Lên mạng ngày 29/3/2010
Má tôi không biết đọc Việt ngữ vì sinh trưởng ở đồng quê vào thập niên 1920, nghe kể là ông bà ngoại không cho đi học vì lúc ấy con gái ở ruộng đồng khi lớn lên chỉ chú tâm đến việc đồng áng, rảnh thì lo thêu thùa vá may, bếp núc trong nhà. Còn có quan niệm khắc khe hơn là con gái biết chữ thì khi lớn lên sợ viết thư gửi cho ‘mèo’.
Khi anh chị em tôi biết đọc chữ thì má vui lắm, vì bà quan niệm rằng con mình đứa nào cũng học giỏi, để sau này có địa vị cao quý trong xã hội. Còn nhỏ, mỗi tối chúng tôi hay quay quần bên má để nghe bà kể chuyện đời xưa. Khi tôi biết đọc chữ thì má hay bảo đọc kinh giãng của thiền sư Phật giáo diễn đạt qua thơ văn để má nghe mỗi tối.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những câu thơ ấy:
“Cái tâm kia là quỷ hay ma,
Tiên hay Thánh cũng là tại nó.”
Mọi chuyện tốt xấu trên đời này từ tâm mà ra, hành động đúng hay sai cũng phát khởi bởi sự suy nghĩ do tâm não kết thành.
Trong Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Chữ tâm ở đây được đem bình giải: Tâm hay tim ở trung tâm điều khiển, gợi lên cái hay, đẹp tiềm ẩn trong lòng người được gọi là thâm tâm, ý nói những cảm nghĩ đẹp đúng với luân lý của xã hội, điểm chánh yếu được xem hàng đầu. Tâm tốt thì tài mới được trọng dụng vậy. Có tài mà tâm không tốt thì cái tài ấy xem như không ai dùng.
Nông gia năm nay mùa màng thất thu thì nghĩ trong tâm rằng cố gắng lên chờ tới mùa thu hoạch kế sẽ gia tăng gấp bội:
“Khi làm rẩy gặp nhiều sâu bọ,
Rồi ngẩn ngơ bỏ giống hay sao?”
Tục ngữ có câu:
“Muôn sự tại nhân thành sự tại thiên.”
Tiền nhân ta đã khẳng định mọi sự trên đời ai ai cũng muốn mọi điều tốt đến với mình, nhưng trăm kết quả đâu có bao giờ tốt hết bách điều như ý, nên chính trong tâm an ủi là do trời định như thế.
Nguyễn Văn Lích 10CT-70, ngày 20-11-2009