TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tản mạn về Khỗng giáo
 
Lên mạng ngày 24/1/2011

TẢN MẠN VỀ KHỖNG GIÁO
Khi học trường làng ở lớp Năm (lớp 1 bây giờ), vì thiếu phòng học, lớp tôi được dạy trong Miếu Khổng Tử ở Thanh Minh. Lớp học được tạm thời xắp xếp trong sảnh đường của Miếu, mà trước mặt học trò là một tượng Khổng Tử to cao bằng người thật. Vào thời đó, tôi chưa biết ông là ai, chỉ biết ông như một vị Phật phải tôn thờ. Hàng ngày, khi đi qua tượng, chúng tôi phải chấp tay cúi đầu. Khi lên lớp Tư, Cha tôi mua cho tôi quyển sách giáo khoa thư trong đó có 2 trang đặc biệt có hình người, một trang có hình Khổng Tử, trang kia có hình Mạnh Tử. Với hai trang này, Cha tôi bảo tôi xếp đôi trang giấy lại, để hình không bị dơ nhớp hay vì lý do nào khác tôi không rõ. Ông Nội và Cha tôi đều là nhà nho thâm hậu, tôn kính thánh hiền. Vì vậy, từ thời non dại đó, tôi xem Khổng Tử như vị Phật, nhất nhất những gì ngài phán dạy phải tuyệt đối tuân theo.
          Rồi thời gian lớn lên, khi vào Trung Học, có một ông Thầy dạy rất giỏi và đáng kính mà tôi có thời xem là thần tượng. Khi dạy về luân lý, thầy đã nói rằng chúng ta cần xét lại tư tưởng của Khổng Tử mới có thể tiến bộ được. Thú thật tôi không để ý lắm về lời bình luận này của Thầy.
          Ngay từ thời niên thiếu, tôi say mê đọc truyện Tam Quốc, Thủy Hử, và lịch sử Tàu qua Đông Chu Liệt Quốc v.v. Cha tôi bảo túi khôn loài người ở trong các quyển sách này, ai ai cũng cần phải đọc để biết cách xử thế trên đời. Cha tôi nói tất cả những chuyện tốt hay xấu, mưu mô, gian xảo, lừa thấy phản bạn, con giết cha, cha giết con, anh em giết nhau vì quyền lực vì tư lợi, v.v. đều có mô tả trong các quyển này.
          Khi đọc đến phần Khổng Phu Tử mô tả trong Đông Chu Liệt Quốc tôi khám phá Ông là người “nói lấy có”, không “khoa học” tí nào, chỉ dùng “kinh sách” để lòe người.
          Khi cùng các đồ đệ đến nước Lỗ, nhân có một người đến báo cáo với vua là đào đất vào một hang rỗng thì thấy một con dê. Nghe vậy, vua Quý Tôn Tư thử tài Khổng Tử, mới hỏi: “Có người đào giếng, bắt được con chó, không biết là cớ sao?”. Khổng Tử nói “Cứ theo ý tôi thì đó tất là con dê, chứ không phải con chó”. Vua nói “Cớ sao lại biết”. Khổng Tử bèn “vòng vo Tam quốc” kể chuyện để khoe kiến thức rộng của mình “Tôi nghe nói loài sơn quái gọi là quí võng lạng, loài thủy quái là long võng tượng, loại thổ quái gọi là phân dương. Nay đào dưới đất lên một con vật, tất phải là con phân dương đó”. Rồi Khổng Tử giải thích thêm “Phân dương nghĩa là con dê, không phải đực, không phải cái, mà có hình dạng giống con dê mà thôi”. Thì ra con dê mà có hình dạng giống con dê thì là con gì? Trả lời như vậy mà nhà vua và bá quan ngợi khen tài Khổng Tử hết sức!
          Chỉ nhờ trả lời hàng hai ba phải như vậy mà Khổng Tử được vua Quí Tôn Tư cho làm quan ở đất Trung Đô. Vua Sở là Sở Chiêu Vương nghe tài hùng biện của Khổng Tử, mới sai sứ mang nhiều lễ vật trong đó có một trái cây lượm được trên sông Giang đến biếu ông để thử tài kiến thức. Khổng Tử trả lời “Đây là quả bèo, có thể bổ mà ăn được”. Sứ giả nói “Sao Ông biết”. Ông trả lời “Khi trước tôi có sang Sở, nghe đứa trẻ hát rằng “Vua Sở qua sông, bắt được quả bèo, to bằng cái đấu, đỏ như mặt trời, bổ ra mà ăn, vị ngọt như mật”. Vì vậy mà tôi biết”. Sứ giả nói: “Quả bèo có dễ tìm được không?”. Khổng Tử trả lời “Bèo là một vật lênh đênh trên mặt nước, không có chỗ nhất định, không kết thành quả được, thế thì trăm nghìn năm mới có một lần. Đó là cái triệu tan mà lại hợp, suy mà lại thịnh, đáng mừng thay cho vua Sở”. Bây giờ chúng ta hỏi đố, bất cứ con nít nào cũng biết đó là trái dưa hấu, thế mà Khổng Tử vòng vo Tam quốc để đánh lạc hướng che dấu cái không biết của mình, mà còn tâng bốc lời xua nịnh vua Sở một cách khôn ngoan.
Như vậy, tại sao Khổng Tử nỗi danh và được người đời ca tụng tôn thờ? Ông là rường cột của Khổng Giáo, nền tảng  của Tứ ThưNgũ Kinh.
Trước nhất, ông là một biên tập viên tài giỏi, ông sưu tập những bài thơ dân gian và viết thành Kinh Thi.
Ông là một nhà viết sử và bình luận lịch sử. Trong quyển Kinh Thư ông kể lại những vị vua hiền đức như Nghiêu, Thuấn hay vua tàn ác như Kiệt, Trụ. Trong Kinh Xuân Thu, ông ghi lại những biến cố xảy ra ở nước Lỗ và một vài sự việc của nhà Chu với các nước chư hầu.
Ông là người có công hệ thống hóa phương pháp bói toán trong Kinh Dịch.
Ông là người sáng tạo những phép tắc lễ nghi trong Kinh Lễ để tái lập trật tự xã hội.
Quan trọng họn hết, Ông là một nhà chính trị lỗi lạc. Thời Xuân Thu chiến quốc là thời đại loạn lạc, nước Tàu chia năm xẽ bảy, các tiểu quốc gây chiến tranh giành nhau, nhà nước trung ương vô tài, không ai tùng phục. Ông là người đề xướng các biện pháp chính trị để tái lập lại trật tự quốc gia, tất cả được liệt kê trong Tứ Thư gồm Luận Ngữ (luận về quân tử, tiểu nhân, tam cương, ngũ thường), Đại học (nói về tu thân), Trung Dung (luận về Trí, Nhân, Dũng), và Mạnh Tử (luận về Thiện và Tâm). Vì vậy khi ông đến làm quan ở nước nào, nước đó trở nên an bình thịnh trị. Ông chủ trương những biện pháp chính trị gì?
1. Ông chủ trương độc tài sắt máu để cai trị đất nước. Vua là Con Trời (Thiên Tử). Vua có trọn quyền sinh sát. Quan, dân phải trung với vua (Trung quân). "Quân xử thần tử, Thần bất tử bất trung". Vua bảo quan chết, quan không chịu chết là quan bất trung.
 
2. Ông chủ trương độc đoán, chỉ phục tùng, không được cải. Trong quốc gia vua là bậc chí tôn, con dân phải “trung quân”. Trong xã hội, Thầy (Sư) phải được tôn thờ (Tôn Sư Trọng Đạo), cái gì thầy dạy là tuyệt đối đúng, không được cải hay trái ý thầy, sách thánh hiền tuyệt đối đúng; và trong gia đình con phải có “hiếu” với cha: "Phụ xử tử vong, Tử bất vong bất hiếu". Cha bảo con chết thì con phải chết. Con không chịu chết là con bất hiếu.
 
3. Ông là người kỳ thị chủng tộc cực đoan. Ông nói: "Các nước Di, Địch dù có vua cũng không bằng Hoa Hạ (Trung Hoa) không có vua". Vua Tàu là con Trời, là Thiên Triều, tộc Hán và nước Tàu là nước văn minh nhất ở trung tâm thế giới (Trung Hoa, Trung quốc), các nước chung quanh chỉ là man di mọi rợ, nước Tàu có quyền đến truyền dạy văn minh Hán tộc. Chính vì tư tưởng này đã tạo ra chủ trương bá quyền trong đầu óc người Tàu lên khắp lân bang và thế giới.
 
4. Ông là người kỳ thị giới tính cực đoan, không kém gì Taliban của A Phú Hản ngày nay. Ông chủ trương “trọng nam khinh nữ”: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Vì vậy, giới nữ không có một địa vị gì ngoài xã hội hay trong gia đình. "Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử": Khi còn con gái phải theo cha, khi đi lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết phải theo con trai. Ông dạy bảo người phụ nữ phải “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” chỉ để phục vụ và phục tùng đàn ông. Đàn ông có quyền “Phu Xướng Phụ Tùy”, chồng nói gì vợ phải răm rắp nghe theo. Đàn ông có quyền “Năm Thê Bảy Thiếp”, nhưng đàn bà đức hạnh phải “chính chuyên một chồng”.
 
5. Ông là người kỳ thị giai cấp. Trong xã hội ông phân chia 2 tầng lớp: Quân tử và Tiểu nhân. “Quân” là vua, “tử” là thành phần có học sách thánh hiền (tức Tứ Thư Ngũ Kinh). Ngày xưa, ứng thi làm quan là dựa vào kiến thức của Tứ Thư Ngũ Kinh, nên thành phần quan lại từ trung ương đến địa phương, tức gia cấp thống trị, thuộc thành phần “Quân Tử”. Tiểu nhân là thành phần dân giã không có học sách thánh hiền. Dân giã và đàn bà thuộc thành phần “tiểu nhân”. Thành phần quân tử có đặc quyển để cai trị thành phần tiểu nhân. Giai cấp tiểu nhân phải phục tùng và có bổn phận phụng sự giai cấp quân tử.
 
6. Ông là người kỳ thị nghề nghiệp. Trong xã hội, ông phân chia 4 loại nghề nghiệp: “Sĩ, nông, công, thương”. Sĩ, không có nghĩa theo quan niệm người “trí thức” ngày nay, mà là người thông suốt, thuộc làu “Tứ Thư Ngũ Kinh”, biết đạo thánh hiền, biết xuất khẩu thành thơ, loại người mà quần chúng cho là “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Sĩ là nghề được tôn trọng nhất. Ngược lại, Công và Thương lại bị khinh khi, lại chính là nghề nghiệp làm cho dân giàu nước mạnh.
Chính vì bị Tàu đô hộ ngàn năm, các vua chúa Việt Nam lại lấy Khổng Giáo làm trọng, lấy Tàu làm khuôn mẫu trị vì đất nước, nên Việt nam chúng ta đã không phát triễn được về mọi mặt, về chính trị, xã hội, khoa hoc, kinh tế, v.v. Cũng chính vì vậy mà Việt Nam cũng đã mất nhiều dịp để canh tân. Đất nước vẫn triền miên nghèo đói lạc hậu qua suốt dòng lịch sử. Nước Nhật Bản và dân Nhật, thật là may mắn, không biết tí gì về Khổng Giáo, mà chỉ biết Phật Giáo mà thôi.
Giáo dục là cơ sở căn bản để phát triễn đất nước, khai phóng dân tộc và phát huy tư duy trí thức con người. Nhưng bởi vì bị ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo quá nặng nề, các nhà làm giáo dục vẫn là các quan truyền lệnh học theo lối từ chương “Tứ Thư Ngũ Kinh”. Thầy giáo ngày nay cũng không khác gì các hũ nho ngày xưa truyền dạy lại bằng mớ sách giáo khoa lạc hậu. Còn học sinh thì chỉ học những gì thầy dạy, học ngày, học đêm, học suốt năm, học suốt đời, với mục đích để chỉ đạt điểm cao, để tốt nghiệp, cốt để làm quan chức. Đúng là một nền giáo dục lạc hậu, trái hẳn với quan niệm giáo dục nhân bản và khai phóng của phương Tây. Đó là lý do tại sao, mặc dầu rất thông minh, người Việt chúng ta thiếu sáng kiến, thiếu tư duy, ít sáng tạo và biết phát minh. Từ ngàn xưa tới nay ta vẫn xử dụng chiếc xe cút kít.
 
Reading, 1/2011
Trần Đăng Hồng

Trở lại trang KH&TH
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 861073 visitors (2232344 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free