TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Sóc Lươn và tôi
 
Lên mạng ngày 25/9/2010

SÓC LƯƠNG VÀ TÔI
 
   Tôi vào học trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ chỉ là một sự tình cờ. Năm 1964, ba tôi thuyên chuyển từ Gia Định về Cần Thơ; người quen biết với thầy hiệu trưởng lúc đó nên mới khuyên tôi ghi danh thi tuyển vào trường này, thế là tôi lại phải khăn gói ra kinh ứng thí. Ấy vậy mà ngày tôi nhận được tin trúng tuyển, thì ba tôi lại có lệnh thuyên chuyển công tác đến nơi khác, Rạch Giá.
   Mùa khai trường năm 1965 tôi vào học lớp đệ ngũ. Ban đầu đang trọ nhà một người bạn của ba tôi ở phía sau Bến Xe Mới, vừa tròn được tháng thì nghe theo lời chiêu dụ của bạn cùng lớp, Dương Văn Lượm, tôi lại di cư vào Sóc Lương cho vui. Khi ấy Sóc mới cất được 3 căn nhà lá chia làm 6 phòng. Phòng tôi cùng Dương Văn Khôi, Dương Văn Lượm, phòng kế bên có Hà Thế Tạo và 2 người nữa, căn chót sát với nhà Bác Hai Giáp thì có Phương Hòa An, Phương Du Long và Hồng Phước Khánh, CT I. Phòng phía sau tôi với các bạn là Tam, CN, Trần Toàn Trung và Nguyễn Văn Kế…
   Sóc lúc bấy giờ chưa có tên, mọi người chỉ biết đó là xóm nhà lá do Bác Hai Giáp cất lên cho học sinh mướn để trọ, mãi đến thời gian sau mới có được danh gọi là Sóc Lương. Sóc Lương ngày đó có những giai thoại còn truyền tụng mãi cho tới bây giờ mặc dù nó đã khuất bóng giang hồ từ lâu.
   Trước hết, xin mạn bàn về Phong-Thủy; phía trước Sóc là Chu Tước có hồ để cung cấp nước, là chỗ để hóng mát và ngắm trăng, sau lưng là Huyền Vủ có Vườn Chuối của bác Năm Đinh, còn được tô điểm thêm một hầm Cá Dồ kế bên để mọi người đến đó làm thơ. Theo ý tôi, nếu Sóc Lương được lăng xê thì nơi đây đã xuất hiện nhiều thi sĩ rất nổi tiếng từ khuya rồi, thí dụ như bài thơ sau đây:
Đêm ấy trăng treo giữa đỉnh đầu,
Anh ngồi đang ‘ị’ thật là lâu.
Bỗng nghe có tiếng cười bên ấy,
Ngó lại thì em cũng trên cầu.
   Bạn làm sao kiếm được bài thơ nào mà ‘mùi’ như vậy? Tả thì Thanh Long, hữu thì Bạch Hổ có chợ Lộ 20 và phi trường Bình Thủy. Có lẻ Bác Hai Giáp cũng đã nghiên cứu rất kỷ trước khi xây Sóc, nên sau trở thành một nơi có thể coi là Tàng Long Ngọa Hổ, vì cho ra lò nhiều tay cao thủ “Quậy”.
   Có nhiều bạn tự hỏi tên Sóc Lương có từ bao giờ? Theo tôi biết thì đầu năm 1966, theo ý của Trần Toàn Trung, vào một đêm nọ các thành viên ở đây đã đi ‘mượn’ 3 con gà Leggo của trường về nấu cháo để đặt tên nầy, và phong Trung làm Trưởng Sóc với cái tên là BaTê (3T). Sau đó chung quanh đây mỗi lần hể có ai bị mất đồ là Sóc Lương đều bị mang tai tiếng; thật ra trong 10 vụ thì chỉ có 1 vụ là oan ức mà thôi.
   Giữa năm 1966 có một chuyện xãy ra mà nhiều anh em ở Sóc đây còn nhớ mãi. Vào một đêm mưa dầm dề, khoảng 11 giờ khuya thì nghe tiếng Bác Hai Giáp chưởi ầm lên quá xá! Nhưng tất cả thành viên trong Sóc Lương ai nấy đều nín khe. Sáng hôm sau mới rõ ra là phòng anh An đã vạch vách lá để xả bớt nước dư mà anh em vẫn thường ‘thừa nước đục thả câu’ thực hiện trong những đêm mưa. Đêm hôm qua, khi cô con gái của Bác Hai Gíáp đang hứng nước mưa thì cô tự nhiên cảm nhận rằng sao mà nước mưa nóng quá nên cô vội la làng lên, đúng là ‘oan ơi ông địa’, nên từ đó về sau, trước khi xả nước thì các chủ nhân cẩn thận vạch vách lá nghiên cứu chiến trường trước rồi mới dám móc súng ra thi hành…
   Hơn 40 năm trôi qua, nay ngồi nhớ lại vẫn tưởng như chuyện mới vừa xãy ra. Đời biết bao đổi thay, mới ngày nào còn cắp sách đến trường giờ thì đầu có ba thứ tóc: trắng, đen và tóc ngứa. Thời gian quá vô tình, không thấy nó đi mà nó không bao giờ trở lại, ngẩm lại cuộc đời thật quá phôi pha. Bây giờ thì làm cách nào để tìm lại những ngày xưa thân ái cho được. Có chăng chỉ hồi tưởng lại trong ký ức, trong giấc mơ, hoặc những đêm dài không ngủ. Một điều đáng mừng là tình thầy bạn NLSCT vẫn mãi mãi bền vững với thời gian.
   Tôi luôn nhớ bạn Vương Văn Khôi, Lưu Tấn Phước, Nguyễn Bá Việt, Dân National, Trần Ngọc Lân, Trần Quang Niệm, Trần Toàn Trung và các bạn ở Sóc Lương năm xưa.
 
Huỳnh Hồng Long NLSCT 65-70(MS) ngày 20-09-2010

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851936 visitors (2209504 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free