Lên mạng ngày 6/12/2011
TẢN MẠN VỀ CHIM
Nguyễn Thị Kim-Thu
Chim robin, khách vườn nhà tôi
Con chim robin năm nay đến viếng vườn nhà tôi sớm trước ba tuần. Đây là năm thứ 8 nó đến thăm vườn nhà tôi, thông thường khoảng một tuần trước Giáng Sinh. Năm nay nó đến sớm hơn, có lẽ do khí hậu ấm hơn các năm trước. Cách đây 2 năm (2010), trời quá lạnh, tuyết rơi suốt cả tuần trong dịp giáng sinh, nó không đến, tôi tưởng nó đã chết. Chim robin thuộc loại thiên di, không có quê hương nhất định, nay đây mai đó trên lộ trình đã quy định trong tìềm thức để đến thăm viếng nơi chốn cũ một thời gian ngắn rồi bay đến nơi khác. Tạo hóa thật tuyệt vời, làm sao đầu óc nhỏ xíu của nó biết đường tìm về chốn cũ trên đoạn đường thiên di từ Phi Châu bay qua Đại Tây Dương để đến nước Anh, tới ngôi vườn nhà tôi rồi đến các nơi khác.
Trên thế giới có khoảng 10 ngàn loài chim, sống ở mọi khí hậu, kễ cả những khí hậu khắc nghiệt nhất mà con người không thể sống được. Chẳng hạn loài chim Penguin sống ở Nam Cực hay Bắc Cực buốt giá. Nó có thể lặn trong nước biển băng giá hàng giờ, tới độ sâu 300 m để tìm mồi. Con ngỗng trời (Bar-headed Geese, Anser indicus) có thể bay ở độ cao của phi cơ phản lực, khi thiên di từ Trung quốc qua Ấn Độ đàn ngỗng bay vượt qua đỉnh Everest của Hy Mả Lạp Sơn ở độ cao 8.848 m, nơi vừa lạnh, áp xuất rất thấp, vừa không đủ oxy để con người thở. Mỗi loài chim chỉ thích ứng sinh sống ở một môi trường. Nhưng chim se sẻ, giống như con người, sống được ở mọi môi trường, từ nhiệt đới đến ôn đới, từ đồng bằng đến núi cao.
Tổ tiên loài chim bắt nguồn từ khũng long biết bay Theropod dinosaurs tiến hóa thành chim cách đây 160 triệu năm.
Cơ thể loài chim có những cấu trúc rất đặc biệt. Để bay được, bộ xương chim rất nhẹ vì cấu tạo bởi những lỗ hổng chứa không khí. Hệ thống lỗ hỗng trong xương nối liền với hệ thống hô hấp. Khi chim thở vào, 75% không khí chạy vào các lỗ hỗng của xương, chỉ 25% không khí vào phỗi. Khi thở ra, phần không khí ở phỗi thoát ra ngoài trước, phần không khí tích trữ ở trong xương chạy đến phổi. Vì vậy, phỗi chim lúc nào cũng chứa không khí tươi, lúc thở ra hay hít vào.
Chim không có bộ phận tiểu tiện riêng biệt. Thận lọc chất đạm thừa trong máu biến thành uric acit, chứ không thành urê hay ammonia như động vật có vú. Chất lỏng uric acit được thải cùng lúc và hòa lẫn với phân. Bộ phận tiêu hóa của chim cũng rất đặc biệt. Để giúp việc bay, chim tiêu hóa và bài tiết rất nhanh cho thân thể nhẹ nhàng. Chim có bọng diều làm kho chứa thực phẩm, mề chứa sạn để xay nhuyễn thức ăn vì chim không có răng như các động vật khác.
Chim có hệ thống thần kinh trong bộ óc rất phát triễn, nhất là loài chim thiên di có bộ phận định-vị-trí, giúp tìm phương hướng, vị trí nơi đến, tìm đối tượng làm tình và nơi thuận tiện lót ổ. Thí dụ điển hình nhất là chim bồ câu có khả năng tìm về tổ khi được mang đi xa hàng ngàn cây số. Lợi dụng đặc tính này, ngày xưa con người dùng chim bồ câu để thông tin, đưa thư, mật mả khẫn cấp nhất là trong chiến tranh. Mắt chim cũng rất phát triễn, nhìn thấy xa hơn người. Chim không nháy mắt. Chim ưng bay ở trời cao thấy được con chuột nhắt ở dưới đất, chim bói cá từ trên cao thấy cá ở trong nước. Mắt chim ưng, diều hâu trang bị hệ thống tia tử ngoại có thể theo dỏi vết nước đái của chuột để tìm bắt chuột ở cánh đồng. Chim cú mèo có hệ thống hồng ngoại tử trong mắt, nhìn rõ mọi vật ban đêm. Nhưng gà thì “mắt quáng gà” khi trời tối. Chim không ngữi được mùi vị vì khứu giác ít phát triễn.
Ở vài loại chim, lông phát tia cực tím (ultra violet) mắt người không thấy được, nhưng chim cùng giống nhận biết. Đó là lúc chim động tình, chim khác phái nhận biết, nếu muốn trò “chim chuột” thì bay đến.
Một vài loại chim có khả năng sản xuất hóa chất tự vệ để chống cự tình địch nhất là chim ăn thịt như diều hâu, chim ưng. Khi gặp chim ưng rượt, chim Procellariiformes xịt một loại dầu có mùi khó chịu làm chim ưng bỏ cuộc rượt bắt. Chim Pitohuis ở New Guinea có chứa chất độc thần kinh trong da và bộ lông, không con thú nào dám ăn nó.
Giống chim nhỏ nhất là chim hút mật Bee Hummingbird (Mellisuga helenae) ở Cuba dài 5 cm tính từ mỏ đến đuôi, nặng 1,58 g. Con chim lớn nhất là đà điểu (Ostrich) nặng 130 kg, con đực có thể nặng 157 kg, dài 2,75 m và cao 2,75 m. Mắt đà điểu lớn nhất trong loài động vật, đường kính mắt 5 cm, vì vậy nó nhìn thấy rất xa. Đà điểu là loại chim không biết bay, chạy nhanh kỹ lục trong loài chim với vận tốc 70 km/giờ, có trứng lớn nhất nặng 1,4 kg. Ban ngày con mái ấp trứng, nhưng ban đêm đó là phận sự của con đực. Chân chim có 4 ngón, nhưng đà điểu chỉ có 2 ngón. Đà điểu có thể sống tới 45 năm. Khi gặp thú ăn thịt như sư tử thì đà điểu chạy trốn, và ít có con thú nào rượt kịp. Khi gặp quá nguy biến, nó nằm dài sát đất giả chết. Tuy nhiên, khi bảo vệ đàn con, thì đà điểu chiến đấu rất can trường và có thể giết được sư tử.
Chim Gentoo Penguin ở Nam Cực lặn và lội trong nước nhanh nhất với vận tốc 40 km/giờ.
Một vài loài chim có thể nói tiếng người như cưởng, sáo, nhồng, két (vẹt), quạ. Trong các loại chim biết nói, két là loài nỗi tiếng nhất, nên có từ “Nói như Vẹt”. Để huấn luyện chim, chủ dạy nói những từ dễ phát âm, rồi thưởng thức ăn ngon mỗi khi chim nói. Sau đó dạy nói những từ khó hơn. Giống két xám ở Phi Châu nỗi tiếng thông minh. Theo sách phá kỹ lục Guiness, có một con két trong giống này nói được 1000 từ, có thể hát vài câu dài, đọc kinh thánh hay chuyện khôi hài. Tuy nhiên, “nói như vẹt” vẫn thua một số người. Chủ cho lương cao, bổng lộc lớn, nên nói thuộc lòng theo ý chủ, mặc dầu biết là nói bậy, nói sai, nói trái với lương tâm.
Mỗi con chim hay cặp vợ chồng chim đều có một lảnh thổ để sống. Đó là một cây để làm ổ và một khoảng đất hay cây cối chung quanh để tìm mồi. Chúng bảo vệ lảnh thổ, gây chiến với chim cùng loài vi phạm lảnh thổ chúng, nhất là vào mùa đẻ trứng, nuôi con. Đặc tính bảo vệ lảnh thổ rất dễ thấy ở loài cu. Vì đặc tính này, người đi “bẩy cu” hay “gát cu” dùng cu mồi để trong lồng bẩy đặt vào vị trí lảnh thổ của chim cu muốn bắt. Khi nghe cu mồi cất tiếng gáy, chim cu bay về chiến đấu với cu mồi và bị sập bẩy.
Đối với loài người, có giống chim đẹp có giống chim xấu, tùy theo văn hóa mỗi dân tộc. Công, phượng đều là chim đẹp của mọi dân tộc. Chim cú, đối với văn hóa âu tây, tượng trưng cho sự thông minh, bác học vì chúng có cặp mắt giống như mang kính, nhưng đối với văn hóa Việt Nam chim cú báo hiệu tang tóc và bất hạnh.
Không ai thấy cái xấu của mình. Một chuyện ngụ ngôn kễ rằng trong nhà trẻ của loài chim, con công mẹ rất hãnh diện với công con vì bộ lông đẹp đẻ và biết múa hát. Chim cú mèo với hình dáng xấu xí, nhưng cú mẹ vẫn khen cú mèo con là đẹp nhất trong số các loài chim con mà lại thông minh.
Chim có đặc tính biết được thời tiết, môi trường mà con người không có.
Le le xuôi về bể thì gió,
Le le lên ngàn thì mưa
Bìm bịp bay đi tìm mồi khi nước thủy triều dâng, vì lúc này rắn, chuột, ếch nhái phải bò ra khỏi hang và leo lên chỗ cao tránh nước.
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê
Vì bìm bịp ăn rắn độc, các ông Tàu nghĩ rằng thân thể bìm bịp chứa nhiều chất thuốc trị độc, nên mới chế “thuốc rượu bìm bịp” trị bá chứng đau nhức mỏi gân cốt. Tội nghiệp cho giống chim bìm bịp sắp tuyệt chủng vì các ông thầy Tàu này.
Con chim cuốc hay “quốc”, còn gọi là “đỗ quyên” sống từng cặp vợ chồng. Khi một con chết, con kia kêu “quốc” “quốc”, rất thảm sầu, cho tới khi chết. Chúng rất chung tình. Nhưng qua thi ca thì biến thành nhớ “nước”, “ái quốc”.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
Con quốc quốc chính là con cuốc, nhưng thực tế không có con gia gia, mà chỉ có con chim đa đa. Hóa ra, bà Huyện Thanh Quan, vì thích chơi chữ đối với quốc quốc bằng chim đa đa, nhưng Bà biến chữ đa đa thành gia gia để có “nhớ nước, thương nhà”. Con cuốc biết bay, nhưng ít khi bay. Khi gặp hiểm nguy thì nó lủi trốn trong bụi bờ, nên có từ “cuốc lủi” hay “lủi như cuốc”. Cuốc cũng không biết ấp trứng nuôi con, giống như con tu hú, đi đẻ nhờ vào ổ của giống chim khác, và bắt chim khác ấp dùm và nuôi con nó. Trứng cuốc và tu hú nở trước trứng chim khác, nên khi vừa nở ra, nó dùng chân và mỏ đẩy các trứng kia ra khỏi ổ, để chim mẹ chỉ nuôi cuốc hay tu hú mà thôi. Hóa ra, quốc mang danh “thương nước” mà hèn nhát (cuốc lủi), tâm địa lại ác độc.
Đối với kẽ vô ơn bạc nghĩa thì:
Được chim quên ná (bẻ ná) được cá quên nơm
Cổ thi có câu “Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi”, có nghĩa là “Ngựa Hồ hí gió Bắc, Chim Việt ở cành Nam”. Trong truyện "Trinh thử" của Hồ Huyền Qui cũng có câu: "Chỉ con chim Việt đỗ rày cành Nam". Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, phía nam nước Tàu. Hàng năm cứ đến đầu thu, từng đàn chim Việt thiên di bay sang phương Bắc. Khi làm ổ, chúng chọn cành cây hướng về phương Nam, tức là nước Việt. Vì vậy, Chim Việt hay Việt điểu ám chỉ tình nhớ quê hương cố quốc. Sự thật, sở dĩ chim thiên di chọn cành ở phương nam để lót ổ, vì nước Tàu ở xa xích đạo thuộc bắc bán cầu, vào mùa Thu hay Đông, mặt trời đều ở phương Nam, nên ổ chim được ấm hơn vì có mặt trời.
Chim thay lông hàng năm. Để giải thích tại sao chim quạ sói đầu vào dịp tháng bảy mưa ngâu, nên mới có chuyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ. Chuyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ (Vega) và Ngưu Lang (Altair) của dải Ngân Hà, và hiện tượng mưa ngâu xảy ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên Chức Nữ nên bỏ bê chăn trâu. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. Thời bấy giờ, sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả, nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Các chuyên viên cầu cống ở trần thế nước Việt được xuất khẩu lên trời xây cầu. Vì quen thói ở trần thế, mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn chưa xong, nhưng trình lên Ngọc Hoàng là đạt chỉ tiên 100% trước kỳ hạn. Ngọc Hoàng tức giận, bắt tội đám chuyên viên dỏm này hóa kiếp làm quạ, lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Trong đại hội, chúng lại lao vào cắn mổ đấm đá nhau đến xác xơ lông cánh, lông đầu.
Chim là nguồn cảm hứng của dân gian qua hàng ngàn câu ca dao nói về chim. Con cò là hình ảnh của người phụ nử, người vợ, người mẹ suốt đời vì chồng vì con:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Mỗi giống chim có đặc tính riêng:
Chim hay lớn tiếng
Tu hú, ác là
Nhảy nhót lăng ba
Chích choè bìm bịp
Tính hay ăn hiếp
Chim cú chim diều
Lưng trâu sáng chiều
Sáo hành sáo nghệ
Ăn không xiết kể
Công cốc, chàng bè
Đáp xuống cành tre
Là con chim bói
Cái mồng đỏ chói
Cao các hồng hoàng
Thức suốt canh tàn
Chim heo chim vọ
Trong xã hội loài chim, mỗi giống cũng đều có một nhiệm vụ:
Thùng thùng thùng
Đánh ba tiếng trống
Sắp quân cho chỉnh
Phượng hoàng thống lĩnh
Bạch hạc hiệp đồng
Tả chi thì công
Hữu chi thì sếu
Giang cao ngất nghểu
Đi trước tiên phong
Cả mỏ bồ nông
Đi sau tiếp hậu
Sáo đen sáo sậu
Dặn dục đôi bên
Chú quạ thông tin
Dóng dả ba quân
Đội lương đi trước
Một đàn vịt nước
Chú két chú le
Sắm sửa thuyền bè
Cho anh trẩy thủy
Chim chích chim gi
Bé mọn biết gì
Hay:
Con quạ nó ăn tầm bậy tầm bạ nó chết,
Con diều xúc nếp làm chay,
Tu hú đánh trống bảy ngày,
Con bịp nó dậy, nó bày mâm ra.
Con cuốc nó khóc u oa,
Mẹ nó đi chợ đàng xa chưa về.
và
Con cò chết rủ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cỡi trần vác mõ đi rao.
Hoặc:
Con cò mắc giò mà chết
Con quạ ở nhà mua nếp làm chay
Con cu đánh trống bằng tay
Chào mào đội mũ làm thầy tế văn
Chiền chiện vừa khóc vừa lăn
Một bầy chim sẻ bịt khăn khóc cò
Reading, 12/2011
Nguyễn Thị Kim Thu