TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Câu chuyện của Mẹ tôi
 
Lên mạng ngày 3/3/2010




Ngày đó… tôi có về quê thăm Mẹ tôi.
            Quê hương của Mẹ tôi rất đẹp, rất hiền hòa. Chung quanh có núi rừng hùng vĩ, có biển rộng bao la, có đồng ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Nơi đó còn có những con sông nước đầy phù sa chảy dài, và cũng có những cái hồ nước trong êm đềm phủ rộng. Gia đình của Mẹ tôi có hai đứa con trai, một người Mẹ gọi tên là thằng “Nhớn”, còn người kia Mẹ kêu tên là đứa “Nhỏ”. Cả hai đứa trẻ ấy đều rất thông minh từ nhỏ, bởi thế nên sau nầy lớn lên thì một tên đã được đưa đi học ở Tàu, còn một đứa thì du học phương Tây. Bà con hàng xóm, cùng láng giềng chung quanh đều khen Mẹ tôi khéo biết dạy con:            
            -“ Nhà bà thật là có phúc đấy. Sau nầy hai cậu ấy đỗ đạt thành danh biết kết hợp kiến thức Đông Tây mà cùng làm ăn phát triễn lên thì cả gia đình, dòng họ nhà bà đều được nhờ cả.”
            Ấy thế mà đã bao nhiêu năm trôi qua, hai người con trai cùa Mẹ tôi đã công thành danh toại mà Mẹ có bao giờ được giàu lên một tí nào đâu. Áo quần và khăn nón của Mẹ thì cũng vẫn thô sơ cũ rích như xưa. Cái áo bạc màu, chiếc quần lảnh đen mòn gối, cái khăn choàng cổ, chiếc nón lá che đầu… vẫn quen thuộc xuất hiện trên thân thể của Mẹ như ngày nào. Mẹ tôi ngồi nơi đó miệng bỏm bẻm nhai trầu, và trên môi nụ cười hiền hòa đầy bao dung của người cũng vẫn còn đó…như xưa. Ngày đó tôi về thăm, Mẹ thấy tôi có khôn lớn lên được một ít cho nên người mới tâm sự:
            - “Trông con bây giờ đã trưởng thành ra nhiều, không còn ngây ngô khờ dại như trước nữa thì Mẹ đây rất mừng. Biết rằng ở nơi xa mà con vẫn còn nhớ đến để về đây thăm, khiến lòng già nầy của Mẹ vui thật nhiều, bằng ấy thế cũng đã bù lại được cho Mẹ phần nào từ hai đứa anh của con…”
            Mẹ tôi ngưng lời không nói tiếp, tôi an ủi người:
            - “Xin Mẹ chớ nên lo buồn nữa. Hai anh ấy là người thông minh và sáng suốt hơn con nhiều, ắt sẽ có ngày hai anh ấy hiểu được lòng thương yêu nầy của Mẹ.”
            Ngày ấy tôi hãy còn quá trẻ, quá khờ khạo như lời của Mẹ tôi đã diễn tả ban nãy, cho nên tôi không hiểu rõ những chuyện đã xảy ra trong gia đình. Sau nầy lớn lên, xa nhà, có trưởng thành đôi chút thì mới hiểu được đôi chút. Ngày đó, tôi hãy còn bé nhưng vẫn nhớ, hai anh trong nhà vẫn thường hay cãi vã, xô xát với nhau. Có những lúc họ cùng vung tay dụng võ để rồi kẻ gãy tay, người gãy chân, máu me văng khắp sân nhà trước mắt Mẹ. Mẹ tôi yên lặng đứng nhìn mà đôi dòng nước mắt chảy không nguôi, tôi thì quá khiếp sợ để rồi chỉ biết nép mình ẩn trốn bên sau vạt áo của người. Bây giờ thì các anh ấy đã khôn lớn nhiều, bởi vì tôi cũng đã được trưởng thành đôi chút như lời Mẹ nói. Mẹ tôi ngồi nhai trầu và kể tiếp:
            Gần đây anh“Nhỏ”có về thăm Mẹ. Cũng ở lại nhà nầy đôi hôm nhưng không gặp được anh“Nhớn”, vì anh ấy đang bận ở nơi xa. Cháu Nam, con trai lớn của “Nhớn”, thấy có chú ruột của mình từ thành phố về thăm làng thì cũng rất vui mừng mà ra chào hỏi. Chú “Nhỏ” trông thấy đứa cháu bị u đầu, bằm mắt thì bèn mở lời thăm hỏi:
            - “Sao mặt mũi của cháu Nam bị như thế hả Mẹ?”
            - “Mẹ có hỏi anh Nhớn của con, nó bảo rằng cháu Nam nhà mình bị đám con của Bác Hai bên đó bắt đánh, vì tội xâm phạm qua bên đấy câu trộm cá trên sông.”
            Thằng Nam ngắt lời:
            -“Cháu đâu có qua bên đấy câu trộm cá bao giờ. Cái cầu ấy, ngày xưa chú “Nhỏ” cũng thường dắt cháu ra đấy câu cá thì đã có chuyện gì xảy ra đâu?”
            Anh “Nhỏ” nghe đứa cháu ruột của mình nói thế thì không cảm thấy vui trong lòng, hỏi Mẹ tiếp:
            - “Tại sao bọn họ lại có thể ngang ngược đến như vậy? Thế còn anh “Nhớn” nhà mình đã giãi quyết chuyện đó ra sao rồi?”
            - “Nhớn nói với Mẹ là đã qua bên đấy xin lỗi người ta mà chuộc cháu Nam về”.
            - “Mẹ nói cái gì?” Anh “Nhỏ” sửng sốt hẳn lên, “Tại sao mình lại phải qua bên đó xin lỗi người ta? Con sông là của chung, tôm cá dưới nước cũng là của chung, Nhưng cây cầu ấy là của Ông Bà khi xưa để lại cho mình. Tại sao anh “Nhớn” lại có thể hành động thiếu trách nhiệm như thế cho được? Chuyện nầy quả thật con chẳng hiểu tí nào! Sao Mẹ không giãi thích cho anh ấy biết? Anh ấy không thể lấy quyền là anh Cả trong gia đình rồi tự tiện muốn làm gì thì làm. Ruộng đất là của Ông Bà, Cha Mẹ gầy dựng rồi để lại cho con cháu sau nầy, anh ấy không thể tự ý thuê cho người nầy, bán cho người kia được.”
            Mẹ tôi vẫn với nụ cười hiền hậu nở trên môi nói với tôi:
            -“Con nghĩ sao? Cả hai đứa con của Mẹ đều đã lớn khôn cả. Mẹ có thể nói gì với đứa nào được bây giờ!”.
            Mẹ tôi ngồi xới thêm vài miếng cau, vài lá trầu trong cái chậu nhỏ với chút vôi đỏ, tôi ngồi đó nhớ lại chuyện xưa. Ngày anh “Nhỏ” của tôi bỏ làng quê ra thành phố kiếm sống, thì anh “Nhớn” cũng đã nhanh chân bước chân vào nhà. Biết tôi chỉ là một đứa con nuôi của Mẹ, nên anh cũng chẳng nói thương mà cũng không nói ghét. Nhưng hiểu được thân phận của mình, nên sau đó tôi cũng đã lặng im từ giã Mẹ ra đi. Mẹ tôi để trầu cau đã giã nhỏ vào miệng nhai rồi kể tiếp.
            Vài ngày sau anh “Nhớn” của con về đến, Mẹ kể lại chuyện của “Nhỏ” từ thành phố có về thăm, trông thấy cháu Nam bị thương tích trên mặt thì rất nóng giận trong lòng.
            - “Thế…thì Mẹ lại kể hết câu chuyện cho chú ấy nghe à?”
            - “Thì con nói lại với Mẹ thế nào, Mẹ kể lại cho em nó biết như thế đó.”
            - “Thế…Chú ấy có nói điều gì không?”
            - “Em nó chỉ trách rằng con đã xử việc đó môt cách thiếu trách nhiệm...”
            Mẹ chưa dứt lời, tức thời anh “Nhớn” cũng đã nổi giận lên:
            -“Chú ấy biết được điều gì trong cái gia đình nầy mà dám bảo rằng con làm việc thiếu trách nhiệm! Người thiếu trách nhiệm trong gia đình phải chính là chú ấy. Mẹ còn nhớ không, ngày trước chú một mực bảo rằng có người từ thành phố đến giúp vốn cho chú làm ăn, chắc chắn gia đình sẽ khắm khá lên. Thế mà Mẹ chờ mãi có thấy sự phát triễn tốt đẹp nào đến hay không? Rồi thì có tin chú ấy đột nhiên tuyên bố phá sản, bỏ cả đất đai, dẹp cả ruộng vườn nơi nầy để rồi trốn chạy ra ngoài thành phố ấy. Bây giờ chú làm ăn có khá giả lên đôi chút thì lại muốn về đây vênh mặt với anh mình. Đã bao lần con nhắn chú ấy về cộng tác cùng con để phát triễn, mực mực chú ấy cứ bảo là con độc tài, lại còn độc quyền nữa…Thật tình là bây giờ con cũng không hiểu chú ấy cho được Mẹ ạ! Chú chẳng còn nhớ cái câu ‘Quyền Huynh Thế Phụ’ khi xưa là thế nào cả.”
            Mẹ tôi nhả bã trầu trong miệng ra, nhìn tôi nói:
            - “Con có biết anh “Nhỏ” nhà mình đã nói điều gì với Mẹ không?”
            Tôi khẻ lắc đầu,
            - “Anh ấy nói với Mẹ, bây giờ sống trong xã hội mới rồi mọi người đều phải được đối xử bình đẳng với nhau.”
            Mẹ nhả tiếp bã trầu nữa:
            - “Thật tình…Mẹ không còn muốn nghe những lời đầy mực thước Đông Tây của hai đứa con của mình nữa. Mẹ chỉ muốn nhắc nhở cho chúng một câu nói rất đơn giản của Ông Bà khi xưa để lại, ‘Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau.’ Con có hiểu ý nghĩa của câu ca dao nầy hay không vậy?”
            Tôi nhanh nhẩu gật đầu trả lời:
            - “Dạ! Tuy rằng con không được học cao để hiểu rộng như hai anh, nhưng con vẫn hiểu Mẹ ạ!”
            Mẹ ngưng nhai trầu, nhìn tôi nở một nụ cười ưng ý. Tôi trông thấy bên khóe mép của người những nét nhăn đau đớn đang nằm ẩn dưới màu vôi đỏ đã hòa lẫn với trầu cùng cau.
 
 
Viết tại California, tháng 03 năm 2010.
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 859122 visitors (2226736 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free