TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tản mạn về ngày Nhà Giáo
 
Lên mạng ngày 20/11/2010

Tản mạn về ngày nhà giáo !
 
Nhân ngày Nhà Giáo VN 20/11. Kính chúc quí Thầy Cô luôn vui khỏe. Xin nhận qua đây lòng tri ân của chúng em, những học trò trực tiếp hay gián tiếp qua các thế hệ.
 
 
 
Tôi viết những dòng này khi ngày 20/11 gần kề, ngày nhà giáo VN, cũng là ngày trang Web NLS Cần Thơ của Thầy Trần Đăng Hồng mở lại.
Sự trùng hợp tình cờ gợi thật nhiều điều để tưởng nhớ.
 Mổi nước có một ngày Teacher’s Day khác nhau ( USA : Ngày Thứ ba của tuần thứ 1 tháng 5; ÚC : Thứ Sáu cuối tháng 10, UK ; 15 tháng 5 ). Ngày 20/11 cũng chỉ mới có ở VN từ sau 1975…
 
Việt nam bây giờ một năm có quá nhiều ngày, lể Ta cộng với lể Tây . Ngày Phụ nữ có cả quốc tế và VN. Valentine’s Day, Mother’s Day, Father’s Day …đã trở thành khá phổ biến . Các cửa hàng hoa, gói quà càng lúc càng phát triển .
Thời chúng tôi là sinh viên tiếp tục học sau 1975, ngày 20/11 những năm 75,76,77,78 thật là lạ lùng mới mẻ.
 Những vị Thầy đáng kính cảm động và gượng gạo cầm nhừng cành hoa lẻ loi trong bửa tiệc trà đá đơn điệu. Ôi nhớ và thương sao những vị lái đò đưa chữ sang sông, những vị tiền bối đã dạy dổ biết bao lứa học trò. Những ai có dịp tiếp tục làm lái đò mới càng thấy thấm thía thương Thầy Cô một cách sâu xa…
 
Hoa bây giờ cũng phong phú chủng loại. Dần dà người ta cũng theo chủ nghĩa hiện thực,  Nếu hoa ít đi thì phong bì phải dày hơn. Ngày 20/11 bây giờ tràn ngập hoa, các Thầy Cô ( dĩ nhiên đang đứng lớp) có người ôm hoa không còn thấy người, nhất là những ai đang dạy những môn chính, Toán Lý Hóa Văn.
 Hoa càng nhiều lên nhưng tình có vẻ càng vơi, hoa giờ cả ôm cả đống nhưng chỉ còn là giá trị hình thức, không có coi không được. Cho nên cho những chuyện bi hài về hoa ở Thành phố.
 … Lẳng hoa, nhất là các loại hoa lâu tàn như phong lan đều được một số cửa hàng hoa thu mua và tái chế lại. Ở các đám tang lớn, hoa nhiều, các cò thi nhau đưa danh thiếp và cho giá mua lại từ vòng hoa cườm cho đến hoa tươi…
 
 Xả hội đi lên người ta càng hướng về hình thức, quá nhiều những bài báo hô hào xưng tụng Thầy Cô rỗng tuếch. Biết sao giờ, mọi việc không nằm ở một mắc xích nào, nó là cả một chuổi,  trong đó Thầy Cô cũng quay quần theo cơn lốc …
 
 Tình Thầy trò tỉ lệ nghịch với cấp học, học sinh cấp 2,3 luôn đậm đà tình nghĩa Thầy trò. Sinh viên đại học thì một bước đã ra gần bằng nhiều khi hơn hẳn Thầy Cô, vòng xoáy ốc sự nghiệp cuốn hút đi nên cũng không trách họ được. Những ai đã từng ngồi hội đồng chấm luận văn sẽ thấm thía nhất với hoàn cảnh này. Vì những ứng viên đang bảo vệ luận văn nhiều khi còn vai vế và sự nghiệp hơn nhiều Thầy Cô trong hội đồng. Phong bì, hoa, tiệc là thủ tục kết thúc luận văn, cũng gần như kết thục nghĩa Thầy trò…Vòng xoay nó vốn như vậy thì phải như vậy !!
 
 Cũng có câu chuyện buồn cảm động khi cô bé học sinh lớp 1 khóc không chịu đến trường vì không có gì tặng Thầy Cô. Chuyện những Thầy Cô dạy các môn phụ ( Công dân giáo dục, Sử Địa, Sinh học, Thể dục..) cầm những bông hoa như hàng tặng kèm, hàng ăn theo các môn chính của những lớp cuối khóa.. Có lẻ dần dà ngay các phụ huynh vì lo cho sự nghiệp thi cử nên họ cũng dần quên rằng để thành nhân con em chúng ta cũng hết sức cần những môn phụ, những điều học hỏi tưởng như nhỏ nhoi nhưng cũng góp phần xây dựng tính cách con người. Đôi khi người ta chỉ lo cho con thành tài mà quên rằng trách nhiệm cha mẹ nuôi con thành nhân đã là điều đáng quý.
 
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Thầy tôi dạy lớp Tư ( lớp 2 bây giờ ) . Mổi sáng thấy dáng Thầy từ xa chúng tôi đứa nào cũng nhìn xuống hai bàn tay mình xem móng tay có dài không, đứa nào lở quên cắt thì dùng răng cắn lấy cắn để, có đứa bị xước chảy máu, khi xòe ra cho Thầy kiểm tra nếu bị phát hiện cắt móng tay bằng răng vẫn bị khẻ thước. Bị phạt mà vẫn không đứa nào oán trách Thầy, sự nghiêm khắc hợp lý vẫn gieo những hạt mầm tốt thuở thiếu thời
 
Năm 81, chúng tôi về dạy kết nghĩa cho làng SOS ở Gò Vấp, học sinh mồi côi tuổi 11-15 là tuổi quậy phá tung trời. Sau 10 năm những học trò giờ đã phổng phao trưởng thành khi gặp chúng tôi vẫn nhắc kỷ niệm bị Thầy phạt, nhắc mà cười như pháo, nhắc mà vẫn yêu quí Thầy (những đứa bị phạt nằm sấp xuống sàn nhà, cởi quần dài chỉ còn quần cụt, một đứa cầm roi quất vào mông những đứa khác, nếu đứa cầm roi quất quá nhẹ thì sẽ bị Thầy quất roi nó , qui ước trước là vậy sau khi hài đúng tội danh : hái trộm dừa nhà dân xung quanh làng )
 
Tôi đã tham dự nhiều lể 20/11, từ cấp đến đại học, vui buồn lẩn lộn. Những nụ cười ra nước mắt với nhiều ý nghĩa trái ngược…
 
Nói chung giáo dục phải từ gốc, không thể như căn nhà vá víu, tô đáp sơn phết vá víu tùm lum. Khi ấy ngày nhà giáo tự nó sẽ có ý nghĩa vô cùng, thậm chí không cần ngày nhà giáo, như ở vài nước họ có tuần nhập học là tuần tôn vinh công sức Thầy Cô, cũng là dịp những Trường có truyền thống khẳng định vị trí của mình.
 
Hoa dù đẹp dù lâu thế nào thì cũng phải tàn ( Hoa nylon, hoa vải còn phai màu, huống hồ …) . Chỉ mong hoa được ươm từ những tâm hồn thơ trẻ, sẽ luôn nở khi chúng lớn lên, khi thành nhân và thành tài
 
 
NTL, CT71-74
11/2010


 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855406 visitors (2218381 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free