TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Đội bóng rỗ
 
Lên mạng ngày 28/12/2010

ĐỘI BÓNG RỔ
 
  
   Trường trung học Nông Lâm Súc thường có nhiều thứ khiến cho thiên hạ nể phục; và chúng tôi cũng đã tạo ra được một thứ, có thể là độc nhất vô nhị của toàn trường, đó là lập ra“Đội Bóng Rổ”của Bụi Gia Trang.
   Chúng tôi chơi bóng rổ chung với nhau từ hồi còn học lớp 6 ở trường trung học Phan Thanh Giản. Sau đó chúng tôi, chỉ với sáu đứa, lập thành đội bóng của Bụi Gia khi vào trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Hai năm sau thì lên Bảo Lộc học suốt 2 tháng ròng, mà trong lòng với nỗi sợ “ma cũ ở đây ăn hiếp ma mới” nên chúng tôi chưa dám đi đâu khỏi nhà trọ. Cho đến một ngày kia, ngay khi có hai giờ sau trống, Phùng Thọ- đứa bạn học duy nhất người Việt gốc Hoa- tình cờ hỏi chúng tôi:
   “Mấy ông, tướng ‘xì po’ quá, có biết chơi bóng rổ không? Tôi dắt mấy ông qua trường Đồng Nhân chơi.”
   Sau cái gật đầu đồng ý thì Phùng Thọ phóng xe Honda 67 bóng loáng của nó qua bên đó khá lâu, trước khi chúng tôi lò mò lội bộ đến. Nhìn thấy bộ dạng tụi tôi, không ai- kể cả chúng tôi- tin được là chúng tôi có thể chơi banh cở như vậy! Chúng tôi đã đến Bảo Lộc với rất ít hành trang nhưng với đầy ấp những hoài bảo, mơ ước và lòng nhiệt huyết. Cái cách chúng tôi chơi bóng chính là cái cách chúng tôi tự giới thiệu. Đội bóng của Bụi Gia đã đến đây với hai bàn tay không, nhưng mang theo trong người những trái tim rực lửa. Lúc đó Lý Thái Lâm ở lại Cần Thơ cho nên bấy giờ đội bóng còn đúng 5 đứa: Phúc Lùn, Hậu Bào, Hét Quắn, Trọng Thỏ và tôi - Thành Xì. Năm thằng chúng tôi trông như dân bá vơ, lang thang. Không ai có cái áo thun bóng rổ nào cả, cũng chẳng đứa nào có một đôi giày thể thao mang cho ra hồn, thậm chí Hét Quắn còn chạy bóng với đôi chân không luôn. Không có ai chơi bóng rổ mà mặc áo kaki và lấy vạt áo để lau mặt như chúng tôi. “Đội bóng trường Nông Lâm Súc”- như theo cách họ gọi- Không hề có một cổ động viên nào, và cả bọn cũng không có một đồng xu dính túi.
   Phía bên đối thủ của chúng tôi thì không thể chê vào đâu được. Họ có đủ mọi cái mà bất cứ người chơi sành điệu cần có như là vài trái banh bóng rổ, quần áo, giầy, khăn lông, bình chứa nước uống, cam vắt, dừa tươi hoặc coca cola, cái giỏ đựng đồ lạnh, áo mưa, băng đầu gối, cườm tay,... Đa số đến sân bằng xe Honda hoặc xe đạp. Họ thuộc đủ thành phần: thầy giáo dạy tiếng Hoa, học trò trung học hoặc các thương gia trẻ. Chúng tôi là 5 học trò của lớp 10 Thủy Lâm NLS Bảo Lộc. Có khi họ gọi chúng tôi là đội Cần Thơ vì chúng tôi chuyển từ trường NLS Cần Thơ. Có khi họ gọi chúng tôi là đội NLS. Thầy Húa thường kêu chúng tôi bằng “mấy anh” rất lịch sự. Họ rất mừng mỗi khi chúng tôi đến tập vì chúng tôi là những người duy nhất đánh banh với họ. Còn Phùng Thọ cũng thật hả hê vì nó làm được cầu nối thật tốt cho hai phía- họ cần có người tập, tụi tôi cần có chổ chơi.
   Có những “set đấu” 20 trái- mà tỷ số khi nào cũng ngang ngửa nhau khiến họ rất thích; nếu chúng tôi gác họ 20/15 thì cũng có khi họ gác lại chúng tôi 20/18. Chưa bao giờ chúng tôi từ chối tập với bất cứ nhóm nào. Có khi chơi xong “set” thứ ba thì trời đã chạng vạng tối. Chúng tôi có thể đến bất cứ ngày nào, khi rảnh. Đội bóng của chúng tôi dĩ nhiên thường đến tập vào cuối tuần. Họ mời nước uống, đá bọc hoặc trà đường. Họ xúm xít chạy đến xoa bóp bất cứ đứa nào bị bong gân hay vọp bẻ. Họ đối với chúng tôi như người thân, như cầu thủ của họ vậy. Trong khi đó cả trường NLS Bảo Lộc không hề có ai hay biết. Chúng tôi có thấy một sân bóng rổ cũ trong khuôn viên trường, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó không có ai chịu tập chơi cái môn vừa khó lại vừa cần nhiều điều kiện như môn này.
   Một lần khi chúng tôi vừa đến sân, họ vổ tay mừng đón. Hôm ấy có một số cổ động viên nữ và một nhóm học trò mặc đồng phục. Phúc Lùn đỏ mặt tía tai như thằng con trai khờ khạo bị đám con gái trẻ đẹp chọc ghẹo. Hét Quắn và Trọng Thỏ thì không nói gì nhưng biểu diễn một trận thật xuất thần. Hậu Bào trong lúc nhồi bóng bằng tay trái thỉnh thoảng nháy mắt với tôi, mỉm cười thật tươi, tay phải chỉ trỏ rồi chuyền ngay chóc cho Hét Quắn ghi bàn.
   Khi còn ở NLS Cần Thơ, tôi thỉnh thoảng bị tụi nó trêu chọc, hoặc chửi mắng tôi vì những vấn đề kỹ thuật hay chiến thuật. Lên đây vài tháng, tôi lên cân. Tôi tăng lên sức bật, tăng sự nhạy cảm và trình độ chơi bóng của tôi cũng tăng hơn một cấp. Chúng tôi- nguyên đội hình- đánh một trận như chưa hề trước đây. Những tràng pháo tay làm tụi tôi sướng làm sao đâu. Phúc Lùn ném cở nào cũng vào. Hét Quắn lủi và lên lưới ngay dưới rổ mấy trái liền. Hậu Bào liếc nhìn tôi, chỉ vào tôi nhưng lại chuyền banh cho Trọng Thỏ mấy trái rất điệu nghệ. Trọng Thỏ ghi điểm và hò hét um xùm, “kèm số 5”, “đeo số 9”, “xút”. Hét Quắn “ăn cắp gà” và lên rổ hai trái vừa xoáy vừa nhẹ nhàng.
   Như tay chơi bóng chuyên nghiệp, tụi tôi không cần một lần nào nghỉ để hội ý. Khán giả hò reo luôn miệng cổ vũ cho hai đội khiến chúng tôi chơi hay hơn, không hề mệt mỏi. Chúng tôi thắng họ sát nút 20/19. “Rõ là niềm vui mà đến hết kiếp người này chúng tôi không thể nào có được nữa”. Nếu chúng tôi đại diện trường chơi trận đó, chắc cả toàn trường reo hò rộn rả và loa phát thanh vang vọng như các trận đá banh mà tôi và nhiều học sinh khác chứng kiến. Một kết quả đáng kể khác là chúng tôi chơi hay hẳn lên đến nỗi được họ xin tặng chúng tôi mỗi đứa một đôi giày bata mới.
   Trước khi về nghỉ hè năm đó, 1972, tụi tôi được mời theo họ đi đánh một giải Tứ Hùng ở tận Quy Nhơn. “Có ai trong trường NLS Bảo Lộc biết không nhỉ?” tôi đã tự hỏi mấy lần như thế. Cả đời chơi bóng của chúng tôi có thể đánh đổi bằng những ngày chơi trong cái giải ấy. Tiếc thay, Hét Quắn, con trai lớn trong một gia đình nông dân, 7 đứa con, phải làm ruộng phụ với cha mẹ nó trong những ngày nghỉ hè nên tụi tôi phải từ chối lời mời của họ.  
   Cả đội chúng tôi, sau buổi tập, 5 thằng cuốc bộ về đến nhà khi phố đã lên đèn, trời trở lạnh và mấy đứa ở chung đã ăn uống xong hết cả rồi. Không để cho người tỏa hết nhiệt, chúng tôi vào tắm ngay. Cái phòng tắm không có đèn nên hơi nước bốc nghi ngút lên từ toàn thân tụi tôi trở nên rỏ hơn khi nó đi xuyên qua các tia đèn từ dãy nhà trên chiếu dài xuống. Nhớ buổi tối hôm đầu tiên chơi bên trường Đồng Nhân về, Phúc Lùn và Trọng Thỏ có một đề tài hấp dẩn để viết cho 2 cô bạn gái. Nào là, “Bao nhiêu hơi nước bốc lên là bao nhiêu anh nhớ em đấy”. Hoặc pha chút cải lương như vầy, “Em không thể đếm được sợi nhớ sợi thương bay lên như hơi nóng bốc lên từ người anh”. Sáng hôm sau, hai thằng này có thêm đề tài mới. Tụi nó viết về cái lạnh:
   “Anh thở ra hơi nước.
     Nó chứa đầy niềm mơ ước.
     Anh mong có em khóc sướt mướt.
     Anh mong ngày về để hai ta đi lả lướt”
   Tụi tôi ôm bụng cười bò lăn bò càng ra cái giường lớn, làm đứt hai ba cái mùng chưa được xếp. Phúc Lùn còn viết:
   “…Em có biết không, anh dồn nỗi nhớ em lên từng cú ‘lên rổ’. Em có biết không, anh ghi từng điểm dành cho em đấy.”
   Thế mới biết cái thuở đi học nó ngây ngô, dễ cười, dễ quê, dễ giận, dễ sợ nhưng không dễ gì quên được, phải không Trọng Thỏ, Phúc Lùn, Hậu Bào và Hét Quắn? Năm học sau, 1972-1973, Phúc Lùn kẹt tuổi quân dịch phải trở lại NLS Cần Thơ học chương trình Kiểm Sự. Tôi được mời về ở chung với hai đứa em của một bạn bị nghỉ học. Đội bóng rổ giờ còn lại ba người. Tuổi thọ của đội bóng tuy có ngắn ngủi nhưng cái thành tích của nó thì thật đáng tự hào đó các bạn.
 
Rạch Giá ngày 17/12/2009
Lương Ngọc Thành (Thành Xì) NLSCT 69-71(lớp 8&9/2)

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780333 visitors (2069350 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free