Lên mạng ngày 19/11/2011
NIỀM AN ỦI CỦA KIẾP THẦY GIÁO GIÀ
)_(
Tháng 7/08 tôi về lại Việt Nam là để vừa thăm Mẹ già đã 90 tuổi, Mẹ vợ 86 tuổi, vừa để cúng giổ cho Ba tôi, cho Ba vợ tôi.
Một hôm khoản 9 giờ sáng, chuông điện thoại reng.
- Hello, tôi nghe đây.
- Hello, làm ơn cho tôi gặp thầy C.
- Chào cô, tôi là thầy C đây, xin lỗi cô là ai?
- Kính chào thầy. Em là X, học trò cũ của thầy, liên lạc được với thầy tụi em mừng lắm đó. Thầy biết không, em phải nhờ con nhỏ cháu làm trong Bưu Điện tỉnh truy tầm số điện thoại nhà của em thầy, may mà có được. Thầy khỏe không? Có cô và có em nào về với thầy không? Thầy về bao lâu, chừng nào thầy đi?
- Cám ơn em gọi đến thăm. Em, ông xã và các cháu khỏe không? Thầy trò mình hơn 30 năm mới liên lạc được với nhau. Thú thật, thầy không thể hình dung nỗi em là đứa học trò đã học thầy năm nào, lớp nào, mặt mũi ra sao. Nhưng khi vừa nghe em bảo, em là X học trò cũ của thầy đây, thầy thật xúc động và mừng lắm. Sau 30.4.75, cuộc đời thầy rách nát te tua, làm thân hèn mọn của kẻ thất thế, của kẻ bại trận, không bao giờ ngờ là ngày hôm nay vẫn còn có những đứa học trò cũ còn biết nghĩ, còn biết nhớ đến thầy. Một lần nữa thầy thành thật cám ơn em nhiều. Cho thầy gởi lời thăm tất cả các em khác.
- Thưa thầy, nghe thầy về tụi em mừng quá, tụi em thông báo cho các bạn hay hết rồi. Tụi em chừng 15 đến 20 đứa định Chúa Nhựt tuần tới 17.8.08 xuống Sa Đéc thăm thầy, thầy thấy có gì trở ngại không?
- Được các em nghĩ, nhớ, nhất là phải bỏ công ăn việc làm, phải lặn lội đường sá thật xa xôi vất vả để đến thăm thầy. Quí lắm, hân hạnh cho thầy lắm, cám ơn các em vô cùng. Đến đi, không có gì trở ngại hết. Thầy cũng rất mong muốn gặp lại các em để tìm lại cái không khí đầy ấp những kỷ niệm thuở nào, đứa thì hiền ngoan dễ thương học giỏi, đứa thì nghịch ngợm phá lớp phá thầy…. Nhưng hiện nay đối với thầy, tất cả đều là những kỷ niệm quá đẹp, quá đáng yêu. Sống trong giai đoạn bi thảm của đất nước, vừa nghèo vừa chiến tranh triền miên, thầy trò chúng ta đều bất hạnh như nhau, đều đáng thương như nhau, thật may mắn là vẫn tồn tại để vẫn còn gặp lại nhau, phải không? Cho thầy biết lịch trình các em xuống Sa Đéc như thế nào để tiện việc sắp xếp đón tiếp các em.
- Sáng sớm Chúa Nhật các em đi, chiều các em về.
- Không được, thầy trò mình hơn 30 năm mới gặp lại, biết bao nhiêu chuyện để hàn huyên, biết bao nhiêu chuyện để đáng nói. Các em phải ráng sắp xếp tối thiểu một ngày đi, một ngày ở, một ngày về mới được. Cho thầy năn nỉ các em một lần đi, được không?
- Chính vì hơn 30 năm mới liên lạc được với thầy nên bằng mọi cách tụi em phải xuống thăm thầy, chỉ cần đến thấy thầy cô mạnh khỏe, hỏi thăm vài câu rồi về là tụi em vui rồi. Thầy biết không, nhiều đứa có cơ sở làm ăn buôn bán, đứa thì bận bịu gia đình con cháu lu bu không thể ở lâu được, mong thầy thông cảm cho. Em sẽ cố gắng thuyết phục các bạn chiều Thứ Bảy đi, chiều Chúa Nhật về.
Sau khi nói chuyện với em X qua điện thoại, tôi rất nôn nóng và mong mỏi sớm được gặp lại các học trò cũ thân yêu của mình. Lây quây rồi cũng đến ngày hẹn, em X gọi điện thoại báo với tôi:
-Tụi em sẽ khởi hành lúc 3 giờ chiều nhưng phải chạy vòng vòng để rước các bạn, chừng nào đến cầu Mỹ Thuận sẽ gọi điện thoại cho thầy.
Tôi liền bay xuống Vĩnh Long đón các em để hướng dẫn về nhà tôi, vì quê tôi ở một xã hẻo lánh của tỉnh Đồng Tháp khó tìm và khó đi. Gặp lại các em, tôi vừa mừng quá đỗi, vừa cảm động muốn khóc. Tôi bàng hoàng, phải chăng đây là những đứa học trò cũ của tôi, đứa nào cũng trở thành người lớn, đứa nào trông cũng có vẻ già dặn chững chạc. Nhưng các em thể hiện tình cảm vẫn như thuở nào, vẫn không có gì thay đổi, tôi có cảm tưởng như vẫn kính thương thầy cách đây hơn 30 năm khi tôi đang là thầy và các em đang là học trò. Buổi trùng phùng dưới bầu không khí tuyệt vời nầy của thầy trò chúng tôi, đối với tôi, đây là một trong những dấu ấn lớn lao ăn sâu vào lòng tôi, có lẽ mãi mãi tôi khó mà quên được.
Từ Vĩnh Long tôi hướng dẫn các em về đế nhà lúc 9 giờ tối. Đi đường xa thật vất vả và mệt nhọc nhưng gương mặt em nào cũng vui tươi rạng rỡ, nói nói cười cười.
-Thầy biết không, nghe nói thầy ở trong quê hẻo lánh, chúng em đã chuẩn bị tinh thần trước, không dám mang giầy vì sợ lội bộ đường đất trơn trợt, có đứa mang theo thuốc muỗi vì chắc có nhiều muỗi lắm…
Gia đình tôi đãi các em những món ăn đồng quê như cháo cá, gỏi bắp chuối, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, cá tai tượng hấp cuốn bánh tráng, thịt gà xào sả ớt…, mỗi em uống một vài ly rượu nho đỏ do tôi mang về từ Úc. Rượu vào lời ra, thầy trò quây quần bên nhau tâm sự hàn huyên đủ điều, chuyện đời xưa, chuyện đời nay, gợi lại biết bao kỷ niệm cũ dưới mái trường xưa.
Hầu hết các em đều thành công và thuộc thành phần khá giả trong xã hội. Một số em tốt nghiệp Đại Học có chức có quyền. Có em làm giáo chức. Có em làm Hiệu Trưởng. Có em làm chủ đồn điền cao su. Có em làm chủ hiệu buôn lớn. Có em làm Giám Đốc Công Ty xuất cảng. Có em làm chủ nhà máy nước đá. Có em thành công về nông trại cung cấp rau sạch cho thành phố…. Về gia cảnh thì có em đã có sui gia và có cháu nội cháu ngoại.
Tôi đề nghị với các em, bây giờ thầy đã bỏ nghề dạy học rồi, thấy em nào cũng giỏi hơn thầy, thành công hơn thầy, tóc cũng đã có những điểm trắng, thôi thì các em hãy gọi thầy bằng anh đi. Để gần gủi hơn, để thân mật hơn, chúng ta nên coi nhau như anh em. Tất cả các em đều phản đối ý nầy. Các em bảo, tinh thần “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” của thế hệ tụi em, tụi em luôn luôn gìn giữ, một chữ cũng là thầy, sự hiểu biết của tụi em, sự thành công của tụi em, sự nên người của tụi em đều có công đóng góp của quí thầy quí cô, làm người mà không biết trọng đạo nghĩa thì làm sao sống trên đời cho ra con người. Tinh thần tôn sư trọng đạo là một đức tính cao quí, một thể hiện tình cảm quá đẹp của tình nghĩa thầy trò. Theo chúng em nghĩ, tinh thần nầy cần phải được trân trọng, cần phải được bảo tồn, thầy nên để cho chúng em làm điều tốt đẹp nầy.
Ngày hôm sau, chiều Chúa Nhật, vợ chồng tôi theo xe tiễn đưa các em về đến Vĩnh Long rồi chia tay vào lúc 6 giờ. Đến 10 giờ đêm em X gọi điện thoại báo cho tôi biết,
các em đã về tới thị xã Thủ Dầu Một, tất cả đều bình an. Đêm hôm đó không biết tại sao hình ảnh các em cứ lãng vãng trong tôi làm cho tôi không ngủ được.
Ngày 11.9.08 tôi lên chuyến bay 10 giờ 40 phút tối để trở về Úc. Trời đang mưa tầm tả thế mà từ Bình Dương độ khoản 20 em đến tận sân bay Tân Sơn Nhất để tiễn đưa vợ chồng tôi. Nhìn các em vẩy vẩy tay chào từ giã mà lòng tôi muốn khóc.
Tôi là con của một gia đình nông dân nghèo, nhưng may mắn có người cha người mẹ hết lòng thương yêu và cậm cụi hy sinh cho tôi được học hành. Tôi không có cao vọng, được làm Giáo Sư Trung Học là tuyệt đỉnh mơ ước của tôi rồi. Tôi chọn nghề nầy không phải vì có năng khiếu, cũng không phải vì yêu nghề gõ đầu trẻ, chọn vì thi đại mà đậu, chọn vì biết chắc sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay, sẽ có tiền phụ với cha mẹ già lo cho đàn em dại.
Vì xuất thân từ gia đình nghèo, đã từng gặm nhắm những nỗi đau, những nỗi khốn khó của thân phận nghèo hèn, nên khi đến dạy lớp học đầu tiên nào tôi cũng nói với các em: “Có hai hạng người bị thiệt thòi, bị bất hạnh nhất trong xã hội: thứ nhứt là nghèo, thứ hai là học dở. Do đó thầy rất ước mong em nào cũng phải cố gắng học hành cho giỏi”.
Trong suốt thời gian dạy học, tôi luôn luôn cố gắng làm người thầy tốt và mẫu mực. Trời sinh tôi bản chất hiền từ, chưa bao giờ biết làm dữ với ai, nhưng vì muốn cho học trò sợ sợ mình một chút để mà cố gắng học hành nên tôi phải làm ra vẻ hơi nghiêm và hơi khó. Điều nầy tôi nghĩ rằng, chắc bị học trò ghét thì nhiều, thương thì không có.
Người ta thường bảo, nghề thầy giáo là nghề vừa nghèo vừa bạc bẽo, tôi chọn vì vừa với tầm vói của mình, trước đây quả thật tôi cũng hơi lấn cấn về vấn đề nầy. Vì vận nước, tôi phải bỏ nghề dạy học nửa chừng, nhưng sau trên 30 năm gặp lại những đứa học trò cũ, với bằng tất cả tấm long mà các em thể hiện, tự dưng tôi được giác ngộ rằng: “NGHỀ DẠY HỌC NGHÈO NHƯNG KHÔNG BẠC BẼO, NGHÈO MÀ HẠNH PHÚC”. Nghề mà tôi chọn có thể nói là một cách rất tình cờ, nhưng thấy cũng có lý lắm, cũng an ủi lắm, phải không?
Trước khi trở lại Úc, tôi có viết một thư ngắn để cám ơn các em.
Định Hòa, ngày…
Các em: Phước, Thiện, Đẹp, Dũng, Xuyến, Nguyệt, Ánh Võ, Ánh Nguyễn, Tuyết, Sương, Huệ, Dung, Ly, Thủy, Năm, Bao, Bông,…thân thương,
Chuyến về thăm lại quê cũ lần nầy không ngờ gặp lại các em, thầy thật xúc động và thật mừng.
Vì thế sự, thầy phải tha phương cầu thực, phải xa những người thân yêu, xa bạn bè, xa trường cũ, bỏ lại biết bao kỷ niệm đẹp.
Long đong, lang thang, khi cuối cuộc đời quay lại mái nhà xưa, tất cả đều thay đổi. Nhưng cũng có niềm an ủi lớn lao cho kiếp thầy giáo già là gặp lại các học trò cũ của mình, rất nhiều em đã thành đạt, đã rất khá giả, đã rất tài giỏi hơn thầy, thế mà vẫn không quên thầy.
Lâu lắm rồi bây giờ mới có dịp nghe lại tiếng thầy thân thiết, gợi lại cho thầy biết bao nỗi nhớ thuở nào. Cám ơn các em đã cho thầy niềm vui và hạnh phúc nầy.
Vài hàng thăm tất cả các em. Thân chúc gia đình các em luôn vui, khỏe, may mắn, thành công.
Huỳnh Văn Công