Lên mạng ngày 28/1/2011
THƯƠNG VỀ CÀ PHÊ GÓC PHỐ NĂM XƯA
Nguyễn Thượng Chánh, DVM & Dược Sĩ Nguyễn Ngọc Lan
Cà-phê là một chất kích thích hưng phấn, nó giúp cho chúng ta cảm thấy bớt mệt mỏi, tinh thần tỉnh táo và bớt buồn ngủ...
Trong mùa thi cữ, sinh viên hay dùng cà-phê để có thể thức khuya gạo bài…
Trong hãng xưởng, công nhân thường được phép nghỉ xả hơi 15 phút sau hai tiếng đồng hồ làm việc, gọi là pause de café hay coffee break để nghỉ xả hơi, để uống cà-phê hay để tán ngẫu...
Khi nhờ ai giúp mình một việc gì, thì mình nên trả công cho họ một ít tiền cà phê cà pháo hay tiền tip cho vui vẻ cả làng.
Cà-phê dễ bị ghiền nếu uống thường xuyên.
Tới cữ ghiền, nhất là vào buổi sáng mà không có cà-phê thì kể như không thể làm việc gì được hết, vì chúng ta sẽ bị ngầy ngật, bần thần, uể oải, nhức đầu, buồn ngủ, cay mắt, ngáp vắn ngáp dài khó chịu lắm! Phải đi làm một tách cà phê đã, rồi sau đó máy mới nóng mà chạy được.
Có người ghiền nặng hơn thì cần phải uống 5-6 cữ trong một ngày, còn ghiền nhẹ thì chỉ cần uống một cữ vào buổi sáng là đủ rồi.
Dân Phần Lan (Finlande) uống nhiều cà-phê nhất thế giới...Họ tiêu thụ trung bình khoảng 11,3kg/năm/người, tương đương với 5 tách/ngày.
Brazil là nước sản xuất nhiều cà-phê nhất, với 1,7 triệu tấn/năm, chiếm 25% thị trường quốc tế.
Kế đến là Việt Nam, đứng hàng thứ nhì, chiếm 7,5% (nguồn The British coffee Association).
Cà phê tại Bắc Mỹ
Tại Montréal, muốn uống cà phê ngon thì phải uống trong các tiệm chuyên bán cà phê như Starbucks, Second Cup hoặc Café Dépôt chẳng hạn, còn nếu vô tiệm McDonald hay một nhà hàng nào đó mà làm một ly thì uổng tiền lắm.
Nhưng mới vừa đây, McDo cũng thông báo trước bá tánh là đại công ty nầy đang o bế và nâng cấp món cà phê của họ lên với mục đích chính là để lượm thêm bạc cắc và hy vọng có thể giựt bớt khách của các công ty đàn anh chuyên trị cà phê. Danh xưng của nó là McCafé, nằm chung một chỗ với nhà hàng fast food McDo. Đây là một khu vực nho nhỏ chuyên bán cà phê và bánh ngọt.
Thật đúng là cách để móc túi của bá tánh theo...kiểu tư bản!
Cũng có một số tiệm cà phê Canada cho phép sinh viên đem laptop vô vừa nhâm nhi cà phê vừa ngồi học bài cả buổi, thí dụ như Starbucks, Café Dépôt...
Nói chung theo nhận xét của một số dân ghiền, cà phê ở Bắc Mỹ uống không mấy ngon, uống không đã bằng cà phê ở bên nhà... Nhưng có lẽ không đúng lắm vì còn tùy loại cà phê nào và cũng tùy vào khung cảnh nơi uống nữa.
Không biết sống ở hải ngoại, đã có bạn nào dám chịu thử hết các loại cà phê thường thấy trong các tiệm chưa?
Còn người viết thì chịu thua!
Mỗi lần vô tiệm Starbucks hay Second Cup ở Montréal thì bị chóa mắt khi nhìn lên bảng có hơn 30 món cà phê làm mình rất bối rối chẳng hiểu và chẳng biết là nên chọn loại cà phê nào.
Thôi thì cứ bổn cũ soạn lại, mình chọn những thứ đã quen thuộc như cà phê Moka hay Java regular, capuccino, espresso hoặc café latté (cà phê sữa) cho chắc ăn để khỏi bị hố và khỏi sợ quê.
Còn những tên quá xa lạ như Caramel Correto, Con Panna, Americano, Moccaccino, Mocha, Café Verona, Espresso Macchiato, Gazabo blend, Terraza blend, v.v…là cái giống chi mà chẳng hiểu mô tê gì cả!
Tại Hoa Kỳ và Canada, Cà phê Starbucks còn có những tên như sau:
If you are in the US or Canada, then the following apply:
American Coffee: espresso diluted in lots of hot water (5 to 1 ratio, or something like that)
Coffee: coffee percolated through a filter, often with milk and sugar added (ask for a Black Coffee if you don't want milk and/or sugar)
Espresso: same as in Europe
Long Espresso: espresso allongé (less diluted than an American Coffee, maybe in a 2:1 ratio)
Frappuccino: Coffee, milk (or ice cream), sugar, and ice mixed in a blender
Cappucino: same as in Europe
Latte: café au lait made with whole milk
Non-fat latte: latte with skim milk
In Starbucks coffee shops, an American Coffee is actually called Caffe Americano.
See Starbucks coffee menu here: http://www.starbucks.com/menu/catalog/nutrition?drink=all#view_control=nutrition
Các tiệm cà phê hơi đặc biệt
Nghe nói ngày nay bên nhà có nhiều loại cà phê rất độc đáo với những cái tên thật bí hiểm, như cà phê đẹp, lãng mạn, cà phê sân vườn, cà phê lề đường, cà phê chòi, cà phê võng, cà phê giường, cà phê nằm, cà phê sexy, cà phê ôm, cà phê internet, cà phê đọc báo, vân vân thường dành đặc biệt cho mấy cậu trẻ và mấy cụ còn gân và còn ham vui.
Còn bên Mỹ thì có các quán cà phê mát mẻ của người Việt như quán café Lú ở Santa Ana và quán Di Dang 2 ở Garden Grove Cali, các cô tiếp viên trẻ đẹp bận bikini thật tươi mát bưng cà phê ra hầu khách...
Mời các bạn xem video cho đỡ ghiền Sexy new vietnamese cafes
Vừa thưởng thức cà phê ngon, vừa nghe nhạc du dương và vừa...ngắm ngía đủ chỗ để phê đủ thứ (không được táy máy rờ mó đó nha).
Ngược lại với phong cách cà phê sexy, thì từ nhiều năm nay tại các thành phố lớn Nhật Bản có loại cà phê tỳ nữ. Các cô phục vụ là những cô gái trẻ từ 17-18 tuổi, trang phục kín đáo theo phong cách truyện tranh. Cung cách phục vụ hết xẩy, rất lễ độ và ân cần, xem khách hàng như là thượng đế không bằng dù là các cậu còn rất non trẻ.
@home (at home) là một trong những chuỗi quán cà phê tỳ nữ lớn nhất xứ Phù Tang.
Tại VN, trước 75 không thấy có những loại cà phê quái lạ đó, mà chỉ có cà phê lề đường, cà phê quán cóc, cà phê bụi, cà phê vỉa hè, cà phê đường hẽm, cà phê bình dân, và cà phê nhà mà thôi. Muốn sang hay muốn cho le thì vô nhà hàng Givral, hay Brodard uống cà phê, vừa uống vừa ngó ông đi qua bà đi lại trên những con đường phố dập dìu tài tử giai nhân.
Vào năm 78-79, có một thời gian bà nhà của tác giả cũng mở quán cà phê vỉa hè (hổng phải cà phê ôm nha), cạnh bên hông nhà thuốc Tây của mình khi đó đã đổi chủ. Đó là thời điểm te tua, lên voi xuống chó của gia đình người viết. Có ăn thì phải có chịu! Lý do là đi không lọt, láng túi sạch sẽ, mất hết nhà cửa ở Cần Thơ, nên bắt buộc phải về tá túc ở nhà cha mẹ ở Sài Gòn và sống lây lất qua ngày bằng cái nghề sinh nhai tạm bợ nầy. Tương lai mù mịt, nhưng rồi Trời Phật cũng còn thương...
Chiếc ghe 69 người
Pha cà phê cũng phải lắm công phu
Nói về cách pha thì cũng có cả chục cách tùy theo quốc gia. Nào là espresso, cappuccino, cà phê phin, cà phê máy nhểu lỏn tỏn, cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc kiểu Việt Nam, cà phê bít tất hay cà phê vớ (bỏ cà phê vào túi vải rồi đem nấu), cà phê nấu thẳng trong nồi kiểu Thổ nhĩ Kỳ, v.v.
Còn muốn chơi sang thì ra chợ rinh về một cái máy đa năng có thể vừa xay, vừa pha chế đủ loại cà phê theo ý muốn mình, rất tiện lợi mỗi khi tiếp đãi bạn bè ở nhà.
Ngày nay cà phê cũng bước vào thời đại tin học.Thấy quảng cáo máy Tamisso sử dụng mã vạch (codebar) để có thể pha đủ loại cà phê mà mình muốn chẳng hạn như espresso, cappucino,....
Ôi thôí cà phê nhiều vô số kể!
Nói về cà phê thì nhiều vô số kể, không biết có bao nhiêu loại mà kể cho hết được.
Hai giống cà phê thường thấy được trồng bên VN: nhiều nhất là Robusta và ít hơn là Arabica.
Theo các nhà thực vật học, trong thiên nhiên phải có lối năm sáu ngàn giống cà phê nhưng chỉ có một số rất ít giống được con người khai thác để lấy hạt mà thôi. Phẩm chất và hương vị của mỗi loại cà phê cũng không giống nhau. Chúng khác nhau vì cách sản xuất, cách ủ, cách ướp, cách rang, cách quảng cáo, và đôi khi còn tùy thuộc cách pha và cách cười của cô hàng cà phê nữa...
Làm biếng muốn cho lẹ thì uống cà phê tan liền (instant coffee).
Ngày nay, cà phê tan liền có bán dưới dạng que coffee stick rất tiện lợi.
Năm 2008, có 6 loại cà phê tan liền có tên Mr. Brown của Trung Quốc đã bị cơ quan FDA ra lệnh cho thu hồi vì có nhiễm độc chất melamine.
Cà phê không caffeine
Còn sợ uống cà phê có hại thì có thể chọn loại cà phê đã được rút bớt caffeine gọi là decaffeinated hay decaf. Có dư luận đồn rằng uống loại cà phê nầy có thể có hại cho sức khỏe hơn cả cà phê thường, bởi nó còn sót lại những hóa chất dùng để trích bỏ caffeine.
Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Không biết có đúng thật như vậy hay không?
Trong tương lai vài chục năm nữa, với kỹ thuật chuyển đổi gène, người ta hy vọng sẽ được uống cà phê không caffeine một cách thật tự nhiên.
Năm 2003 vừa qua, một nhóm khảo cứu gia Nhật Bản đã tạo được một giống cà phê chứa ít caffeine từ 50% đến 70% so với các giống cà phê bình thường.
Tháng 6/2004, sau khi nghiên cứu và khảo sát 3000 giống cà phê Éthiopie, các nhà khoa học đã nhận diện được 3 giống cà phê không có chứa caffeine một cách tự nhiên.
Việc kế tiếp là đem gầy thêm giống và đem lại những giống cà phê có chất lượng cao để có được loại cà phê thượng đẳng không caffeine. Nhưng ít nhất cũng phải chờ vài chục năm nữa chúng ta mới hy vọng thấy được loại cà phê nầy trên thị trường.
Decaf thường hay bị mất đi ít nhiều hương vị của cà phê và có vẻ đắng hơn cà phê thường.
Chất caffeine ảnh hưởng thế nào trên sức khỏe?
Khi uống cà phê, từ 30 phút đến một giờ sau thì nồng độ chất caffeine trong máu sẽ đạt mức tối đa và ảnh hưởngcủa nó có thể kéo dài và tồn tại trong cả ngày lận.
Điểm bất lợi là caffeine làm giảm sự hấp thụ của một số chất như sắt Fe, calcium, potassium, magnesium, kẽm Zn,và làm mất các vitamins nhóm B như vitamin B1 và vitamin C...
Uống nhiều cà phê, caffeine sẽ kích thích tuyến nang thượng thận tiết ra adrenalin và tuyến tụy tạng tiết ra chất glucagon. Hai hormones nầy có tác dụng chuyển hóa glycogen dự trữ trong gan ra thành glucose để thải vào máu và làm tăng đường huyết lên.
Nhưng mấy năm trước đây, các nhà khảo cứu Phần Lan lại đưa ra một giả thuyết làm kỹ nghệ cà phê hết sức hài lòng. Họ nói caffeine có thể làm tăng tác dụng của insulin, nhờ vậy giúp vào việc đem glucose vào tế bào và ngừa được phần nào bệnh tiểu đường type 2.
Bác sĩ Van Dam RM (Harvard University) cũng đưa ra một nhận định tương tợ.
Theo ông ta, thì uống 5-6 tách cà phê một ngày có thể làm giảm phần nào nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường type 2.
Ông ta nói rõ là không phải chất caffeine giúp vào việc giảm đường lượng đâu, nhưng có thể là một thành phần nào khác trong cà phê đã tạo nên tác dụng nầy.
Xin dân ghiền cà phê chớ vội mừng, vì đây mới chỉ là một nhận xét mà thôi!
Cộng đồng khoa học cũng chưa hoàn toàn thống nhất về điểm uống cà phê để ngừa bệnh tiểu đường, và chính bác sĩ Van Dam cũng không bao giờ khuyên bảo mọi người nên dùng cà phê như một phương cách để phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2.
Bác sĩ Lenore Arab (Đại Học y khoa UCLA) thì cho rằng cà phê có thể ngăn chặn nguy cơ cancer cột sống, cancer gan, cancer ruột và đồng thời nó cũng có tác dụng giảm cholestérol nữa...
Khỏi phải nói, kỹ nghệ cà phê đã hết sức hoan nghênh những nhận xét vàng ngọc của hai vị bác sĩ nói trên.
Nhưng ngược lại, các nhà khoa học rất ư là bối rối vì từ lâu nay các cuộc nghiên cứu đã chứng minh là caffeine có tác dụng làm tăng cholestérol và làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, một khảo cứu khác năm 1982 đã đưa ra một kết luận bất lợi là việc uống quá nhiều và uống quá thường xuyên cà phê có thể làm tăng nguy cơ bị cancer tuyến tụy tạng (pancreas).
Vì lý do sức khỏe, nên càng ngày càng có nhiều người giảm uống cà phê!
Nhưng, kỹ nghệ cà phê rất mạnh và có thế lực trên thế giới, họ không ngừng phản công để tái lập lại thị trường của họ đã bị tuột dốc thảm thương. Họ thường xuyên thực hiện những cuộc vận động hành lang, gia tăng quảng cáo cũng như tài trợ các công trình khảo cứu có lợi để mong tô điểm lại phần nào hình ảnh không mấy sáng sủa của cà phê.
Và quả thật như vậy, các khảo cứu của Phần Lan và của hai vị bác sĩ kể trên đã hỗ trợ không ít cho kỹ nghệ cà phê!
Là người tiêu thụ, chúng ta cũng rất hoang mang trước hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược kiểu nầy.
Nói chung thì các nhà khoa học đều khuyên phụ nữ đang mang thai không nên uống nhiều cà phê, vì ở nồng độ quá cao chất caffeine có thể làm xảo thai hoặc gây đẻ non. Trong thời gian mang thai, không nên uống trên 200mg caffeine trong một ngày, tương đương với hai tách cà phê.
Cũng nên nhớ là caffeine còn được thấy hiện diện trong một số nước giải khát, nước tăng lực Red Bull, Four Loko… và cả trong các thỏi cốm energy bar, bánh, kẹo có chứa chocolat, cacao nữa...
Đối với các bà trong thời kỳ mãn kinh cũng cần nên hạn chế cà phê, vì nó có khuynh hướng làm tăng nguy cơ bệnh loãng xương.
Nếu uống nhiều cà phê và uống thường xuyên, caffeine có thể làm tăng cholestérol trong máu, gây nhức đầu, tim đập nhanh và đập không đều, hồi hộp, bồi hồi, lo âu, mất ngủ, tăng huyết áp, tăng nhịp thở, tăng chất acide chlorhydrique làm xót bao tử, ợ chua, tiêu chảy và có thể tăng nguy cơ bị sạn thận (kidney stone), v.v.
Cà phê và trà là chất lợi tiểu, kích thích thận khiến cho đi tiểu nhiều. Có người còn khôi hài quảng cáo loại trà hiệu“Thái Đức” là một thứ trà đặc biệtnhất, vì tối mà lỡ uống nó thì phải thức dậy giữa đêm để đi tè thường xuyên, ruốt cuộc là hết còn ngủ nghê gì được nữa!
Caffeine có khuynh hướng làm tăng nhu động ruột, bởi vậy sáng sớm sau khi làm một ly cà phê thì một hồi là mắc…ị ngay. Nhưng uống cà phê nhiều quá cơ thể sẽ bị mất nước gây táo bón.
Caffeine cũng kích thích não giúp chúng ta tỉnh táo hơn và giúp chúng ta bớt buồn ngủ.
Các nhà khoa học cho biết là trong cơ thể, về mặt hóa học caffeine thuộc nhóm xanthine. Để có thể tác động, khi vào cơ thể caffeine liềnchiếm cứ các thụ thể (receptors) của chất adenosine cũng thuộc nhóm xanthine và chất nầy lại do não tiết ra, khiến adenosine không thể hoạt động được. Bình thường adenosine dự phần trong việc tổng hợp ATP là nguồn năng lượng của cơ thể.
Ngoài ra, adenosine còn là chất làm êm dịu (neuromodulator) hệ thần kinh trung ương và gây buồn ngủ. Bởi vậy khi uống cà phê vào buổi tối thì thường hay bị mất ngủ là vì adenosine bị mất tác dụng.
Cà phê làm tăng công suất của các bắp cơ, nhờ vậy giúp giảm một cách tạm thời cảm giác mệt mỏi.
Các tác dụng vừa kể của cà phê cũng có thể thay đổi tùy theo mỗi cá nhân.
Có người chỉ cần uống một tách cà phê là bị mất ngủ, nhưng cũng có người khác thì dù có làm hai ba tách cũng chả thấy nhằm nhò gì cả!
Gần đây có nhiều khảo cứu (Nhật, Phần Lan,Ý, Hy lạp…) cho biết, hình như ung thư gan Hepatocellular carcinoma (HCC) ít thấy xuất hiện ở những người thường xuyên tiêu thụ cà phê!
A study of more than 90,000 Japanese found that people who drank coffee daily or nearly every day had half the liver cancer risk of those who never drank coffee. The protective effect occurred in people who drank one to two cups a day and increased at three to four cups.
Đắt nhất thế giới: Cà phê chồn (Good to the last dropping)
Chúng ta thường nghe đồn đại về một loại cà phê siêu hạng, đầy tính chất huyền bí.
Đó là cà phê chồn đắt tiền và quý hiếm nhất thế giới!
Trong dân gian nó còn được gán cho một cái tên nặc mùi trần tục, đó là cà phê cứt chồn.
Đây là một sản phẩm có thật chớ không phải là một huyền thoại.
Cà phê chồn không phải là một giống cà phê riêng rẻ nào nhưng đây là một quy trình tẩm ủ đặc biệt của hạt cà phê sau khi được chồn hay cầy hương ăn vào bụng.
Dưới tác dụng của các men hay enzyme trong bao tử chồn. Hạt cà phê được ị ra ngoài theo phân và trở thành một một loại cà phê tuyệt hảo có hương vị đậm đà mà chúng ta chỉ có nghe đồn, nghe nói đến mà thôi, chớ ít có ai thấy mặt mũi và biết được mùi vị thật sự của nó ra sao đâu.
Ngày nay, tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, nghành nuôi cầy hương để sản xuất cà phê chồn không phải là điều gì mới lạ gì.
Tại những nơi nầy, các giống cà phê như Robusta và Arabica được trồng rất nhiều. Những cánh rừng hoang du sầm uất bao phủ các bán đảo Indonesia cũng là nơi sinh sống của một loại chồn mà có người còn gọi là cầy hương (palm civet, musang, toddy cat) và có tên khoa học là paradoxurus hermaphroditus (loại chồn nầy mấy năm về trước bị nghi là thủ phạm có mang virus Corona, tác nhân dịch bệnh viêm phổi cấp tính và trầm trọng SARS tại Trung Quốc và Đông Nam Á).
Về đêm, loài cầy hương thường đi tìm các trái cà phê thật chín cây để ăn. Chúng chỉ ăn lớp ngoài của trái cà phê và nuốt luôn tất cả hạt vào trong bụng. Trong đường tiêu hóa của chúng, hạt cà phê bị các enzymes làm cho lên men và tạo cho hạt cà phê một hương vị rất đặc biệt.
Theo thiển ý riêng của người viết, loài vật nầy nhờ có những hạch xạ hương quanh vùng hậu môn (perineal glands) nên có thể đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc tạo cho cà phê cứt chồn có một mùi vị thật đặc biệt.
Hạt cà phê sau đó theo phân ra ngoài từng khúm và được nông dân thu lượm, đem rửa, phơi khô rồi bán lại cho các công ty cà phê để họ sấy bán ra trên thị trường quốc tế...
Tại Sumatra Nam Dương, giống cà phê Arabica được dùng nuôi cầy hương để tạo ra cà phê Kopi Luwak.
Philippines cũng có sản xuất cà phê chồn tại những vùng như Kalinga và Barako chẳng hạn. Họ gọi đó là cà phê Kape Alamid…
Một số tiệm cà phê bên nhà, đôi khi họ nói có bán cà phê chồn nhưng đó chẳng qua chỉ là một lối quảng cáo câu khách mà thôi.
Tại hải ngoại, cà phê chồn Kopi Luwak nhập cảng trực tiếp từ Indonesia giá từ 350$-600$/kg!
Các coffee house cao cấp tại hải ngoại như tại vùng New York, California, v.v…đều có bán Kopi Luwak. Giá bán lẻ cũng phải lối vài chục đô cho một tách!
Cà phê Trung Nguyên, Việt Nam thấy có quảng cáo bán Kopi Luwak nhập từ Indonesia và Philippines. Giá cả thay đổi tùy loại Kopi Luwak. Trung bình lối 50$/100g (3.5oz) cà phê nguyên hạt (wholegrain).
Hiện nay, trên thế giới Indonesia là quốc gia chuyên sản xuất cà phê chồn Kopi Luwak (tiếng Indonesia, Kopi là cà phê, Luwak là chồn). Sumatra, Java, Bali và Sulawesi là những vùng của Indonesia được nhắc nhở nhiều về cà phê chồn.
Vài năm trước đây, giáo sư Massimo Marcone, University of Guelph Canada, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về cà phê cứt chồn Kopi Luwak.
Ông ta nhận thấy cà phê Kopi Luwak nhờ được rang (roasted) ở nhiệt độ cao 249 độ C nên rất ít bị nhiễm vi khuẩn đường ruột.
Mùi vị của cà phê Kopi Luwak cũng rất đặc biệt có một không hai.
Giáo sư M. Marcone kết luận quả thật có sự khác biệt rất nhiều về hương vị, màu sắc và đặc biệt là hàm lượng protein trong hạt cà phê cứt chồn đã bị enzymes phân hủy đi rất nhiều làm cho bớt tính đắng.
Nói tóm lại, phần đông người tiêu thụ mua cà phê chồn chỉ vì hiếu kỳ, và nhất là vì tính chất huyền bí của nó chớ không nhất thiết là để tìm cái hương vị tuyệt vời của cà phê.
(People are buying this product for the mystique, not necessarily for the flavour).
Theo Chris Rubin, một dân sành điệu cà phê đã tán tụng cà phê Kopi Luwak bằng những lời lẽ như sau: “Hương vị đậm đà, hơi ngọt sệt như sirop, hơi giống chocolat, để lại trên lưỡi một dư hậu rõ rệt và lâu dài. Đây quả thật là loại cà phê tuyệt hảo nhất mà tôi được thưởng thức lần đầu tiên…”
The aroma is rich and strong, and the coffee is incredibly full bodied, almost syrupy. It’s thick with a hint of chocolate, and lingers on the tongue with a long, clean aftertaste. It’s definitely one of the most interesting and usual cups I’ve ever had…
Người viết thật sự thắc mắc không biết Giáo sư Marcone và Chris Rubin có được cho $$$ từ giới kỹ nghệ cà phê Kopi luwak hay không?
Cà phê chồn Trung Nguyên thì sao?
Tại Việt Nam nghe nói cũng có cà phê chồn, đặc biệt là ở vùng cao nguyên Ban Mê Thuột. Không biết có bạn nào đã có dịp thưởng thức chưa?
Vì tính cách hiếm quý của món hàng nên con buôn không ngần ngại gì mà không sản xuất ra cà phê chồn giả để trục lợi!
Công ty cà phê nổi tiếng Trung Nguyên, có sản xuất ra được một loại cà phê chồn đặc biệt nhái theo cà phê chồn về cách ủ men. Tiếng Anh gọi là Weasel coffee.
Weasel coffee is a loose English translation of its name cà phê Chồn in Vietnam, where popular, chemically simulated versions are also produced (
Wikipedia)
Sản phẩm được tạo ra bằng cách cho ủ hạt cà phê với các loại men vi sinh đặc biệt mua từ Đức Quốc... Công ty Trung Nguyên nói rằng trên thế giới chưa có nơi nào bắt chước được cách ủ của họ (quảng cáo mà!). Hoàn toàn không có sự tham dự của một con chồn nào cả. Sản phẩm thượng đẳng của Trung Nguyên nhắm vào thị trường quốc tế với cái tên là Trung Nguyên’s Legendee và có hai loại Legendee Classic và Legendee Gold.
- Legendee Gold: gần với chất lượng Kopi Luwak của cầy hương nuôi thuần bằng hạt cà phê Arabica.
- Classic Legendee: tương tợ với Kopi Luwak của cầy hương nuôi bằng nhiều giống cà phê khác nhau gồm có Arabica, Excelsa và Robusta.
Classic Legendee có màu sậm và một hương vị nặng và đậm đà (bolder).
Theo quảng cáo, thì Trung Nguyên’s Legendee cho một hương vị thơm ngon tuyệt vời nhưng giá bán ra lối 60$/kg tức là muời lần rẻ hơn cà phê Kopi Luwak chánh hiệu con nai của Indonesia.
Những ai có dịp uống cà phê chồn tại VN rất có thể đó chẳng qua là họ đã uống cà phê cao cấp Trung Nguyên’s Legendee mà thôi...
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên cho biết:
“Trung Nguyên đã sản xuất thương hiệu cà phê chồn của riêng mình với tên gọi Weasel. Mỗi kg cà phê Weasel có giá 3.000 USD, cao hơn nhiều so với Kopi Luwak của Indonesia, được rao dưới 600 USD một kg…Nguyên liệu thô được thu mua với giá từ 1 đến 10 triệu đồng mỗi kg (tùy thuộc vào chất lượng hạt cà phê, thành phần lẫn trong phân) từ nông dân, thương lái. Sau đó, Trung Nguyên tiến hành sản xuất với nhiều tiêu chí cầu kỳ như thời gian từ lúc chồn cho ra sản phẩm đến lúc bắt đầu chế biến không nên quá 24 giờ, tiếp đến hạ thổ (đưa xuống lòng đất) 343 ngày. Khâu hạ thổ này rất quan trọng để cà phê phân rã vỏ một cách tự nhiên, thay vì dùng máy tách như thông thường.
Tuy nhiên, kể cả những người có tiền cũng khó mà mua cà phê chồn Weasel vì mỗi năm Trung Nguyên chỉ sản xuất được từ 40 đến 50 kg. Do đó, sản phẩm này hiện chưa dành xuất khẩu mà chỉ bán ở số lượng nhất định theo đơn đặt hàng của các khách hàng VIP.
Ngoài ra, cà phê chồn Weasel là món quà độc đáo dành tặng các vị nguyên thủ quốc gia khi họ đến Việt Nam. Gần đây nhất, món quà cà phê chồn Weasel được trao đến tay Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khi bà đến Việt Nam tháng trước.
Chủ tịch nước cũng từng tặng quà tương tự cho chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton khi ông sang Việt Nam. Trong chuyến thăm Tây Ban Nha hồi tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch nước đã tặng cà phê chồn Weasel cho Thủ tướng và Quốc vương nước này…” (Theo Thanh Bình, VnExpress)
Cũng có nhiều tin đồn bất lợi trên Internet (xem mục Độc hại của cà phê Việt Nam) cho rằng cà phê Trung Nguyên có trộn chất nầy chất nọ nhưng thật sự ra sao khó biết được.
Ngày xưa cũng như ngày nay tại quê nhà, thì cà phê mua ngoài chợ hầu như đều bị pha trộn đủ thứ mới bán giá rẻ được.
Điều nầy thì không một ai còn lạ gì hết.
Tiền nào thì của nấy mà!
Năm 2007 vừa qua, cơ quan FDA Hoa Kỳ có nêu tên Trung Nguyen coffee trong danh sách các loại sản phẩm nhập từ VN vi phạm luật vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Có trường hợp như Cà phê Trung Nguyên có tổng cộng 5 lô hàng cà phê uống liền 3 trong 1 đã bị trả về liên tiếp trong tháng 4, 5/2007. . Các lô hàng này đã lần lượt vi phạm 3 quy định của FDA: Không ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu tạo ra sản phẩm (List ingre), nhãn hiệu bị làm giả mạo hay thông tin sai lệch (False), nhãn mác không cung cấp chính xác và đầy đủ các thông tin về thành phần dinh dưỡng và chất béo chuyển hoá theo đòi hỏi (Transfat, Nutri lbl)”. ( theo Viet Bao.Việt Nam ngày 16/7/2007)
Ngon hay dở cũng còn tùy thuộc vào khung cảnh
Trong vấn đề uống cà phê, người viết nghĩ rằng ngon hay dở cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố thí dụ như uống loại cà phê nào, uống với ai, tâm trạng người uống ra sao cùng với khung cảnh nơi uống thể nào, vân vân.
Nếu thưởng thức hương vị cà phê trong khung cảnh mờ mờ ảo ảo, văng vẳng bên tai là tiếng hát trữ tình êm êm của một ca sĩ ăn khách nào đó, và ngoài kia thì mưa rơi lách tách hoặc tuyết rơi lả tả thì quả là rất thú vị và thơ mộng biết bao, hoặc rỉ rã tách cà phê nóng vào buổi sáng ban mai trên chiếc du thuyền, giữa trời biển mênh mông tỉnh lặng, thấy cũng rất là phê lắm bạn ơi…
Xin thời gian hãy dừng lại. Giây phút tuyệt vời nầy chỉ có riêng mình ta với ta mà thôi!
"Ô temps, suspends ton vol! et vous, heures propices,
Suspendez votre cours!
Laissez-nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours!
(Lamartine-Le Lac)
"Thời gian hỡi! ngưng bay, ngơi cánh,
Giờvui ơi, hãm mạnh đừng trôi!
Ðểta tận hưởng phúc trời,
Những ngày vui nhất cuộc đời ái ân
(Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ dịch-1979)
Ở VN, uống cà phê xong, mình còn có quyền ngồi nán lại cả buổi tán dóc với bạn bè và nhâm nhi nước trà nóng, uống hết bình nầy thì xin thêm bình khác và lẽ đương nhiên là món sau nầy hoàn toàn miễn phí!
Ở bên nầy, vô nhà hàng Tây uống cà phê hay uống nước trà thì cũng đều phải trả tiền sòng phẳng hoặc chỉ trả cho tách đầu tiên mà thôi, trái với nhà hàng Việt và Tàu thì họ không tính tiền nước trà sau bữa ăn, ta cứ thư thả mà nhẩm xà!
Đi một đàng học một sàng khôn
Nhớ hồi 31 năm về trước, lúc mới từ trại tị nạn Thái Lan chân ướt chân ráo đến định cư tại cái xứ lạnh tình nồng nầy, một hôm nhà bảo trợ (sponsor) dẫn đi ăn tiệm và sau khi ăn đết-xe họ hỏi mình muốn uống cà phê hay uống trà. Mình không do dự mà lẹ làng trả lời tỉnh bơ “coffee and tea please”. Họ hơi ngạc nhiên một vài giây, nhưng rồi họ cũng tế nhị chiều ý mình mà gọi cả hai: cà phê và trà.
Mình đâu có biết là ở các xứ Tây Phương, người ta hoặc uống cà phê hoặc uống trà, thứ nào một thứ mà thôi. Ai mà biết được.
Thiệt là quê một cục!
Thương về cà phê góc phố năm xưa
Nổi trôi theo vận nước, người viết cũng đã từng uống nhiều loại cà phê rồi, nhưng không đâu bằng kỷ niệm cà phê góc phố tại Cần Thơ năm nào!
Là người tị nạn, bắt buộc phải lìa xa quê cha đất tổ và dù định cư ở nơi nào đi chăng nữa, nhưng không ai mà không mang theo cho mình một khung trời kỷ niệm yêu thương cùng với một chút tình quê hương tha thiết!
Hưong cà phê theo gió-Đưa ta về chốn xưa.
Đây cũng là nỗi lòng của thầy Nguyễn Trường Hy, cựu Giáo sư THNLS Cần thơ 67-72, hiện sống tại Oakland, Ca.
(Trích từ trang nhà Trường Trung học NLS Cần Thơ)
Ly cà phê góc phố
Nhớ về mái trường xưa.
Quán Ông Tư ngày đó,
Có còn đến bây giờ.
Mời Thầy ly “pạc xỉu”,
Mời Thầy ly “xây chừng”,
Mời Thầy ly “phé nại”,
Lòng bỗng thấy bâng khuâng.
Khói cà phê lãng đãng.
Vương tràn đầy mắt, môi.
Tan theo làn gió thoảng,
Lòng bỗng thấy đơn côi.
Hương cà phê theo gió,
Đưa ta về chốn xưa.
Học trò ngoan ngày đó,
Của lứa tuổi vô tư.
Giọt cà phê chậm rõ,
Thời gian lặng lẽ trôi.
Ôi Cần Thơ ngày đó,
Còn sống mãi trong tôi.
(Viết tại cà phê Dạ Hương, Oakland, California 20/8/2010, Nguyễn Trường Hy)
Kết luận
Ngành y dược cũng thường hay sử dụng chất caffeine như một dược liệu.
Caffeine giúp vào việc làm giảm triệu chứng đau nhức đầu, thí dụ như một số thuốc bán tự do có chứa caffeine: Actamin Super, Anacin, Excedrin, Midol, Pain Releiver Tablet Vivarin, v.v.
Mấy năm gần đây cũng có một số nhà khoa học đã cho biết là chất caffeine có thể gúp giảm nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường loại 2, và có thể có ích để giúp phòng ngừa sâu răng nhờ vào chất tannin trong cà phê.
Caffeine ngừa được bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, ngừa sỏi mật (gallstone), cải thiện các kỹ năng hiểu biết (cognitive performance), thậm chí có khảo cứu nói rằng cà phê nhờ có chứa nhiều chất chống oxyt hóa antioxidants nên rất tốt để ngừa vài loại cancer, thậm chí kể cả viêm gan B.
Và khi cà phê được rang lên, chất trigonelline (là một tiền chất hay precursor) sẽ chuyển ra thành hợp chất methylpyridium và chất nầy cho thấy có thể giúp ngừa được cancer ruột...
Chúng ta nên biết rằng những kết luận trên chỉ là những nhận xét và suy diễn từ một vài công trình khảo cứu trong những điều kiện thí nghiệm nhất định nào đó mà thôi.
Vậy chúng ta cũng nên cẩn thận, không nên quá vội lạc quan đối với những tin đồn đại về cà phê!
Bên cạnh một số điểm khích lệ vừa nêu trên, nhưng trong thực tế sự lạm dụng cà phê cho thấy nó thường gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe.
Bởi vậy càng ngày càng có nhiều người giảm bớt việc uống cà phê, thậm chí có người còn bỏ luôn cái thói quen này.
Chắc một số không ít các bạn cũng như người viết đều là dân ghiền cà phê cả.
Nếu bỏ cà phê không phải dễ gì, thì tốt hơn hết là chúng ta nên hạn chế bớt món kích thích này!
Không nên lạm dụng nó!
Trong mấy thứ ghiền, theo thiển ý riêng người viết, cái món ghiền cà phê (uống ở nhà với bà xã) thì hình như là…nhẹ tội và dễ thương hơn hết!
Đúng là bỏ thì thương, mà vương thì tội. Thôi thì cho mình chịu tội vậy./.
Tham khảo:
-/ Van Dam RM, Hu FB. Coffee Consumption and Risk of Type 2 Diabetes.
A Systemic Review. JAMA 2005; 294: 97-104.
-/ Krysty Nudds. Food scientist puts “world’s rarest coffee” through the
Paces. Research News, University of Guelph.
-/ Trung Nguyên Coffee. Legendee.
-/ VnExpress 11/8/2010. Gần 60 triệu đồng một kg cà phê chồn từ Trung nguyên
-/Việt Bao.Việt Nam. FDA: Nhiều lô hàng thực phẩm VN không hợp vệ sinh
-/People Voice online 12/22/2010. Độc hại của cà phê Việt Nam
-/ Civet coffee: good to the last dropping. USA Today.
Montreal, Jan 26, 2011