TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Thế giới thiếu lương thực
 
Lên mạng ngày 20/9/2011

THẾ GIỚI CẢNH BÁO THIẾU LƯƠNG THỰC
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
 
 
Gần đây, nhiều cơ quan và tổ chức quốc tế cảnh báo giá lương thực tăng cao kỷ lục do thiên tai, hạn hán, lũ lụt; và viễn tượng thiếu lương thực tại nhiều nước đang phát triển không còn xa. Tuy nhiên, con người có khả năng khắc phục thảm trạng này nếu có giải pháp ứng phó kịp thời.
 
Theo Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực thế giới tiếp tục gia tăng từ mùa hè vừa qua và chỉ số giá lương thực vượt qua đỉnh cao của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới vào năm 2008 trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Giữa năm 2008, giá lương thực đạt đến điểm cao nhứt trong vòng 30 năm. Lịch sử tái diễn, giá lương thực thế giới tăng liên tục trong 7 tháng vừa qua và tháng Giêng 2011 tăng vọt lên 3,4% hơn tháng 12 - mức độ cao nhứt kể từ khi FAO bắt đầu thống kê tình trạng lương thực thế giới năm 1990. Giá lương thực năm 2010 tăng 25% so với năm 2009.
 
                Giá lương thực thế giới bắt đầu tăng cao là do hạn hán thất thu lúa mì ở Liên Bang Nga từ tháng 7 đến 9-2010, tiếp theo lệnh cấm xuất khẩu của nước này. Mưa bão ở Úc làm trì hoãn mùa thu hoạch lúa mì gây ra vụ mùa yếu kém. Khí hậu khô, khắc nghiệt ở nước Mỹ làm tăng cao giá lúa mì hơn hai năm qua. Mưa lũ ngập lụt các đồng cọ (hay cây dừa dầu) ở Malaysia làm giá dầu cọ đạt đến đỉnh cao trong 3 năm qua. Gần đây, bão lụt xảy ra ở Nam Phi, và hạn hán nghiêm trọng trong 60 năm qua ở Trung Quốc, làm xứ này phải mua lúa mì và một số thực phẩm quan trọng tích trữ phòng hờ. Vào tháng 10 và 11 vừa qua, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy nhiều mặt hàng quan trọng từ Việt Nam ồ ạt tràn qua Trung Quốc mà không hiểu lý do gì!
 
Hơn nữa, các nước phát triển đang sử dụng nông phẩm như bắp, đậu nành để sản xuất nhiên liệu sinh học, làm tăng sức ép lên giá cả. Chẳng hạn, Hoa Kỳ dành 30% bắp sản xuất nội địa để chế biến ethanol dùng cho nhiên liệu vận chuyển. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng tăng cao so với năm qua, làm giá chuyên chở, phân bón và chi phí sản xuất tăng không ngừng, cuối cùng giá thành nông sản tăng vượt bực làm người sản xuất thu hoạch lợi tức không đáng kể.
 
                Theo Cơ quan FAO, chỉ số lương thực bình quân của ngũ cốc tăng cao đến 245 điểm trong tháng Giêng 2011 (100 điểm năm 1990), nhưng còn thấp hơn đỉnh của tháng 4-2008, mà phần lớn do giá lúa mì và bắp liên tục tăng cao vì hạn chế xuất khẩu và điều kiện khí hậu bất lợi tại một số quốc gia. Giá lúa mì (No.2 Hard red winter) trung bình 330 đô la mỗi tấn, tăng 50% so với năm trước, nhưng 31% dưới mức cao của tháng 3-2008. Chỉ số lương thực là con số FAO dùng để đo lường giá các loại lương thực chính trên thị trường xuất khẩu thế giới - đường, ngũ cốc, sữa, dầu mỡ và thịt kể từ 1990.
 
Trong khi đó, giá lúa gạo giảm xuống chút ít do mùa gặt chính đang xảy ra tại một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan và Việt Nam. Giữa tháng Giêng, giá gạo Thái (Thai 100%B) trung bình là 546 đô la mỗi tấn, 9% thấp hơn năm trước và 43% thấp hơn đỉnh cao tháng 6-2008.
 
Giá bắp vẫn còn cao trong tháng Giêng do triển vọng kém cho mùa gặt ở Argentina và chính sách xét lại tài trợ giá cả của Mỹ trong 2010. Vào giữa Tháng Giêng, giá bắp Mỹ (US No.2, Yellow) bình quân 254 đô la mỗi tấn, 45% cao hơn cùng thời kỳ năm trước, nhưng còn 10% thấp hơn đỉnh của tháng 6-2008.
 
                Chỉ số dầu mỡ tăng 5,6% từ tháng 12 lên 278 điểm, gần bằng đỉnh của tháng 6-2008 do cung cấp hạn chế ở một số quốc gia.
 
                Chỉ số giá sữa bình quân tăng đến 221 điểm trong tháng Giêng hay cao hơn 6,2% so với tháng 12 vừa qua, nhưng còn 17% thấp hơn đỉnh tháng 11-2007, do sản xuất ở miền Nam bán cầu giảm và nhu cầu không thay đổi.
 
Chỉ số giá đường bình quân đạt đến 420 điểm trong tháng Giêng, tăng 5,4% hơn tháng 12, do nguồn cung cấp thế giới bị hạn chế.
 
Trái lại, chỉ số giá thịt không thay đổi nhiều khoảng 166 điểm, giá giảm sút ở Châu Âu do tai tiếng thức ăn chăn nuôi bị nhiễm độc ở Đức và vài nước khác, trong khi giá xuất khẩu tăng nhẹ ở Brazil và Hoa Kỳ.
 
Ở Châu Phi, giá thực phẩm căn bản như bắp, lúa miến và kê còn giữ mức độ thấp trong những tháng qua nhờ được mùa trong năm 2010.
 
Ở Châu Á, giá gạo nội địa chưa tăng cao ở các nước xuất khẩu, nhưng có khuynh hướng tăng lên tại nhiều nước khác.
 
Giá lúa mì và bột mì ở mức cao tại các nước nhập khẩu Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.
 
Ở Miền Trung Mỹ, giá đậu nành giảm phần nào sau khi đạt đỉnh cao vào tháng 11.
 
Nhiều chuyên gia quốc tế tin rằng giá lương thực cao là một trong những yếu tố quan trọng gây nên tình trạng bất ổn hiện nay tại một số nước Á Rập ở Trung Đông. Trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, nhiều xáo trộn xã hội đã xảy ra tại 33 quốc gia, trong đó có Ai Cập, Haiti, Somalia, Cameroon, Bangladesh…và làm tăng số người nghèo đói thêm 115 triệu người, đưa tổng số lên hơn 1 tỉ người trong biến cố này. Nhờ tình trạng sản xuất lương thực phục hồi sau đó, số người nghèo đói giảm bớt và được ghi nhận khoảng 925 triệu năm 2009.
 
Giá lương thực tăng cao hiện nay có khuynh hướng tăng thêm trong những tháng tới và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới khác, do ảnh hưởng tâm lý giá cao trong đầu cơ tích trữ và thao túng thị trường để hưởng lợi. Giá lương thực cao thường tạo điều kiện bất lợi cho thế giới nghèo vì khoảng 60-80% lợi tức thấp của gia đình dành cho lương thực, nhưng không ảnh hưởng nhiều tại các nước phát triển nhờ vào chính sách bao cấp giá cả to lớn của nhà nước. Chẳng hạn, giá lương thực Mỹ dự đoán sẽ tăng nhẹ khoảng 2-3% trong 2011.
 
Theo ước đoán FAO, giá lương thực cao hiện nay sẽ kéo dài trong 2011; do đó, cần có hệ thống theo dõi an ninh lương thực tại những nước nhập khẩu lương thực hàng năm và phải tồn trữ đủ lương thực để có thể tránh nạn thiếu hụt trầm trọng. Một số nước này đang chạy đua mua lương thực tồn trữ trong những tuần lễ gần đây, như Indonesia đã mua 820.000 tấn gạo của Thái Lan, gấp 5 lần kế hoạch dự tính. Nước Bangladesh đã tăng gấp 3 lượng nhập khẩu, Algeria đã mua 1 triệu tấn lúa mì và có ý định nhập khẩu thêm. Nga nhập khẩu ngũ cốc để chăn nuôi gia súc. Mexico phải nhập khẩu bắp để tránh tình trạng thiếu hụt như những năm trước. Trung Quốc mua lúa mì và bắp để tránh bất an xã hội…
 
Riêng Việt Nam, tình trạng sản xuất lúa đang thuận lợi. Việt Nam còn trên 1 triệu tấn gạo trong kho dự trữ nhà nước, không kể số lượng lớn hơn ở nhà nông dân. Vụ lúa Đông Xuân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang thu hoạch độ 1,5 triệu hecta, ước tính 6-7 triệu tấn gạo được sản xuất không những đáp ứng nhu cầu nội địa còn có thể xuất khẩu. Hy vọng trong những tháng tới, đặc biệt “lúc giáp hạt” sẽ không xảy ra tình trạng thiếu gạo ảo ở các đô thị lớn và nhà nước không hạn chế xuất khẩu gạo làm thiệt hại lợi tức người trồng lúa, đồng thời làm tăng áp lực giá thực phẩm thế giới, như từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008. Vấn đề an ninh lương thực tại một nước xuất khẩu gạo tùy thuộc rất nhiều vào khâu tồn trữ và phân phối hơn là khâu sản xuất.
 
Tuy nhiên, trong tầm nhìn xa nếu thế giới không giải quyết xong vấn đề bất công trong bao cấp nông nghiệp tại các nước giàu có hiện nay, các quốc gia nghèo chuyên nông khó có thể phát triển nhanh để bắt kịp đà tiến bộ nhân loại. Vòng Đàm phán Doha nhằm giải quyết vấn đề bất công này đã khởi sự từ tháng 11-2001, nhưng liên tục thất bại từ Cancún, Mexico năm 2003 đến Geneva, Thụy Sĩ năm 2004; Hồng Kông 2005; tại Tổ chức WTO ở Thưy Sĩ 2006 và 2008, đang bị quên lãng cho đến nay vì cuộc khủng hoảng tín dụng và tài chính đưa đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Khi các nước công nghiệp còn cố giữ chính sách bao cấp lớn để hỗ trợ nông dân họ và kiềm giữ giá thực phẩm luôn thấp cho người tiêu thụ, các nước đang phát triển sống chủ yếu với nông nghiệp sẽ khó có thể khai thác tối đa tiềm năng sản xuất lương thực, vì họ không thể cạnh tranh với các nước tiên tiến. Tiếc thay các nước nông nghiệp có sẳn “mỏ” nhiên liệu sinh học tái tạo vô tận, nhưng chưa được các nhà lãnh đạo thế giới, nhứt là từ nhóm G8 chú ý đến, vì quyền lợi bản xứ và lòng vô cảm trước nỗi khốn khổ của bất công và nghèo khó. Trong khi đó, hiện tượng toàn cầu hóa và khu vực hóa được họ tích cực cổ súy vì có lợi nhiều cho các nước giàu mạnh, nhưng tăng sức ép bất lợi lên giới sản xuất tại các nước đang phát triển. Vòng lẫn quẩn bất công xã hội của nước giàu và nghèo, giữa hai khối Bắc-Nam vẫn còn tồn tại để bóc lột sức lao động của giới sản xuất trong các nước kém mở mang. Ngay cả Ngân Hàng Thế Giới, Viện Chánh Sách Trái Đất (Earth Policy Institute) ở Washington D.C. không thấy đề cập đến vấn đề bao cấp nông nghiệp tại các nước phát triển như là giải pháp ưu tiên lâu dài cho sản xuất lương thực thế giới, mặc dù họ lớn tiếng cảnh báo giá lương thực tăng cao và thế giới có thể rơi vào khủng hoảng, thiếu đói trong tương lai, bên cạnh nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu!
 
Một khi thỏa hiệp quốc tế từ vòng đàm phán Doha hoàn tất với các chính sách thỏa đáng và giá cả thuận lợi cho ngành nông nghiệp, các nước đang phát triển có thừa khả năng để sản xuất số lượng lương thực dư thừa không những đủ thỏa mãn nhu cầu trong nước, còn có thể dùng chế biến nhiên liệu sinh học thay thế các loại xăng dầu từ chất khoáng đang cạn kiệt đắt đỏ, và hơn nữa có thể xuất khẩu lương thực đến các nước công nghiệp giàu mạnh như nguồn lực chủ yếu cho tiến bộ quốc gia. Bao Giờ?!
 
                                                                                                                                                      Trần văn Đạt, Ph. D.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
 
1)       FAO. 2011. Global food price monitor (www.FAO.org)
2)       FAO. 2011. World food prices reach new historic peak (www.FAO.org)
3)       FAO. 2011. FAO initiative on soaring food prices (www.FAO.org)
4)       William Neuman. 2011. UN Data Notes Sharp Rise in World Food Prices. The New York Times Reprints (www.nytimes.com)
5)       World food prices hit record high (www.CNN.site.printthis.clickability.com)
6)       Robert Zoellick. 2011. Op-Ed: Free Markets Can Still Feed the World (www.web.worldbank.org)
7)       Earth Policy Institute. 2011. Báo Động Khủng Hoảng Lương Thực Toàn Cầu. Báo Cáo của Viện Chánh Sách Trái Đất, Washington D.C.
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780461 visitors (2070111 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free