Lên mạng ngày 5/2/2010
Cây lan Thuỷ Tiên Hồng của tôi
TS Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ)
Như một dự báo mùa xuân, cứ mỗi cuối năm khi trời bắt đầu se lạnh, tình cờ một buỗi sáng có chút thì giờ nhìn lại khóm hoa trước nhà chợt thấy cây lan Ngọc Điểm và Thuỷ Tiên Hồng đã nhú chồi hoa.
Cây Ngọc Điểm là dân bản địa của đồng bằng sông Cửu Long vì lúc nhỏ chúng tôi thường trèo lên các cây me già để bẻ hoa hoặc hái cả cụm cây đem về trồng. Thân cây me xù xì với vỏ dày rạn nứt rất thích hợp cho ráng dương xỉ, ổ rồng và phong lan làm tổ. Còn cây thuỷ tiên hồng thì đến từ rừng núi Trường Sơn nên luôn gợi nhớ cho tôi một kỷ niệm khó quên.
Năm ấy, chúng tôi được một tổ chức hữu nghị mời lên một trại thực nghiệm nông nghiệp nằm sâu trong vùng giáp ranh rừng núi của huyên Hương Khê, Hà Tĩnh để góp ý cho quy hoạch về xoá đói giảm nghèo bằng cách phát triển nông nghiệp bền vững trong vùng đất bán-lâm. Chúng tôi đi ra bằng xe lửa. Sau một đêm và gần hết một ngày thì đến ga Hương Hoá và có người ra đón. Chúng tôi được đèo xe máy đi dọc theo bờ sông La rồi rẻ trái để vào trong trại. Bên này là ruộng lúa, rẩy lạc và nhà ở với vườn cây ăn trái, bên kia là sườn núi cao được phủ xanh bằng rừng thông non mới trồng, và dưới sâu là dòng sông lượn lờ hiền hoà trong mùa khô. Chúng tôi đã đi thăm từng gia đình nông dân. Đa số đều rất nghèo, nhà không cửa nẻo nhưng người thì rất hiếu khách, làm sao cũng phải nán lại để uống bát chè xanh hay rít điếu thuốc lào. Thường là mỗi hộ chỉ có một vài công ruộng luân canh với lạc, giàu thì có thêm vườn cây ăn trái. Cam Bù và bưởi Phúc Trạch là loại trái cây quý của vùng này. Có người đã đem được giống ổi Mỹ Thuận và đu đủ về trồng nhưng rồi đành phải để trái chín rụng đầy vườn vì không có ai biết ăn loại trái này nên không bán được! Do đó, nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn nông dân cách phát triển vườn cây ăn trái bằng tập huấn kỹ thuật chọn giống, nhân giống và lập vườn. Nhiều thanh niên tham dự lớp học, trong đó có Nghị là một cậu trai tích cực và khéo tay nhất. Nhà em nghèo, chỉ có vài sào ruộng nên để mẹ và em gái chăm sóc, còn em thì lên núi ươm và trồng cây rừng.
Ngày về, trong số các bạn trẻ đến chia tay và tiển chúng tôi thì Nghị mang tặng tôi một chùm cây phong lan. Nhìn thân lá xù xì nên tôi hơi ngại vì sợ vướng bận trong lúc lên xe hoặc lên máy bay. Hơn nữa, lúc đó tôi còn trẻ nên chưa thích chơi hoa lan, nhưng vì cảm động và nể tình nên tôi cũng ráng mang được về nhà. Tôi biết là thứ lan rừng này lâu ra hoa lắm, chớ không phải như lan Dendro mà ở phi trường Bangkok họ bán quanh năm, cứ 100 đô-la thì người ta có thể mua được một túi hoa được đóng gói như chiếc va li (độ 1 mét dài và 5 tấc rộng), về mà tha hồ chia cho bạn bè. Vậy mà cuối năm đó khi trời bắt đầu se lạnh thì nó lại ra hoa ngay, mà có đến cả ba chùm.
Đầu tiên là tôi phát hiện ra mấy cái nụ hoa rất to cở ngón tay, hình con thoi màu xanh nhạt có vân vảy cá. Nụ lớn lên rất nhanh và phát triển thành chùm hoa non dài khoảng một tấc. Và độ một tuần sau thì hoa bắt đầu nở, rồi cả chùm rộ lên đồng loạt trông rực rỡ một cách lạ thường. Nhưng khi nhìn kỹ từng cái hoa màu hồng nhạt với đốm vàng to ở giữa và bắt được mùi hoa thơm thoang thoảng thì mới thấy hoa thật thanh lịch và dịu dàng. Hiếm có loài hoa rừng nào lại có được sự toàn mỹ đến thế?!
Bẳng đi độ vài năm sau đó thì cây không ra hoa mà chỉ phát triển nhiều thân lá xum xuê. Tôi thấy lạ và buồn nghĩ rằng chắc nó nhớ cái lạnh của rừng Trường Sơn nên sẽ không bao giờ ra hoa nữa. Tôi dúi nó vào một góc sân và không thèm tưới nước. Nhưng cuối năm nó lại ra hoa và nhánh nào cũng có từ một đến hai chồi hoa. Rồi cứ thế năm nào cây cũng nở hoa, đồng thời với cây ngọc điểm. Có năm cây Phát Tài của nhà hàng xóm không ra hoa còn nó thì vẫn đều đặn, không ít thì nhiều. Hoa nở thật rực rở trong vòng một tuần lể thì bắt đầu tàn, ngay đúng vào dịp Noel. Không biết có cách nào để điều khiển cho hoa nở vào Tết âm lịch được không? Có lẻ ăn Tết dương lịch là đúng thời tiết hơn, mình ăn tết trễ quá nên nhiều khi cũng trở ngại cho lịch làm việc trong năm.
Nhìn hoa lại nhớ đến người, nhớ những buổi chiều tháng Ba tiết trời còn lành lạnh chúng tôi ra ngồi bên bờ suối nhìn vào rừng, và sau xa phía trên cao là lớp lớp chập chùng Trường Sơn chất ngất như lẫn vào trong mây... Lâu quá không liên lạc được, chắc bây giờ Nghị đã lớn và những bài học của chúng tôi đã giúp cho Nghị trưởng thành và chắc tay nghề. Mong thấy cậu cũng được như cây Thuỷ Tiên Hồng của tôi hiện nay.
Xin gửi lời chúc tốt đẹp nhứt đến mọi người trong mùa Xuâm mới!
Ngọc Điểm và Thủy Tiên Hồng như hẹn nhau để cùng nở hoa một lần vào cuối năm khi tiết trời ở miền đồng bằng sông Cửu Long hơi se se lạnh.
|
Trở lại Trang Xuân Canh Dần