TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hâm nóng toàn cầu ..1
 
Lên mạng ngày 28/3/2010

ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG HÂM NÓNG TOÀN CẦU LÊN TỈNH KHÁNH HÒA
Trần-Đăng Hồng, Trần Đăng Nhơn, KS Trần Giỏi
 
Phần 3. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
 
Ngoài gia tăng nhiệt độ trung bình, hiện tượng biến đổi khí hậu còn có những ảnh hưởng tác hại khác.
 
Sóng nhiệt. Nhiệt độ biến đổi bất thường và thình lình quá 45 °C, nhất là vào thời kỳ El Niño, sẽ gây chết chóc cho người già và trẻ nít. Hiểm nguy này tương đối thấp tại thành phố Nha Trang, nhưng có cơ xảy ra ở vùng Vạn Ninh thường có gió Lào, và vùng bán đảo Cam Ranh, nơi đồng khô cỏ cháy và các đồi cát khô hanh. Sóng nhiệt cũng gây cháy rừng và làm thiệt hại hoa màu nếu trùng vào thời gian sắp thâu hoạch hoa màu. Bịnh do virus như Sốt (Dengue fever) truyền nhiễm qua muỗiAedes aegyptiAedes albopictus trong điều kiện nóng bức. Năm 1998, nhiều quốc gia ở Á Châu bị nhiễm trầm trọng bịnh sốt ssRNA (dengue fever) và sốt xuất huyết (dengue haemorrhagic fever) trong thời gian nhiệt độ cực cao của El Niño.
 
Mưa lũ lụt. Mưa dầm và lũ lụt gây tác hại lên đời sống và tài sản. Mặc dầu Khánh Hòa thỉnh thoảng mới có lụt lớn, nhưng nguy cơ tàn phá có thể khá cao trong tương lai: (i) Mưa nhiều hơn lại tập trung trong vài tháng, (ii) nguy cơ vỡ đập của các hồ thủy điện ở nguồn nếu các đập thiết kế cẩu thả, (iii) nguy cơ lụt lớn khi xả lũ vì sợ vỡ đập; (iv) các cửa sông bị bồi lấp mà không được vét nạo thường xuyên, làm cản trở thoát nước trong mùa lũ. Ngoài ra, bịnh sốt rét thường rất trầm trọng vào năm có La Niña tại vùng Đông Nam Á. Dân cư vùng núi cao như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn có nhiều nguy cơ bệnh sốt rét, rất khó trị với dòng sinh lý sốt rét kháng thuốc mới truyền nhiễm từ vùng Trung Nam Mỹ, mặc dầu hiện nay bệnh sốt rét vùng núi đã được khống chế tương đối tốt.
 
Bão tố: Nguy cơ bão tố ở Nha Trang và Khánh Hòa tương đối thấp so với các tỉnh khác từ Phú Yên trở ra Bắc. Mùa bão ở Biển Đông từ tháng 7 đến tháng 12, trực tiếp thổi thẳng vào Trung Quốc từ tháng 7, đổi hướng theo chiều ngược kim đồng hồ, thổi vào Bắc Việt khoảng tháng 9, 10 và khi hướng bão thổi vào Nha Trang thì đã gần hết mùa bão (tháng 10, 11), vận tốc bão yếu, đôi khi không đến được tới bờ. Ngoài ra, nhờ các đảo ngoài khơi, các rặng núi chạy dài tới biển (như Đèo Cả, Hòn Hèo, v.v.) chắn gió, nên Khánh Hòa, Nha Trang ít bị bão tố; tần số bão đổ bộ vào Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển phía bắc. Tuy nhiên, rừng ngập mặn của Khánh Hòa đã bị phá hủy nhiều, các rừng dương liễu dọc duyên hải cũng bị chặt phá, không phát huy được tác dụng phòng hộ, vấn đề xói mòn bờ biển sẽ trầm trọng, đồng bằng eo hẹp sẽ bị cát lấn chiếm. Ngoài ra, các vùng lấn đất ra biển cũng có nguy cơ bị sóng biển cuốn phăng vào mùa bão, trùng hợp với năm có El Niño (mực nước biển cao hơn năm bình thường) và vào dịp có triều cường lớn (khoảng 21/9 dl và nhằm trúng ngày rằm hay mồng một âl), nếu không có các công trình chống sóng gây xói lở.
 
Hạn hán. Hạn hán trầm trọng và kéo dài là một nguy cơ lớn ở Khánh Hòa trong tương lai, nhất là vào năm có El Niño. Nạn cháy rừng và thiệt hại hoa màu sẽ gia tăng. Cần phải thiết lập thêm nhiều đập, hồ chứa nước, mặc dầu hệ thống dẫn thủy ở Khánh Hòa tương đối tốt hiện nay. Cũng cần phải sử dụng nước ngọt hữu hiệu hơn.
 
 
5. ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐA DẠNG SINH HỌC Ở KHÁNH HÒA
 
Hải sản: Một trong số loài sinh vật ở biển dễ bị tiêu diệt bởi biến đổi nhiệt độ nước biển là san hô. San hô chỉ sinh sống trong một giải nhiệt độ eo hẹp, biến đổi nhiệt độ nước biển trên hay dưới nhiệt độ này đều giết san hô (Coral bleaching), vì tăng hay giảm nhiệt độ nước biển đều giết chết những loại tảo làm thức ăn và tạo mầu cho san hô. Cả khối san hô sẽ bị giết chết khi nhiệt độ nước biển tăng lên 1 -2 °C trong 5 – 10 tuần lể (trong mùa hè của El Niño), hay giảm 3-5 °C trong 5-10 ngày (của mùa đông La Niña). Đa số san hô trên Thái Bình Dương bị chết trong thập niên 1980s đều xảy ra trong những năm có El Niño.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, năm 2004, hơn 400 loài san hô gồm 80 giống, 17 họ có mặt trên khoảng 200 điểm dọc bờ biển dài gần 3.200 km của cả nước hiện nay đang giảm dần vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là do con người khai thác quá mức, dùng chất nổ đánh cá, và làm ô nhiễm môi trường.
Hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng với El Niño hay La Niña, làm thay đổi hướng gió, hướng dòng hải lưu nóng hay lạnh nên ảnh hưởng rất nhiều đến hải sản.
Nhiệt độ nước biển gia tăng cũng làm giảm phiêu sinh vật và dưỡng chất nên tôm cá không sinh sản nhiều dẫn đến thất thu cho ngành đánh cá biển. Mật độ sứa biển lại gia tăng trong mùa hè nóng bức.
Hàng năm cả thế giới thâu hoạch khoảng 73 triệu tấn cá biển, với khoảng 550 loài cá, trong số này có 12 loại cá-biển-thương-mại quan trọng. Đó là: (1) Cá mòi (Sardine)-Nhật; (2) Cá mòi California-Peru; (3) cá mòi-Âu-Châu; (4) cá hồi (Salmon)-Thái-Bình-Dương; (5) Cá Pollock-Alaska; (6) Cá Mackerel-Chile (nước Chí Lợi); (7) Cá Anchovy-Peru; (8) Cá Cod-Đại-Tây-Dương; (9) Cá trích (Herring)-Đại-Tây-Dương; (10) Cá trích -Thái-Bình-Dương; (11) Cá mòi-Nam-Phi; và (12) cá Anchovy-Peru.
            Trong thập niên 1980s, tổng số khai thác 5 loại cá-biển-thương-mại chính ở Thái Bình Dương gồm cá mòi-Nhật, cá mòi-Peru, cá pollock-Alaska, cá mackerel-Chile và cá Anchovy-Peru khoảng 54 triệu tấn/năm, chiếm 52 % sản lượng thâu hoạch của tất cả loài cá biển.
            Dựa trên sản lượng khai thác được mùa, 12 loài cá-biển-thương-mại này được chia thành 2 nhóm chánh:
Nhóm I gồm cá mòi -Nhật; cá mòi -California-Peru; cá hồi -Thái-Bình-Dương; cá Pollock- Alaska; cá mackerel-Chile; cá Anchovy-Peru; và cá mòi -Âu-Châu. Nhóm cá này rất trúng mùa trong thập niên 1930s và đầu thập niên 1990s, nhưng thất mùa trong thập niên 1960s.
Nhóm II gồm cá Cod-Đại-Tây-Dương, cá trích -Đại-Tây-Dương, cá trích -Thái Bình-Dương, cá mòi -Nam-Phi, và cá Anchovy-Peru. Nhóm này lại trúng mùa ở thập niên 1960s, nhưng thất mùa ở thập niên 1930s và 1990s.
            Các phân tích thống kê cho thấy là hể năm nào nhóm I trúng mùa thì nhóm II thất mùa, và ngược lại. Phân tích thống kê trên sản lượng khai thác cá biển trong 1600 năm nay, nhất là dựa trên dữ kiện chính xác trong hơn 100 năm qua, cho thấy cá được mùa của nhóm này, hay thất mùa của nhóm kia, đều theo một chu kỳ 55 năm.
Các nghiên cứu gần đây do FAO tổng hợp (3) cho biết Chỉ số di chuyển của khí quyễn (Atmosperic Circulation Index, ACI) đặc biệt là hướng các luồng gió trên địa cầu có thể dùng để tiên đoán sản lượng của 12 loại cá thương mại chính của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Các phân tích cho thấy các thời gian toàn cầu có nhiệt độ bất thường (dynamics of air surface temperature abnomalies; dT), chỉ số di chuyển khí quyễn (ACI), và nhật kỳ (Length of day – LOD) xảy ra với chu kỳ 55-65 năm.
            Chính sự biến đổi sự di chuyển của các dòng nước theo một chu kỳ khoảng 60 năm, làm biển nóng lên, tiếp theo là thời kỳ biển lạnh, xen kẻ nhau, trùng hợp với trúng mùa hay thất mùa cá biển. Nhóm I trúng mùa vào thời kỳ biển nóng, còn nhóm II trúng mùa vào thời kỳ biển lạnh (1, 2).
            Dựa trên mô hình này, các nhà khoa học hải dương tiên đoán sản lượng cá nhóm II (cá trích Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cá cod Đại Tây Dương, cá mòi Nam Phi và Peru, và cá anchovy Nhật) được mùa trong thời gian 2000-2015, sau đó sản lượng sẽ giảm; ngược lại cũng trong thời gian 2000-2015 này nhóm I (cá mòi Nhật, Peru, California và Âu Châu, cá hồi Thái Bình Dương, cá Pollock Alaska và cá mackerel - Chile) mất mùa, nhưng sau thời kỳ này sẽ được mùa (1, 2).
            Ngành nuôi hải sản trong ao, đầm dọc biển, hay trong các lồng nuôi ngoài biển cũng sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai, đặc biệt trong năm có El Niño, nước biển nóng hơn, thiếu oxy, tảo phát triển mạnh và hải sản nhiễm nhiều bệnh hơn.
Trong điều kiện nước ấm hơn, nhiều loại tảo biển phát triển mạnh làm môi trường biển bị ô uế có ảnh hưởng xấu tới du lịch.
Vấn đề ô nhiễm nước biển Khánh Hoà là một vấn đề lớn cần phải giải quyết. Ô nhiễm dầu do tàu bè, rác và nước thải thành phố và khu công nghiệp. Ngoài ra, hiện tượng thủy triều đỏ do ô nhiễm sinh học thường xuất hiện từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch hàng năm ở vùng biển Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, tạo nên những khối nhầy màu xám, bao quanh một số loài vi tảo biển, làm tôm cá chết. Cần phải có biện pháp chống ô nhiễm biển để bảo tồn sinh sống và phát triển của phiêu sinh, là đầu nguồn trong dây-xích-thực-phẩm (food chain).
Tuy nhiên, tác hại của hâm nóng toàn cầu hay El Niño không đáng kể so với tác hại do con người gây nên: khai thác quá mức, môi trường ô nhiễm do nước thải, hóa chất của thành phố và khu công nghiệp, xăng dầu từ tàu bè, thức ăn thủy sản dư thừa từ các lồng nuôi thủy sản, v.v. Theo báo cáo của Viện Hải Dương Học Nha Trang  năm 2007 (3) thì các loại cá mú (Serranidae), cá hồng (Lutjanidae) nay ở mức cực hiếm, cá hè (Lethrinidae) không còn tìm thấy trong Vịnh Nha Trang. Trong nhóm cá cảnh, có màu sắc và hình dáng đẹp như cá bướm, cá chim xanh, cá mao tiên, v.v. bị khai thác quá tải. Các loài ốc đụn, hải sâm và tôm hùm tồn tại ở mức hiếm; trai-tai-tượng (Tridacna spp) và tôm-bác-sĩ (Stenopus hispidus) chỉ còn số lượng ít ỏi; ốc-tù-và (Charonia tritonis) vốn được sử dụng làm hàng lưu niệm, đã không còn tìm thấy trong suốt 10 năm qua.Mật độ cầu-gai-đen cũng bị suy giảm nghiêm trọng trên các rạn, do người dân khai thác làm thức ăn cho tôm hùm nuôi lồng. Điều này làm gia tăng sự phát triển của loài rong lớn - vốn là nguyên nhân dẫn đến suy thoái các rạn san hô.
 
Nông nghiệp:
Một cách tổng quát, hoa màu bị tàn phá nặng bởi lũ lụt, hạn hán, bão tố, gió Lào nóng bức kéo dài, lạnh lẽo bất thường, nghĩa là các biến cố thường xuyên hơn trong tương lai, hậu quả của hiện tượng hâm nóng toàn cầu và hiện tượng El Niño và La Niña.
Còn việc gia tăng nhiệt độ trung bình trên mức hiện tại khoảng 1 °C (khoảng năm 2100) hay 2 °C (năm 2200), song song với gia tăng khí CO2 trong không khí sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cây hoa màu?
Các loại ngũ cốc như lúa, bắp, đậu của vùng Khánh Hòa đều là loài cây thích ứng vùng nhiệt đới, đòi hỏi nhiệt độ tối hảo để sinh trưởng 30 -32 °C, nên việc gia tăng thêm 2-3 °C trên nhiệt độ hiện nay (27 °C) không có hại gì cả. Chu kỳ kể từ gieo đến thâu hoạch cho lúa, bắp có thể ngắn hơn 7 ngày cho mỗi 1 °C gia tăng. Gia tăng nồng độ khí CO2 trong không khí sẽ giúp gia tăng năng xuất, nhất là vùng Khánh Hòa có năng lượng mặt trời lớn (2600 giờ nắng/năm). Các loại đậu lấy hột như đậu xanh, đậu nành, đậu phộng hưởng lợi từ việc gia tăng nhiệt độ và CO2.
Mía sẽ hưởng lợi khi gia tăng nhiệt độ 1-2 °C, gấp đôi khí CO2 và gia tăng giờ nắng.  Các loại cho củ như khoai lang, khoai mì, khoai mỡ, khoai sáp v.v. cũng gia tăng năng xuất trong điều kiện này.
Cây ăn trái như xoài, mít, cam quít, thanh long, sầu riêng ở Khánh Sơn, v.v. cũng hưởng lợi, khác hẳn với loài cây ăn trái vùng ôn đới. Cây cho hạt như cacao, điều, tiêu cũng hưởng lợi. Dừa cũng hưởng lợi.
Nói chung, việc gia tăng thêm 1-2 °C và gấp đôi khí CO2 đều có lợi cho nông nghiệp tại Khánh Hòa, bởi vì cơ nguyên tạo hoa, trái của hoa màu vùng nhiệt đới khác hẵn với loại cây vùng ôn đới (4) mặc dầu trong điều kiện này cỏ dại và bệnh tật sâu bọ cũng phát triễn mạnh hơn. Cây hoa màu (như lúa mì, lúa mạch) và cây ăn trái vùng ôn đới (như bom táo) cần có tổng số giờ lạnh tối thiểu mới có thể ra hoa. Vì vậy, gia tăng nhiệt độ là một thiên tai cho cây hoa màu và cây ăn trái vùng Ôn đới.
Tuy nhiên, cà phê vối (cà phê robusta), nhất là cà phê arabica tại vùng cao ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn sẽ bị thiệt hại về năng xuất cũng như phẩm chất, và diện tích thích hợp cho canh tác có lợi bị thu hẹp (phải ở cao độ lớn hơn). Nhiệt độ tối hảo cho lục hoá ở cà phê arabica khoảng 20-24 °C, quá 24 °C lục hoá giảm dần và lục hóa không xảy ra ở 34 °C. Chỉ cần trãi qua nhiệt độ 30 °C trong nhiều ngày cũng đủ làm làm lá cà phê vàng vọt và cây bị mất sức. Nụ hoa cà phê được kích động bởi mùa đông mát mẻ và khô hạn, và nụ hoa trãi qua hưu miên cho tới lúc có mưa đầu mùa hoa cà phê mới nở rộ. Nếu mưa xảy ra trong mùa đông, cà phê ra hoa lai rai quanh năm làm giảm năng xuất, khó thâu hoạch và phẩm chất kém.
.
Lâm nghiêp
Về lâm nghiệp, diện tích rừng tự nhiên tại Khánh Hòa hiện có 161 ngàn ha, trữ lượng gỗ 18,5 triệu m3, khai thác khoảng 15 ngànm3 gỗ/ năm. Tuy phần lớn rừng hiện tại thuộc loại trung bình và nghèo, rừng giàu (chỉ chiếm 15,5% so với diện tích đất có rừng), nhưng tài nguyên rừng phong phú, có nhiều loài cây quý hiếm (khoảng 70 loài có tên trong Sách đỏ).
Gỗ quý hiếm như chai-lá-cong (Shorea falcata), sao-lá-hình-tim (Hopea cordifolia), mun (Diospyros mun), cẩm lai vú (Dalbergia mammosa), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), pơ-mu (Fokienia hodginsii), thông-hai-lá-dẹt (Pinus krempfii), gõ mật(Sindora siamensis), cà te (Afzelia xylocarpa), gụ lau (Sindora tonkinensis), bách xanh (Calocedrus macrolepis), xoay (Dialium cochinchinensis), hoàng đàn (Cupressus funebris), sưa  (Dalbergia tonkinensis).v.v.
Hương liệu và dược phẩm như Dó bầu (trầm hương, kỳ nam) (Aquilaria crassna), quế đơn(Cinnamomum cassia), sa nhân(Amomum xanthioides), hoàng kỳ (Astragalus membranaceus), ngũ-gia-bì (Schefflera octophylla), thổ-phục-linh (Smilax glabra), vù hương (xá xị) (Cinnamomum balansae), ươi (lười ươi) (Scaphium lychnophorum), ba gạc (Rauwolfia cambodiana), bời lời chanh (màng tang) (Litsea cubeba), v.v.
Nhóm cây cung cấp nhựa và gỗ: cây dầu con rái (Dipterocarpus alatus), dầu cát (Dipterocarpus cf. condorensis), chò chai (Shorea thorelii), thông nhựa (thông 2 lá) (Pinus merkusii), v.v.
Gôm (gomme): trôm hôi (Sterculia foetida).
Nguyên liệu thủ công mỹ nghệ: lá buông, tre nứa, lồ ô và song mây, đặc biệt giống mây-hoa-đằng (mây hèo - Daemonorops longispathus) ở Hòn Hèo, Ninh Hòa.
 
            Khánh Hoà rất phong phú nguồn cây bản địa. Chẳng hạn, Việt Nam có 20 loài Trà (Camellia) bản địa, thì riêng Khánh Hoà có 3 loài bản địa; Camellia krempfii Camellia fleuryi  của Hòn Bà và Camellia nematodea của rừng Ninh Hoà. 
Cũng vậy, trong số 72 loài Thị (chi Diospyros, mà hồng là D. kaki) bản địa, thì Khánh Hoà có 13 loài, có loài mang tên địa phương như D. bangoiensis (thị Ba Ngòi), D. nhatrangensis (thị Nhatrang), và không ai mà không biết đũa mun, tượng gỗ mun đặc sản của Ba Ngòi là lấy từ gỗ của D. mun là loài cây bản địa của rừng Cam Thịnh (Cam Ranh). 
Việt Nam có khoảng 2000 loài lan orchid (cả thế giới có khoảng 17,500 loài), trong số đó 795 loài đã được định danh, riêng Khánh Hoà có ít nhất là 59 loài, nổi tiếng với các loài lan hài (Paphiopedilum), phần đông tập trung ở Hòn Bà, Hòn Vọng Phu, Hòn Hèo và các rừng phía tây trên Trường Sơn. Năm 1922, ông Poilane - nhà thực vật học người Pháp - đã khám phá một loài lan hài màu hồng ở độ cao trên 1.000 m tại vùng Hòn Bà. Sau đó, ông mang về Pháp và tặng cho M. Delenat (Giám đốc vườn hoa Saint Cloud) trồng, loài lan này được đặt tên là Paphiopedilum delenatii. Đây là loài lan rất nổi tiếng, được nhân giống và phổ biến nhiều nơitrên thế giới.
Ba trong số 29 loài bứa (Garcinia, mà măng cụt là G. mangostana) là bản địa của Khánh Hoà. Dọc theo bờ biển và các hải đảo Khánh Hoà đầy rẫy nhãn rừng mọc hoang dại (Dimocarpus longan). Núi rừng Khánh Hoà còn là cái nôi của 2 loài Cam quít bản địa (Citrus annamensis C. macroptera var. annamensis), nằm trong 6 loài Citrus bản địa trong tổng số 24 loài hiện diện ở Việt Nam. 
Trên các vùng đồi núi của Khánh Hoà có Thiên-tuế-lược (Cycas pectinata) là loài thực vật cổ sinh, mọc tự nhiên ở vùng núi đá ven biển, được săn lùng làm cây cảnh; cây Bách xanh (Calocedrus macrolepis) cho gỗ quí làm mộc mỹ nghệ, đặc biệt tinh dầu trong thân có giá trị cao trong y học; Thanh tùng (Taxus baccata) gỗ, vỏ chứa chất taxol dùng làm thuốc trị ung thư vú, phổi. Người dân Nha Trang vốn tự hào về xứ “trầm hương”, đã đi vào huyền thoại Tháp Bà, đó là cây trầm hương (Aquilaria crassna), loài cây bản địa của Khánh Hoà, mà trầm Vạn Ninh nổi tiếng là tốt nhất, đặc biệt là “Kỳ Nam”, tốt hơn trầm hương xứ Quảng (Aquilaria baillonii và A. banaensae) bản địa của núi rừng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. 
Khánh Hoà cũng là quê hương của mít (Artocarpus). Trong số 15 loài mít hiện diện ở Việt Nam, thì 3 loài du nhập (nguồn gốc Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia), còn 12 loài kia là bản địa, trong số này có 3 loài là bản địa của rừng Khánh Hoà (Mít rừng, mít nài) (Artocarpus rigida subsp. asperulus, A. melinoxyla,A. nitida). 
Phần đông, người dân Khánh Hoà nghĩ rằng khí hậu Khánh Hoà khô nóng nên chỉ có cây vùng nhiệt đới. Sự thật, Khánh Hoà chúng ta còn có những loài cây của vùng á-nhiệt-đới (bán ôn đới) mọc tự nhiên (không phải do trồng) trên các núi cao của vùng Hòn Hèo, Hòn Bà, Vọng Phu, v.v. Chẳng hạn, trong số 52 loài Castanopsis (dẻ gai) bản địa của Việt Nam, có 11 loài bản địa của Khánh Hoà, trong số đó có vài loài mang tên địa phương như Castanopsis nhatrangensis (dẻ Nha Trang), C. ninhhoaensis (dẻ Ninh Hoà); trong số 112 loài Lithocarpus bản địa có 16 loài bản địa của Khánh Hoà, một số mang tên địa phương như L. nhatrangensis (dẻ Nha Trang), L. coinhensis (dẻ núi Cổ Inh), L. honbaensis (dẻ núi Hòn Bà), L. songkoensis (dẻ Sông Cô), hay kỷ niệm tên một nhà bác học L. yersinii (dẻ Yersin). Trong số 48 loài Quercus (cây sồi) bản địa, trên vùng núi cao ở Việt Nam thì có 6 loài bản địa của Khánh Hoà (Quercus arbutifolia ở Hòn Hèo, Q. helferiana, Q. lanata, Q. leucotrichophora, Q. poilanei Q. rupestris). Cũng không ai ngờ rằng tại Khánh Hoà còn có cây phong (thích, tích thụ): Acer flabellatum (phong-lá-quạt), và A. laevigatum (phong láng) trên Hòn Vọng Phu, Acer calcaratum (A. fenzelianum) và Acer aff. erythranthum ở Hòn Bà, vốn là những loài cây đặc trưng của vùng bán ôn đới.
Vì Khánh Hoà có đủ loại khí hậu, từ bán-sa-mạc, gió-mùa-ẩm-ướt-nhiệt-đới, đến á-nhiệt-đới, nên rừng Khánh Hoà rất đa dạng, từ rừng ngập mặn (mangrove), trảng (savannah) của vùng bán đảo Cam Ranh nổi tiếng với mai-vàng (Ochna integerrima) và gỗ mun (Diospyros mun); rừng-thay-lá cây họ Dầu (deciduous); rừng bán-thay-lá (semi-deciduous); rừng-thường-xanh (evergreen); và rừng-hỗn-giao (mixing forest) cây lá rộng và lá kim trên núi cao. 
Rừng ngập mặn tại Khánh Hòa phân bố dọc theo các đầm vịnh và các cửa biển: đầm Môn, vịnh Văn Phong, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy triều. Từng được biết đến không chỉ về diện tích (khoảng 3.000 ha vào trước năm 1975) mà còn có thành phần loài cây rất đặc trưng, với khu rừng bần cổ thụ (Sonneratia alba) - ở đầm Môn Vạn Ninh - độc nhất ở khu vực miền trung, có cây đường kính gốc tới 1 m; các dãy rừng mắm quăn (Avicennia marina) kết hợp với đước đôi (Rhizophora apiculata) và vẹt dù (Bruguiera gymnorhiza) là các loài cây tiên phong lấn biển giữ đất, góp phần tạo nên đầm Nha Phu giàu nguồn lợi thủy sản.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn có vai trò phòng hộ ven biển rất quan trọng, là vành đai xanh có tác dụng giảm thiểu thiên tai (sóng thần, triều cường, xói lở, v.v.), là nơi sinh sống và phát triển của nhiều chủng loại động thực vật. Tuy nhiên, với tình trạng phát triển tự phát các đìa nuôi tôm ven biển đã làm cho diện tích rừng ngập mặn bị sụt giảm và suy thoái nghiêm trọng, gây mất cân bằng sinh thái và gây ô nhiễm môi trường đáng báo động. Việc phục hồi rừng ngập mặn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tính đa dạng hệ thực vật rừng Khánh Hòa được thể hiện qua sự phân bố theo cao độ, rừng mọc từ vùng bình nguyên cho tới vùng đồi núi cao, từ những cánh rừng- khô-thưa-thay-lá và bán-thay-lá vùng thấp, đặc trưng với ưu hợp căm xe (Xylia xylocarpa) và bằng lăng (Lagerstroemia calyculata); đến các kiểu rừng dày ẩm tại các đỉnh núi cao, như ở Hòn Giao (cao 2.062 m), Vọng Phu (cao 2.051 m), Hòn Đa Đa (cao 1.709 m), Hòn Bà (cao 1.575 m), Hòn Chảo (cao 1.564 m), Hòn Chát (1.519 m), v.v. Việc nghiên cứu các đặc điểm về sinh thái và phân bố của thảm thực vật rừng theo địa hình và cao độ chưa được thực hiện quy mô ở Khánh Hòa.
Hòn Vọng Phu (cao 2051 m), có khoảng 8.780 ha rừng, rất phong phú về thực vật và động vật, gồm 191 loài cây, 22 loài có vú, gồm động vật quý và hiếm như khỉ mặt đỏ, gấu Tây Tạng, gấu Mã Lai, tê trút (Pangolin, Manis javanica), beo, sơn dương, và 55 loài chim với nhiều loài công quý hiếm.
Động vật rừng Khánh Hoà nổi tiếng với “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” hoặc ''Cọp Ổ Gà, ma Đồng Cháy"; ngoài ra còn có các đàn bò rừng, voi ở vùng núi Khánh Vĩnh v.v.,  nhưng hiện nay không còn một dấu vết nào được ghi nhận!
            Riêng vùng núi Hòn Bà đã được sự quan tâm nghiên cứu trong vài năm gần đây và đã hình thành Khu Bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Khánh Hoà. Kết quả điều tra khảo sát sơ bộ cho biết có 255 loài động vật thuộc 88 họ, nằm trong 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái. Đặc biệt có sự hiện diện của các đàn Chà-vá-chân-đen (Black-shanked douc, Pygathrixnigripes) và Vượn-bạc-má (Hylobates concolor leucogienis). Gần đây (2009), các nhà khoa học phát hiệnloài dơi-tai-nhỏ (loài dơi này cũng đã được phát hiện ở Lào Cai, Yên Bái và Tây nguyên) Myotis siligorensis ở độ ở độ cao 1250 m trên Hòn Bà. Giống dơi mới khám phá này ở Hòn Bà khác bản chất DNA với giống này ở các núi cao vùng Đà Lạt hay Đắc Lắc, chứng tỏ đây là giống dơi bản địa của Hòn Bà tự biến hóa biệt lập từ cả hàng vạn năm ở đây.
Tài nguyên rừng Hòn Bà có 511 loài thực vật bậc cao, trong số này 43 loài quý hiếm có giá trị khoa học và được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ, đáng kể là các loài thông-2-lá-dẹp (Pinus krempfii), pơ-mu (Fokienia hodginsii), hồng-quang (Rhodoleia championii), gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), gõ mật (Sindora siamensis), gụ lau (Sindora tonkinensis), trắc dây (Dalbergia annamensis), mun (Diospyros mun), trầm hương (Aquilaria crassna), xoay (Dialium cochinchinensis), v.v. Rừng Hòn Bà còn chứa những nguồn gen đặc biệt quý hiếm, như: thông-2-lá-dẹp là loài đặc hữu của Việt Nam, cây ớt-làn-mụn-cóc (Tabernaemontana granulosa) là loài đặc hữu mới chỉ tìm thấy ở Hòn Bà và Ninh Hòa.
Rừng Hòn Bà có những loài bản địa, không có ở nơi khác, đượcmang tên các địa danh của Khánh hòa: Dẻ gai Nha Trang (Castanopsis nhatrangensis), Thị Nha Trang (Diospyros nhatrangensis), Đỗ quyên Nha Trang (Rhododendron nhatrangensis), Sồi Hòn Bà (Lithocarpus honbaensis), Bùi Hòn Bà (Ilex honbaensis), Minh điền Hòn Bà (Medinilla honbaensis).
Rừng Hòn Bà còn có sự hiện diện của nhiều loài cây gỗ và lâm đặc sản quý khác như: hoàng đàn giả (Dacrydium pierrei), kim giao (Nageia wallichiana), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), sơn huyết (Melanorrhoea laccifera), sến (Madhuca cf. pasquieri), đinh (Markhamia stipulata), gáo-lá-tim (Adina cordifolia), hoa chuông (Enquianthus quinqueflorus), v.v. Nguồn lâm sản ngoài gỗ cũng rất phong phú: như song bột (Calamus poilanei); nhiều dược liệu quý giá như nấm linh-chi (Ganoderma lucidum), sa nhân (Amomum xanthioides), dó đất (Balanophora laxiflora), lười ươi (Scaphium lychnophorum), cốt-toái-bổ (Drynaria fortunei), ngũ-gia-bì (Schefflera octophylla), ba-gạc (Rauwolfia cambodiana), lan kim tuyến (Anoectochilus roxburghii), mã tiền (Strychnos nux-vomica), bời-lời-chanh (Litsea cubeba), v.v.
 
Phân bố theo cao độ, rừng Hòn Bà có thể chia thành các kiểu sau:
1.      Rừng thứ sinh nhân tác nhiệt đới; trong đó có các kiểu phụ rừng tre nứa xen cây gỗ, rừng phục hồi sau nương rẫy, trảng cỏ cây gỗ và cây bụi rãi rác ở phần chân núi.
2.      Rừng-kín-thường-xanh-ẩm-nhiệt-đới (độ cao dưới 500 m) gồm các loài cây phổ biến sau đây: dầu-con-rái (Dipterocarpus alatus), sao đen (Hopea odorata), tô-hạp-xiêm (Altingia siamensis), chò xót (Schima crenata), cầy (kơ nia) (Irvingia malayana), cồng mù u (Calophyllum thorelii), ngát (Gironniera subaequalis), lim xẹt (Peltophorum ferrugineum), bằng lăng (Lagerstroemia calyculata), phân mã (Archidendron balansae), trâm vỏ đỏ (Syzygium polyanthum), chang chang (Pentaspadon poilanei),vẩy ốc (Diospyros buxifolia), v.v.
3.      Rừng-kín-thường-xanh-á-nhiệt-đới núi thấp (độ cao từ 500-1.000 m), gồm các loại cây sau đây: hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), bạch tùng (Dacrycarpus imbricatus), ươi (Scaphium lychnophorum), giổi xanh (Michelia mediocris), chắp tay (Bucklandia populnea), bứa núi (Garcinia oliveri), mốp lá hẹp (Alstonia angustifolia), hoàng mộc (Zanthoxylum sp.), chẹo răng (Engelhardtia serrata), bời lời (Litsea sp.), sồi (Quercus helferiana), sổ hooker (Dillenia hookerii), v.v.
4.      Rừng-kín-thường-xanh-á-nhiệt-đới núi trung bình (ở độ cao từ 1.000-1.600 m); trong đó có kiểu rừng-kín-thường-xanh-hỗn-giao cây lá rộng và lá kim á nhiệt đới, gồm các loài cây sau đây: pơ mu, thông 2 lá dẹp, kim giao (Nageia wallichiana), đỗ quyên (Rhododendron chevalieri), cáp mộc (Craibiodendrom stellatum),thích-3-thùy (Acer calcaratum), hồng quang (Rhodoleia championii), hồi núi (Illicium griffithii), sồi Hòn Bà (Lithocarpus honbaensis), dẻ Yersin (Lithocarpus yersinii), quế đơn (Cinnamomum cassia), tân bời (Neolitsea sp.), dồi poilane (Archidendron poilanei), trà (chè) Hòn Bà (Thea yersinii), v.v.
 
Một số họ thực vật đặc trưng cho vùng núi cao trên Hòn Bà như: 
Họ Đỗ quyên (Ericaceae) tại Hòn Bà xuất hiệnở độ cao từ 800 m đến tận đỉnh (1574 m), trong vành đai khí hậu á nhiệt đới, bao gồm 5 chi với khoảng 10 loài: (i) Chi Đỗ quyên như Rhododendron chevalieri, R. excelsum, R. fleuryi, R. nhatrangensis và R. triumphans; (ii) Chi Trợ hoa (Hoa chuông) như Enkianthus quinqueflorus; (iii) Chi Ca di như Lyonia ovalifolia; (iv) Chi Cáp mộc như Craibiodendron stellatum; vàChi Sơn trâm như Vaccinium yersiniiVaccinium nhatrangensis. Riêng Rhododendron triumphans - Đỗ quyên rạng rỡ - là loài phụ sinh thân gỗ rất hiếm gặp, do BS. A. Yersin và nhà thực vật học Chevalier cùng phát hiện và định danh, có thể đây là loài đặc hữu của Khánh Hòa, xuất hiện ở cao độ 1.500m trên đỉnh Hòn Bà, cây ít phát triển về chiều cao (khoảng 2 m), nhưng có phát hoa màu đỏ cam đẹp rực rỡ, mùa ra hoa: tháng 8-9.
Họ Phong (Aceraceae) cũng có phạm vi phân bố hẹp, gồm một chi và 2 loài: Acer calcaratum (A. fenzelianum) và Acer aff. erythranthum, cả 2 đều là loài cây gỗ nhỏ, tái sinh tự nhiên khá tốt, thường gặp ở độ cao trên 1.200 m.
Họ Long não (Lauraceae) chủ yếu hiện diện trong rừng dầy ẩm vùng núi cao trên 1000 m, phổ biến là các chi quế (Cinnamomum), chi bời lời (Litsea) và chi tân bời (Neolitsea). Các loài thường gặp là re-hương (C. balansae), xá xị (Cinnamomum. sp.), quế đơn (Cinnamomum cassia), bời lời (Litsea cambodiana), bời lời chanh (màng tang) (Litsea cubeba), tân bời (Neolitsea sp.), trong số đó một số loài có nguy cơ bị tận diệt như quế đơn, xá xị, v.v.
 
Việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào lên cây rừng Khánh Hòa?
Rừng trên vùng bình nguyên thấp (lowland forests) sẽ tươi tốt hơn, vì nhờ lục hoá mạnh (ánh nắng đầy đủ và lượng CO2 gia tăng trong không khí) và có nước thuỷ cấp đầy đủ tồn trữ trong mùa mưa, hạn hán năm ba tháng không có ảnh hưởng vào cây rừng, ngoại trừ nạn cháy rừng thường xảy ra vào mùa hạn hán. Cây rừng thân gỗ có hệ thống rễ ăn rất sâu trong đất. Ngoài ra, một số loài cây có cơ nguyên chống hạn hán như tự-thay-lá (deciduous) nên không bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tuy nhiên, nạn cháy rừng trong mùa khô hạn là một đe dọa trầm trọng cho các rừng tre nứa, rừng dầu, rừng thông, và các khu rừng trồng (keo lá tràm, bạch đàn) v.v. ở Khánh Hòa.
Tuy vậy, rừng trên cao độ sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, trên Hòn Bà rừng-kín-thường-xanh ở độ cao dưới 500 m chỉ sống và phát triển được ở nhiệt độ trên 24 ºC. Nếu nhiệt độ trong tương lai gia tăng thêm 1 ºC , rừng-kín-thường-xanh sẽ leo lên cao độ 670 m, và nếu gia tăng thêm 2 ºC sẽ leo lên cao độ 830 m. Như vậy, các thảm cây rừng nhiệt đới này chưabị ảnh hưởng tuyệt chủng.
Rừng-kín-thường-xanh-á-nhiệt-đới núi thấp hiện nay ở cao độ 500 m (nơi có nhiệt độ 24 ºC) đến 1000 m (nơi có nhiệt độ 21 ºC), các giống cây này chỉ sống và phát triển trong giới hạn nhiệt độ 21 ºC và 24 ºC. Như vậy, nếu nhiệt độ gia tăng 1 ºC, loại rừng này phải leo lên cao độ từ 670 m đến 1170 m, và nếu gia tăng 2 ºC, các loại cây rừng này phải leo lên cao độ 830 m đến 1330 m mới hội đủ điều kiện nhiệt độ để sinh tồn. Vì vậy, khả năng tuyệt chủng do nhiệt độ cũng tương đối ít.
Rừng-kín-thường-xanh-á-nhiệt-đới núi cao hiện nay ở cao độ 1000 m (nơi có nhiệt độ 21 ºC) đến đỉnh Hòn Bà (1574 m, nơi có nhiệt độ 17.4 ºC), các giống cây này chỉ sống và phát triển trong giới hạn nhiệt độ 17 ºC và 21 ºC. Như vậy, nếu nhiệt độ gia tăng 1 ºC, các loài cây rừng này phải leo lên cao độ từ 1170 m đến 1760 m (trong khi Hòn Bà chỉ cao 1574 m), và nếu gia tăng 2 ºC, các loại cây rừng này phải leo lên cao độ 1360 m đến 1830 m mới hội đủ điều kiện nhiệt độ để sinh tồn. Như vậy, những giống cây hiện sống ở cao độ khoảng 1400 m trở lên trên Hòn Bà sẽ bị tuyệt chủng nếu nhiệt độ gia tăng 1 ºC (vào năm 2100), và những giống cây hiện sống ở cao độ khoảng 1.300 m trở lên sẽ bị tuyệt chủng nếu nhiệt độ gia tăng 2 ºC (vào năm 2200). Những thành phần sẽ bị tuyệt chủng trên Hòn Bà gồm các loài như Thông-2-lá-dẹp (Pinus krempfii), Đỗ-quyên-rạng-rỡ (Rhododendron triumphans), Thích-3-thùy (Acer calcaratum) và Acer aff. Erythranthum, dẻ Yersin (Lithocarpus yersinii) (hiện ở độ cao 1500 m), v.v.
Ngoài ra, cây Pơ-mu (ở độ cao trên 1000 m), cũng có khả năng tuyệt chủng trên Hòn Bà cùng với một số loài cây khác nữa như: Kim giao (Nageia wallichiana), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Hồng quang (Rhodoleia championii), Tân bời (Neolitsea sp.), Quế đơn (Cinnamomum cassia), sồi Hòn Bà (Lithocarpus honbaensis), v.v. ở độ cao từ 1300 m trở lên tới đỉnh, kể cả các loài lan-hài-cánh-sen (Paphiopedilum appletonianum), lan kim tuyến (Anoectochilus roxburghii) v.v. Vì vậy cần có các biện pháp bảo tồn các nguồn gen thực vật núi cao này.
 
6. NGUY CƠ ĐA DẠNG SINH HỌC Ở KHÁNH HÒA
Tóm lại, việc gia tăng nhiệt độ không có ảnh hưởng gì nhiều đến đa dạng sinh học tỉnh Khánh Hòa, ngoại trừ các thảo mộc ở núi cao trên 1000 m. Chính “con người” mới là thủ phạm chánh của sự hũy diệt tài nguyên và đa dạng sinh học, đưa đến tuyệt chủng của nhiều loài động vật và thực vật.
Hai giống cây tường trình đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam đều là giống bản địa của Khánh Hoà, đó là hoa-lan-vệ-hài (Paphiopedilum delanatii) của rừng Hòn Bà và cây Chai-lá-cong (Shorea falcata) của rừng còi bán đảo Cam Ranh. Tuy nhiên, loài Chai-lá-cong đã được phát hiện vẫn còn tại một vài nơi và đã được nhân giống để bảo tồn. Đáng lưu ý là trên vùng đồi cát ở bán đảo Cam Ranh, còn có hai loài cây quý hiếm cần phải được gấp rút bảo vệ, đó là sao-lá-hình-tim (Hopea cordifolia) và dầu cát (Dipterocarpus cf. condorensis).  
Một số loài cây đã tuyệt chủng, nhưng chưa được công bố vì chúng không có lợi ích kinh tế thời nay, như các giống quít hoang dại (Citrus annamensis và C. macroptera var. annamensis). Chẳng hạn, giống “quít nấu xôi” (Citrus cf. macroptera var. annamensis) của các vùng đồi núi Cổ Inh, Hòn San, Hòn Sầm ở Ninh Hoà còn nhiều ở thập niên 1950s, nay đã không còn thấy. Cũng vậy, những giống Dẻ (Castanopsis, Lithocarpus), Bứa (Garcinia), Thị (Diospyros) đặc thù của Khánh Hòa, mang tên địa phương (như Castanopsis nhatrangensis, Castanopsis ninhhoaensis, Lithocarpus nhatrangensis, Lithocarpus coinhensis ở Cồn Hến, Lithocarpus honbaensis ở Hòn Bà, Lithocarpus songkoensis ở Sông Cô, Lithocarpus yersinii) nay cũng khó tìm thấy hay không được nhắc đến.
Ngoài ra, vì nạn lạm thác bừa bãi nên tài nguyên rừng cạn kiệt. Nhiều giống cây gỗ quí, có giá trị kinh tế cao, trở nên khan hiếm như các loài cây Gõ đỏ, Giáng hương, Cẩm lai, Gụ mật, Huỳnh đường, v.v., hay sắp bị tuyệt chủng như Mun.
Nhiều loại thú rừng cũng biến mất trên các vùng núi Khánh Hoà.
 
7. BIỆN PHÁP BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI KHÁNH HÒA
Trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, nghèo nàn hóa đa dạng sinh học, chúng ta cần phải bảo vệ tài nguyên và nguồn “gen” cho thế hệ tương lai sử dụng. Kiến thức và tài năng khoa học của thế hệ chúng ta rất giới hạn, chưa biết được giá trị của nguồn “gen” tiềm ẩn trong hàng ngàn loài cây hoang dại của rừng núi Khánh Hòa.
            Bảo vệ tài nguyên và nguồn gen bằng hai cách; bảo-tồn-tại-chỗ hay bảo-tồn –nguyên-vị (in-situ conservation) và bảo-tồn-chuyển-vị (ex-situ conservation).
            Bảo-tồn-tại-chỗ bằng cách thiết lập khu bảo tồn, như Khánh Hòa đã thiết lập hai khu bảo tồn (Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khu Bảo tồn biển Hòn mun). Đặc biệt, trên Khu Bảo tồn Hòn Bà, ngoài việc ngăn chận lâm tặc, cũng cần phải ngăn cấm tình trạng du khách phá phách, xả rác, cấm trại, đốt lửa, hái hoa trái, hái hoa lan, bắt bướm, hay gây náo động chim muông, v.v.
            Bảo-tồn-chuyển-vị gồm việc thiết lập khu sưu tập thực vật như công viên, vườn bách thảo, hay tồn giữ hạt giống nguồn gen trong ngân hàng hạt giống.
            Thành phố Nha Trang, cũng như Khánh Hòa, đang phát triển nhờ các hoạt động du lịch. Ngoài phong cảnh thiên nhiên trời phú, Nha Trang chưa có vườn bách thảo, công viên cây xanh trồng cây bản địa để lôi cuốn du khách, đặc biệt đối với du khách ngoại quốc và các nhà khoa học. Ngoài lợi ích du lịch, bảo tồn cây bản địa trong vườn bách thảo hay công viên cây xanh còn có mục đích nghiên cứu và giáo dục. Phải chú trọng vào cây bản địa, hơn là du nhập các giống ngoại lai như hiện nay.
            Khánh Hòa nổi tiếng về hoa Mai vàng với nhiều giống bản địa mọc tự nhiên ở các hải đảo, bãi cát, rừng còi, cho đến đồi núi. Cần phải sưu tập tất cả giống Mai bản địa của Khánh Hòa, cũng như các giống Mai khác ở Việt Nam từ giống Mai ở đảo Côn Lôn tận cùng Miền Nam cho tới giống Mai Yên Tử của Miền Bắc. Khu vực đồi Trại Thủy của Nha Trang, xưa kia còn gọi là “Hoàng Mai Sơn”, vốn là một vùng đồi núi toàn Hoa Mai-Vàng-8-cánh, nên được chọn làm nơi sưu tập các giống Mai ở Việt Nam. Chắc chắn đó là một địa điểm lôi cuốn du khách trong nước và ngoại quốc.
            Cũng cần chọn một địa điểm vừa có vùng thấp của bờ biển vừa có núi cao để làm vườn bách thảo, đặc biệt với các giống bản địa của Khánh Hòa, kể cả các giống Lan của núi rừng Khánh Hòa.
            Riêng ở Hòn Bà, đặc biệt phải nghiên cứu chi tiết thảm thực vật từ độ cao 1000 m trở lên ở Hòn Bà, vì các loài này có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai, một khi nhiệt độ gia tăng thêm 1 hay 2 ºC. Phải tìm biện pháp bảo tồn các nguồn gen này. Ngoài biện pháp tồn trữ nguồn gen trong ngân hàng hạt giống, cũng cần nghiên cứu bảo tồn nguồn gen “Hòn Bà” bằng việc di dời một số cây này lên vùng núi cao hơn của Khánh Hòa, như Hòn Giao (cao 2.062 m) và Vọng Phu (cao 2.051 m). Mặc dù ở những núi cao này đã có cây của các loài này, nhưng đứng về mặt “gen” di truyền DNA chúng có thể khác, vì chúng đã tự biến đổi qua hàng vạn năm biệt lập với nhau trên các đỉnh núi cao này.
 
Tài liệu chính tham khảo:
1. Klyashtorin, L. B. (1998) Long-term climate change and main commercial fish production in the Atlantic and Pacific. Fisheries Res. 37: 115-125
2. Klyashtorin, L.B. (2001). Climate change and long-term fluctuations of commercial catches: the possibility of forecasting. FAO Fisheries Technical Paper. No. 410. Rome, FAO. 2001. 86p.
3. Vô danh (2007). Nhiềuloài hải sản trong vịnh Nha Trang bị khai thác cạn kiệt. Báo Lao Động điện tử ngày 22/6/2007.
4. Trần Đăng Hồng (2007). Ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu lên nông nghiệp Việt Nam. Phần 2. Nông Nghiệp Phổ Thông
 
Phần 1. Nước biển dâng cao
Phần 2. Biến đổi khí hậu
3/2010
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855121 visitors (2217777 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free