TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Đoàn 4T và tôi
 
Lên mạng ngày 13/5/2010

Đoàn Thanh Thiếu Nông 4T và tôi
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Nhân đọc bài "Tôi làm khuyến nông từ VN đến Phi châu" của chị Trần Thị Cẩm Tuyến có nhắc đến Đoàn Thiếu Nông 4T, bao kỹ niệm của tuổi thơ trong tôi bỗng chốc sống lại, một kỹ niệm mà 45 năm qua, khi nhớ lại, tôi còn cảm thấy đẹp, hảnh diện và sung sướng vô cùng.  
             Tôi gia nhập đoàn “Thanh Thiếu Nông 4T” lúc 13 tuổi, khi còn học lớp Đệ Lục trường Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Trong lứa tuổi vừa lớn, tôi rất ham học, thích tham gia các công tác xã hội và cộng đồng, thích thi đua, như chạy đường xa, bơi lội, nử công gia chánh, thi đua học và làm của đoàn Thanh Niên Thiếu Nông 4T.
Thanh Thiếu Nông 4T là gì? Ngày ấy bạn bè tôi hay diểu cợt, 4T là “Thất Tình TTử”, “Thiếu Tiền Thiếu Tình”, “Tiền Tài Tù Tội”, v.v. Sở dỉ tôi gia nhập Đoàn là vì ý nghĩa của 4T rất hay, rất thích hợp cho tuổi trẻ sống động.
            4T là viết tắt từ 4 chữ “Trí, Tâm, Tay, Thân”, phát xuất từ 4H của Tổ Chức Thiếu Niên Hoa Kỳ (Head, Heart, Hands, Health). 4T gồm “Trí sáng suốt, Tâm thành thật, Tay chân cứng rắn, Thân thể tráng kiện”. Đạt 4T đó để làm gì? Đoàn viên chúng tôi thuộc nằm lòng 4 câu tôn chỉ:
                        Trí sáng suốt để học tập
                        Tâm thành thật để đối đải với mọi người
                        Tay chân cứng rắn để làm việc
                        Thân thể tráng kiện để phục vụ cho đồng bào tôi và tổ quốc tôi.
            Mục đích của chương trình 4T là đào tạo phát triển thanh thiếu niên thành công dân tốt, có óc lảnh đạo, trang bị năng khiếu chuyên môn cho cuộc sống qua chương trình huấn luyện thực tiển. Huy hiệu là lá me đất màu xanh có 4 chữ T màu trắng ở 4 góc lá. Màu trắng tượng trưng cho những ý tưởng lớn (high ideals), màu xanh tượng trưng cho mùa xuân, sức đang lớn, đời sống và tuổi xuân thì. Mỗi đoàn viên đội một mủ xếp có gắn phù hiệu 4T.
 
 
     
 
Huy hiệu và mủ xếp 4T
 
 
Tổ chức Thanh Thiếu Nông 4T nằm trong ngành khuyến nông của Ty Nông Nghiệp mỗi tỉnh, thanh thiếu niên nam nử có thể tham gia. Phần đông nam tham gia vào chương trình nông nghiệp gồm trồng tỉa chăn nuôi, còn nử tham gia trong chương trình “Sinh hoạt gia đình”, gồm học thêu đan, nấu nướng, biến chế những sản phẩm nông nghiệp của địa phương sản xuất như làm kẹo chocolat từ hạt ca cao, mứt từ trái cây, v.v. Khi còn học ở Đoàn Thị Điểm thì tôi gia nhập chương trình "Sinh hoạt Gia Đình", nhưng khi vào lớp Đệ Ngũ Nông Lâm Súc Cần Thơ. thì tôi hơi tham lam nên tham gia luôn Chương Trình Nông Nghiệp.
            Chương trình đào tạo này rất hay, gồm học lý thuyết và thực hành, tùy theo khả năng và theo mùa. Chúng tôi chỉ thực hiện chương trình sau giờ học, hay trong ngày nghỉ cuối tuần, vừa học vừa giúp đở cha mẹ trong lảnh vực ruộng rẩy, chăn nuôi, chế biến sản phẩm dư thừa của những mùa nông phẩm chín rộ. Tất cả chương trình đều có cán bộ chuyên môn của Ty Nông nghiệp hướng dẩn.
            Nơi gia đình tôi cư ngụ là xóm của những nông dân từ Cù Lao Mây tản cư đến lập nghiệp, họ sinh sống bằng nghề trồng rẩy, rau, trái, đậu, dưa, hành, xoay theo mùa quanh năm. Khi mới bước vào xóm thì ai cũng có thể ngửi biết ngay cái không khí có mùi phân tôm cá dùng tưới rẩy. Chính vì vậy mà ngành khuyến nông phát triển rất nhanh và có hiệu quả ở xóm tôi. Một giống mới nào vừa được du nhập, hay được Bộ Nông Nghiệp tuyển chọn truyền bá đều được đưa trực tiếp vào xóm này.
            Riêng gia đình tôi, Ba là một công chức, Má là người nội trợ. Ba tôi mướn một miếng đất trước nhà, khoảng 500 m2, để tôi thực hiện chương trình Thanh Thiếu Nông 4T mà tôi ưa thích.
            Khi còn nhỏ thì tôi trồng những hoa màu dể trồng. Tôi được dạy tập ghi chép, nhận xét sự sinh trưởng, tính lời lổ, thử thách sự kiên nhẫn, phát triển óc sáng tạo và áp dụng khoa học. Nhờ học trường Nông Lâm Súc, nên tôi trở nên tự tin hơn các bạn khác trong nhóm học trường phổ thông.
Hàng năm, tỉnh tổ chức một đại hội, đoàn viên khắp tỉnh về tham dự để trình bày kết quả trong năm. Mỗi đoàn viên phải thuyết trình trước Đại Hội phần lý thuyết và thực hành cùng kết quả thu lượm được của mình.
Vào năm tôi 16 tuổi, tức lúc đang học Đệ Tam Canh Nông, cũng là năm giống dưa hấu “Sugar Baby” nổi tiếng ở Hoa Kỳ mới du nhập vào Việt Nam. Tôi nhận một số hột giống từ Ty Nông Nghiệp cùng với cẩm nang chỉ dẩn cách canh tác. Tôi trồng dưa hấu trong miếng đất trước nhà để thi đua trong Đoàn. Năm đó, tôi đoạt giải nhất toàn tỉnh Phong Dinh về kết quả trái dưa hấu lớn kỷ lục, nặng 18 kg. Sau đó, tôi được tỉnh bình chọn thi đua ở cấp vùng của 16 tỉnh ở Miền Tây. Tôi đã trải qua những giờ phút nghẹt thở để trình bày kết quả trước ban giám khảo, vừa trả lời lý thuyết và thực hành việc canh tác dưa hấu Sugar Baby, vừa trả lời những câu hỏi mẹo thách đố về trí thông minh, nhanh nhẹn vấn đáp. Cuối cùng tôi đạt giải nhất.
Khi viết đến đây, tôi vô cùng bùi ngùi và xúc động nhớ đến Ba Má tôi, người đã tận tâm giúp đở, khuyến khích tôi đạt những gì tôi mong muốn. Ba Má tôi đã khóc tại chổ khi Ban Giám khảo tuyên bố tôi đoạt giải nhất toàn Vùng.
Phần thưởng vật chất giải nhất lúc ấy cũng khá lớn. Tôi nhận một đồng hồ đeo tay hiệu Seiko, một bảng đồng có khắc tên tôi trúng giải nhất, một buổi tiệc do Lion Club Sài Gòn khoản đải, và một chuyến đi chơi bằng trực thăng. Nhờ tôi trúng giải, nên Đoàn Thanh Thiếu Nông 4 T của xóm tôi cũng được thưởng một máy may hiệu Singer và một con heo nái con làm giống.
Lể phát phần thưởng được tổ chức tại Sài Gòn. Tôi cùng 2 nguời ở tỉnh khác trúng giải 2 và 3, và vài nhân viên của Ty được xe Ty Nông Nghiệp Cần Thơ chở về Sài Gòn. Sau khi nhận phần thưởng và dự tiệc khoản đải, chúng tôi cùng với vị Cố Vấn Nông Nghiệp Hoa Kỳ đáp trực thăng bay thăm viếng một số tỉnh của Miền Tây trước khi về lại Cần Thơ.
Đối với tôi, phần thưởng lớn nhất vẫn là phần thưởng tinh thần mà tôi đã mang vinh dự cho Ba Má tôi. Sau đó ít lâu, hình ảnh tôi đội nón xếp có dấu hiệu 4T, ôm trái dưa hấu 18 kg được in ra thành bích chương khổ 60 x 80 cm treo nơi công cộng khắp thành phố Cần Thơ, ở các quận và xả.
Đến bây giờ, ở tuổi làm bậc cha mẹ, có vài lần đi dự lể vinh danh con mình như thắng giải toàn quốc, tốt nghiệp đậu hạng ưu…tôi cảm nhận rất rỏ niềm sung sướng không ngăn được hai dòng nước mắt, giống như của Ba Má tôi 45 năm về trước. Những dòng nước mắt này càng mặn hơn trên đất khách quê người.
Với điều kiện hiện tại, tôi đã đi đến nhiều miền trên thế giới bằng máy bay. Lúc nào tôi cũng chọn chỗ ngồi gần cửa sổ để nhìn rỏ phong cảnh khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Dầu phong cảnh xứ người có đẹp, nhưng cảm giác lâng lâng trong lòng tôi sao không giống như chuyến bay đầu tiên của đời tôi 45 năm trước. Một phong cảnh quê hương đã in sâu đậm trong tâm thức tôi. Bầu trời mây trắng trong, chiếc trực thăng có lúc bay thật cao, có lúc bay sà thật thấp trên ngọn cây. Tôi thu nhận được hết hình ảnh quê hương tôi. Vùng đất Miền Tây với nhiều sông rạch chằng chịt, từ sông lớn, sông cái, rồi đến kinh và rạch xẽ ngang dọc. Cây cối hai bên bờ xum xuê, đồng ruộng bằng phẳng, xanh, bát ngát, với đàn cò trắng bay thấp thoáng, với cảnh người cày cấy ẩn hiện bên dưới, như một bức tranh thủy mạc. Lúc ấy tôi có một cảm giác lâng lâng, mênh mông và vô tận. Thật không sai khi có người nói “quê hương chỉ có một không hai”. Cảm giác ấy vẫn ở mải trong tôi cho đến ngày nay, và hình ảnh đó vẫn là hình ảnh đẹp nhất về quê hương tôi.
Từ nhỏ, tôi đã từng học sử ký, địa lý Việt Nam, đọc văn thơ ca ngợi quê hương mình. Hơn bao giờ hết, tôi rất trân trọng và nghiêng mình cảm ơn những vị anh hùng dựng nước, giữ nước, vị quốc vong thân, những tiền nhân đã bỏ nhiều công lao khai phá nên vùng đất quê hương trù phú này.
Kiếp người tôi nằm trong hai thế kỹ, lịch sử sang trang, tôi đã trở thành kẻ tha hương. Nỗi ray rức, trằn trọc, nhớ thương không nguôi, dù đó là  một dòng sông, hay về hình ảnh của lá me đất biểu hiệu 4T trắng ngời nằm gọn trong màu xanh của chiếc lá.
 
Anh Quốc, 5/2010.
Nguyễn Thị Kim Thu.

Trở lại Trang Bạn Viết

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855354 visitors (2218280 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free