TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Xuân đến muộn
 
Lên mạng ngày 5/2/2010

     


 
    TL- 2010
 
 
            Ngọc chải lại mái tóc để chuẩn bị đến nơi làm việc mỗi ngày, còn Minh thì cũng đã ra nổ máy xe ngồi chờ trước cửa. Thời tiết cuối đông nơi đây mỗi sáng trời hãy còn rất lạnh, máy xe cần phải làm cho thật ấm trước khi chạy ra đường để không sợ bị chết máy. Sáng nào cũng thế, Minh sẽ đến nơi làm của Ngọc trước, rồi sau đó anh mới chạy thẳng đến hãng của mình. Chiều tan việc Minh quày xe lại đón vợ rồi cả hai cùng về nhà. Trước đây, trên xe còn có Ý-Vân, đứa con gái của hai người, mỗi ngày cũng đã từng theo ba mẹ đến trường buổi sáng, rồi buổi chiều từ thư viện lên lại xe để về cùng với gia đình. Từ ngày vào trường đại học thì Ý-Vân đã có xe riêng cho mình, nhưng sinh hoạt hàng ngày của hai vợ chồng Minh và Ngọc thì cũng vẫn y như vậy: Sáng hai người ra đi trên cùng một chuyến xe, chiều về trở lại trong cùng một mái nhà.
            Chợt có tiếng gõ vào cửa nhè nhẹ rồi cánh cửa mở ra, Ý-Vân bước đến trao vào tay của Ngọc:
            - Mẹ! Năm nay trường của con có tham gia vào Hội Chợ Tết do sinh viên tổ chức. Con có hai vé để mời ba mẹ đến dự.
            Ngọc để vội hai tấm vé trong xách tay, nhìn nhanh vào mặt đồng hồ rồi nói:
            - Ừ! Mẹ sẽ nói lại với ba rồi cả nhà mình cùng đi đến đó. Còn bây giờ thì mẹ phải ra xe ngay, kẻo không thì ba con lại bực dọc khi phải ngồi chờ mẹ khá lâu ngoài ấy. Con nhớ ăn sáng trước khi đến trường. Nhớ nghe con!
            - Dạ! Mẹ cố gắng thuyết phục Ba lần nầy đi cho bằng được nghe mẹ!
            - Ừ! Mẹ sẽ cố.
            Quàng lại chiếc khăn che cổ trên vai, Ngọc mở cửa bước nhanh ra ngoài. Sau khi thắt dây an toàn, xoa đôi bàn tay lại với nhau tìm chút hơi ấm, rồi thở nhanh, Ngọc trông thấy những hơi khói trắng thoát ra từ miệng. Minh lui xe ra đường, quay mặt về vai phải, nửa nhìn vợ, nửa nhìn đường rồi mở miệng:
            - Hôm nay… sao em ra trễ vậy?
            Chờ Minh đã cho xe chạy thẳng an toàn trên mặt đường hãy còn ướt đẫm sương mai, Ngọc mở xách tay mang ra hai tấm vé ban nãy rồi nói:
            - Ý-Vân mới đưa cho em hai vé mời tham gia hội chợ Tết năm nay. Con nó muốn vợ chồng mình cùng tham dự, nhưng mà em thì chưa trả lời với nó. 
            Minh nhìn vào kính chiếu hậu rồi ngồi trầm tư hướng đôi mắt về phía trước, yên lặng lái xe…
 
            Hơn ba mươi năm trước, Minh đã ra đi trên một con tàu nhỏ mong manh, vượt nghìn trùng sóng gió ngoài biển khơi bao la để tìm một bến bờ tự do. Mang thân phận của một người tị nạn chính trị, Minh đã được đất nước nầy chấp nhận cho mình bắt đầu làm lại một cuộc đời mới. Ngày đi làm, đêm đi học… cứ như vậy mà thời gian trôi qua nhanh chóng. Làn sóng người vượt biển ngày càng đông. Người tị nạn ngày càng di cư đến đất nước nầy, tiểu bang nầy ngày càng nhiều. Thương nghiệp, dịch vụ để phục vụ cho đời sống của cộng đồng người Việt tị nạn tại nơi nầy ngày càng phát triển nhanh, để rồi một thành phố mới được gọi tên là “Tiểu Sài-Gòn” ra đời với những ngôi chợ, quán ăn đầy ấp những thực phẩm quê hương.
            Cách nơi đây gần hai tiếng đồng hồ lái xe, Minh cũng đã từng nghe đến tên thành phố nhỏ của người tị nạn nầy. Một chút gì đó xao xuyến trong lòng cứ mãi thôi thúc, để rồi một buổi sáng mùa đông, Minh cùng một người bạn làm chung trong xưởng đã lái xe lần mò tìm đến. Định bụng tìm một tô Phở nóng ăn cho ấm lòng, vì đã lâu lắm rồi… hình như là sau những ngày tháng của năm đó…để rồi mùi vị của những tô Phở ấy chỉ còn tồn tại trong trí nhớ mà thôi..
            - Tiệm phở bên kia rồi!
            Người bạn ngồi trong xe đưa tay chỉ về phía trái bên trước, Minh đưa mắt nhìn theo. Một căn tiệm nho nhỏ với đám khói trắng nghi ngút thổi từ mái bay vút lên trên không. Rẽ xe vào bãi đậu trước cửa, mùi thơm của phở đã tràn ngập khắp không gian quanh đây, như đã xâm nhập được vào trong xe để làm ấm áp khứu giác của mình. Minh cảm thấy một không khí quen thuộc đang thật sự gần gũi bên cạnh.
            Bãi đậu xe nhỏ quá nhưng lại đầy cả, chạy lòng dòng hai lần mà không tìm thấy một chỗ trống nào, Minh đành phải ngừng xe lại trước cửa để chờ. Một đám thanh niên với hai trai và hai gái bước ra. Minh thấy bọn chúng chẳng có nét gì trông giống người Việt của mình chút nào, mà tại sao tụi nó lại biết tìm đến quán phở? Hai đứa con trai với mái tóc màu xanh, màu đỏ chải cứng, nhô cao trên đầu như những người da đỏ hung tợn trong các phim cao bồi. Hai cô con gái kia thì tóc lại bện dầy thô bỉ, đôi mắt tô đen với đôi môi dầy cũng một màu đen thẩm. Chúng nó mặc áo choàng chắn gió cũng màu đen dài khỏi gối, huyên hoang ra ngoài với từng bước đi chậm rãi. Minh lái xe chầm chậm theo sau lưng bọn chúng. Chợt một đứa con trai trong nhóm quày đầu lại, phanh hai vạt áo phía trước, lườm mắt, rồi buông ra một câu chưởi thề:
            - *#!*#! muốn cái gì mà cứ cho xe chạy theo sau lưng tụi tao?
            Minh giật mình chưng hững không thốt ra lời. ‘Tụi nó là những thanh niên Việt Nam! Tụi nó biết nói tiếng Việt!...’ Người bạn ngồi kế bên phải lên tiếng giải thích:
            - Tụi tôi đang tìm chỗ đậu xe. Tưởng các anh sẽ nhường chỗ cho nên chạy theo. Xin lỗi! Xin Lỗi!
            - *#!*#! Không có chỗ nào hết. Đi đi!
            Minh định dừng xe lại bước ra để phải trái với tụi nầy, đám nhóc con mất dạy, nhưng người bạn kế bên đã nhỏ lời khuyên nhủ:
            - Thôi! Đừng có ra kiếm chuyện với tụi nó. Mình lái xe thêm một vòng nữa xem sao. Mặc kệ tụi nó.
            Hậm hực trong lòng Minh đi tìm một chỗ đậu xe khác. Tô phở đầu tiên ăn lại được của ngày hôm đó, Minh cảm thấy có mùi vị cay nhưng không phải của lá Quế, cộng thêm vị đắng cũng không phải do gia vị ‘Hồi’ trong tô phở. Kể từ đó, Minh không buồn đi tìm chút hơi ấm nơi thành phố có đông người đồng hương của mình vào những ngày nghỉ cuối tuần nữa. Mãi cho đến một thời gian sau đó thật lâu…sau ngày anh đã lập gia đình.
 
            Đã đến nơi làm của Ngọc, Minh dừng xe lại cho vợ bước xuống rồi trả lời:
            - Để anh xem lại công việc trong hãng như thế nào? Với lại thời tiết lúc đó ra sao rồi mình mới tính.
            Khẽ gật đầu đồng ý với chồng rồi rời khỏi xe đi nhanh vào cổng, Ngọc nở một nụ cười sung sướng…
 
            Ngọc là người di dân diện đoàn tựu. Theo những chuyến bay, gia đình của Ngọc đã an toàn đáp xuống đất nước nầy cách nay cũng hơn hai mươi năm. Ngọc hoàn toàn không quen biết gì với Minh khi còn ở Việt Nam. Những lá thư của Minh viết về gia đình trước đây, từ nơi nầy đã gửi đến địa chỉ nhà của Ngoại, nơi mà chị em Ngọc đang tạm chung sống với bà ở một thành phố nhỏ thuộc miền tây nước Việt. Đọc lời xin lỗi trong thư của Minh, rồi cũng theo lời chỉ dẫn và nhờ vả trong đó của anh mà Ngọc tìm đến tận nơi, trao tay cho thân nhân của Minh những bức thư, những món quà mà anh đã gởi về. Có những lúc nhà vắng người, vì các em của Minh phải ra ngoài tìm kế sinh nhai, cho nên Ngọc chỉ gặp được cha của anh một mình đang trông nhà. Bởi tuổi già mắt kém, mà lại nóng lòng mong tin của con, cho nên ông vẫn thường nhờ Ngọc mở thư ra đọc ngay cho ông nghe. Đọc được những lời thư thăm hỏi cha già, những dòng chữ nhắn gởi các em mà Minh đã viết gởi về, rồi nhìn được giọt nước mắt nhớ nhung của một người cha thương con đang lăn trên gương mặt già cỗi, Ngọc cảm thông với nỗi lòng nhớ nhà, nhớ quê hương của một người con trai nước Việt đang xa xứ.
            Vài ngày trước khi từ biệt bà để ra đi, Ngọc có ghé lại thăm hỏi cha của Minh, cùng những người trong gia đình. Họ buồn rầu, quấn quít bên nàng như sắp xa lìa một người thân trong nhà. Họ nhờ Ngọc gởi đến đứa con xa quê hương ấy những kỷ vật nhỏ, đến tay một người anh xa nhà kia đôi dòng thư thăm hỏi mà nàng hứa sẽ trao đến tận tay Minh. Vài tháng sau, từ miền đông bắc xa xôi, Ngọc đáp máy bay đến để gặp anh trao lại những kỷ vật như đã hứa. Rồi vài tháng sau đó nữa, Minh đã bay lên miền đông bắc, lập gia đình cùng Ngọc rồi cả hai trở về chung sống nơi đây…
 
            Ngọc biết là chồng mình rất thương vợ và con. Cho dầu trước đó anh đã không nhận được hình ảnh tốt đẹp nơi thành phố nhỏ nầy, nhưng thỉnh thoảng vào những ngày cuối tuần không bận rộn, anh cũng dành thời giờ đưa vợ con đến đây để thưởng thức những món ăn Việt Nam, cùng ghé chợ mua thêm thực phẩm tươi mang về chế biến thức ăn quê hương trong gia đình mỗi ngày. Xong những việc đó thì cả gia đình cũng vội vả quày về nhà, vì Minh thật sự không muốn gặp lại những sự việc tương tợ của bốn tên quỷ sứ trước kia có thể xảy ra, sợ có ảnh hưởng đến tuổi thơ đang lớn của con.
            Nhưng bây giờ thì con đã lớn. Ý-Vân đã khôn lớn và đang sinh hoạt hàng ngày trong môi trường đại học. Trí óc tò mò của nó cũng đang muốn tìm hiểu thêm về một địa danh mà Ngọc thường kể với con; nơi đó vốn đã là một tổ quốc mà cha con đã bảo vệ, và là một quê hương đầy thương yêu của mẹ; cho nên lần nầy Ngọc thật sự cũng rất mong là gia đình sẽ cùng đi với con tìm hiểu về một mùa Xuân quê hương trên xứ người.
 
            Ý-Vân ra đời rồi lớn lên trong sự thương yêu bao bọc của cả cha lẫn mẹ. Tuy bạn bè của Ý-Vân quen trong trường từ nhỏ cho đến lớn, đa số xuất thân từ những gia đình với những chủng tộc khác nhau, nhưng khi về đến nhà, mỗi ngày sinh hoạt cùng song thân bằng tiếng mẹ đẻ nên Ý-Vân cũng nói được ngôn ngữ của cha. Sau khi được nhận vào trường đại học, Ý-Vân được dịp gặp gỡ nhiều bạn bè Việt Nam từ khắp nơi qui tựu lại, cho nên tiếng Việt của nàng ngày càng thông thạo hơn. Từ đó Ý-Vân cũng có dịp tự tìm hiểu thêm được về phong tục, văn hóa cùng lịch sử của một quê hương mà cha mẹ của mình, cũng như rất đông những người đồng hương khác với họ đã phải đành đứt ruột ra đi trước đây.
            Ý-Vân biết là cha cũng đã đánh mất đi những mùa xuân của người kể từ thời gian đấy. Cho nên tham gia vào Hội Sinh Viên Việt Nam, cũng như tham dự vào ban văn nghệ năm nay, Ý-Vân muốn tạo một sự ngạc nhiên cho ba mẹ và cho chính cả bản thân của mình. Hội Chợ Tết năm nay, Ý-Vân sẽ góp vai vào phần trình diễn áo dài, cùng văn nghệ giúp vui. Lần đầu tiên, khi khoác vào người chiếc áo dài cổ truyền thì Ý-Vân cảm nhận ngay một niềm tự hào dâng cao trong lòng người con gái với dòng máu Việt, khi mà nàng trông thấy hình ảnh của một thiếu nữ thùy mị và duyên dáng đang xuất hiện trong gương…
 
            Từ sáng sớm, khi bầu trời hãy còn mờ trong sương, Ý-Vân cùng các bạn trẻ khác đã có mặt đầy đủ trong khuôn viên của khu Hội Chợ Tết. Cả đám thanh niên trong bộ đồ ấm, vừa đội mủ đeo găng, vừa run cầm cập sắp ghế, dựng lều cố cho xong trước khi bình minh ló dạng. Chương trình của Hội Chợ Tết năm nay nhằm giới thiệu về nét đa dạng của nền văn hóa Lạc Việt qua các tiết mục văn nghệ, trình diễn áo dài, biểu diễn võ thuật, hợp cùng những gian hàng chung quanh trưng bày những nghệ thuật thủ công, trò chơi giải trí cho trẻ em, cùng các món ăn thuần túy Việt Nam phục vụ thực khách. Tất cả đều do bàn tay của những người trẻ tuổi không phân biệt chủng tộc đang hiện diện nơi đây, cùng sự góp sức của những người Việt ly hương từ bao nhiêu năm qua qui tựu lại. Tất cả sẽ cùng mang lại một không khí của những ngày đón Xuân cổ truyền quen thuộc trên mảnh đất nhỏ xa lạ nầy.
            Vợ chồng Minh đã đến địa điểm trước giờ khai mạc. Xe cộ từ khắp nơi đang đổ dồn về đông nghẹt, và trên đường, người đi bộ cũng đang nườm nượp tiến về khu vực của hội chợ. Mọi người hớn hở đi đón Xuân bằng những nụ cười rạng rỡ, cùng áo quần sặc sở với màu sắc vui tươi. Minh và Ngọc cùng tiếp nối với làn sóng người đang nhộn nhịp bước chân theo tiếng trống múa Lân rộn ràng mở lối phía trước. Minh trông thấy một bé gái nhỏ, với chiếc áo dài đỏ, đang nắm chặt bàn tay của mẹ bước đi từng bước hân hoan. Bé có mái tóc đen dài qua vai, đôi má ửng hồng. Bé líu lo hỏi mẹ đủ chuyện. Bên cạnh đấy một bé trai khác, với bộ áo dài xanh cùng khăn đóng đang ngồi trên vai của bố. Trên hai tay của bé có đôi lá cờ nho nhỏ, một lá với màu xanh, trắng, đỏ; và một lá với màu vàng quen thuộc. Hòa điệu với bước chân nhún nhảy của người cha theo nhịp trống lân phía trước, bé cũng phất phơ đôi lá cờ trên không, cùng nổ to những tràng cười khanh khách. Ngọc trông thấy chồng mình cũng đang nở trên môi những nụ cười đã mất.
            Bên trong khuôn viên hội chợ, các tà áo dài thướt tha qua lại bên cạnh những nhánh hoa Đào, hoa Mai để chụp ảnh lưu niệm. Không ít người không phải gốc Việt cũng đang hòa hợp với người đồng hương Việt Nam nơi đây, tạo nên một khung cảnh đầy vui nhộn và hào hứng. Tiếng gọi tên nhau ơi ới, tiếng pháo nổ đì đùng, cùng những nhánh Mai, cành Đào cũng đang tranh nhau khoe sắc khắp nơi.
 
            Những hàng ghế phía trước sân khấu chính đã có rất đông khán giả hiện diện. Vợ chồng Minh cũng tìm được hai chiếc ghế ở dãy sau cùng. Tiếng xướng ngôn viên vang lên với tên người ra trình diễn chiếc áo dài của một nhà thiết lập thời trang nào đó bảo trợ. Từng cánh áo dài thướt tha từ trong đi ra, ngừng lại trong giây phút, đổi vị trí rồi quày trở lại bên trong hậu trường trong tiếng vỗ tay nồng nàn tán thưởng của quan khách. Minh cũng chăm chú theo dõi những thiếu nữ duyên dáng trong những chiếc áo dài, rồi cũng nhẹ nhàng vỗ tay tán thưởng ủng hộ sau đó. Tiếng người xướng ngôn viên vẫn tuần tự tiếp tục vang lên:
            - Nguyễn-Đoàn Ý-Vân, sinh viên năm thứ ba trường…
            Minh giật mình bắn người lên lấp bấp hỏi vợ:
            - Em…Có phải… là Ý-Vân của nhà mình không em?
            Ngọc khẻ mỉm cười gật đầu, Minh trố đôi mắt to kinh ngạc nhìn lên sân khấu. Trước mắt anh, một thiên thần áo lụa khác đang hiện ra trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người. Nhưng lần nầy tay anh đã không còn hòa nhịp cùng với mọi người chung quanh nữa, mà lại khẻ lau nhanh giọt nước mắt sung sướng đầy hãnh diện đang rơi nhanh trên má. Vang dội tiếng từ xa, những tràng pháo mừng xuân vẫn tiếp tục nổ dòn khắp đó đây. Hôm nay là ngày mùng bảy Tết ở Việt Nam, có thể mọi người bên ấy đã trở lại cảnh sinh hoạt bình thường của mỗi ngày, thế mà tại một nơi lạnh lẽo, cách xa nơi đó hơn một nửa quả địa cầu, nơi đây lại đang có một mùa xuân đến muộn.
 
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780459 visitors (2069940 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free