TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Trống vắng
 
Lên mạng ngày 1/12/2009

TRỐNG VẮNG
 
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 
 
Nghỉ hưu, tuổi hạc cao và sự ra đi của người phối ngẫu là những giai đoạn trong cuộc đời mà phần đông mọi người trước sau gì ai ai cũng đều phải trải qua hết.
 
Những giai đoạn vừa kể thúc đẩy chúng ta dần dần tách rời ra khỏi cuộc sống và sinh hoạt xã hội bình thường mà chúng ta hằng quen thuộc từ trước tới giờ.
 
Sự thay đổi trong hoàn cảnh sống có thể dẫn đến tâm trạng buồn chán khiến chúng ta cảm thấy rất lẻ loi, trống vắng và cô đơn.
 
Các nhà tâm lý học Tây phương đều khuyên chúng ta nên cố gắng đừng để các sự thay đổi làm giới hạn và ngăn trở mình trong mọi sinh hoạt gia đình cũng như xã hội.
 
 Sau đây là những lời khuyên (Không nhứt thiết là mọi người đều đồng ý tất cả...)
 
1-      Nên duy trì một cuộc sống linh động (Be active)
 
Để giúp cho thân và tâm được quân bình. Việc duy trì một nếp sinh hoạt vừa thể xác và vừa trí tuệ được xem như là một phương pháp dưỡng sinh rất tốt và rất hữu hiệu để làm chậm lại tiến trình lão hóa.
 
Bắt trí não làm việt thường xuyên, rèn luyện trí nhớ, giao tiếp xã hội, đọc sách, viết lách lăng nhăn, chơi cờ...đều là những phương cách tốt để phòng ngừa bệnh lú lẫn Alzheimer.
 
 
Nghỉ hưu là thời gian để quân bình lại cuộc sống, để chúng ta có thể quan tâm hơn về sức khỏe của chính mình. Đây cũng là dịp thuận tiện để mình có thể thực hiện những gì mình hằng mong ước và ưa thích từ trước nhưng chưa có thời gian và cơ hội thực hiện được.
 
Thiết lập một thời khóa biểu nhất định trong ngày để luyện tập thân thể như: đi bộ, tập thể dục, tập tài chi, tập khí công vv...
 
2-      Giữ một chổ cho gia đình
 
Nếu con cái ở gần, ta nên đề nghị với chúng để chúng ta có thể giữ hộ các cháu mỗi tuần một ngày hoặc giữ cháu trong thời gian cha mẹ cháu bận hay cần phải đi đây đi đó…
Chúng ta lợi dụng các dịp nầy để truyền đạt kiến thức, dạy dỗ lễ nghi, phong tục Việt Nam…Đây cũng là dịp để thắt chặt thêm tình yêu thương giữa ông bà và các cháu.
Về điểm nầy, có người đã góp ý là mình không nên dính vào vì sợ con cái mình trách móc nầy nọ nếu lỡ làm không đúng ý của chúng. Riêng tác giả thì mình hoàn toàn không nghĩ như thế. Chung quy cũng do mối quan hệ và tình cảm giữa cha mẹ và con cái mà thôi.
 
 
 3-     Giao tiếp xã hội : Nên thường ra khỏi nhà để tiếp xúc với người khác.
 
Duy trì năng lực và sự linh động đồng nghĩa với sự học hỏi. Giao tiếp xã hội sẽ giúp chúng ta biết thêm nhiều tin tức và có thêm bạn mới.
 
Đối với người Việt Nam mình thì các hội đoàn, hội cao niên, chùa chiền, thiền viện, nhà thờ là những nơi các bạn già chúng ta có thể đến sinh hoạt để trau đổi, chia sẻ tâm sự, hàn huyên  với bạn bè và đồng hương, đồng cảnh …Như vậy mình sẽ cảm thấy bớt lẻ loi cô đơn hơn. Tuy nói thế nhưng cũng có người né tránh các sinh hoạt nầy vì nhiều lý do rất cá nhân…
 
Chúng ta cũng có thể ghi tên tham gia vào các câu lạc bộ thể thao như bóng bàn, quần vợt, badminton, golf, pétanque, quille, bowling
 
Chúng ta cũng có thể gia nhập vào những club sinh hoạt nghệ thuật, văn nghệ, văn học, viết văn, làm thơ, viết báo chùa, tùy theo sở thích, trình độ và điều kiện của mỗi người.
 
Nếu có máu văn nghệ, chúng ta có thể tham gia vào những nhóm văn nghệ nghiệp dư để vừa hát hò cho nhau nghe, vừa ăn nhậu no nê, rồi sau đó ôm nhau nhảy nhót (của ai nấy ôm nhé!) để được giãn gân giãn cốt. Cam đoan vui lắm. Trong những giây phút nầy, mình sẽ quên mình già, quên những buồn bực về con cái và về chuyện nầy chuyện nọ trong gia đình.
 
 
4-      Giữ cho mình phải bận rộn (Keep busy))
 
Viết thơ, E mail thăm hỏi bạn bè, xem internet, đọc sách báo, thăm viếng bạn bè, đi đó đi đây, sửa chữa lặt vặt những đồ đạc hư hỏng, sắp xếp lại nhà cửa, sưu tập tài liệu, đồ vật mà mình ưa thích, làm vườn, trồng hoa trồng kiểng, cắt cỏ, rửa xe, làm tài xế cho bà chủ… đó chỉ là một vài thí dụ nho nhỏ mà thôi.
 Riêng cái vụ sắp xếp, sửa chữa lại đồ đạc trong nhà, các bạn đừng có sợ thiếu việc làm vì bà chị sẽ tìm cho bạn làm trối chết hổng hết đâu, đừng có lo mà thêm già.
 
Để thoát ra khỏi cảm giác cô đơn chúng ta phải tự tạo cho mình một sự bận rộn (hoặc do người khác tạo cho mình!) để khỏi nghĩ quẩn và nhờ vậy chúng ta sẽ bớt cảm thấy trống vắng trong tâm hồn.
 
Thông thường thì cảm giác cô đơn chỉ xuất hiện vào những thời điểm nhất định nào đó chẳng hạn như vào những dịp lễ lộc, ngày giổ, ngày sinh nhật, hay trong thời gian mùa lễ Giáng Sinh, Tết Tây và TếtTa mà thôi.
 
5-      Dấn thân, tham gia vào các sinh hoạt xã hội.(Involve yourself, joint social group)
 
Điểm nầy cũng hơi tương tợ điểm ba ở trên.
Tham gia vào các sinh hoạt nhóm, xã hội, đoàn thể, cộng đồng, hoặc làm thiện nguyện cũng là một cách giúp chúng ta bớt cảm thấy cô đơn, lẻ loi đồng thời chúng ta cũng cảm thấy mình còn có ích cho xã hội.
 
Nếu suốt ngày chỉ ngồi xem tv, xem phim truyện, nhìn ra cửa sổ, thở vắng thở dài thì rất dễ cảm thấy cô đơn và buồn chán.
 
 
6-      Giúp đỡ người khác (Help others)
 
Sự kiện giúp đỡ người khác sẽ làm cho mình cảm thấy hữu ích trong cuộc sống và quên đi nỗi niềm hiu quạnh cô đơn. Cuộc đời mình sẽ có ý nghĩa hơn.
 
 
7-      Tránh  cảnh thoát ly giả tạo (avoid escape)
 
 Chẳng hạn như xem tv quá nhiều hoặc ngủ quá nhiều trong ngày.
 
Nếu cảm thấy cô đơn buồn chán thì nên tránh ngủ quá nhiều để quên đời cũng như tránh việc đốt thời gian bằng cách ngồi xem Tv suốt ngày.
 Không nên để những giấc mơ giả tạo dẫn dắt chúng ta.
 
 
8-      Tạo hoàn cảnh để có được hạnh phúc (choose to be happy)
 
Nếu bạn cảm thấy cô đơn thì chắc chắn bạn cũng cảm thấy buồn chán, khổ sở vô cùng. Hoàn cảnh này dễ đưa bạn đến tình trạng trầm cảm không mấy hồi. Hãy tự hỏi liệu những sự dày vò về tinh thần có thể nào giúp mình làm thay đổi được hoàn cảnh của mình hay không? Câu trả lời chắc chắn là không rồi.
 
Bởi vậy, bạn nên gia nhập và tham gia vào những nhóm sinh hoạt để chia sẻ, nói ra bớt những sầu muộn của mình với bạn bè thân thích, với các thầy trong chùa hoặc với các cha trong nhà thờ, hoặc với những người nào thật tình muốn nghe mình nói.
 
 
9-       Nuôi thú vật trong nhà
 
Chúng ta có thể nuôi một con vật nào đó (chó, mèo, chim, cá...) để giúp chúng ta bớt căng thẳng tinh thần, tạo thư giãn và bớt cô đơn trong cuộc sống. Đây là phương pháp thú vật trị liệu (Zootherapy) rất hữu ích đối với những người sống lẻ loi, già nua, goá bụa đơn chiếc.
 
 
 10- Lo phần tâm linh (spirituality)
 
 Đi chùa, đi thiền viện, đi nhà thờ, đọc kinh, sách tìm hiểu về tôn giáo và tín ngưỡng đều là những cách giúp những người cao tuổi tìm được sự thanh tịnh trong tâm hồn nhờ đó mà thân tâm được nhiều an lạc.
 
Sau đây là một bài thơ rất Thiền của Ghyslaine Delisle giúp chúng ta bớt lo nghĩ về tuổi già.
 
Già an lạc là già trong hy vọng,                     Vieillir en beauté, c’est vieillir avec espoir,
Lòng sung mãn trong giấc mộng bình an.      Être content de soi en couchant le soir.  
Khi số tận kêu ta dừng bước tiến,                  Et lorsque viendra le point de non recevoir,
Chỉ là tạm biệt, vô thường chớ than.              Se dire qu’au fond, ce n’est qu’un au revoir.
 
               Nguyễn Thượng Chánh                                         Ghyslaine Delisle
 
 
KẾT LUẬN
 
Sự cô đơn thường xãy ra khi chúng ta muốn nhờ cậy người khác làm một công việc gì đó giùm mình.
Trường hợp ngược lại, mình sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn nếu chính mình giúp họ và chính mình làm được những gì có ích cho người khác.
 
Loneliness is often caused by wanting people to do something for us. When we do things for other people, we are never lonely. Self-referenced thinking often leads to a barrenness of spirit that breeds discontent and loneliness. Think up, think out, toward people, think around, toward all the exciting things of life; and avoid thinking too much about yourself, and the problem of loneliness will disappear.
Loneliness generally occurs at specific times of the day or during specific days such as holidays, birthdays, and anniversaries. Planning ahead for these times so that you are active and busy with other things helps provide a very effective means of dealing with loneliness.
 Nhưng còn một thứ cô đơn khác cũng rất tác hại cho hạnh phúc gia đình. Đây là nỗi cô đơn đồng sàng dị mộng, Tây họ gọi là solitude à deux thường xãy ra trong những cập vợ chồng bất luận tuổi tác, tuy sống với nhau trong cùng chung một mái nhà nhưng hai tâm hồn lại bay di theo hai hướng khác nhau.
Vướn nhầm loại cô đơn nào thì cũng đều khổ hết nhưng nếu mình còn có má xấp nhỏ bên cạnh là có phước lắm đó, tuy đôi khi phải chịu nhức đầu, nhức lỗ tai một chút cũng hổng sao vì đã quá quen rồi, còn hơn là phải sống cu ki có một thân một mình./.
 
 THAM KHẢO:
 
-         Wm.J. Diehm . Dealing with Loneliness
-         Agnès Boileau. Seniors: Sortir de sa Solitude
-         Tràm Cà Mau. Phên Phiến Tuổi Già
 
-         Nguyễn T Chánh& Nguyễn N.Lan. Hội chứng trống ổ
Nguyễn T.Chánh& Nguyễn N.Lan. Giữ cháu,một niềm vui của tuổi già
           Nguyễn T Chánh. Hôm qua, Hôm nay, Ngày mai
         
 Montreal, Dec 01, 2009

Trở lại Trang Khoa Học
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860916 visitors (2231927 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free