Xuân Nhâm Thìn
HỒI KÝ
Ký ức giờ còn nhớ dạt dào về quá khứ đến hiện tại, tôi cứ ghi lại hết. Năm 1975 sau khi trường NLS Sóc Trăng đóng cửa, một nhóm học sinh NLS Sóc Trăng phải dọn đi Nông Trường Mùa Xuân trong tỉnh để làm ruộng, cắt lúa, một số tiếp tục đến học ở NLS Cần Thơ. Tôi may mắn được đi học ở Cần Thơ cùng với một nhóm bạn nữ là Lâm Thị Thanh Tùng, Trịnh Thị Hà, Trần Thanh Hà, Hồng Ánh, Trần Ngọc Thuận. Bên nam thì có bạn Nguyễn Bá Tòng.
Khi lên tới NLS Cần Thơ thì trường đã đổi tên là Trường Trung Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Cần Thơ. Tôi và Nguyễn Bá Tòng theo ngành Chăn Nuôi, còn các bạn kia theo ngành Trồng Trọt. Vì tôi thích chăn nuôi hơn là lội ngoài ruộng với cái nắng chói chang. Thanh Tùng là bạn của tôi rất thân, theo ngành Trồng Trọt. Nàng tâm sự với tôi rằng phải ra ruộng nhiều cho nước da sạm đen khoẻ mạnh, còn tôi thì phải chịu ngửi mùi phân heo. Chúng tôi được ở nội trú, căn nhà lá nhỏ xíu, mỗi phòng có 8 bạn, 4 chiếc giường, mỗi giường 2 tầng trên và dưới, tôi ở tầng trên, dưới tôi là Ngọc Ưng hiện đang ở Úc. Ngoài giờ học, có lần cả 3 người, tôi là Hồng Nga, Thúy Nga và Tuyết Nga, khi đang đi trên con đường ánh chiều tà Lộ Hai Mươi thì gặp phải một thanh niên, anh ta “chào cô Nga” thì cả 3 đồng ngoảnh lại…
Tôi còn nhớ rõ vì chế độ ăn uống quá thiếu thốn, nên cả ngày đầu óc cứ nghĩ tới ăn, tâm trí lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, vào tới lớp là ngủ gục trên bàn, vì vậy không tiếp thu được hết lời giảng của thầy cô. Có những ngày bụng đói meo nên tôi phải đi ra nhà bạn bè ở Lộ Hai Mươi để được ăn ké thêm một ít, nhà Trần Thị Tuyết Nga, nhà Lý Thị Tuyết Loan, hai bạn này học cùng lớp, hai bạn ở nhà với ba mẹ nên có nhiều đồ ăn ngon lắm. Sỡ dĩ tôi hay bị đói là vì trong lớp phần nhiều là nam, mình là nữ có tính rụt rè nên tới bửa ăn thì không ăn kịp với mấy bạn nam, nào là Khả Bình Trí, Nguyễn Bá Tòng, Thanh Khiết, Trương Quốc Bình… mê ăn mà không biết nhường nhịn cho phái nữ, một phần vì tôi ăn chậm nên chỉ được phần cơm là đủ trọn vẹn, thiếu đi phần nào canh, cá chiên hay thịt kho. Nên các bạn Tuyết Nga và Tuyết Loan hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, nên mỗi chiều tôi hay lang thang ra khỏi khu nội trú đến nhà các bạn để được mời ăn thêm cho no bụng. Có những đêm thức khuya học bài đói bụng quá nên liền lót lòng bằng cơm nguội chang với mở heo rưới thêm nước mắm. Tôi còn nhớ năm cuối cùng chúng tôi được đưa đi thực tập tại Trại Giống Nuôi Heo ở Long Xuyên, nơi đây mọi người được chế ăn uống đầy đủ hơn.
Trong tâm tôi còn nhớ mãi thời gian 3 tháng đầu thực tập, chúng tôi được ở tạm trong chuồng gà bỏ trống. Mỗi ngày chúng tôi đến chuồng heo trực đở đẻ cho heo mẹ, theo thời khoá biểu đúng 10 ngày thì ra tay thiến con heo đực bằng một cái lưỡi lam thật bén cắt đi nhanh gọn 2 “hòn bi” của chú heo con khiến nó la inh ỏi, xong xứt thuốc đỏ, rồi thả cho heo ra cho chạy te te, vậy là xong công việc “thiến heo” thiện nghệ của bọn chúng tôi. Thường ngày chúng tôi tắm heo, cho heo ăn, rửa chuồng trại thật sạch. Chuồng trại cao mà dáng người tôi thì thấp bé, phải leo lên leo xuống cả ngày, ban đầu rất mệt nhưng rồi quen dần, sau đó vài ngày tôi leo trèo nhanh như vượn. Chúng tôi làm việc chung với công nhân, sinh hoạt, ăn uống cùng nhau, cực nhưng vui lắm, vừa vui vừa học. Chiều chiều mọi người nhảy ào xuống sông dòng Hậu Giang cùng nhau đùa giỡn. Rồi đến cuối khóa ngày tốt nghiệp đến thật là nhanh.
Hôm lễ ra trường nhận chứng chỉ tốt nghiệp và lệnh bổ nhiệm tôi đi làm ở Huyện Long Phú, Thị Xã Sóc Trăng, nơi khỉ ho cò gáy mà hồi nào tới giờ tôi chưa hề biết đến, cùng nơi bổ nhiệm chung với tôi là 2 bạn: Lâm Thi Thanh Tùng và Lê Văn Sơn. Tùng và Sơn làm việc tại Phòng Nông Nghiệp, còn tôi thì phải vào Trại Chăn Nuôi. Nhưng hởi ơi! Trại chăn nuôi trống trơn chờ dự án cho tương lai nên chưa có một con heo, con gà nào cả, chuồng trại là một ngôi nhà hoang lợp lá nền đất “Thời thái bình cửa thời bỏ ngỏ”, không có tên hiệu gì hết. Tôi sợ quá không thể ở đây một mình được, nên đêm đến phải ra trọ ở phòng Nông Nghiệp cách xa nửa cây số, nơi đó có đầy đủ tiện nghi hơn nhưng không có điện, dùng đèn cầy, đêm đến trời tối đen như mực, những đêm trăng sáng tuyệt đẹp. Ở nơi đây không có radio, không có tivi. Dưới ánh trăng, có một bạn hàng xóm mang đến cây đàn guitar đệm cho tôi hát bài “Mộng Dưới Hoa, Nửa Hồn Thương Đau, Mùa Thu Chết…”
Trong lúc nầy tôi vẫn túc trực chờ đợi ở đây được một tháng, lãnh lương 45 đồng, 20 kg gạo, 1 bịt xà bông bột và 2 mét vải. Sau đó được lệnh về thị xã Sóc Trăng vì Trại Chăn Nuôi Long Phú chưa thực hiện dự án chăn nuôi. Cuộc sống không khá hơn sau bao năm học hành cực nhọc thì giờ đây “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Tình cờ một ngày kia tôi gặp và quen thân với một anh là nhân viên của đài truyền hình Cần Thơ. Chúng tôi rủ nhau ra khơi đến Thailand, chuyển tiếp tạm dung nửa năm ở Galang Indonesia, thời gian tổng cộng hết một năm rồi mới đoàn tụ với gia đình của chị tôi ở Indiana Hoa Kỳ.
Mộng hải hồ của tôi đã trở thành sự thật, có những đêm vừa thức giấc nơi xứ người mà tôi cứ ngỡ rằng mình đang còn ở quê nhà. Đến vùng đất mới thì phải “ăn theo thuở ở theo thời” tôi đành phải bỏ cái nghề thú y của mình đã học từ bấy lâu nay, cấp bách tạm thời làm việc trong nhà hàng của chị tôi lúc chân ướt chân ráo khi mới đến xứ người, sau đó tôi theo học ngành y tá nhưng lại bỏ dỡ nửa chừng, đi tìm kiếm những việc làm khác như đứng bán hàng trong tiệm, nhân viên của cơ quan y tế health department, phụ việc trong văn phòng tài chánh trong trường học financial aid… đến nay tổng cộng tôi đã làm tất cả là 33 việc làm nơi xứ người với những việc làm không có liên quan gì với ngành học NLS.
Sống ở trên đời nầy thật có nhiều điều cần phải học hỏi từ trong gia đình, nhà trường, trường đời… nhất nhất cái gì cũng phải học và học. Nơi mà kỷ nghệ phát triễn cùng với tất cả mọi ngành nghề. Biết rằng ngành thú y chăn nuôi ở xứ này cũng phát triển tột đỉnh nhưng mình không có cơ duyên theo nghề thì thôi “nắng bề nào che bề đó” cho an phận vậy. Tôi luôn cố gắng với nhiều học hỏi mọi điều tốt cho mình.
Tôi mong cho mình có được một cuộc sống bình an, yêu đời, yêu nhạc, yêu thơ văn… luôn luôn cầu tiến, sống như là người học trò ngoan, học mãi, học hoài không biết chán.
Hồng Nga, South Carolina USA, ngày 11 tháng 12 năm 2011