TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tình yêu trong văn học
 

Tình Yêu Trong Văn Học Dân Gian

 
   Sự xung đột giữa quan niệm xưa và sự đổi mới khi văn minh Âu châu bắt đầu xuất hiện từ khi người Pháp truyền bá tư tưởng của họ vào xã hội Việt Nam tạo nên phong trào theo tân học chủ trường rầm rộ là nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội đối kháng với những nhà văn còn trĩu nặng ảnh hưởng xã hội xưa tiêu biểu là nhà văn Nguyễn Công Hoan… Làm cho người ta thêm nghĩ rằng xã hội Việt Nam xưa chịu ảnh hưởng Nho giáo nặng nề cho nên tình yêu tự do giữa trai gái bị ngăn cấm triệt để, trai gái lớn lên nhất là phái nữ chẳng có sự tự do trong chuyện yêu đương hay chọn lựa người chồng. Câu tục ngữ “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” trở thành câu nói đầu cửa miệng của những bậc cha mẹ muốn hoàn toàn kiểm soát và điều khiển việc hôn nhân của con cái. Nó cũng là câu nói đầu cửa miệng ngầm ý của những người muốn chống lại quan niệm xưa thật hà khắc trong việc hôn nhân thời cũ.
   Thực ra, chỉ đối với một số gia đình trung lưu và thượng lưu trong xã hội cũ, một số chứ không phải tất cả, muốn gìn giữ cái “gia phong” mới nắm lấy quyền quyết định hôn nhân con cái, mới có việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà thôi.
Khi con cái khôn lớn, cha mẹ muốn chọn cho con người hôn phối làm thế nào để con cái có hạnh phúc về sau. Có lẽ đó là ý niệm trước nhất của họ. Nhưng hạnh phúc đó như thế nào? Đó là câu hỏi lớn với nhiều tiêu chuẩn chọn lựa trong hôn nhơn thời ấy. Có lẽ những tiêu chuẩn đó làm nảy sinh ra việc ngăn cấm con cái yêu đương trước khi thành vợ chồng. Từ những yêu cầu khắt khe đó, trai gái lớn lên sẽ không có tình yêu trước hôn nhân?
   Trong những gia đình như tôi vừa trình bày ở trên, điều đó khá rõ. Dĩ nhiên, không thiếu những trường hợp ngoại lệ như chuyện tình giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong lịch sử văn học nước ta. Ngoài ra, sự tích Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh trong lịch sử văn học Trung Hoa cũng có ảnh hưởng nặng nề đến nền văn học cũng như nếp sống của xã hội Việt Nam thời xưa.
   Ngay trong văn học bác học, một thứ văn học dành cho người có học trong xã hội cũ, ít ra, họ cũng thuộc từ giai cấp trung lưu trở lên thì sự kiện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” là hẳn nhiên. Bên cạnh đó, con trai, con gái vẫn cứ yêu nhau mà cha mẹ không biết, có khi trước hay ngoài cả hôn nhơn. Điều nầy rất rõ ràng. Chẳng hạn như với cô Kiều trong “Truyện Thúy Kiều” tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học chữ Nôm thì gia tư Kiều thuộc “thường thường bậc trung” có nghĩa là thuộc giới trung lưu, và “thuộc dòng nho gia”. Mặc dù cha mẹ có dạy “Tường đông ong bướm đi về mặc ai” nhưng chính Thuý Kiều đã yêu ngay chàng Kim Trọng khi hai người mới gặp nhau lần đầu, rồi “hẹn hò vườn thúy”, thậm chí Thuý Kiều còn lợi dụng lúc cha mẹ vắng nhà, “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” sang nhà Kim Trọng, cắt tóc thề non hẹn biển, v.v...
   Trong giới bình dân sự kiện ấy có khác đi chăng? Quả thật là không! Đọc những tác phẩm như “Đồng quê” của Phi Vân, giải thưởng Gia Long năm 1943, những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như “Ngọn cỏ gió đùa”, “Cha con nghĩa nặng” v.v... nói về đời sống dân quê ở trong Nam hoặc “Nhà quê” của Ngọc Giao, “Quê người” của Tô Hoài, “Sợ sống” của Lê Văn Trương, v.v... và một số bài thơ của Nguyễn Bính, nói về đời sống người dân quê ở miền Bắc, ta thấy người dân quê Việt Nam vượt ra ngoài cái mà người ta gọi là “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.” Họ yêu nhau rất tự nhiên, cả trước khi cha mẹ biết và trước khi cưới. Trong cuốn tiểu thuyết “Tỵ Bái” của Nguyễn Hoạt, ông mô tả cảnh sống rất trụy lạc của một làng quê ngoài Bắc, cảnh mà trong truyện Kiều gọi là “Trên bộc, trong dâu”. Chủ ý của Nguyễn Hoạt là muốn nói lên cảnh sa đọa, bóc lột và bất công của xã hội Việt Nam đã có từ thời xa xưa.
   Khung cảnh thiên nhiên trữ tình và môi trường xã hội nông nghiệp dễ làm nẩy sinh tình yêu. Trước hết, cảnh thiên nhiên nào mà chẳng đẹp! Một khung trời xanh biếc, một chiều vàng gió lộng với những tầng mây rực rỡ huy hoàng, cảnh đồng ruộng mênh mông với tiếng lúa rì rào, những dòng sông hiền hòa lặng lẽ, v.v... tác động không ít lên tình yêu thiên nhiên của người ta, khiến người ta mở rộng lòng ra với đời. Thứ hai, việc đồng áng khiến trai gái dễ gần gũi, tiếp xúc với nhau, không chỉ có khung cảnh “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” mà thôi mà trai gái làm chung công việc đồng áng trên một thửa ruộng, trên một cánh đồng, trong sân phơi, trong vườn nhà. Công việc đồng áng nặng nhọc và cần nhiều nhân công trong một thời gian nhất định. Ví dụ: Khi cấy, gặt người ta cần tập trung nhiều người và công việc phải kết thúc trong một thời gian ngắn ngủi. Do đó, người nhà quê phải làm “vần công”, nhà nầy giúp nhà kia, rồi trao đổi luân phiên như thế. Hay là các bạn thợ cấy, thợ gặt đi làm mướn từ làng nầy qua làng khác. Đó là lúc trai gái làm việc chung với nhau, đùa giỡn, ca hát. Việc ca hát thịnh hành nhất là vào những đêm trăng giã gạo, trai gái chia hai phe hát đối đáp, v.v... Ngoài ra, trai gái nhà ở kế liền nhau cũng là cơ hội hai người gặp gỡ, chuyện trò, dẫn dắt đến tình yêu. Sau đây, viện dẫn vài câu ca dao chứng minh những trường hợp trên:
Hỡi cô gánh nước quang mây
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng
Cây ngô đồng cành cao cành thấp
Ngọn ngô đồng là dọc lá ngang.
Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng
Từ ngày anh gặp mặt nàng
Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ
   Sinh hoạt đồng quê với việc gánh nước là hình ảnh rất thuộc khi cô gái gánh nước làm anh thanh niên nọ nao nao đứng nhìn theo hình dáng yêu kiều của nàng thật là quyến rũ. Anh chàng liền bén gót giả đò xin nước tưới cây ngô đồng. Thực ra, anh ta chỉ mượn ý cây ngô đồng để tỏ tình cùng nàng. ‘Quang’ là tiếng Bắc, tiếng Trung và Nam gọi là gióng. Gióng làm bằng cây mây. Anh ta dùng hình ảnh cây ngô đồng cành cao cành thấp hay lá ngô đồng chiếc dọc chiếc ngang, cũng như trái dưa ngoài vỏ trong ruột khác nhau. Tất cả đều giống như tình yêu của anh đối với nàng ngổn ngang nhiều thứ.
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than đôi lời
Đi đâu vội mấy anh ơi!
Cái quần cái áo như người nhà ta
Cái ô em để trong nhà
Khen ai mở khóa đưa ra cho chàng.
   Đây là lời hát diễu không hẳn là của người con gái mà có thể là bạn cô ấy. Hai người đang làm công việc đồng áng, cấy lúa hay vào cắt lúa, bên đường cái quan. Đường cái là đường lớn (cái = lớn), đường của quan đi, đường chạy ngựa trạm đưa tin tức của các quan hay triều đình. Người con gái giả bộ nhìn quen qua cái áo cái quần của người đi đường đang mặc, và cả cái ô (dù) người ấy đang cầm. Ai đem dù ra cho chàng đây, ý muốn trêu ghẹo rằng chính người bạn gái đang cùng làm việc đã đưa cho chàng dùng.
Nàng về giã gạo ba trăng
Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm
Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo
Anh biết em có liệu được chăng
Trần trần như cuội cung trăng
Biết rằng cha mẹ có bằng lòng không
Để anh chờ đợi uổng công.
   Người con trai nói với người con gái hễ hai người lấy được nhau thì đẹp đôi lắm, giống như lúa ba trăng ngâm với nước Cao Bằng thì gạo trắng lắm. Lúa ba trăng là lúa trồng ba tháng thì gặt. Nước Cao Bằng có nghĩa là nước đầu sông Hồng Hà, không đỏ như ở hạ lưu. Thế nhưng anh ta thì nghèo, trần lưng không có áo mặc như chú cuội ngồi chăn trâu trên mặt trăng. Anh ta sợ cha mẹ cô gái chê nghèo không gã, khiến anh ta phải chờ đợi uổng công.
Nhớ ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi
Nhớ ai hết đứng lại ngồi
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân
   Khi yêu đương, người ta nhớ nhau là một điều rất thường. Hình ảnh người yêu “Con mắt lim dim”“đi thất thểu” làm người ta nhớ, nhớ ngày nhớ đêm đến người tình. Người ta không thể làm việc gì cho xong vì nhớ quá, “hết đứng lại ngồi”.
Nói về nhớ người yêu, ca dao còn nhiều câu như sau:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.
   Tình nhớ là tình nóng. Nó không lạnh bao giờ. Nhớ làm cho lòng người ta “như lửa đốt”, “như đứng đống lửa như ngồi đống than.” Nhớ thì vẫn nhớ nhưng phải giấu kín cha mẹ, sợ bị rầy la:
Nhớ ai em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai.
   Nói về sự nhớ nhung của trai gái yêu đương, có lẽ bài ca dao sau đây là một trong những bài hay nhất:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
   Bài ca dao dưới dạng câu hỏi nhưng thực ra đó là câu tán thán. Khăn vắt lên vai mà hờ hững rớt xuống đất là vì nhớ! Đèn thương nhớ mà không tắt vì “đêm đêm thắp ngọn đèn dầu, Ngọn đèn dầu khô cạn nước mắt nầy không khô”. Thắp đèn ngồi nhìn, nhớ người tình và khóc. Dù có tắt đèn đi ngủ cũng không ngủ được (Mắt ngủ không yên).
   Những hình ảnh khăn vắt vai hờ hững, chong đèn ngồi nhớ, hay sững sờ quên việc là điều rất thường thấy trong tình trường. Người đàn bà nhà quê thường có khăn vắt vai để lau mặt, lau mồ hôi cho tiện khi đang làm công việc. Trong nam, họ thường dùng khăn rằn. Tục dùng khăn rằn ảnh hưởng từ chiếc khăn rằn của người ‘Miên’ sinh sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
   Người ta cũng nhớ tới lời thề “nguyện ước ba sinh”, sợ xa cách và sợ người yêu đi lấy chồng khác:
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có biết tình chăng ai
Khi về hỏi liễu Chương Đài *
Cành xuân đã bẻ cho ai một cành
Có yêu anh thì bẻ quách cho anh
* Hàn Hủ đời Đường (Trung Hoa) có người vợ tên là Liễu Thị. Ông đi làm quan xa để vợ ở lại tại phố Chương Đài, kinh thành Trường An. Viết thư, cho vợ: “Chương Đài liễu. Tích nhật thanh thanh kim tại phủ. Giả ưng phan chiết tha nhân thủ.” (Cây liễu Chương Đài xanh xanh ngày xưa nay còn không hay có kẻ khác bẻ mất rồi). Giặc Phiên chiếm Trường An bắt mất Liễu Thi. Tướng Hứa Tuấn bắt lại được, nhà vua bèn trao về lại cho Hàn Hủ.
Tình cờ mà gặp nhau đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong, anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
   Người con trai giả bộ làm quen để tỏ tình với người con gái. Những thứ anh ta gọi là “giúp”, thực sự đó là quà cưới của chàng rể sắm sửa cho cô dâu. Dù yêu nhau trước hôn nhân nhưng cũng cưới hỏi đầy đủ lễ nghi đàng hoàng.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng em tiếc lắm thay
Ba đồng một miếng trầu cay
Sao em không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gở
Chim vào lồng biết thuở nào ra
   Đây là lời đối đáp giữa hai người con trai và con gái nhà ở kế cận nhau. Người con trai yêu thầm người con gái, không dám bày tỏ. Khi người con gái đã lấy chồng chàng mới dám thố lộ tình yêu. Khi đó thì đã trễ rồi, vì cô ta đã có chồng, giống như “chim vào lồng”, như “cá cắn câu.”
Trăm năm diều * nỗi hẹn hò,
Cây đa bến cộ * con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa *
Con đò đã thác * năm xưa tê * rồi.
*Tiếng địa phương Trị Thiên: diều = nhiều. Cộ = cũ. Còn lưa = Còn lại. Thác = chết (tiếng Việt cổ). Tê = kia.
    Truyện kể ngày xưa có anh học trò trên đường về kinh đô Huế ứng thí, gặp cô lái đò bên sông. Hai người yêu nhau và thề hẹn. Anh học trò thi hỏng, lưu lạc xứ người mấy năm. Đến khi trở về bến sông cũ thì người con gái không còn giữ lời thề cũ nữa, đã đi lấy chồng.
Cây đa trốc gốc
Thợ mộc đang cưa
Gặp em đứng bóng ban trưa
Trách trời vội tối phân chưa hết lời.
   Cây đa thường trồng ở đầu làng, đầu đình, nơi linh thiêng, trai gái đến đó thề hẹn cùng nhau. Nay “cây đa trốc gốc, thợ mộc đang cưa”, có nghĩa là lời thề không còn, mối tình bị chia xẻ. Chàng gặp cô nàng đã trễ tràng (ban trưa), chưa kịp tỏ bày hết tâm sự thì nàng đã đi lấy chồng hay qua đời sớm (trời vội tối).
Cầu Trường tiền * sáu vài mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm người ơi
Chẳng thà không biết thời thôi
Biết rồi mỗi kẻ mỗi nơi cũng buồn.
* Cầu Trường Tiền hay Tràng Tiền ở Huế, kinh đô đời Nguyễn, nối hai bờ sông Hương. Cầu nối liền hai bờ để hai người yêu đến với nhau. Nhưng một người qua không kịp cầu, có nghĩa là người kia đã kết hôn (cưới vợ hay lấy chồng). Yêu nhau mà không lấy được nhau chỉ làm cho thêm buồn lòng.
Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than đôi lời
Đây là lời người con gái muốn tỏ tình cùng con trai:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Cớ sao múc ánh trăng vàng đổ đi?
Lời người con trai trêu ghẹo và muốn tỏ tình cùng cô gái:
Hết mùa “toóc” rạ * rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm
* “Toóc” hay rạ, phần dưới của cây lúa sau khi đã gặt (phần trên của cây lúa, có bông, gọi là rơm), dùng thay củi hay đốt để làm phân. Hết mùa gặt, “toóc” rơm ngoài đồng đã khô, lúc đó, “bạn” (người yêu) về quê (sau khi gặt thuê), không còn gặp nhau được nữa.
Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu dịp dạ em sầu bấy nhiêu
   Cầu nối liền hai bờ, cho người hai bên sông qua lại gặp gỡ và yêu đương. Nay cầu vẫn còn mà tình không còn, cho nên cầu dài bao nhiêu thì lòng buồn bấy nhiêu.
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói dạ thương mình bấy nhiêu.
   Đình làng, chỗ thờ thành hoàng, người xây dựng lên làng đó, trai gái thường đến đó thề bồi. Nay tình yêu tan vỡ, trông đình, nhớ lời thề cũ, càng thương mình và thấy nhớ yêu người cũ.
Thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
   Tình yêu hai người khá mãnh liệt, cô nàng dám cởi áo cho chàng để chàng giữ cái hơi. Rồi về nhà nói dối với mẹ.
Tóc mai sợ vắn sợ dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm
   Tóc mai là những sợi tóc ngắn ở trán, thường trang điểm cho khuôn mặt thêm đẹp, duyên dáng. Có thể đã cắt tóc nầy mà thề nguyện với nhau. Tóc còn đó mà không lấy nhau được, tình yêu có bao gờ quên!?
   Bây giờ nhiều người thường sửa chữ thương thành chữ yêu (“Thương nhau cởi áo...” thành “Yêu nhau cởi áo... ), như vậy là sai. Người xưa ít khi dùng chữ yêu mà hay dùng chữ thương. “Anh có thương tui không?” hoặc “Thương chàng lắm lắm chàng ơi.” “Thương nhau lắm, cắn nhau đau.” Chữ yêu là chữ của người có học, hay thường dùng trong văn chương. Giới bình dân dùng chữ thương. Thương là hy sinh, là cho mà không đòi lại, không so sánh nhiều ít, hơn thua, không giống như Xuân Diêu “Yêu là chết ở trong lòng một ít” và “Cho rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu!
    Ngoại trừ một số thôn quê bình dân thì sự cách biệt trong xã hội nông nghiệp Việt Nam không quá xa nên việc hôn nhân không nhiều trở ngại về giai cấp, giàu nghèo như trong xã hội phong kiến Ây Tây.
    Vả lại, mục đích chính của hôn nhân là hạnh phúc lứa đôi nên điều cần thiết để thành công trong đời sống vợ chồng không phải là giàu có hay địa vị mà chính là sự hòa thuận yêu thương nhau của hai người. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.” Từ ý nghĩa đó, quan điểm hôn nhân của người nhà quê Việt Nam thường ít khi khắt khe về giàu nghèo hay giai cấp.
   Chẳng hạn như trong truyện cổ tích “Chữ Đồng Tử và công chúa Tiên Dung” thì Chữ Đồng Tử là một anh chàng đánh cá nghèo khổ đến nỗi không có cả cái khố mà mặc, trong khi đó Tiên Dung là một công chúa. Tuy nhiên, hai người vẫn yêu nhau ngoài ý kiến của vua cha (Chữ Đồng Tử lúc gặp công chúa thì đã mồ côi cả cha lẫn mẹ). Trong đời sống vợ chồng họ thành công vượt bực vì thuận hòa với nhau. Theo quan điểm chung của người Việt, tình yêu đó, hôn nhân đó là do Trời sắp đặt.
    Trong khi đó thì chuyện tình giữa Trương Chi, anh thuyền chài và Mỵ Nương con quan tể tướng thì tan vỡ. Mỵ Nương yêu tiếng hát của Trương Chi nhưng khi thấy Trương Chi thì nàng thất vọng vì chàng xấu xí (mặt rỗ) và nghèo. Yếu tố chính làm tan vỡ tình yêu là vì chàng xấu trai quá chứ chưa chắc vì chàng nghèo. Ngược lại, Trương Chi yêu Mỵ Nương vì nàng đẹp chứ không phải vì nàng là con quan tể tướng.
    Do đó, qua truyện nầy, yếu tố mỹ thuật (đẹp xấu) trở thành vấn đề quan trọng trong tình yêu. Tuy nhiên, Trương Chi vẫn yêu thầm cho đến chết và trái tim hóa đá. Yếu tố làm tình yêu tan vỡ là vì Trương Chi xấu trai hay vì sự xa cách giàu nghèo, người dân
thường và gia đình quan to?!
    Suy cho cùng, đẹp vẫn thường là yếu tố không kém quan trọng trong tình yêu và hôn nhơn. Do đó, có câu tục ngữ an ủi cho ai lấy
chồng “xấu trai”: “Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ sai.”
Trong truyện “Bích câu kỳ ngộ” (Tú Uyên -Giáng Kiều) có một yếu tố quan trọng khác thường thấy trong tình yêu của người Việt Nam. Đó là: “Trai tài. Gái sắc”. Tú Uyên học giỏi, có nghĩa là văn hay chữ tốt, Giáng Kiều là nàng tiên, -không có nàng tiên xấu bao giờ. Hai người yêu nhau trước khi thành hôn.
Tài, ngoài nghĩa văn hay chữ tốt còn có nghĩa là người chỉ huy. Người con gái ngoài cái đẹp còn phải buôn bán giỏi (Một yếu tố khác trong công-dung-ngôn-hạnh). Chẳng hạn “Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân.”
Truyện Từ Thức lại cho thấy một tiêu chuẩn khác nữa trong tình yêu: Tính hào hiệp của người đàn ông. Từ Thức cầm áo lấy tiền để chuộc nàng tiên khỏi bị bắt tội vì làm gãy cành hoa. Nàng tiên trong truyện “cảm” Từ Thức, trước hết không phải vì Từ Thức đẹp trai. Trong truyện không mô tả Từ Thức đẹp hay không đẹp. Cũng không phải vì Từ Thức học giỏi và làm quan. Hai người gặp nhau rất tình cờ, không ai biết quá khứ của ai. Nàng yêu chàng vì chàng có lòng cao thượng, hào hoa. Ngay khi ấy, có thể Từ Thức thấy nàng đẹp nhưng chưa yêu. Chàng từ quan trở về quê cũ không phải vì người chàng yêu mà vì chàng chán cảnh quan trường. Chàng đi “ngao du sơn thủy” không phải để tìm nàng mà vì chàng thấm nhuần đạo Tiên (Lão). Chàng gặp lại nàng là do sự sắp xếp của tiên mẫu, của Trời. Nếu chàng yêu thắm thiết nàng, có lẽ Từ Thức sẽ không xin vợ trở về dương thế. Sự kiện nầy làm cho mối tình hai người tan vỡ. Từ Thức không bao giờ gặp lại vợ nữa.
    Chủ nghĩa cá nhân không phát triển mạnh trong xã hội Việt Nam. Yêu đương là điều tự nhiên của trai gái, nhưng mục đích cuối cùng của nó là hôn nhân. Vì vậy, họ yêu nhau không phải chỉ để yêu chơi, một trò chơi mà rất tôn trọng mối tình của họ.
Do đó, trong tình yêu, người Việt Nam rất hay thề bồi. Ý nghĩa lời thề là giữ trọn lòng chung thủy, không quên nhau, không bỏ nhau, v.v... Nơi họ thường đến thề thường là nơi thờ phượng linh thiêng, chẳng hạn như ở đình làng là nơi thờ thành hoàng, người lập ra làng ấy, cây đa bên đình hay ở đầu làng, ở đền chùa miếu mạo hay chỉ vào vầng trăng mà thề như trong truyện Kiều. Có khi những lời thề đó rất độc, đem tính mạng và danh dự để bảo đảm cho lời thề của mình. Từ ý nghĩa đó, mỗi người chỉ có một nhân tình mà thôi.
Ca dao có câu:
Sông dài mà lắm đò ngang,
Em nhiều nhân ngãi, em mang oán thù.
Không phải là không có sự phân biệt trong tình yêu của người Việt Nam. Khi người con gái đi lấy chồng, họ thuộc về gia đình chồng, không còn thuộc gia đình họ nữa. Lâu lâu, người con gái mới về thăm lại cha mẹ mình còn thường thì bận bịu lo công việc nhà chồng.
Đặc biệt khi có con cái thì họ chẳng có thì giờ để về thăm cha mẹ nữa. Lấy chồng người cùng làng, hay gần làng còn có dịp lui tới. Lấy chồng xa, việc đi lại khó khăn, việc thăm viếng cha mẹ càng khó khăn.
Câu ca dao sau đây bảy tỏ lòng trông ngóng, chờ mong của một người vợ lấy chồng ở xa:
Sáng trăng suông vằng vặc cái đêm hôm rằm
Nửa đêm và sáng trăng bằng ngọn tre
Em trót yêu anh cho trọn một bề
Để anh thấp thoáng ngồi kề bóng trăng
Sự tình nầy ai thấu cho chăng!
Để anh ngồi tựa bóng trăng chịu sầu
Gánh tương tư một dịp đôi ba cầu
Bắc Nam đôi ngã chịu sầu đôi nơi
Con chim khôn chết mệt vì mồi
Chim kêu réo rắt gọi người tình chung
Hai chúng ta vấn vít sợi tơ hồng
Nồi đồng thì úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai
Giậm chân xuống đất kêu trời
Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra.
Tục ngữ có câu “Nồi nào úp vung nấy” có nghĩa là cần có sự đồng nhất giữa hai vật, hai người, sự hài hòa, hòa hợp giữa hai bên. Trong ý nghĩa của câu ca dao trên thì người Bắc nên lấy chồng miền Bắc hay người Nam lấy chồng người Nam. Vô Quảng không hẳn chỉ là tỉnh Quảng Nam ngày nay. Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, xứ Nam tức là đạo Quảng Nam, là đằng Trong, là từ sông Gianh trở vào. Ngày xưa, phương tiện di chuyển rất khó khăn, nên việc đi lại hai miền thường gặp nhiều cách trở, khi người con gái lấy chồng xa xứ là một điều rất trở ngại khi nàng muốn về thăm cha mẹ ruột của nàng. Nếu gần cha mẹ ruột để phụng dưỡng thì phải xa chồng làm cho hai vợ chồng nhiều khi phải sống xa nhau.
Điều cấm kỵ thứ hai là kết hôn với những người làm nghề ca xướng. Tục ngữ có câu “Xướng ca vô loại.” Trong truyện Nguyễn Kỳ và người ca nữ, cuối cùng hai người không lấy được nhau cũng bởi lý do nầy.
Nhìn chung, Việt Nam là một xã hội tôn trọng luân lý, có khi vì ảnh hưởng Nho giáo, nhất là Tống Nho, nên có nghiêm khắc trong vấn đề quan hệ nam nữ, nhưng cũng không quá khắt khe đến độ có thể triệt tiêu tình cảm của con người, nhất là tình yêu trai gái là tình yêu tự nhiên trong cuộc sống của con người và sự tồn tại của nhân loại.
Trong viễn tượng đó, trong con người Việt Nam, nhất là ở nông thôn, tình yêu lứa đôi nảy nở rất tự nhiên, trong sáng và chung thủy, không thiên về vật dục như trong xã hội Âu Mỹ. Tình yêu của họ có mục đích rõ rệt là nhằm tiến tới hôn nhân và xây đắp tương lai, thiên về trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, qua việc Âu hóa và trải qua sự biến đổi không ngừng của hoàn cảnh xã hội kéo theo sự biến thái nề nếp sống trong gia đình dù thế nào đi nữa thì tình yêu tự nhiên của lứa đôi trai gái mà tạo hóa ban cho vẫn mãi mãi trường tồn, cho dù mục đích hướng thượng đó ngày nay trong xã hội Việt Nam đã bị phôi pha đi rất nhiều. Đó là một điều đáng tiếc trong lòng mọi người lắm vậy.
 
Nguyễn Thanh Hòa ngày 26/8/2011
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852104 visitors (2209997 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free