TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Mùa Xuân ở lại
 
Lên mạng ngày 5/2/2011

MÙA XUÂN Ở LẠI
Tết này, lên facebook thấy bạn bè của tôi phương xa, hầu như ai cũng cảm thấy nhớ da diết cái Tết đang nhộn nhịp ở quê nhà. Thiết nghĩ, ấy cũng chính là cái Tết của dân tộc Việt Nam mình. Ba ngày xuân, niềm vui và niềm phấn khởi mong chờ là nhiều lắm, kể cả những người ở xa cũng hướng lòng về cái Tết cổ truyền này. Thảnh thơi, ngồi nghe bài hát "Gái xuân", tôi thầm nghĩ mặc dù mùa xuân mà Từ Vũ nói đến nhằm để chỉ tuổi thanh xuân của một người con gái nhưng nếu để nói đến mùa xuân trong lòng thì có mấy ai sẽ giữ lại được sau ba ngày Tết.
Xuân đến rồi lại đi và đã đi là sẽ còn đến nữa. Mùa xuân là cái của đất trời còn Tết là cái có được của dân tộc vào cái mùa của đất trời ấy. Có thể nói, đây là cái Tết đầu tiên mà tôi cảm nhận được rõ ràng "cái của đất trời" và cái "của dân tộc" này.
 Những ngày vào xuân, khí hậu Cần Thơ trở nên mát mẻ hơn. Dàn hoa kiểng mà ba tôi trồng cũng bắt đầu đua nhau ra hoa và ra lá non. Buổi sáng, đi làm cũng cảm thấy tâm trạng được thư thái hơn. Mặc dù công việc trở nên tất bật hơn vào những ngày cuối năm nhưng ngược lại mọi người lại vui vẻ và cởi mở hơn so với tâm trạng vào những mùa oi bức, nóng nực. Ra đường thì thấy những người không quen biết mà mình đang gặp dường như ai cũng dễ thương hơn những người lạ trước đây vài tháng mà mình đã gặp cũng trên đường này. Tối về đến nhà, ngồi một mình trên sân thượng cảm nhận cái mát lạnh của khí trời cũng làm mình như muốn cần đến một hơi ấm. Đúng là mùa xuân đây rồi.
Mấy ngày hai mươi mấy Tết, cả nhà tôi quần quật dọn dẹp nhà cửa, trang trí, mua thêm hoa, thêm bông... Rồi đến đi cho quà tết bà con thân quen. Mua thêm bánh mứt để chuẩn bị đãi khách mấy ngày này. Có vẻ như không khí chuẩn bị Tết còn tất bật và nhộn nhịp hơn cả những ngày Tết gấp mấy lần thì phải. Nhiều người mong đến Tết nhưng riêng tôi thì tôi lại thấy thích sự nhộn nhịp này hơn cả những ngày tết.
 Tôi không thuộc lớp người lớn tuổi và cũng chưa từng nghiên cứu kỹ càng nên có lẽ không hiểu hết được về ý nghĩa của những phong tục cổ truyền trong mấy ngày Tết này nhưng tựu trung lại thì hầu như người Việt mình làm mọi thứ phong tục ấy là nhằm tìm kiếm, cầu xin sự tốt lành đến với gia đình trong một năm mới. Chính từ đây mà nhiều nghi lễ, hoạt động mang màu sắc cổ truyền của dân tộc trở nên nhộn nhịp vào những ngày này. Đầu tiên là các đội lân, trống rồi mấy ông Thần Tài xuất hiện ở khắp các ngõ hẻm. Các mâm cỗ cúng vào những ngày tết dành cho ông bà tổ tiên và các thần cũng được bày ra hầu như mỗi ngày đều có đều đều. Các bà, các chị thì kéo nhau đi chùa. Bãi đậu xe của các quán ăn chay sáng ngày mùng một trở nên quá tải, xe của khách dừng ra tận lòng đường 2-3 mét. Trước cổng chùa, nhiều người đua nhau thả chim phóng sanh để xem là những điều phúc đức làm được đầu năm, hầu nhờ đó mà gia đình có được những điều an lành suốt một năm mới.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nhằm mang lại niềm vui cho ngày Tết cũng rộ lên ở nhiều điểm. Những người trẻ thì nhóm nhau đi chơi đây đó. Người ở quê thì lên thành thị, người ở thành thị thì tìm về quê. Có những gia đình dành thời gian thăm viếng và chúc Tết họ hàng, ông bà. Nhiều người đi làm phương xa suốt cả một năm cũng về họp mặt bạn bè trong những ngày tết để làm vài ba lon (bia). Đôi khi có ông cũng vài ba thùng.
 Cái Xuân và cái Tết đều có những ý nghĩa tốt đẹp sâu xa mà đất trời và dân tộc đã dành tặng lại cho chúng ta. Tuy vậy, sự tất bật của cuộc sống xã hội khiến chúng ta không còn nhiều thời gian và tâm trí để tìm lại những điều ấy mà ngược lại chen lẫn vào là những thứ xa hoa, mê tín và giả dối của những con người trần tục, thực dụng làm cho ý nghĩa những ngày xuân trở nên mờ nhạt đi trong mớ hỗn độn ấy. Chúng ta cần tìm lại mùa xuân thực sự đúng với ý nghĩa tốt đẹp của nó và hơn hết là để giữa lại trong lòng mình khi xuân đất trời và Tết của dân gian đi qua.
 
Mùa xuân trong cái tìnhTrong hầu hết những giá trị quý báu mà tôi kinh nghiệm được trong ngày Tết là tình người dành cho nhau và lễ nghĩa dành cho ông bà tổ tiên. Hầu như gia đình nào cũng dành ra một đến hai ngày đi thăm chúc tết ông bà, chúc tết họ hàng và thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên. Lùi lại những ngày giáp Tết thì tình cảm thể hiện bằng những giỏ quà giản đơn như đòn bánh tét, cặp dưa, cặp bưởi hay bánh mứt do người nhà tự làm được gửi đến bà con, hàng xóm và những người bạn bè thân quen.
Chính cái vòng quay điên cuồng của cuộc sống kinh tế thực dụng đã khiến cho những ngày giáp tết thời nay ít nhiều trở thành dịp tiện để đút lót và hối lộ nhau trong những mối quan hệ không vì tinh mà vì tiền. Để rồi, giá trị của hành động chẳng còn ở chỗ cái tình được trao mà là ở cái món được "cúng".
Đối với tôi, cái tình là cái đáng quý nhất của mọi người đối với nhau. Tết mà có tình thì mới có Tết. Xuân có tình thì sẽ luôn có xuân trong lòng. Có vậy thì dù xuân đất trời có đi qua nhưng xuân trong lòng cũng vẫn ở lại.
 Mùa xuân có từ cái tâmTôi còn nhớ câu chuyện của Triệu Vương vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nỗi tiếng là người đầy lòng nhân đức. Ở Hàm Đan, mỗi năm Tết đến, ông đều cho người ra chợ thâu mua hết số chim có được về để phóng sanh. Các quan ở khắp nơi thấy vậy cũng làm theo. Thế rồi, nghề bắt chim phóng sanh bán trở nên dễ dàng kiếm sống so với nghề nông nên dân chúng tranh giành nhau đuổi bắt chim gây nên sự hổn loạn cho thành cảnh. Sau khi nghe một vị đại quan phân tích về những tai hại do sát hại loài chim và làm nhân tâm ly tán thì Triệu Vương đã liền hạ lệnh bãi bỏ việc phóng sanh kể từ đó về sau.
Vào thời Cựu Ước, dân chúng trong thành Giê-ru-sa-lem phải dâng cho Đức Chúa Trời bằng những lễ vật mà tự tay mình làm được. Mọi việc tốt đẹp theo như ý Đức Chúa Trời trong những ngày đầu. Nhưng trãi qua thời gian dài và mãi đến thời Tân Ước, sự thực dụng, tham lam của lòng người bắt đầu xen vào. Người dâng của lễ không còn dâng thứ mình làm được nữa mà dâng những của lễ mình mua được. Thế là nhiều người bày bán đủ thứ trước đền Thánh làm nơi tôn thờ trang nghiêm, nơi để thể hiện sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trở thành chỗ mua bán, lừa gạt, trộm cướp. Và chính Đức Chúa Giê-xu đã đạp đỗ những thứ ấy để chỉ ra cái giả dối của lòng người trước mặt Đức Chúa Trời.
 Nhân đức đầu tiên hết phải xuất phát từ cái tâm của lòng người. Thiết nghĩ, nhiều người đi lễ chùa vào đầu năm đều ghi trong tâm trí mình trước khi bước vào là để được điều này, điều kia. Điều đơn giản nhất người đi lễ cần nên hiểu là chúng ta sẽ có được điều tốt lành chẳng vì những thứ chúng ta dâng hay công đức bố thí ít nhiều mà chúng ta vừa làm được. Cái tâm mới là căn nguyên. Một khi chúng ta làm việc tốt lành chỉ đơn giản vì thấy thích làm và muốn giúp đỡ người khác hay để thể hiện tấm lòng mình mới là hành động từ cái tâm. Tôi chẳng hiểu nỗi cái đọt non mà nhiều người mang về khi ra khỏi cổng chùa làm sao mà nó có thể biết thành "lộc" được trong khi thần linh có bao giờ nhậm lời và ứng nghiệm lời cầu xin theo cách như thế đâu. Lẽ nào, cái tâm của ba ngày Tết sẽ khác cái tâm của cả năm sao?
Có tâm (hay có tấm lòng) thì tâm hồn sẽ cảm thấy thanh thản. Bình an quan trọng nhất chẳng phải ở tại bên ngoài mà là tận trong tâm hồn mình. Không có bình an thì chẳng thể có xuân trong tâm hồn.
 
Mùa xuân của bình anXét cho cùng, ai trong chúng ta cũng luôn cần sự bình an, nhưng nếu đặt câu hỏi kế tiếp, điều gì tạo nên sự bình an thì không có nhiều người trong số được hỏi có thể trả lời được và càng ít người có thể trả lời đúng.
Chỉ trong mấy ngày đầu Tết tôi phát hiện ra dân gian chúng ta có rất nhiều nghi lễ cúng bái thần linh để cầu mong bình an hay những thứ tương tự như thế. Từ cúng Ông Táo, cúng Thần Tài Thổ địa, cúng đêm ba mươi, múa lân trước nhà, rước "thần tài" vào nhà biểu diễn, thả cá chép, phóng sanh chim co đến chưng mai (sự may mắn), sung (sung túc), mâm ngũ quả (để chỉ cầu vừa đủ xài), đi chùa cầu xin... Tất nhiên, tôi hiểu rõ rằng đây chính là một nét trong phong tục tập quán của tổ tiên để lại và nó là một phần không thể tách rời với nét riêng trong cái Tết của dân tộc. Đặc biệt là của người dân nam bộ. Tuy vậy, cho dù chúng ta làm hết tất cả những thứ ấy thì cũng chẳng thể nào chúng ta có thể chắc chắn rằng năm mới này mọi sự sẽ an lành.
Bình an chỉ có được từ sự chắc chắn. Và sự chắc chắn ấy có thể gọi với một từ ngắn gọn là "đức tin" trọn vẹn về sự ban cho của đấng mà chúng ta cầu xin. Thế nhưng, hầu hết những người cầu xin với các thần như: thần tài, thổ địa, ông táo,... lại hoàn toàn không biết gì về gốc gác của các thần ấy. Hầu như họ rất dễ dãi trong đức tin của mình với quan điểm tin thì có không tin thì không có.
 Mặc dù là cơ đốc nhân nhưng tôi từng là người theo phật giáo nên tôi rất thường đặt những câu hỏi ngược để giải tỏ vấn đề kiến thức thần học cho mình. Tôi còn nhớ, có lần tôi cảm thấy rất thắc mắc về trái thánh linh với 9 tích chất: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.
Câu hỏi cứ đặt ra trong đầu tôi. Làm sao để có được những trái thánh linh gồm 9 thứ này cùng lúc trong khi chỉ mỗi bình an thôi thì cũng đã vất vã lắm rồi?
Và câu trả lời là đức tin vào Chúa và bởi tin, bám lấy lời Chúa mà sống thì ắt có trái thánh linh tức có tất cả những thứ ấy. Vậy làm sao để có đức tin?
Câu trả lời đó là hãy tìm hiểu, nghiên cứu và hãy tin khi đã hiểu rõ. Đừng dễ dãi với đức tin bởi nó chính là cái gốc của sự bình an. Khi có đức tin chúng ta sẽ có sự trông cậy (hay sự hy vọng) vào Đấng chúng ta đang cầu xin và chúng ta có thể tin chắc về sự ban cho ấy và bình an trong tâm hồn chỉ từ đó mới có được.
 
Như thông lệ, sáng mùng một Tết, nhà thờ Tin Lành đều có những bài làm chứ về đức tin trong Chúa. Sáng nay, một con cái Chúa lên cầu nguyện làm chứng và tạ ơn về sự chăm lo mà Chúa đã danh cho anh. Tâm hồn anh ấy thật sự bình an khi chia sẻ về đức tin mình với một tâm trạng vui mừng không ngớt lời cảm tạ Chúa mặc dù anh vừa được bệnh viện cho kết quả là ung thư đường ruột và phảt cắt bớt đi 20cm ruột, còn phải hóa trị thêm tám lần nữa. Anh nói: "nếu Chúa cất tôi đi trong cái tuổi 45 này thì tôi cũng vui vẻ và cảm tạ Chúa cho tôi về với Ngài sớm hơn những bạn bè tôi. Và chắc rằng Chúa đang cần tôi giúp việc gấp nên gọi tôi đi sớm".
 Tôi đang nói về những điều này không có ý để đào sâu về những quan điểm tôn giáo nhưng để chỉ rõ ra về cái gốc của một sự bình an. Và sự khác nhau rất lớn giữa mê tín và tôn giáo. Tứ Thư có viết: "Ý trời gọi là Tín, làm theo Tín gọi là Đạo, tu theo Đạo thì gọi là Giáo". Còn mê tín thì chẳng nằm đâu trong số đấy mà chỉ là những thứ tự chúng ta thấy trùng khớp và tin theo. Đặc biệt, vũ khí của sự mê tín là tâm lý bầy đàn (tiếng Anh gọi là "herd behavior"). Và tính bầy đàn càng lớn thì sự tham gia kiếm lợi của bọn cơ hội càng nhiều và nó như một hiệu ứng cộng hưởng, cứ như thế lại càng làm cho bầy đàn đông thêm. Chính vì lập luận của tâm lý bầy đàn là cái gì "đông" là "đúng" vậy nên kể cả Aristotle cũng sẽ sai khi nói trái đất hình cầu.
 
Mùa xuân của niềm vuiTết này, có hai từ làm tôi cứ nghĩ mãi "vui xuân" và "xuân vui".
Không ít những hoạt động vui xuân chúng ta thường thấy như: tụ họp bạn bè đi chơi xa, liên hoan, đánh bài, mua sắm quần áo mới.. Vui Xuân thì ai cũng có thể là được nhưng xuân vui thì không phải ai cũng có. Và đôi khi cái vui xuân thỉnh thoảng lại không mang lại xuân vui mà còn mang lại nỗi buồn.
Đối với tôi, cái lớn nhất của xuân vui là tình cảm mọi người trở nên thắm thiết hơn. Không ít những người lớn tuổi trong cái Tết này dành thời gian rất nhiều cho việc thâm nom, chúc Tết bà con, họ hàng và bè bạn gần xa. Trong số đó có ba mẹ tôi. Cả những ngày Tết, hầu như thời gian ba và mẹ dành hết cho những chuyện này. Tôi nghĩ rằng, đây chính là những điều mà thế hệ trẻ cần phải suy nghĩ thận trọng và học để làm theo. Ba ngày Tết với những hoạt động vui xuân rồi sẽ qua đi nhưng xuân vui trong cái tình người vẫn ở lại trong lòng mỗi chúng ta.
Nhiều người thì vui xuân nhưng riêng ba mẹ tôi lại đi tìm xuân vui trong cái Tết này.
 
Mùa xuân của đất trời rồi sẽ ra đi, cái Tết của dân gian cũng thế, vậy chúng ta sẽ giữ lại được chút gì của mùa xuân này nếu không tìm thấy mùa xuân trong tâm hồn mình?
Trong Nhân diện học có câu ngạn ngữ: "Tướng do tâm sanh"- có nghĩa tính chất của khuôn mặt hay tướng mạo chúng ta là bắt nguồn từ tâm hồn chúng ta. Có xuân trong tâm hồn thì nhiều người dù cho có lớn tuổi cũng vẫn tươi vui, làm ra họ trở nên trẻ trung và lâu già như đúng nghĩa đen lời của bài hát để chỉ về cái xuân của nhan sắc người con gái:
"Xuân đi, xuân đến, hãy còn xuân"..

Cần Thơ, 03/02/2011 (Mùng một Tết Tân Mão)
Đỗ Đăng Khôi

Trở lại Trang Bạn Viết

 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855392 visitors (2218349 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free