TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Thanh Vân và mối tình đầu
 

THANH VÂN VÀ MỐI TÌNH ĐẦU                               
 

   Thanh Vân, người Cần Thơ, là người tình đầu tiên của tôi, một mối tình đẹp đẻ trong sáng và có một kết cục vừa có hậu và có hơi “cải lương” nữa.
   Ở Bảo Lộc sau năm lớp 10, về nghỉ hè, tôi, từ Cần Thơ, miền Tây, được những người xóm giềng chào đón như thể tôi vừa học một học ở nước bên Tây về. Nếu so sánh 45 kí khi đi với 53 kí lúc ấy, nước da rám nắng của miền tây nam bộ khi đi, với nước da trắng hồng của cao nguyên được thay đổi sau 4 tháng rưởi, tôi xứng đáng làm cái người mẫu cho những chàng trai Tây Nam bộ muốn thay hình đổi sắc. Còn một thứ thay đổi lớn hơn, không thể đo lường được, đó là nhân cách của tôi- tự lực, tự tin, chuyên cần và chịu khó. Các thầy hiệu trưởng nhiều đời qua, hàng ngàn học sinh đã trải qua năm tháng ở trên đó đâu có biết cái kết quả độc đáo ấy. Vào những buổi sáng hay đêm trời trở lạnh ở Cần Thơ, dân ở đây mặc áo khoác, co ro, là lúc tôi thong dong thư thái. Trong những kẻ đó, có người để ý tôi. Tôi đâu có biết rằng tôi trở thành người xa lạ ngay trong xóm cũ của mình. Khi có một cô gái từ xóm kế bên thỉnh thoảng đến chơi với một người em bà con ở xóm tôi, tôi không hề hay biết rằng tôi vừa lọt vào đôi mắt xanh của nàng, Thanh Vân.
   Vào một buổi trưa nắng tháng 7-1972, tôi có một bức thư. Trên phong bì, hàng chữ tên người gửi rất xa lạ với tôi: Nguyễn Thanh Vân nhưng hàng chữ người nhận thì quả đúng là tên tôi, địa chỉ nhà tôi: Lương Ngọc Thành 12/5 Lê Lai Cần Thơ. Dĩ nhiên là khá ngạc nhiên, tôi đọc ngay bức thư ấy:
 
“Anh THÀNH thân mến!
Được biết anh học ở Bảo Lộc, một nơi xa lạ so với một cô gái như em người chưa hề ra khỏi Cần Thơ, em đem lòng thán phục và em rất mong anh không xem thường em, con gái mà viết thư làm quen trước,
“Anh THÀNH thân!
Anh có biết rằng con gái rất muốn được đi học xa, muốn được sống xa nhà như một con chim nhỏ muốn bay xa, nhìn thấy cuốc
sống từ một góc cạnh khác không?
Anh có biết rằng em thích được nghe anh kể về Bảo Lộc, trường của anh, khí hậu, con người ở đó lắm không? Anh có thể kể cho em nghe tại sao anh phải lên đó học. Kể cho em nghe những gì anh có được trên ấy và những thứ anh đánh mất khi anh phải học xa nhà.
Nếu anh xem em như một người em gái nhỏ, một cô hàng xóm, xin đừng coi thường em và viết trả lời cho em nhé.
Mong thư anh.
T.V.”
 
   Tôi trả lời nàng rằng tôi cũng mong có người làm bạn, một cô em gái từ quê hương để viết thư, để kể lể nhiều điều và để vui mỗi khi có thư của cô ta. Trong những ngày hè năm đó, hai đứa tôi đã gặp nhau. Trong những lần hai đứa tôi đi vòng quanh xóm tôi, mặc dầu cố gắng, tôi cứ thường nói lẩn lộn chữ anh với chữ em và tôi cảm thấy gương mặt tôi nóng rang mỗi khi tôi chạm vào cánh tay nàng. Nàng cứ bước đi theo tôi, hơi cuối mặt xuống- tránh những ánh mắt xoi bói của những người trong xóm. Thật là buồn cười khi nhìn thấy một cặp trai trẻ đi một vòng quanh xóm rồi cả hai đi thẳng về nhà.  
 
   Năm học lớp 11, tôi dọn ở với Bác Luận, ngỏ hẻm nhà thờ, sau Đài Đức Mẹ. Nấu ăn cho cả nhà, tôi có ít thời gian rảnh hơn nhưng có nhiều điều để viết hơn vì tôi khi ấy đã 16, cái tuổi của mơ mộng. Tôi thường viết cho nàng rằng:
“Anh mơ ước được có cái nghề ổn định để anh báo hiếu mẹ anh. Anh chỉ mong có một gia đình nhỏ bé, một trang trại nhỏ bé, trong một thị trấn nhỏ bé, làm việc trong một khu rừng nhỏ bé vì anh cảm thấy mình khá nhỏ bé trong cái cuộc đời to tác đại sự, đua chen và gian khổ này...”
   Những gì Thanh Vân viết cho tôi thật khá dễ hiểu. Thứ hai hằng tuần tôi có thư của nàng. Cô ấy hằng nhắc tôi rằng cô ta mong thư hồi âm của tôi như một bệnh nhân mong người thầy thuốc đến khám bệnh. Niềm vui của nàng còn lan tỏa khắp gia đình. Khi nào có thư tôi, nàng mừng vui như trẻ con có quà, có mọi thứ chúng thèm muốn. Tôi quý trọng cái niềm vui tinh khiết ấy nên trả lời thư rất đều, nắn nót chữ viết trên phong bì rất đẹp mắt. Tôi vừa buồn cười vừa trách nhẹ cái cô gái ích kỷ này khi mà thư nào nàng kèm theo đúng một con tem cho tôi. Không có ai ở cả hai trường NLS Cần Thơ và Bảo Lộc tin rằng tôi đã nhận những bức thư của nàng lúc 10 giờ sáng và viết trả lời vào 3 giờ sáng ngày hôm sau.
   Tôi đã giử yên những cái “tâm tình bằng lời” từ Cần Thơ gởi lên cho tôi được 15 giờ đồng hồ. Mẹ tôi không thể tin vào tai bà nếu tôi có thố lộ ra điều này. Tôi có lúc thèm được nép vào lòng mẹ tôi để về kể điều này và còn nhiều điều khác nữa. Tình cảm của một người phụ nữ nào ấy có khấy động có chia xén bớt những giọt máu nóng, những hơi thở ấm áp mà tôi vốn chỉ dành cho mẹ tôi hay không?
 
   Khi nghe tôi trả lời các câu hỏi của bác sĩ Hồng Vân về chuyện riêng của tôi, đặt biệt về Thanh Vân, bà cho rằng chúng tôi đã yêu nhau. Cô ấy cố gắng cho tôi hiểu trong khi tôi cố tình che dấu vì những lý do rất đáng khen ngợi, lo học, giữ gìn sự trong sáng khi gặp nhau. Trong vai trò của người tư vấn, bác sĩ Vân đã khuyên tôi nên tỏ tình chứ không nên để cô ấy khắc khoải đợi chờ tôi nữa.
   Xong việc học trên Bảo Lộc, đầu tháng 5, 1974, tại phòng khách, sau nhiều nổ lực, tôi rất run khi nắm tay nàng:
   - Vân, anh yêu em. Em có biết không?
   Thanh Vân đã kể lại rằng khi ấy nàng như bị đóng băng, không thể động đậy, mấp máy đôi môi để nói ra một lời nào. Cái cảm nhận của nàng trong khoảnh khắc ấy có thể còn nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.
                                                                           
Lương Ngọc Thành, Rạch Giá ngày 3/1/2011
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 843769 visitors (2187262 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free