãi triều lầy (tidal marsh), có rừng ngập mặn gồm những loại cây sú, vẹt, đước, vùng cửa sông (estuary), đầm phá (lagoon) ăn thông với biển phía ngoài qua một hay nhiều cửa như Cửa Thuận, cửa Tư Hiền là các cửa trước trận lụt lịch sử cuối 1999. Trong dạng địa mạo này, Thừa Thiên có phá Tam Giang. Phá Tam Giang rất dài vì chiều dài là 30 km và rộng từ 1 đến 6 km, có 3 sông chảy vào: sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Ở phía Nam, phá ăn thông với các đầm: Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú, Cầu Hai. Đầm Cầu Hai tỏa rộng dưới chân núi Bạch Mã (1444 m) ngắn và rộng thông thương với đầm (‘phá’) Tam Giang và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. Nhìn vào bản đồ, phá Tam Giang tương tự như một dòng sông, còn đầm Cầu Hai giống như một cái hồ lớn. Các đầm phá Cầu Hai, Tam Giang này, qua các trận lũ lụt cuối năm 1999, đã có thêm nhiều cửa biển nữa. Riêng phá Tam Giang-Cầu Hai này đã chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên và 30% dân số Thừa Thiên sống quanh vùng phá-đầm này.
 
3.   Khí hậu
Chế độ gió mùa đã tạo hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhưng Trị Thiên do địa hình và núi non nên mùa mưa trễ hơn các miền khác. Chẳng hạn, ngoài Bắc, trong Nam, mùa mưa khởi sự từ tháng 5-6 thì ở đây mãi đến tháng 9 mới mưa. Vũ lượng hàng năm trung bình 2500 mm, và 80% lượng mưa rơi tập trung vào các tháng 9 đến tháng 11. Chính trong các tháng này cũng thường có bão nhiệt đới phát xuất từ biển Đông (Phi Luật Tân) thổi vào gây thêm lũ lụt.
Vì dãy Trường Sơn chạy dài suốt phía Tây Trị Thiên nên ảnh hưởng đến sự khác biệt về khí hậu giữa phía đông và tây của rặng núi này: vào mùa hè, mùa mưa đã khởi sự từ tháng 5 ở Trường Sơn Tây trong khi phía Trường Sơn Đông thì gió Lào khô nóng gây nên nhiều bốc thoát hơi thực vật và giảm ẩm độ đất. Thực vậy, gió mùa Tây Nam thổi từ vịnh Bengale đến, sau khi trút hết mưa dọc theo các triền núi Trường Sơn phiá Tây (tức Ai Lao) sẽ tiếp tục lướt dọc về miền Đông rặng núi để trở thành khô nóng: đó là hiện tượng fơn (foehn).  
Miền đồng bằng, từ tháng giêng đến tháng 3 có gió mưa nhẹ lất phất, có sương muối, sau đó là nắng. Gió bắt đầu có ý nghĩa kinh tế khi vận tốc vượt quá 2m/giây và như vậy, cũng nên nghiên cứu sử dụng tài nguyên này để bơm nước, nhất là khi mùa gió Lào lại trùng với mùa khô cần nước để tưới rau, đậu, vườn cây.
Nhiệt độ trung bình ngày của mùa hè 280 C (những ngày nóng nhất, nhiệt độ lên đến 38-390 C), vào mùa đông, nhiệt độ trung bình ban ngày 200 C (hạ xuống còn 13-140 C vào ngày lạnh nhất).
 
4.   Tài nguyên nước
4.1.   Nước mặt
Vì đồng bằng Trị Thiên vừa nhỏ, lại vừa gần núi non nên các dòng sông không dài lắm, nếu ta so sánh với các dòng sông khác của miền Trung như sông Mã ở Thanh Hóa hay sông Thu Bồn ở Quảng Nam có một lưu vực rộng hơn nhiều. Tuy các dòng sông không dài, nhưng cũng có đoạn các dòng sông này tạo thành các khúc uốn (méandre), có bờ lồi, tức phía bồi và bờ lõm tức phía bị xâm thực. Vì các dòng sông trên không dài nên nước mưa, vốn tập trung vào vài tháng trong năm, dễ gây ra lụt, nhất là khi không có kinh rạch để xả bớt nước lũ. Mùa nắng thì nhiều đoạn trên sông có thể lội qua được. Nói khác đi, lượng nước mưa mùa lụt và lượng nước mưa mùa nắng (lưu lượng kiệt) chênh lệch nhau rất lớn. Nếu có các công trình giữ nước trên núi hay vùng gò đồi thì vào mùa kiệt mới có thêm nước sông để tưới ruộng và vào mùa mưa, bớt được lũ lụt ở hạ lưu.
            Ngoài ra, vì trên núi hiện nay còn lại rất ít rừng, nên nước mưa xâm thực trong phạm vi lưu vực các dòng sông trên đã đem theo cả sỏi đá lẫn cát bùn nên vào mùa lụt, các dòng sông trên rất đục. Như vậy, các cửa gần sông cũng như các hồ chứa nước, cũng dễ bị bít và cạn, phải nạo vét định kỳ.
 
4.2.   Nước ngầm
Về nước ngầm thì không phải chổ nào cũng có mà phân phối phụ thuộc vào một số yếu tố như địa hình, thủy văn, địa mạo, địa chất. Nước ngầm phong phú là ở vùng đồng bằng, ven các dòng sông.
Tầng chứa nước đầu tiên của nước ngầm có từ nguồn gốc Holocen, với tuổi địa chất từ vài ngàn năm trở lại, còn tầng nước chính nằm sâu hơn thì thuộc tuổi Pleistocen. Nước ngầm cũng có tại các cồn cát duyên hải. Đặc biệt, tại các đồi cát này, chỉ có thể khai thác nước ngầm từ từ, vì nếu bơm nước nhiều quá thì nước mặn sẽ vào thủy cấp và như vậy, không thể sử dụng cho nông nghiệp hay cho nước uống. Vùng đất đá vôi cũng có nhiều nước ngầm, nhưng dự trữ nước ở quá sâu vì đá vôi có nhiều khe nứt nên việc khai thác có phần khó khăn hơn. Dù sao, để tránh tình trạng mực nước ngầm (thủy cấp) tụt quá sâu trong lòng đất, vẫn phải tránh tình trạng phá rừng, vì rừng cây giúp các dòng nước tràn thấm sâu từ từ xuống đất giúp phong phú hóa nước ngầm.
 
4.3.   Khí hậu và tài nguyên nước
Gặp những năm hiện tượng El Nino xuất hiện tại các xứ Đông Nam Á trong đó cóViệt Nam thì lượng mưa thấp hơn trung bình và mùa mưa chấm dứt sớm hơn, do đó lưu lượng dòng chảy cũng thấp khiến nước mặn từ biển vào xâm nhập nước sông sâu hơn và mực nước các hồ chứa nước trên núi cũng thấp hơn so với những năm mưa nhiều. 
 
5.   Tài nguyên đất đai
Song song với các loại đá khác nhau, ta cũng gặp nhiều loại đất khác nhau: thực vậy, đất đai do tác động của sự hủy hoại đá. Có những đất được phân hóa tại chỗ như đất đỏ nhưng các loại đất phù sa cận đại cũng như cổ sinh là những loại đất được nước chuyên chở và dần dà lắng tụ xuống. Riêng đất phù sa, vì từ nhiều nguồn gốc nên sắc thái cũng rất đa dạng: có đất phù sa chảy qua các rặng núi đá vôi nên pH của các đất này khá cao; có đất phù sa do các rặng núi đá hoa cương phong hóa nên gồm nhiều vật liệu thô vì cứng.
 
5.1.   Đất phù sa cận đại (Fluvisols)
Đây là những đất bồi, men theo các dòng sông và được sử dụng để trồng lúa, cây ăn trái, rau v.v. Thông thường tại Trị Thiên, có 2 loại đất phù sa:
- đất phù sa chua (Dystric Fluvisols) , pH khoảng 5, độ bảo hoà bazơ nhỏ hơn 50%
- đất phù sa trung tính ít chua (Eutric Fluvisols ) pH 6-7 như gặp ở đồng bằng phù sa Vân Xá vì chịu ảnh hưởng đá vôi ngầm từ phía mỏ vôi Long Thọ.
Trên đất phù sa, ngoài lúa còn có cây ăn trái, rau đậu. Lúa là nông sản chính mà đã trồng lúa thì yếu tố nước là chính. Tùy theo ruộng cao, ruộng thấp mà các giống lúa cũng khác nhau:
- Lúa tháng 3 (tức lúa Đông Xuân), gieo sạ vào tháng 11 âm lịch và gặt vào tháng 3 âm lịch là lúc chưa có gió Lào khô nóng thổi đến. Năng suất lúa này tùy mức độ phì nhiêu của đất phù sa. 
- Lúa tháng 8 (tức lúa Hè Thu) gieo sạ vào tháng 4 âm lịch trên các chân ruộng thấp và gặt vào tháng 8 âm lịch, trước khi mùa lụt đến (thường vào tháng 9 âm lịch), do đó nông dân phải sử dụng các giống có chu kỳ sinh trưởng chỉ từ 90 đến 100 ngày.
- Lúa tháng 10 thường gieo trên các chân ruộng cao, và do đó chỉ phụ thuộc vào nước trời. Lúa tháng 10 gieo vãi khoảng tháng 4, 5 sau khi thu hoạch các hoa màu vụ Đông như bắp, đậu, khoai lang và gặt vào tháng 10 âm lịch. Năng suất lúa tháng 10 thấp hơn lúa tháng 8 vì không chủ động được nước tưới tiêu. Hiện nay, trong chiều hướng thâm canh, nông dân sử dụng các giống chu kỳ sinh trưởng ngắn, năng suất cao hơn nên sử dụng phân đạm rất nhiều so với phân lân và kali. Vì vậy, mất cân bằng nên làm đất suy thoái nhanh chóng. Thực vậy, phân đạm làm tăng lượng hút P, K lên.
Ngoài các chân ruộng làm được hai vụ lúa, cũng có các chân ruộng chỉ làm được một vụ lúa và một vụ màu (như đậu phụng, bắp…).
 
5.2.   Đất phù sa cổ sinh
Loại đất này có độ cao biến thiên 10-20 m; đặc biệt, trong trắc diện đất có nhiều cuội sỏi hoặc các vật liệu laterit. Thềm phù sa cổ thường bị xoi mòn gọt rũa nên nhiều nơi có dạng lượn sóng, và độ phì nhiêu thường kém. Đất phù sa cổ sinh thường dễ thoát nước, nghèo hơn phù sa cận đại và thường là nơi có làng mạc, trồng hoa màu phụ hoặc chỉ bỏ hoang vì sỏi laterit ngay mặt đất, thuộc nhóm Haplic Acrisols hoặc Plinthic Acrisols. Vì lớp laterit gần lớp đất mặt nên các loại đất này nghèo nàn và thảo mộc thiên nhiên phần lớn chỉ là những lùm bụi thấp với các loại sim, mua, móc, chủi rành, cỏ tranh. Trong địa mạo này, có các thung lũng ngang, gọi là ‘trọt’ thường dài và hẹp, ít thoát nước, mực nước ngầm gần mặt đất, thường trồng lúa nước và đất đai thuộc Gleyic Acrisols hoặc Dystric Gleysols.
 
5.3.   Đất mặn (Salic Fluvisols) nằm ven các vùng cửa biển.
 
5.4.   Đất feralit vàng đỏ trên macma axit là đất thường gặp tại các vùng đồi núi, giữa miền núi và miền đồng bằng, trên những loại đá axit: sa thạch, đá hoa cương, phiến thạch... và trong điều kiện khí hậu mưa nhiều. Vì đốn rừng bừa bãi nên sự xói mòn trên các triền dốc đất này khá mạnh và hiện nay có nhiều lớp laterit gần mặt đất.        
        
5.5.   Đất cát trên cồn cát duyên hải hạn (Arenosols), thì vừa khô vừa nghèo nàn. Trong nhóm này, có thể kể các đất cồn cát trắng vàng, thường có nơi cồn cát khá cao (Hải Lăng), có nơi còn tình trạng di động, có nơi chảy theo suối cát vào đồng lấp đất trồng hoa màu (Vĩnh Linh) và các đất cát biển ở địa hình bằng, do sự bồi lắng phù sa và tham gia của quá trình lấn biển, tạo thành các dãy rộng hẹp khác nhau, có pha vỏ trai, vỏ ốc...Vì gió mạnh nên nhiều đồi cát ở Quảng Trị từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng lấn vào đất liền, gây nên sa mạc hóa.
 
5.6.   Đất núi chiếm suốt vùng biên giới Lào-Việt và là nơi du canh của người Thượng, thường bị hạn chế vì đất dốc, dễ xói mòn, lớp đất mặt thường nông cạn.
Ngoài những loại đất vừa kể có thể gặp ở các đồng bằng khác miền Trung thì riêng tỉnh Quảng Trị có thêm các đất đỏ do đá bazan, gặp ở Cam Lộ (vùng Cùa), Gio Linh và Vĩnh Linh. Đây là những loại đất khá phì nhiêu vì trắc diện sâu và đất tơi, khiến hệ thống rễ có thể đi sâu xuống các tầng đất làm cho dòng nước mưa có thể theo rễ cây và xuống sâu được nên đào giếng sâu chừng 100 m là có nguồn nước ngọt dồi dào. Hiện nay, trên đất đỏ, có các cây kỷ nghệ lâu năm sau đây: cà phê, tiêu và thơm.
 
6.   Các vấn đề của tài nguyên đất
 
6.1.   Miền núi và gò đồi 
Trước hết là nạn xói mòn (erosion) và rữa trôi (leaching) trong mùa mưa. Đất dốc vùng núi rất nhiều. Xói mòn phụ thuộc vào nhiều thông số như chiều dài của độ dốc, độ dốc nhẹ hay nặng (trên 25%), độ che phủ thực vật. Xói mòn trên các lưu vực sẽ làm các hồ chứa nước bị lắng tụ rất nhanh và làm lòng sông cạn dần, khiến lưu lượng nước chảy ít đi. Sau đó là nạn hoang hóa. Các gò đồi nay trơ sỏi đá rất nhiều nhưng trước kia là rừng; rừng xưa kia rất đa dạng về chủng loại như cây lim, kiền kiền, cây gió (trầm hương), tre, nứa, mây v.v. Những địa danh vẫn còn tồn tại đã ghi lại điều đó như Khe Mây vì quanh đó có nhiều mây, Khe Cầu Lim, vì xưa kia có nhiều lim, Khe Gió v.v.. Phá rừng làm đất mặt bị trôi chảy hết, chỉ còn lại lớp đất sâu với sỏi laterit trên đất mặt không trồng trọt được, ngoại trừ vài lùm bụi thưa thớt với cây sim, cây mua, cây chà là v.v.
 
6.2.   Miền đồng bằng có các vấn nạn sau đây:
  • Nạn sa mạc hóa (desertification). Nhìn các đồi cát trắng mênh mông ở Phong Điền, Quảng Điền, tưởng chừng ta đang ở Mauritanie! Thực vậy, cát bay đã khiến nhiều ruộng vườn bị cát che lấp; nếu không cố định bằng các thảo mộc như dứa dại (Pandanus) hay filao (Casuarina) sẽ gây tai hại đến môi trường sinh thái các làng duyên hải. Chính vì cát bay, nên diện tích đất nông nghiệp bị giảm đi mỗi ngày và chi phối đến cảnh nghèo đói các quận như Quảng Điền, Phong Điền.
 
  • Nạn bờ biển bị xâm thực: bờ biển Thừa Thiên bị ít đi từng ngày: với chỉ một trận lụt cuối 1999 và các trận lũ trong năm 2000 đã làm hàng chục cột đèn điện, hàng trăm mét đường dọc bờ biển Thuận An bị nhận chìm và cuốn trôi ra biển. Bãi cát trên bờ trước kia rộng 300-400 m, nhưng ngày nay, sau một thời gian bị xâm thực, bờ biển gần như bị xoá sổ trên bản đồ; nhiều nhà trước đây xa mép nước biển hàng trăm mét thì nay nước biển đã mấp mé chân tường. Bờ biển thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà nằm phía bắc thị trấn Thuận An: biển xâm thực với chiều dài hơn 1500 m, sâu vào đất liền cả gần 200 m; nhiều đồi cát cao hơn 20 m xem như con đê an toàn bảo vệ cho ngư dân nay nước biển cũng xâm thực. Cột hải đăng Thuận An có nguy cơ bị sập đổ vì chỉ còn cách mép nước khoảng 4 m. Sóng biển xâm thực theo sau trận hồng thủy cuối 1999 cũng đã mở ra thêm 2 cửa biển mới nên hàng trăm mẫu ruộng ở Bàu Ô ngập sâu trong nước mặn. Nhiều nơi phải dời nhà.
 
  • Nạn sụp lở bờ sông: nạo vét sạn quá sức lòng sông với những phương pháp máy nổ hút cát sạn sẽ làm cho lòng sông Hương sâu xuống, tạo thành nhiều vực nguy hiểm và gây cảnh sụp lở nghiêm trọng làm cho nhiều vườn tược ven sông sẽ đổ xuống dòng sông. Chân bến bị khoét nên nhiều bến nước bên bờ sông là chỗ người dân sinh hoạt sẽ không sử dụng được. Như vậy nhiều đập chắn cũng có thể bị vỡ, nguy hiểm tính mạng dân chúng.
 
Tóm tắt: Đất đai Trị Thiên bị thoái hóa do 4 tác nhân sau đây:
- do nước ( xói mòn, sụp lở, bờ biển bị xâm thực),
- do gió (đồi cát bị gió bay gây sa mạc hóa),
- do hóa học (mặn hóa; mất dưỡng liệu hay chất hữu cơ ),
- do lý học (đất dốc, địa hình núi cao, vực thẳm, do bị nén cứng (soil compaction) vì trâu bò dẫm chân quá tải.
Tùy địa phương, tùy vùng, các tác nhân trên gây thiệt hại nhẹ hay nặng.
 
7.   Các vấn đề của tài nguyên nước
 
7.1.   Nạn lũ lụt
Trời hành cơn lụt mỗi năm... Các dòng sông chảy qua Trị Thiên thường ngắn và có một lưu vực hẹp. Do đó, nước sông lên rất nhanh. Mùa lụt đi sát với mùa mưa lớn, vào tháng 11, cùng với các trận bão nhiệt đới thổi từ Thái Bình Dương; nông dân Trị Thiên có nhiều nỗi lo: lo tháng tư lũ tiểu mãn về, lo tháng bảy ‘nước nhảy lên bờ’, lo tháng mười ‘ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt hai ba tháng mười’.
Vì lưu vực các dòng sông thường nhỏ và độ dốc lưu vực rất lớn nên mưa xuống làm nước mưa dâng cao rất nhanh. Lũ lụt thường đến bất thình lình và thay đổi tùy năm. Có lúc mưa bão gây ra một lượng mưa rất lớn, có thể vài trăm mm trong 24 giờ. Ảnh hưởng của dãy núi cũng gây ảnh hưởng. Một phần thì rặng núi gần đồng bằng, mặt khác, núi có triền dốc rất lớn, nên vận tốc của dòng chảy cũng rất mạnh.
Trị Thiên năm nào cũng có lụt, lụt lớn, lụt nhỏ, lụt sớm, lụt muộn.
- lụt đầu mùa (vào tháng 5) có thể làm hư hại lúa tháng 3 còn gọi là lúa Đông Xuân sắp gặt, hư hại hoa màu như đậu phụng, ớt, bắp.
- lụt trễ thì làm hư hại lúa tháng 3 mới gieo.
- lụt nho thì các xã vùng trũng bị ngập trước.
- lụt lớn thì ruộng cao cũng bị hư, chưa nói đến ao nuôi cá bị vỡ trôi, đê bao bị vỡ hoặc bị sạt lở, nhà cửa bị cuốn phăng ra biển, mở thêm các cửa biển như trận lụt cuối năm 1999 đã chứng tỏ: cường độ bão lụt đã tạo thêm cửa biển mới và hiện nay, nước biển ra vào đầm phá Tam Giang-Cầu Hai qua 5 cửa, còn trước đó chỉ phần lớn qua cửa Thuận An và Tư Hiền. Các hệ đê bao, đê biển đều bị phá hủy, làm đảo lộn môi trường sinh thái quanh vùng.
 
7.2.   Ô nhiễm nước
Nhu cầu nước càng ngày càng nhiều vì dân số tăng, tạo thêm nhu cầu nước sinh hoạt, nước nông nghiệp, nước kỹ nghệ. Ngoài ra, chất lượng nước cũng cần theo dõi vì ô nhiễm nước ngầm cũng là vấn đề đáng quan tâm vì mọi hoá chất dù phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật cuối cùng cũng xuống chỗ thấp, nghĩa là nước, tác động trên nhiều bệnh đường ruột. Riêng về thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ chuột, trừ cỏ) thì sử dụng tràn lan, không theo qui trình kỹ thuật về liều lượng, về thời gian cách ly, bán thuốc ngoài danh mục nên không những gây ngộ độc cho người mà còn cho thủy sản. 
 
7.3.   Nước mặn vào sông
Vì một mặt lưu lượng các dòng sông vào mùa nắng không nhiều và mặt khác thì nhu cầu tưới nước cho hoa màu cũng lớn nên nước biển xâm nhập sâu lên thượng nguồn. Đầu tháng 5, nước sông Hương tại cầu Cồn Hến, cách nhà máy nước Giã Viên 3,8 km là 117,5 mg NaCl/l (trên 100 mg NaCl/l nước đã có vị mặn và ảnh hưởng đến nước sinh hoạt)
 
8.   Thế nào là 5 O trong vấn nạn môi trường Trị Thiên?       

8.1. Overpopulation
Dân số càng ngày càng đông thì nẩy sinh ra một số nhu cầu căn bản: nhu cầu về chất đốt , về gổ xây cất, về trường học, về tạo công việc làm, chưa kể các vấn đề môi sinh ở các đô thị như tiếng động, bụi bặm, chất thải, ô nhiễm nguồn nước uống. Người dân Trị Thiên phải đi xa kiếm sống: Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài gòn, Bình Phước. Vì quỹ đất canh tác có tính cách cố định, nên diện tích đất dành cho người nông dân càng ngày càng nhỏ, gây thêm đói nghèo. Sự gia tăng dân số quá nhanh (Overpopulation) gây ra nhiều hệ quả như sau:
- Nghèo đói, suy dinh dưỡng nhất là trên các trẻ em (Undernutrition).
- Thất học nhiều, nhất là vùng nông thôn (Undereducation), không đủ ăn, thiếu dinh dưỡng thì làm sao tập trung trí óc vào việc học được.
- Diện tích canh tác nhỏ dần kéo theo tình trạng khiếm dụng nhân công (Underemployment) đang xảy ra ở thôn quê: phần lớn hiện nay chỉ làm việc dưới 200 ngày trong một năm; thời gian rảnh rổi được thi vị hóa dưới danh từ nông nhàn thì ăn nhậu say sưa.
- Thành phần trẻ trong dân số rất cao, áp lực mỗi năm trên thị trường nhân công đè nặng, nhiều thất nghiệp (Unemployment).
Tóm lại một O đẻ ra đến 4 U!
 
8.2.   Overcutting (phá rừng)
Miền rừng núi Trị Thiên xưa kia có nhiều đa dạng sinh học do sự giao tiếp của thực vật cả miền Bắc (khu vực thực vật Nam Hoa và Hi mã lạp sơn) lẫn miền Nam (khu vực thực vật Nam Á) nên chứa đựng một qũy gen rất phong phú và đa dạng, giúp cho sự cải thiện các giống thực vật. Ngày nay, vì áp lực dân số, nhiều rừng miền núi bị đốn cây toàn bộ, cả cây lớn lẫn cây con nên rừng bị hủy diệt không còn có cây mẹ để tái sinh được. Phá rừng như vậy dẫn đến xói mòn, dẫn đến sự giảm bớt đa dạng sinh vật. Rừng đầu nguồn bị phá thì gây nên nhiều hậu quả miền hạ lưu: nào là đập nước bị vơi nước dần, nào là kinh mương bị sét, bùn lắng đọng nên vận tốc dòng chảy bị chậm lại, nào là nước mặn xâm nhập vào nội địa sâu hơn và sớm hơn: sâu hơn vì sông ngòi không đủ nước để đẩy nước mặn đi xa hơn và sớm hơn vì nước mặn tràn vào ngay từ bắt đầu mùa nắng, khi mùa mưa mới chấm dứt.
 
8.3.   Overgrazing/ Overstocking (đồng cỏ quá sức tải)
Bò và dê lang thang từ vùng này sang vùng khác kiếm cỏ nhưng khi quá tải sức chứa của hệ sinh thái thì làm đất chai cứng lại, rồi cỏ cũng không mọc lên được, xoi mòn lại thêm một phen tàn phá. Đó là chưa kể thả dê vì loài dê gậm cả đọt non của thực vật khiến thực vật không có cơ mọc và phát triển được.
 
8.4.   Overhunting (săn bắn quá mức)
Săn lậu để kiếm thịt rừng, bẫy thú lấy sản phẩm xuất cảng sang Trung Hoa qua các cửa khẩu miền Bắc làm thú hoang càng ngày càng có nguy cơ bị diệt vong, thay vì săn bắn thú rừng đúng mức và đúng mùa.
 
8.5.   Overpumping (bơm nước quá mức)
Nếu ta bơm nước ngầm quá sức luân lưu của dòng chảy, quá khả năng tiếp tế của nước mưa thì nước mặn sẽ tràn sâu hơn vào nội địa: ngày nay, rất nhiều dòng sông miền này bị nước mặn lên sâu hơn, khiến nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn thất thu; tóm lại cái gì quá tải với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ phản ứng lại. Bơm nước ngọt quá nhiều trên sông, vượt quá sức tái tạo của nguồn nước để tưới ruộng cũng đem lại hậu quả tương tự. Sự an toàn lương thực đòi hỏi tài nguyên nhiều hơn, trong khi nguồn nước là một vấn đề nan giải vì nước sinh hoạt, nước trồng tiả, nước dùng trong kỹ nghệ, nhà máy có giới hạn của nó.
 
9.   Thế nào là 5 C trong vấn đề quản trị môi trường?
Muốn giảm đi các hậu quả tiêu cực trên, cần có các giải pháp sau:
 
9.1.   Population control (Birth Control) tức khống chế sinh đẻ
Sự khống chế sinh đẻ giúp điều hòa dân số đến một mức kiểm soát được; ở thôn quê Việt Nam ngày nay, dân chúng vẫn không ý thức hoặc không có phương tiện để điều hòa sinh sản; dân số càng tăng thì áp lực trên môi sinh càng nặng.
 
9.2.   Cutting control tức tránh nạn phá rừng
 Phải kiểm soát nạn phá rừng bừa bãi. Chỉ có thể đốn các cây già và đã đạt tới một kích thước thương mãi. Phải kiểm soát nạn lửa rừng. Để tránh nạn đốn củi trên rừng, cần phổ biến cách sử dụng khí sinh học (biogas): phân heo, phân bò còn tươi có thể sử dụng để tạo khí sinh học, vì khí sinh học chủ yếu là mêtan dùng để nấu ăn, như vậy đỡ cần đi đốn củi hư rừng mà lại khỏi hôi hám. Hiện nay, khí sinh học đã được sử dụng nhiều ở Ấn Độ, Trung Hoa. Chất bả thải, sau quá trình tạo khí sinh học, còn được sử dụng trong ruộng làm phân bón, không có mùi và không làm ô nhiễm môi trường. Các trại nuôi bò heo, các trường học, các khu đông dân, ngay cả các chủ hộ cũng có thể thực thi các công trình khí sinh học này. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã khai thác nhiều khí đốt ở Biển Đông, nếu sử dụng khí đốt thiên nhiên để nấu ăn, sẽ tiết kiệm được nhiều gỗ củi.
 
9.3   Grazing control
Thay vì thả trâu, bò, dê lang thang dẫm chân quá tải (overstocking) lên đồng cỏ, cần phải có kế hoạch di chuyển theo một chu kỳ nhất định để các đồng cỏ có thể tái tạo trước khi để súc vật trở lại. Không thể để súc vật vào các khu mới trồng lại rừng, vì trâu bò sẽ ăn luôn cây con mới trồng.
 
9.4.   Hunting control (kiểm soát săn bắn)
Phải có giấy phép săn bắn và giới hạn khu vực săn bắn cũng như không được săn bắn các loài thú hiếm và tránh săn bắn vào các mùa chúng sinh đẻ.
 
9.5.   Pumping control (kiểm soát bơm nước quá tải)
Không bơm nước nhiều khiến làm sụt mặt nước ngầm quá mức để nước mặn vào nội địa sâu hơn hoặc là tạo dựng thêm nhiều hồ nhân tạo trên đồi núi Trường Sơn để trữ nước ngọt vào mùa mưa và xả nước đó dần dần vào mùa nắng để tưới những loại hoa màu không cần nhiều nước như đậu phụng, đậu nành để tiết kiệm nước, hầu tránh các ảnh hưởng tiêu cực của sự lạm thác nước.
 
10.   Thiết lập một hệ thÔNG TIN địa lÝ (Geographical Information system)
Các điều kiện môi trường như đất, nước, rừng, lưu vực, cần được nghiên cứu thêm trong chi tiết bằng cách thiết lập các trạm đo, các trạm nghiên cứu vì các số liệu về khí hậu, độ dốc, thảm thực vật, phì nhiêu, sử dụng đất đai như vậy sẽ rất có ích cho một cơ sở dữ liệu (data base), từ đó sử dụng hệ thông tin địa lý (geographical information systems). Với phần mềm (software) của chương trình, ta có thể truy cập, lồng ghép, cải biên, biến đổi, tạo bản đồ mới theo từng chủ đề (carte thématique), tiết kiệm thời gian tìm tòi và liên kết các số liệu, nói nôm na, là với ngân hàng dữ liệu, ta có thể ‘xào nấu’ lại để tìm những thông tin mới. Một hệ thông tin địa lý như vậy được luôn luôn cập nhật hóa sẽ giúp tư vấn về mọi vấn đề sử dụng đất đai, từ sổ địa bộ cho đến quy hoạch đô thị, chuyên chở, hạ tầng cơ sở, trồng rừng, chống cát bay.
Nên mã số hóa (digitalize) các bản đồ trên. Nói khác đi, phải áp dụng công nghệ thông tin (information technology) trong vấn đề chỉnh trang, hoạch định.
 

 

Như vậy trong một hệ thông tin địa lý các dữ liệu (ví dụ: đất dai, độ dốc, độ xói mòn, thảm thực vật, độ dày của phẫu diện, lượng mưa, đường cao độ v.v.) được chuyển đổi thành dạng số (digitalize) và nhập vào, lưu trữ lại. Sử dụng hệ thống thông tin địa lý giúp ta có thể dễ dàng chồng xếp các bản đồ như đất đai, độ dốc, lượng mưa, độ sâu tầng đất, thảm thực vật để có các bản đồ tổng hợp. Các không ảnh hoặc các ảnh viễn thám (remote sensing) giúp ta có những thông tin rời rạc, còn hệ thông tin địa lý GIS giúp liên kết lại thành một hệ thống nên dễ quản lý và giúp so sánh được, tính toán được, phân tích được, tổng hợp được. 
 
11.   Định hướng sử dụng đất
Tài nguyên đất thì có hạn nhưng nhu cầu con người thì vô hạn nên tài nguyên đất phải được sử dụng theo hướng bền vững, đem lại lợi ích tối đa. Vài ví dụ cụ thể: không dùng đất phì nhiêu vào sự xây dựng nhà cửa, sân golf; dẹp bớt hệ thống nương rẫy du canh, bớt đất nghĩa trang mà tăng hỏa táng; tăng độ phì nhiêu cho đất hoang để cải thiện năng suất thực vật. Sau đây là vài chi tiết:
  • Trên các gò đồi với các đất feralít vàng đỏ rất nghèo nàn, nên trồng những cây phân xanh kháng hạn (Desmodium, Pueraria, Mucuna), có tính cách bao phủ đất để vừa có được nhiều chất mùn trong đất, vừa tạo một sinh khối tươi nuôi bò. Ngoài các loại cây này, có thể trồng các loại cây rừng sinh trưởng nhanh như soan Ấn Độ (Azadirachta indica) rất kháng hạn và chịu được đất nghèo nàn. Nuôi bò chú trọng vào phẩm hơn lượng và phải quản lý các trảng cỏ sao cho số lượng trâu bò không quá sức tái sinh của cỏ, làm đất chóng xói mòn thêm.
  • Trên các chân đất cao, nhiều cát ít giữ nước, cần trồng những cây ít cần nước như đậu phụng, đậu triều (Cajanus cajan), và nên lập các cơ sở hạ tầng như nhà máy ép dầu đậu phụng tại chỗ thay vì xuất cảng đậu phụng hột.
  • Tại các cồn cát duyên hải, nên trồng cây phi lao (Casuarina), trồng dứa dại (Pandanus sp), trồng dừa với những băng cây xanh như đậu triều (Cajanus cajan), ở giữa các hàng dừa để chống nạn cát bay.
  • Tại miền đồng bằng, bớt diện tích trồng lúa để tiết giảm nhu cầu nước. Trên các đất nào gần nguồn cung cấp nước, có khả năng trồng rau cải hàng hóa (hành, tỏi, các loại cải ...) sử dụng máy bơm từ các giếng cạn; trên các phù sa cận đại, có thể trồng các loại cây ăn trái như vải thiều, nhãn Thái Lan.
  • Trên đất mặn ven phá: nuôi tôm các vị trí thuận lợi ven phá, nuôi các thủy sản như cá, cua. Tùy vị trí, làm đê ngăn mặn, giữ ngọt.
  • Tại các địa điểm thuận tiện về mặt địa hình, nên thiết lập thêm các hồ chứa nước. Các hồ này giúp giảm bớt nạn lụt ở hạ lưu, giúp tăng thêm lưu lượng nước cho sông ngòi vào mùa nắng để có đủ nước tưới cho miền đồng bằng.
  • Trên đất dốc: Dãy núi Trường Sơn liên hệ chặt chẻ với miền đồng bằng duyên hải vì sự tàn phá môi sinh trên núi ảnh hưởng tại hạ lưu, do đó muốn có sự phát triển bền vững, cần trùng tu, bảo vệ môi sinh của rặng núi này, có thế mới có sự phát triển lâu bền miền hạ lưu. Cụ thể là:
  • Tại các ven suối, khe miền núi có ẩm độ mát nên trồng chuối plantain thường gặp ở Cuba, Haiti v.v. Chuối này có thể luộc được, chiên được. Cây chuối giữ được đất chống xói mòn và dưới cây chuối có thể trồng những cây như môn, cà phê, gừng... 
  • Trên các triền dốc trung bình (từ 10 đến 35%), sau khi khai hoang thì đất loại này mất chất hữu cơ nên khả năng giữ dinh dưỡng của đất sẽ không cao. Chất hữu cơ giảm sẽ kéo theo một loạt suy thoái: suy thoái về dung tích hấp thu (cation exchange capacity), về đạm, về cacbon. Nên trồng các cây kỹ nghệ lâu năm, có hệ thống rễ ăn sâu vào đất như cà phê, trà, cây ăn trái.
  • Tại các triền dốc mạnh thì tuyệt đối phải trồng rừng hỗn hợp (bạch đàn, soan, Acacia...) để vừa có gổ cung cấp nhanh chóng, vừa bảo vệ đất. Các loại đất dốc thường nghèo dinh dưỡng, chua, nghèo đạm, lân và kali dễ tiêu. Cần tạo băng chắn cây xanh bảo vệ đất dốc, giảm độ dốc để chống xói mòn và rửa trôi, cải thiện độ phì nhiêu đất dốc, nông lâm kết hợp, tăng ẩm độ. Giúp các xã lân cận rừng bảo vệ rừng bằng cách giao đất cho xã tự lo liệu lấy việc quản trị bền vững vì ‘cha chung không ai khóc’. Thông nhựa Pinus merkusii là cây rừng trồng được trên gò đồi núi thấp trên đất này, dù đất thoái hóa mạnh, đồi trọc (Thiên An, Núi Ngự). Nhược điểm của rừng thông thuần loại là dễ cháy, dễ bị dịch sâu bệnh, nhất là dịch sâu róm thông và ong cắn lá. Nên có nông lâm kết hợp, cộng thêm các biện pháp công trình (bực thềm, hố) và biện pháp sinh học (băng cây, trồng cây đậu phủ đất làm phân xanh…). Nhưng nếu chỉ bảo vệ đất không thôi thì cũng chỉ mới là biện pháp sơ khởi vì mới cải thiện phần hữu cơ do đó vẫn cần bón thêm phân vô cơ (hóa học) trên các cây đa niên, rễ sâu. 
  • Miền cửa biển, vũng, hải đảo nhỏ. Nghiên cứu khả năng đóng tàu đánh cá để tăng khả năng đánh cá xa bờ vì các thuyền đánh cá hiện nay chỉ quanh quẩn đánh gần bờ vì quá nhỏ, ra xa, dễ bị các ảnh hưởng thời tiết như bão.
  • Trên đất phù sa: Vì đây là vùng đất có nhiều tiềm năng sản xuất thực phẩm cao độ, nên cần lập các bản đồ đất đai trong chi tiết vì nhờ vậy, mới có thể bón phân hóa học chính xác được, giúp bớt ô nhiễm đất và nước. Thực vậy, bón phân thái quá cũng không phát huy hiệu quả tốt mà lại tốn nhiều tiền. Bón phân hóa học cân đối nghĩa là không chỉ sử dụng quá nhiều đạm và lân mà còn chú trọng thêm phân kali và các vi lượng (oligoelements). Tăng cường phân hữu cơ và tận dụng các phân mục (compost) từ rác rến trong thành phố và các thị trấn.
  • Giảm đất nghĩa trang: Càng ngày đất càng hiếm nên nhiều nước trước có nghĩa trang nhưng nay sử dụng hỏa táng, dù có theo Công Giáo như Pháp, theo Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc cũng đốt thay vì chôn. Dĩ nhiên các xứ theo Phật giáo Tiểu Thừa như Lào, Miên, Miến Điện hoặc các xứ theo Ấn giáo như Ấn, Nepal thì hỏa táng là văn hóa của họ rồi. Miền Trị Thiên cũng nên ứng dụng hỏa táng để tiết kiệm đất trong tương lai.
 
12.   Vài đường hướng phát triển trong thời đại toàn cầu hóa
Trong thời đại toàn cầu hóa, các hoạt động phi nông nghiệp phải được chú trọng nhiều hơn. Đây là hướng đi trong tương lai, vì Trị Thiên có tiềm năng nông nghiệp quá hẹp. Theo đà đô thị hóa và tăng gia dân số, nhịp độ chuyển từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng (đất nhà ở, đất trường học ...) ngày một nhanh do đó, tỷ lệ đất nông nghiệp cũng sẽ giảm nhanh, kéo theo sự sút giảm diện tích canh tác cho mỗi lao động nông nghiệp. Như vậy, các dịch vụ như tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, chuyên chở cũng như thương mãi giúp giảm áp lực dân số trên đất trồng trọt. Nông dân không đất nên giúp phương tiện, đào tạo ngành nghề để họ chuyển sang khu vực kinh tế ngoài nông nghiệp; riêng giáo dục đại học rất cần thiết để thực hiện các dịch vụ cao như:
- Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Với toàn cầu hóa, thương mại gia tăng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều, khiến nhu cầu chuyên viên tài chính, chứng khoán, mua bán bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm sẽ gia tăng và giúp các sinh viên các ngành này có nhiều cơ hội tìm việc làm.
- Công nghệ thông tin đòi hỏi các chuyên gia cần cù, tỉ mỉ mà người dân các tỉnh miền Trung có nhiều đức tính đó cho nên cần tận dụng khía cạnh nhân văn này.
- Du lịch: Vùng duyên hải Trị Thiên có nhiều tiềm năng du lịch vì vừa có đồi cát, vừa có các phá (lagune) phía sau các đồi cát, một địa mạo tương tự như địa điểm du lịch Cancun nổi tiếng của Mexico.     
Ngay từ thời Pháp thuộc, Quảng Trị đã nổi tiếng với bãi biển Cửa Tùng. Các học sinh Quảng Trị trong thời đệ nhị thế chiến đã có cơ hội đi nghỉ hè trên bãi bể này, cũng như các học sinh ở Lào, vốn là một nước không ăn thông ra biển nên được chính quyền cho đi nghỉ hè tại biển này luôn; ngày nay các hạ tầng cơ sở chắc đã hủy nát, chỉ cần trùng tu và phát triển thêm để hấp dẫn du khách. Từ Lăng Cô đến Cửa Thuận cũng có nhiều bãi biển có tiềm năng du lịch.
            Trị Thiên gần Lào và gần miền Bắc Thái Lan và với cây cầu ở Mukdahan trên hành lang Đông-Tây tại Savannakhet nên có nhiều cơ hội cho các du lịch tập thể của các du khách Ai Lao và Thái Lan. Du khách miền Đông Bắc Thái, thay vì phải đi xuống miền Nam tận bờ biển Bangkok vốn đã quá sức tải nên có thể đi tắm biển gần hơn. Đó là một lợi thế so sánh, cạnh tranh được trong toàn cầu hóa.
Vùng Trị Thiên cũng có tiềm năng trong du lịch sinh thái ở những vùng rừng núi, qua suối, qua khe, nhìn thác nước, nhìn trăng lên ở miền núi.
- Kỹ nghệ đóng đồ mộc vì Trị Thiên gần rừng (với điều kiện đừng phá rừng!).
- Giao thông vận tải dọc hành lang Đông-Tây: Trị Thiên là cửa ngỏ đến các xứ thuộc ASEAN gần nhất xuyên qua đường số 9 vì xa lộ này sẽ xuyên qua Thái Lan đến hải cảng ở Miến Điện rất nhanh chóng, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Các kỹ nghệ vận tải này kéo theo một loạt các dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm như trạm xăng, sửa xe hơi, tiệm buôn hàng hóa, tiệm duty-free ở cửa khẩu Lao Bảo, dành cho các du khách, trước khi vào Lào.
            Nếu các hoạt động trên phối hợp nhịp nhàng, cộng thêm một kế hoạch ổn định dân số thì miền đất cày lên sỏi đá mới có thể vượt qua sự nghèo đói triền miên.
 
13.   Kết luận
Không thể chối cãi rằng hiện nay, tài nguyên đất, nước và rừng của Trị Thiên bị nhiều chấn thương quan trọng do nhiều yếu tố; ngoài yếu tố thiên tai, con người đã tác động xấu đến môi trường do sức ép dân số nên sự cân bằng sinh thái bị đảo lộn, trên núi với hiện tượng xói mòn, duyên hải với sa mạc hóa, đồng bằng với nhiễm mặn. Đất hẹp, người đông mà nếu đất không được sử dụng hợp lý thì con người tự làm hại đến mình: đất thoái hóa thêm, nghèo thêm.
Cải thiện môi trường đòi hỏi một tiếp cận sinh hệ, xem môi trường như một hệ thống gồm nhiều yếu tố có tương quan lẫn nhau; cái này dẫn đến cái kia, do đó muốn cải thiện môi trường, phải tác động lên toàn bộ và đồng thời mới có hiệu năng. Tiếp cận sinh hệ nhằm bảo vệ và ngăn ngừa các hậu quả tai hại trước khi hậu quả xấu xảy ra và không phải chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là sản xuất mà còn phải kết hợp với các chức năng khác như giải trí ngoài trời, du lịch sinh thái, bảo vệ chất đẹp, chất thơ, chất hồn, nhưng cũng quan tâm đến nhu cầu kinh tế chính đáng của các cộng đồng sống quanh hệ sinh thái, nói khác đi, khai thác tiềm năng phát triển của Trị Thiên, là vừa khai thác khoa học tài nguyên thiên nhiên trên các miền đất đai khác nhau, vừa tôn trọng cân bằng sinh thái, có như vậy mới có sự phát triển lâu bền.
Tác động toàn bộ có nghĩa cụ thể từ giáo dục để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đến sinh đẻ có kế hoạch, từ quản trị lưu vực trên núi đến ngăn sa mạc hóa dưới đồng bằng, tóm lại phải làm đẹp cả hai loại môi trường là môi trường cảnh quan thiên nhiên và môi trường cảnh quan văn hóa. Chỉ khi mà cả hai loại môi trường thiên nhiên và sinh thái nhân văn này được hài hòa, hài hòa giữa rừng và núi, giữa núi và sông, giữa người và đất, giữa đồng bằng và núi thẳm thì con người mới thăng hoa trong cuộc sống nghĩa là tiến bộ về vật chất và an bình trong tâm hồn.
Hiện tại và tương lai con người tùy thuộc vào sự bảo vệ tài nguyên vì giừa con người và thiên nhiên có các tác động qua lại; liên kết lợi ích con người và quan tâm đến môi sinh đó là phương cách hợp lý nhất để bảo vệ thiên nhiên; bằng cách đó, mỗi người cảm thấy có ý thức trách nhiệm về tài nguyên thiên nhiên và việc sử dụng đúng đắn.
             Sự phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự hài hòa giữa 3 vấn đề sau đây: kinh tế, xã hội, môi sinh. Thực vậy, phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm, nhưng phải tái tạo môi sinh như trồng cây chận làn cát bay, chận xâm thực, khai thác phần lời chứ không đụng chạm vào phần vốn của tài nguyên thiên nhiên; trong khi phát triển kinh tế, thì không quên các nan đề xã hội như giáo dục, y tế, cách biệt quá đáng giữa giàu và nghèo.

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851934 visitors (2209495 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free