TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tết xưa
 
Lên mạng ngày Mồng Một Tết Nhâm Thìn (23/1/2012)

Lời tòa soạn: Người xông đất đầu năm trang nhà NLS Cần Thơ  là KS Mong Phước Minh. Chúng tôi cầu Mong năm mới mang nhiều Phước lành và ai ai cũng đều Minh mẫn, tráng kiện.

TẾT XƯA
 
Ngày xưa khi còn bé, tôi sống ở quê, chợ Vàm Cống, thuộc quận Lấp vò, tỉnh Sa đéc; Tết của bọn trẻ trong làng bắt đầu từ khoảng mùng 10 tháng Chạp lận! Khi ấy, những ngày này đã có tiếng đì đùng của pháo tiễu, tiếng lốp bốp của pháo kim, lâu lâu xen lẫn tiếng nổ ầm của ống lói, làm bằng thân cây đu đủ hoặc tre già, phía gần gốc có khoét một lỗ nhỏ để châm lửa, đốt cháy hơi acetylene sinh ra từ khí đá khi gặp nước và phát nổ. Thường thì sau nhiều lần bắn, khẩu “pháo đu đủ” cũng banh xác theo.





 
Tôi thì được Ba làm cho một cây gậy, đầu có gắn một xú-páp lấy từ ruột xe đạp hư ,  với que căm xe làm cò mổ ém thuốc pháo là chất phốt pho đỏ đầu que diêm và Đùng!!! sau một cú dộng mạnh. Thật ra ,  trẻ con bọn mình ai lại chẳng biết cách làm cây gậy sắm sét ấy, biến thể của nó còn là cái xú-páp được cột một chùm lông gà hay vải vụn ,  sau khi nạp thuốc, ném lên không rớt xuống Đùng!!!
Ôi còn gì nửa, hả các bạn? Là những hộp lon sửa bò được đục lỗ hoặc một nửa gáo dừa có cái lỗ nhỏ, là dấu vết chỗ cây mầm chui ra, úp lên một cái lỗ khoét dưới đất, có vài cục khí đá (mà sau này còn gọi là đất đèn)cho vào ít nước, châm lửa và Đùng!!!Gáo dừa hoặc lon văng lên trời, vài thằng ôm cổ chạy ra xa vì sợ bị u đầu,  Má uýnh!



 

 
Cái chợ quê Vàm Cống của tôi nó chỉ nhóm trên một đoạn đường ngắn chưa đầy 500 thước cùng với 3 con đường nhỏ khác bao quanh một cái nhà lồng. Nhưng những ngày cận Tết nó kéo dài thêm ra mấy trăm thước nửa. Ngày thường, chợ họp đến 10 giờ sáng là tan. Còn vào những hôm cận Tết như thế này , chợ nhóm đến đêm, đèn măng xông , đèn khí đá đốt sáng choang. Những quầy bán dưa hấu, hoa kiểng thì ăn ngủ tại chỗ suốt mấy ngày bán Tết. Bọn trẻ con chúng tôi rất thích những đêm chờ Tết như thế này.
Tết, của tôi ở cái xứ Vàm cống ấy, thực sự còn bắt đầu bằng những buổi sáng thậm thụt dưới gầm quầy bán nón lá của Má thằng Ân, bạn thân của tôi trong xóm. Cái quầy , là một kệ thấp, bên trên chất đầy nón lá và một số quai nón đủ màu treo tòn teng. Vào những ngày này, má thằng Ân còn bán thêm những bộ tranh Tết như Mai Lan Cúc Trước, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tây Du Ký chúng được treo đầy chung quanh kệ. Thằng Ân trải bên dưới kệ một chiếc chiếu nhỏ và thường rủ tôi chui xuống đó nằm chơi. Kế bên quầy nón của má thằng Ân là sập tạp phẩm của Ba Má con Kim,  bán các loại bánh mức và thực phẩm khô. Chỗ này nằm chơi thì đã lắm, vì kín đáo do được che khuất bởi các tranh Tết chung quanh; nhưng đã nhứt là thỉnh thoảng thằng Ân, qua khe hở nhỏ thò tay nhón lấy mấy cục thèo lèo của cửa hàng bên cạnh, chia nhau ăn. Tụi tôi cũng canh dữ lắm vì sợ cái con nhỏ Kim bên ấy nó bắt gặp thì thật xấu hổ, có mà kiếm chỗ khác ăn Tết!Nói thiệt, tôi là thằng nhát gan, qua khe hở, thấy con Kim cứ liếc nhìn vào cai lỗ mọt này, nên không dám làm gì, chỉ có thằng Ân là tỉnh khô, thỉnh thoảng thò tay qua, khi rút về là có vài ba cục thèo lèo cứt chuột, nó nói con Kim liếc vậy chớ không thấy mình đâu mà sợ, vì bên này tối. Ôi thèo lèo ăn vụn nó ngon hơn  bỏ tiền ra mua nhiều!
Sau này, khi lên tỉnh (Long xuyên) học, tôi về quê ăn Tết trễ hơn vì phải đợi được nghĩ, không có dịp ăn vụn thèo lèo nửa, chẳng phải bởi vì tụi tôi không đủ nhỏ để núp dưới gầm quầy bán nón, mà thực ra tôi vẫn được thằng Ân cho ăn thèo lèo mỗi sáng khi tôi tới ngồi chơi coi nó tiếp Má bán nón, vì bây giờ thỉnh thoảng nó được con Kim len lén cho một bọc. Sau này con Kim còn cho nó 9 đứa con cả trai lẫn gái!
Tết của tôi còn bắt đầu sớm bởi những chiều đi coi tập múa lân ở sân đình làng. Tiếng trống rộn rã cùng tiếng pháo đì đùng luôn làm tôi nôn nao trong những bửa cơm chiều,  khi thằng Ân đang chờ tôi ngoài cửa,  đễ cùng nhau đi về cuối xóm ,  nơi có ngôi đình nhỏ, xem lân.
Tết, với tôi trong kí ức, còn có những tấm liểng đỏ được viết bởi ông đồ quê, mỗi sáng bày giấy mực trước nhà và tuy không biết chữ nho nào tôi cũng thúc giục Ba mua , đễ kịp dán hai bên cửa cái, trên cổng vào nhà sau, ngoài cột bàn Ông thiên. Còn có những miếng giấy hông điều, chữ nho đen, vuông vắn để dán lên mấy quả dưa hấu và tất cả các lu, khạp chứa nước, đựng gạo trong nhà. Như thế mới là Tết.
Và cứ thế, cái Tết nhà quê dần đến theo sự vội vã bán mua, theo tiếng pháo ngày càng dồn dập và theo nỗi háo hức mong chờ của bọn trẻ con vô tư,  vô lự.
 
An Giang, 22/1/2012
Mong Phước Minh
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861103 visitors (2232430 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free