Lên mạng ngày 18/12/2009
TIỆC TÙNG CUỐI NĂM
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
&
Nguyễn Ngọc Lan, Dược Sĩ
Chúng ta hiện đang bước dần vào mùa lễ lộc, nào là Giáng Sinh, Tết Tây và sắp tới là Tết Ta... Thôi thì tiệc tùng lu bù liên miên, ăn uống ngất ngư mệt nghỉ.
Tiệc cuối năm trong cơ quan, trong sở, trong hãng, tiệc khao mừng xếp lớn xếp nhỏ, tiệc gây quỹ hội đoàn, tiệc từ thiện, tiệc gia đình,v.v… Chưa kể trong năm còn biết bao là tiệc nầy tiệc nọ khác nữa, v.v…
Không ăn thì lỗ, còn ăn thì khổ
Tiệc tùng là dịp để chúng ta gặp gỡ bạn bè, đấu láo, thăm hỏi đẩy đưa đầu môi chót lưỡi, bàn chuyện thằng cha nầy con mẹ kia, nhậu nhẹt lu bù ngất ngư con tàu đi, rồi còn bàn tính toàn chuyện kinh bang tế thế, chuyện trên trời dưới đất lấp biển vá trời, ở bên nầy tính chuyện bên kia...
Đây cũng là cơ hội để các bà các chị có dịp ăn diện thời trang, áo dài thật đẹp, thật à la mode hết xẩy, toàn là đồ xịn may bên VN, đi tới đi lui, xề qua bàn nầy, xẹt qua bàn nọ, làm duyên làm dáng, ẹo qua ẹo lại, ỏn a ỏn ẽn như là con gái đôi mươi, cho bà con thiên hạ nhìn ngắm đã con mắt. Mà đẹp thiệt, cũng mướt con mắt lắm chớ phải chơi đâu.
Còn các ông thì gọi nhau ơi ới, rượu vào lời ra, dô dô tới tấp, múa tay múa chân, mặt mày đỏ gay như trái gấc, thường hay kể chuyện tiếu lâm, chuyện dưới lưng quần càng mặn càng tốt, rồi nhe răng cười hô hố, rần rần như chợ cá Trần Quốc Toản Sài Gòn hồi năm nào. Ồn ào,vui lắm các bạn ơi.
Ăn riết tại mấy cái tiệm Tàu thì cũng có bấy nhiêu món đó mà thôi, mỡ dầu và bột ngọt thấy mà phát ngán phát sợ luôn.
Mà có phải rẽ gì đâu. Cách nay 4 năm,tại Montreal trung bình vừa ăn, vừa nghe ca sĩ cây nhà lá vườn hát, vừa vợ ai nấy ôm nhảy nhót loạn xạ, ban tổ chức chỉ lấy tượng trưng đâu lối 25-30$ thôi, nhưng từ 2 năm nay giá vé đã nhảy vọt lên lối gấp đôi. Rồi còn vé ủng hộ, vé VIP, vé mạnh thường quân nữa...
Đó là chưa kể chuyện ủng hộ ngoài lề (mua vé số, bỏ thêm chút đỉnh vô bao thơ để giúp từ thiện, bán đấu gía mấy bức tranh, ép mua báo xuân...).
Kẹt một nỗi là phần đông trong chúng ta đều lớn tuổi hết. Đến dự để gặp gỡ bạn bè cho vui vậy thôi chớ còn ăn uống có bao nhiêu đâu. Tiền hưu tiền già cũng ít ỏi nên mỗi lần đi cũng đắng đo lắm, cũng hao tài lắm bà con ơi.
Ngoài ra, ai nấy cũng đều có ít nhiều vấn đề sức khỏe nầy nọ. Đầu óc thì khi nhớ khi quên, thứ mính cần xài thì lần lần mất đi, mỡ cao, đường cao hoặc máu cao, đau lưng nhức mỏi kinh niên, nên ăn uống cũng phải tốp bớt lại, và thường cần phải coi chừng cái nầy, kiêng cữ cái nọ, rất phiền phức chớ không được thoải mái như hồi còn trẻ đâu.
Mấy năm trước có vài cụ niên trưởng, lúc ăn đến món thịt phải rút cây kéo ra cắt xơ xơ rồi mới ăn được. Thấy sao thê thảm quá. Nay thì các cụ nầy đã quy tiên hết ráo rồi.
Thiệt khổ cho cái thân già mà còn ham vui. Ai biểu nghèo mà ham!
Không ăn thì lổ, còn ăn thì khổ.
Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất
Ăn vào nhiều quá thì bị bội thực, bị bệnh.
Phát ngôn bừa bãi ẩu tả, nổ dữ quá thì bị chúng ghét, sinh thù sinh oán, đôi khi còn bị cho đội nón nữa.
Đó là chưa kể đến nỗi ám ảnh triền miên về các loại thực phẩm kém vệ sinh xuất xứ từ Trung Quốc và... Sợ, mà vẫn ăn. Đúng là chạy trời không khỏi nắng.
Coi chừng bị ngộ độc thực phẩm
Không cẩn thận thì ngộ độc thực phẩm là vấn đề có thể xảy ra...Tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu, sốt nóng, v.v…là những dấu hiệu tiêu biểu khi bị trúng thực sau một buổi tiệc.
Cách chữa trị tốt nhất vẫn là việc đề phòng
Vậy chúng ta cần nên lưu ý các điểm sau đây:
*- Giữ gìn thức ăn thức uống ở nhiệt độ thích hợp:
Thức ăn nóng thì phải giữ nóng từ 60 độ C trở lên.
Thức ăn lạnh thì phải giữ ở nhiệt độ 4 độ C trở xuống.
Nên nhớ là vùng nhiệt độ nguy hiểm để cho vi khuẩn dễ phát triễn là
từ 4 độ C đến 60 độ C.
*- Chuẩn bị - Sửa soạn thức ăn - Buffet:
Nguyên tắc hai giờ:
+ Nên chuẩn bị nhanh chóng và dùng càng sớm càng tốt sau
khi làm xong.
+ Không nên để thức ăn nguội lạnh trên bàn, hoặc trên
bàn thờ quá lâu trên hai giờ đồng hồ rồi mới ăn.
+ Trong lúc chờ đợi nhập tiệc, tốt hơn hết là nên giữ thức ăn nóng trên
bếp, vặn lửa nhỏ… còn thức ăn lạnh như mấy món gỏi, thịt nguội và
fromage thì nên giữ trong tủ lạnh.
+ Trong trường hợp phải mang đi xa, thì đối với rau cải trái cây,
thịt nguội, bơ, sữa, fromage phải ướm nước đá để trong thùng.
+ Chúng ta không nên đem thức ăn mới nấu từ bếp châm thêm vào dĩa
thức ăn nguội lạnh đã để quá lâu hơn hai giờ trên bàn tiệc!
*- Chuyên chở thức ăn đi xa
+ Thức ăn nóng: nên gói trong giấy nhôm, quấn vải dầy để giữ cho nóng và cất giữ trong thùng cách nhiệt 60 độ C (140oF).
+ Thức ăn lạnh: để trong thùng nước đá (có thêm nước đá!) để giữ lạnh ở 4 độ C (40oF). Khỏi phải nói, chắc chắn các bạn cũng nhớ để mấy lon beer và coke trong thùng nầy rồi.
*- Nhớ rửa tay kỹ lưỡng
Trước khi sờ mó vào thức ăn và trước khi ăn, phải rửa tay kỹ lưỡng
bằng savon.
Kết luận
Những điều viết trên đây quá ư là tầm thường không ai mà không biết, nhưng trong thực tế có rất nhiều người (kể cả người viết) hay quên, không để ý đến hoặc không thèm nhớ đến!
Đây là những nguyên tắc chính, tối quan trọng trong việc đề phòng các trường hợp ngộ độc thực phẩm trong lúc ăn uống.
Chắc cũng có bạn hỏi tại sao mình cũng thường dùng đồ nguội lạnh mua từ chợ 4-5 tiếng đồng hồ trước đó rồi về đến nhà mới ăn mà có thấy gì đâu?
Câu trả lời, có lẽ nhờ bạn mạnh trong mình lúc đó. Nếu vẫn tiếp tục làm kiểu nầy, có ngày bạn cũng lãnh đủ mà thôi. Có thể bị đau bụng và bị tào tháo rượt chạy không kịp là cái chắc!
Trong thực tế, một số thức ăn bày bán trong các chợ Á đông đôi khi cũng không tôn trọng nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đúng là chết ai nấy chịu.
Hay nói theo kiểu Mỹ cho le là: UAYOR (use at your own risk).
Trước thềm năm mới,tôi xin thâa ái gỡi đến toàn thể các Anh các Chị thuộc đại gia đình Nông Lâm Súc trong và ngoài nước, lời cầu chúc thân tâm an lạc.
Tham Khảo:
- Agence Canadienne d’Inspection des Aliments. La Salubrité des Aliments durant le Temps des Fêtes.
- Nguyễn thượng Chánh. Rửa Tay Để Bảo Vệ Sức Khỏe.YDNN
- Nguyễn thượng Chánh. Cái Miệng Hại Cái Thân. YDNN