TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Quê chồng qua ca dao
 
Lên mạng ngày 27/2/2010

VỀ THĂM QUÊ CHỒNG QUA CA DAO
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Tập tin:Nha Trang Rooftop Panorama.jpg
Nha Trang
 
Tôi được sinh ra và lớn lên ở miền Sông Hậu gạo trắng nước trong, với cánh đồng phẳng lặng, cò bay thẳng cánh, vườn cây tươi tốt, hoa trái  quanh năm. Khi còn tuổi đi học, tôi chưa hề thấy biển, thấy núi. Nhưng từ ngày được quen biết với anh, người mà sau này thành chồng, tôi được anh giới thiệu quê hương của mình, nơi có biển xanh đẹp, có Hòn Chồng, có Tháp Bà, là xứ của trầm hương, của yến sào, rất xa lạ với tôi nhưng đầy quyến rũ:
 
Tỉnh Khánh Hòa đậm đà mưa nắng,
Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm,
Ngọn gió bay phảng phất hơi trầm,
Mây xây tháp bút, trăng dầm bến ngân.
 
Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương.
Non cao biển rộng người thương đi về
Yến sào thơm ngọt tình quê,
Sông sâu đá tạc lời thề nước non.
 
Khánh Hòa biển rộng, non cao,
Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang.
 
Rồi anh mô tả những phong cảnh đẹp của vùng quê anh:
 
Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang
Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà
Muốn trông trời bể bao la
Con thuyền nho nho thì ra Hòn Chồng
Muốn xem cá lạ Biển Đông
Xuống tòa Hải Học trong vùng Trường Tây
Muốn vui với nước cùng mây
Mây tuôn suối ngỏ nước đầy Suối Tiên
Ba Hồ lắm thú thiên nhiên
Qua Sơn là chốn thần tiên đi về
Lòng mong nương bóng Bồ Đề
Lên Chùa Hải Đức gần kề Nha Trang
 
Anh đứng Hòn Chồng
Trông sang Hòn Yến
Lên Thăm Tháp Bà
Về viếng Sinh Trung
Non xanh nước biếc chập chùng
Biết bao liệt nữ, anh hùng em ơi
 
Anh đứng ở Nha Trang
Trông sang Xóm Bóng
Ánh trăng lờ mờ, lượn sóng lăn tăn.
Gần nhau chưa kịp nói năng
Bây giờ sông cách, biển ngăn ngại ngùng?
Biển sâu con cá vẫy vùng
Sông sâu không dễ mượn dòng đưa thư.


Bờ biển thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa
 Bờ biển Nha Trang
Rồi anh đề nghị với tôi:
 
Anh đứng Nha Trang
Trông sang xóm Bóng
Lên thăm Tháp Bà
Về viếng Sinh Trung
Non xanh nước biết chập chùng
Biết bao liệt nữ anh hùng, em ơi
Em hãy nhận lời
Cùng anh kết ngãi
Đầu ghềnh cuối bãi
Ta hãy nương nhau
Biển Cù nước mãi còn sâu
Công linh chẳng trước thì sau cũng thành
 
Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá
Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm
Đôi ta như quế với trầm
Trời xui gặp gỡ sắt cầm trăm năm
 
Rồi anh thề nguyền:
 
Anh nguyền cùng em:
Bao giờ Hòn Chữ bể tư
Biển Nha Trang cạn nước
Anh mới từ duyên em
 
Đứng ở Hòn Chồng trông sang Hòn Yến,
Lên Tháp Bà, về viếng Sinh Trung
Giang sơn cẩm tú chập chùng,
Đôi ta gắn bó thủy chung một lòng.
 
Tôi thuộc loại không dễ dàng tin người, nhất là người ở những tỉnh xa xôi.  Thấy tôi do dự, anh cho tôi biết là trai gái quê anh một dạ chung tình, không lang chạ:
 
Con ngựa tía ăn quanh đèo Cả
Bóng trăng rằm sắp ngã về đông
Chẳng thà giục mã về không
Chớ không cướp vợ tranh chồng người ta
 
Nước nào trong bằng nước Sông Hinh
Đố ai ăn ở chung tình bằng em
(Sông Hinh ở Đại Lãnh)
 
Đó là lý do nhiều trai xứ khác thường đến Nha Trang cưới vợ:
 
Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường Lèo cưới vợ Nha Trang
 
Tuy nhiên, tôi vốn sống nơi đất ruộng phì nhiêu, vườn cây nặng trĩu trái ngon thơm ngọt, cá tôm béo ngậy đầy sông rạch ruộng đồng. Mặc dầu biết quê anh đẹp thật, nhưng tôi vẫn e ngại cuộc sống khó khăn của Miền Trung nơi mang danh “đất cày lên sỏi đá”. Biết ý, anh bèn thuyết phục tôi về đời sống phong phú của quê mình, với bao nhiêu món ăn đặc sản:
 
Tiếng đồn Bình Định tốt nhà,
Phú Yên tốt lúa, Khánh Hoà tốt trâu
 
Chợ Nha Trang trăm vật trăm ngon
Em vừa cái miệng kẻo chồng con em nghèo
 
Yến sào Hòn Nội
Vịt lộn Ninh Hòa
Tôm hùm Ðình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều
 
Đi đâu cũng nhớ Khánh Hòa
Nhớ biển Nha Trang gió mát
Nhớ Ninh Hòa nhiều nem
 
Thơm Vạn Giã ngọt đà quá ngọt,
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Hởi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình.
Quản bao lên thác xuống ghềnh,
Mía ngon, thơm ngọt đượm tình quê hương
.
 
Mía Phú Ân trồng đám
Bát ngát như rừng…
Chợ chiều buôn gánh bán bưng,
Rủi có sâu vài đốt, khuyên anh đừng vội chê.
Trăm năm giữ vẹn lời thề
Mưa đông vẫn ngọt, nắng hè càng thanh.
 
Ngó lên Đất Đỏ nhiều bắp, nhiều khoai
Ngó xuống Đồng Dài nhiều mía, nhiều tranh.
Ngó vô Đồng Cọ nhiều lúa bạch canh, áo già.
Mỹ Phong, Mỹ Thuận, Mỹ Hòa,
Phú Điền, Phú Cốc thiệt là nhiều cau.
 
Rồi anh mô tả Khánh Hòa Nha Trang, ngoài trầm hương, yến sào, với bao đặc sản, mà còn là xứ của Mai Vàng rất nên thơ. Cứ vào dịp Tết, mai vàng nở rộ trên khắp núi đồi thơ mộng:
 
Đầm Xương Huân én tía
Rừng Phước Hải mai vàng
Lở duyên thiếp phải xa chàng
Xuân về có nhớ Nha Trang thời về.
 
Bước chân lên Đèo Cả
Thấy mả ông Cao Biền
Có đôi chim hạc đang chuyền nhành mai
 
Em đi chợ Tết Nha Trang
Nhớ mua một nhánh mai vàng cho anh
 
Nhưng tôi vẫn ngại ngùng, vì quê anh ở tận Miền Trung xa lắc xa lơ, làm sao tôi có thể bỏ cha mẹ để lấy anh, khi tương lai còn mờ mịt:
 
Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc?
Dốc nào ngược bằng dốc Nha Trang ?
Mỗi tiếng em than, hai hàng lụy nhỏ
Còn chút mẹ già, biết bỏ cho ai ?
Mẹ già, còn có em trai,
Phận em là gái, nay mai phải theo chồng.
 
Rồi anh hứa hẹn sẽ xây một ngôi nhà đẹp, một lẫm lúa lớn cho cuộc sống lứa đôi:
 
Anh về mua gỗ Hà Ra
Cất nhà lẫm thượng tháng ba em về.
 
và tỉ tê tâm sự:
 
Đèo nào cao bằng đèo Cây Cốc?
Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
Anh thương em thương hủy thương hoài
Dẫu mà có ghẻ, có chốc có sài anh vẫn còn thương
 
Vì vậy, cuối cùng tôi đồng ý gá nghĩa cùng anh. Sau lễ cưới, anh đưa tôi về Nha Trang ra mắt họ hàng bên chồng và đồng thời hưởng tuần trăng mật.
 
Đúng vậy, Nha trang đẹp và thơ mộng lắm. Từ bải biển, tôi thả hồn ngắm nhìn biển cả bao la xanh ngát, với đàn chim yến lơ lửng trên trời, và những đảo xanh chập chùng trên sóng nước:
 
Bãi biển Nha Trang mịn màng trắng trẻo
Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh
Đêm đêm thơ thẩn một mình
Đố sao cho khỏi vướng tình nước mây
 
Yến đâu văng vẳng trên cao
Lửa chài soi bóng Cù Lao trước thuyền
 
Vì là lần đầu tiên xa nhà, xa cha mẹ, nhìn thấy cảnh biển rộng bao la, tôi chạnh lòng nhớ đến cha mẹ già ở tận miệt Hậu Giang:
 
Buồn trông mặt bể Nha Trang
Thương cha nhớ mẹ lệ tràn thấm bâu
 
Để an ủi tôi, anh đưa tôi đến Chụt, tuy là một làng nhỏ sống bằng nghề đánh cá nhưng khá thị tứ, bán buôn nhộn nhịp, và Cầu Đá để xem hàng trăm giống cá biển Đông trong Viện Hải Dương Học:
Nha Trang đến Chụt không xa
Kẻ vô mua nệm, người ra bán buồm
 
Muốn xem cá lạ Biển Đông
Xuống tòa Hải Học trong vùng Trường Tây
 
Rồi anh đưa tôi lên thăm Thành Diên Khánh. Anh kể cho tôi nghe lai lịch của dòng họ anh, kể từ thời cụ tổ đến đây làm quan dưới thời Gia Long, cách đây 200 năm, rồi cụ tổ định cư luôn ở đây khi về già, và vì vậy giòng họ anh được thành hình ở vùng này từ thời đó. Thành ngày xưa là tỉnh lỵ, dầu bây giờ chỉ là quận lỵ, nhưng buôn bán vẫn rất sầm uất.
 
Cầu Thành ghe gốm lên rồi
Sao chưa đi chợ còn ngồi chi đây.
 
Bên kia sông Cầu Thành là Phú Lộc, Đại Điền với núi Hòn Ngang hùng vĩ, là vùng trù phú với nhiều gái đẹp đa tình:
 
Ai về Phú Lộc gửi lời
Thư nầy một bức nhắn người tri âm
Mối tơ chín khúc ruột tằm
Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
Vì tình ai lẽ làm lơ
Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
 
Đất Hòn Ngang chưa mưa đã rã
Gái Hòn Ngang chưa gả đã theo
Thò tay ngắt ngọn dưa leo
Để anh lo cưới đừng theo họ cười
 
Đi ngược dòng sông tới gần nguồn là vùng Phú Cốc:
 
Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc?
Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
Đèo cao, dốc ngược đường dài
Anh còn qua được huống chi vài lạch sông
 
Phú Cốc là vùng đất tiếp giáp vơi các ngọn núi cao thuộc rặng Trường Sơn, như Hòn Dữ, Hòn Bà:
 
Từ khi giặc nổi can qua
Xa em Hòn Dữ Hòn Bà cũng xa

Tại Thành, anh kể cho tôi nghe về lịch sử của Thành Diên Khánh, những cuộc chiến tranh tàn khốc giữa chúa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn, về cuộc kháng chiến chống Pháp của 3 vị anh hùng:
 
Ba ông là bậc anh hiền,
Gọi "Khánh Hòa Tam kiệt"
Người người đều biết,
Đều thương, đều tiếc
Chưa thỏa nguyền núi sông
Tấm thân xem nhẹ như lông hồng
Hỏi anh còn nhớ
"Quảng Phước tam hùng là ai"?
 
Tiếng đồn anh hay chữ
Lại đây em hỏi thử
Đôi câu lịch sử Khánh Hòa :
Từ ngày Tây cướp nước ta,
Những ông nào dựng cờ khởi nghĩa
Anh hãy nói ra cho em tường.

- Nghe lời em hỏi mà thương,
Thương người nghĩa liệt tơ vương vấn lòng.
Vì thù non sông,
Họ thề không đội trời chung với giặc ác
Từ Nam chí Bắc,
Thiếu chi gan sắt đá đồng.
Ở Khánh Hòa thì có ba ông :
Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị,
Ông Trịnh Phong trấn nơi Biển Cù
Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu,
Ba ông một dạ, nghìn thu danh truyền.
 
Từ Thành, rẻ theo quốc lộ số 1 chúng tôi đến Suối Dầu, viếng đồn điền cao su và mộ Yersin. Tại đây, anh kể cho tôi biết về nhà bác học Yersin tại Khánh Hòa, rồi anh chỉ ngọn núi Hòn Bà, phong cảnh Suối Tiên cách đó mươi cây số. Sau đó chúng tôi đến Vịnh Cam Ranh nổi tiếng thế giới:
 
Cam Ranh cửa ấy lênh lang
Thủy Ba canh trót đi đường năm canh
 
Ai câu xuống Lố ông già
Ngâm thơ Mũi Điện, ngắm hoa Ao Hồ
 (Lố, Mũi Điện, Ao Hồ là 3 địa danh của Cam Lâm)
 
Sau khi trở lại Nha Trang ngơi nghĩ vài ngày, anh đưa tôi thăm viếng vùng phía bắc Nha Trang. Theo quốc lộ 1, đi về hướng bắc, khi qua Cầu Hà-Ra trên Sông Cái, anh giải thích cho tôi biết là trước đây hơn 300 năm, Khánh Hòa là tỉnh Kauthara của nước Chiêm Thành, nên ngày nay còn nhiều địa danh mang tiếng Chăm nhưng người Việt phát âm tương tự, như “Nha Trang” từ “Ya-Tră”, “Hà-Ra” từ “H’ra”, “Cam Ranh” từ “Kamran”, “Chụt” từ “Chutt”, v.v. của người Chăm.
 
Dòng Sông Cái thật phẳng lặng và êm đềm. Nhìn về hướng tây là những vườn dừa tươi đẹp. Sông Cái phát nguồn từ núi Hòn Dữ thuộc Trường Sơn, với nhiều thác ghềnh nguy hiểm, như Thác Ngựa (hay Ngựa Lồng), Trâu đụng, Giằng xay:
 
Anh muốn tìm nguồn nước trong
Nên đi ngược giòng Sông Cái
Hay vì bị bùa ngải
Nên anh bỏ bãi lên nguồn
Thuyền anh dù thuận gió đi luôn
Đến đầu Thác Ngựa cũng phải cuốn buồm trở lui
Thề xưa lời đã nặng lời
Anh cố xa em đi nữa
Nếu chẳng phải ý trời thời cũng khó xa
 
Ngựa Lồng, Trâu Đụng, Giằng Xay
Khỏi ba thác ấy khoanh tay mà ngồi

Nước sông Cái trong xanh im lìm chảy, nhưng khi đến gần Cầu Xóm Bóng thì chia làm đôi giòng, bên trong bên đục:
 
Sông Nha Trang cát vàng nước lục
Thảnh thơi con cá đục lội dọc, lội ngang
 
Cùng chung có một giòng sông
Mà sao bến đục bến trong hỡi người
 
Sau đó, chúng tôi đến Xóm Bóng, viếng Tháp Bà:
 
Ai về Xóm Bóng, Hà Ra
Đi ngang Hòn Chữ mà xem Tháp Chàm
 
Ngó ra Hòn Chữ thêm phiền
Uổng ơi là uổng lời nguyền năm xưa
(Hòn Chữ ở ngoài biển, ngay cửa Sông Cái)
 
Rồi anh kể cho tôi biết sự tích Bà Thiên Y Thánh Mẩu, lịch sử xây dựng Tháp Bà và sự liên hệ với Hòn Bà. Anh cũng cho biết là ở Khánh Hòa có 2 ngọn núi Hòn Bà, một ở Diên Khánh mà chúng tôi vừa đi ngang mấy ngày trước, và một ở Ninh Hòa mà chúng tôi sắp đến. Từ đỉnh cao trên ngọn đồi Tháp Bà, anh chỉ cho tôi thấy vết tích của chiếc bánh lái thuyển đã hóa đá ở dưới chân cầu Xóm Bóng. Đây là dấu vết còn lại của hạm đội quân Tàu xâm lược mà chính Bà phải đau lòng tiêu diệt, bởi vì chồng Bà là kẻ xâm lăng đem quân Tàu đổ bộ vào Nha Trang cướp phá. Vì vậy, dân Khánh Hòa thờ phụng Bà, hàng năm đều làm lễ Vía:

Ai về Xóm Bóng quê nhà
Hỏi thăm điệu múa dâng Bà còn không?
 
Tiếng đồn mười tám tháng ba
Có Bà Hậu Thổ chói lòa hào quang
Tháng ba chiêng trống ầm vang
Có Bà Chúa Ngọc bay ngang Hòn Bà
Hào quang trên núi sáng lòa
Cứu dân độ thế nhà nhà yên vui
 
  
Tháp Bà và Hòn Chồng
 
Bà rất linh thiêng, mỗi khi ghe tàu gặp khó khăn di chuyển đều khấn vái Bà:
 
Lạy Bà cho nổi gió đông
Cho thuyền tôi chạy cho chồng Bà lên

Lạy Bà cho thổi gió nồm
Chồng Bà ở Quảng giong buồm theo vô
 
Sau đó, chúng tôi đến Hòn Chồng:
Cát lăn còn cuốn gió đông
Anh đi Hòn Chồng sao chẳng rủ em
 
Khi lên Đèo Rù Rì, vì đây là lần đầu tiên qua đèo, nhìn xuống vực sâu thăm thẳm, tôi hoảng sợ, nhắc khéo anh phải cẩn thận tay lái:
 
Rù Rỳ đèo uốn chữ chi
Anh lên đèo cho khéo
Kẻo nữa có đi mà không về
 
Chẳng bao lâu, chúng tôi đến Ninh Hòa.
 
Ninh hòa có núi, có non
Có sông, có biển, có Hòn Vọng Phu
Có Hòn Khói, có Hòn Dù
Có Lăng Bà Vú, có Tiên Du, Hòn Hèo
Chùa Kỳ vắng vẻ trăng treo
Kỳ Lân dạo xóm bắt heo chộ gà
 
Ninh Hòa là một thung lũng bao vây bởi núi cao, trong số đó có Hòn Vọng Phu cao vút ẩn hiện trong mây trắng chập chùng, với hình tượng mẹ bồng con u buồn nhìn ra biển cả:
 
Vọng Phu thuộc dãy núi Bà
Phước Sơn chất ngất gọi là núi Ông
Phải chi đây đó vợ chồng
Gánh tương tư khỏi nặng lòng nước non
(Núi Ông hay núi Đại Lảnh, trên có Thạch Bia của vua Lê Thánh Tông)
 
Bao năm đâu quản nắng mưa
Bồng con đứng đợi vẫn chưa thấy về
Thời gian bôi xóa lời thề
Mẹ con hóa đá bên lề tháng năm
.
 
Bồng con ngồi tựa trên non
Trăng thu vằng vặc, dạ còn nhớ trông
 
Nhìn về núi Vọng Phu xa
Sáng ngời một dãi lụa là đẹp tươi
Thác bay uốn lượn giữa trời
Nghìn năm còn hát những lời yêu thương
 
Vọng Phu là đầu nguồn của nhiều sông lớn ở đây, trong số đó có Sông Dinh lớn nhất chảy qua Ninh Hòa:
 
Chảy từ núi Vọng Phu xa
Sông Dinh sông Cái chỉ là một thôi
Sông Dinh thẳng một dòng trôi
Sông Cái nước đỏ giữ lời sắt son
Đêm Thu núi Vọng Phu buồn
Gởi về sông cũ nửa vầng trăng xưa
 
Núi cao tứ phía, biết trồng mía ngang đâu
Sông sâu cát lấp, biết trồng dâu ngã nào
Sông Dinh ai bới ai đào
Để cho con nước chảy vào vòng cung
 
Sông Dinh có ba ngọn nguồn
Anh nhớ em băng đèo vượt suối
Nhưng chưa biết đường tìm tới thăm em
Ghé vô chợ Ninh Hoà mua một xâu Nem
Một chai rượu bọt
Để quên nỗi nhớ thương
 
Ninh Hòa có Chợ Dinh bên bờ Sông Dinh:
 
Bẻ bông đem bán Chợ Dinh
Phải giá em bán, phải tình thì mua
Bạn không tu sao ghé vào chùa
Bạn không mê đạo tổ sao qua bùa tứ giăng
Rượu không say sao ve chén ngã lăn
Bạn không thương người đó sao năng tới hoài
Anh không nhớ khi Lưu Bị có tài
Đến khi trống giục ngồi ngoài ngó vô
Em là người mắc nạn đơn cô
Anh đây có nước cam lồ cứu cho
 
Ninh Hòa cũng có Hòn Bà, về phía Tây Nam cách Ninh Hòa độ 10 km. Trên núi có nhiều cây Dó cho trầm hương, người địa phương cho rằng trầm hương trên núi này là của Bà Thiên Y Thánh Mẫu nên cũng gọi núi này là Hòn Bà.
 
Miễu Bà ở cạnh Ao Bà
Cùng nằm trên núi Hòn Bà linh thiêng
Uy Bà cọp dữ hóa hiền
Ơn Bà rải khắp mọi miền nhân gian
 
Từ giả Ninh Hòa, chúng tôi viếng Hòn Khói, nới có ruộng muối bao la, có ngọn Hòn Hèo cao ngạo nghễ:
 
Ai về Hòn Khói quê tôi,
Non xanh nước biếc, muối ngời trắng trong.
 
Ninh Diêm muối mặn tình sâu
Người đi xin chớ để sầu cho ai
 
Đường Ninh Diêm cong cong, vẹo vẹo
Gái Ninh Diêm chưa ghẹo đã theo,
Thò tay ngắt ngọn dưa leo,
Để anh lo lễ cưới, đừng theo họ cười
.
 
Cửa Đò Hòn Khói xa xăm
Kinh ngoài Hòn Đỏ, kinh trong Bãi Trầy
 
Ngày xưa, tại Dốc Mỏ trên quan lộ (nay là quốc lộ 1) là vùng đèo heo gió hút, có lắm truông, những tay giang hồ thường tụ tập ở đây để làm cướp lớn:
 
Muốn "ăn to" thì lên Dốc Mõ
Muốn "ăn nhỏ" thì xuống Hòn Hèo
.
 
Mũi Hòn Thị là cùng điểm của dãy Hòn Hèo, ăn sâu ra khơi, là điểm cực đông của Việt Nam . Ngoài biển có các đảo: hòn Chà Là, hòn Hổ, hòn Rồng, hòn Đụng Chóp Vung, hòn Bạc, v.v.
 
Không ghé thì lại chạy ngay
Đi hết nửa ngày mũi Cỏ, Cây Sung
Chà Là, Hổ, Đụng Chóp Vung
Kinh ngoài Hòn Bạc kinh trong Ninh Hòa
 
Rồi anh đưa tôi đến vùng Xuân Tự, Tư Bông, Vạn Giã, đến Đèo Cả. Phong cảnh vùng này đẹp tuyệt vời, bên núi cao, bên biển rộng bao la xanh ngát:
 
Ðường vô xứ Vạn xứ Ninh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
 
Xe qua Đèo Cả sóng vang
Qua suối Đại Lãnh gió càng lạnh hơn
Từ khi nước biết tuổi non
Trăng thu vằng vặc dạ còn nhớ mong
Mai về hỏi núi hỏi sông
Vì đâu Vạn Giã, Tu Bông lỡ làng?
Mai về hỏi phượng hỏi hoàng
 Vì đâu Hội Khánh, Phú Cang chia lìa?
 
Bước lên Ðèo Cả
Trông vào Vạn Giã, Tu Bông
Biết rằng cha mẹ đành không?
Anh chờ em đợi uổng công hai đàng
 
Ngó lên đỉnh núi Ba Non
Công cha nghĩa mẹ làm con phải đền
(Núi Ba Non tức núi Tam Phong, phần nối dài của Vọng Phu tới Đèo Cả).
 
Cũng ở dãy núi này có vùng gọi là Đá Bàn, Đá Dựng là nơi chướng khí, sau biến cố 1975 bao nhiêu người thuộc phe thua cuộc bị đầy ải đến đây để “cải tạo” dài hạn:
 
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Lòng ta thương bạn quá chừng bạn ơi
Thà rằng không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành
 
Biết bao bà vợ bà mẹ băng rừng lội suối để đến đây thăm chồng, thăm con:
 
Em về Cồn Cạn ta nhớ bạn quá chừng,
Trèo truông quên mệt, giậm rừng quên gai.
(Cồn Cạn  ở vùng Tu Bông).
 
Cuộc gặp gở thật ngắn ngủi, cuối cùng cũng phải ngậm ngùi từ biệt với lời dặn dò vợ hiền:
 
Anh đi em ở lại nhà
Biển sâu em lặn lội nuôi mẹ già đợi anh
 
Người vợ, mẹ già bùi ngùi nhìn lại, tự nhũ không biết bao giờ mới đoàn tụ gia đình:
 
Ngó lên Đất Đỏ cỏ dày
Nghĩa nhơn thăm thẳm mỗi ngày một xa
 
Và biết bao gia đình ly tán, cha mẹ anh em nay mỗi người mỗi ngã:
 
Ai về Bình Định thăm cha
Phú yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em
 
Tại Vạn Giã có sông Bình Trung, có chợ Vạn Giã nổi tiếng về thơm:
 
Ai về Vạn Giã, nhắn với ả bán thơm
Thế gian lắm miệng lắm mồm
Nói Nam thì ngot, nói Nồm thì chua
Thôi đừng uổng tiếng ăn thua
Gắng sao bán được đầu mùa là hay
 
Bình Trung dòng nước xanh trong
Chảy về Trung Dõng, Vân Phong, Thái Bình
Anh với em đẹp mối duyên tình
Đợi mùa cau chín sẽ trình mẹ cha
 
Dòng sông Vạn Giã mơ màng
Chảy về đồng lúa Phú Cang trẻ màu
Duyên ta chẳng biết về đâu?
Vì nghèo têm phải lá trầu, trầu không
 
Tuy nhiên, Tu Bông có khí hậu rất oi bức, với Gió Lào nóng hừng hực trong mùa hè, nhưng mưa dầm suốt mấy tháng trong mùa đông, nơi có nhiều lũ lụt và giông bão:
 
Gió đâu bằng gió Tu Bông
Thương ai bằng
Thương cha, thương mẹ, thương chồng thương con
 
Mưa nào bằng mưa Đồng Cọ
Gió nào bằng gió Tu Bông
Vịnh nào bằng vịnh Vân Phong
Nghĩa nào bằng nghĩa vợ chồng thương nhau
 
Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi
Hòn Hèo đội mũ thì trời sắp mưa
 
Lập lòe trời chớp Vũng Rô
Mây che Hòn Yến gió vô Chóp Chài

Mây Hòn Hèo
Heo Đất Đỏ
Mưa Đồng Cọ
Gió Tu Hoa
Cọp Ổ Gà
Ma Đồng Lớn
(Tu Hoa hay Tu Bông, vì cử tên dâu của vua Gia Long là Nguyễn Thị Hoa).
 
Vì địa thế đặc biệt của dảy Vọng Phu, Tam Phong, nên đây là vùng mưa và bảo nhiều nhất của Khánh Hòa:
 
Ông tha mà bà khổng tha
Trời cho cây lụt hăm ba tháng mười
 
Vì bảo tố hay thường xuyên có gió chướng, ghe thuyền gặp nhiều khó khăn di chuyển, bình thường chỉ 3 ngày, khi có gió chướng phải mất tới 7 ngày để chạy thuyền từ Hòn Gầm gần đèo Cổ Mả đến Bà Gia (Vạn Ninh) cách nhau chỉ 20 km:
 
Hòn Gầm nghe sóng bổ vang
Đi bảy ngày đàng mới đến Bà Gia
 
Khánh Hòa nổi tiếngvề Cọp, nhất là ở các truông ở vùng này, là nổi hải hùng của người dân:
 
Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận
 
Cọp núi Lá, cá Sông Hinh
Cọp Ổ Gà, ma Đồng Cháy
 
Đồng Cháy nằm dưới chân Đèo Cả, là nơi tranh hùng giữa 2 quân đội Việt và Chiêm Thành trong một trận quyết tử năm 1652, khi tướng Hùng Lộc được lệnh chúa Nguyễn Phúc Tân vượt biên giới Đèo Cả tấn công và chiếm giữ Khánh Hòa, cả hàng vạn quân lính hai bên chết tại chân đèo. Oan hồn vất vưởng hàng mấy trăm năm. Và biết bao nhiêu góa phụ mất chồng tại nơi này:
 
Chiều chiều mây phủ Ðá Bia
Ðá Bia mây phủ cô kia mất chồng
 
Chúng tôi leo lên đỉnh Đèo Đại Lảnh, nơi có Thạch Bia (hay Đá bia) do vua Lê Thánh Tông dựng lên năm 1472 làm ranh giới Việt Chiêm. Nhìn ra đại dương, hay nhìn về vùng Vân Phong, Đại Lãnh phong cảnh đẹp tuyệt vời:
 
Đầu ghềnh mũi Nạy gie ra
Qua hai mũi ấy đó là Ô Rô
Vũng Ô Rô bốn mùa che khuất
Dựa mặt Nồm mặt Bắc cũng hay
Sơn xuyên phong cảnh là đây
Non cao bia tạc đá xây ngàn trùng
(Vũng Ô Rô hay Vũng Rô)
 
Lòng tôi tràn trề hạnh phúc đứng bên anh, nhìn phong cảnh bao la, hùng vĩ, tôi thật sự hảnh diện làm con dâu của vùng nổi tiếng xinh đẹp. Tuy vậy, nhìn lên vùng Đá Dựng, Đá Bàn lòng tôi không khỏi bùi ngùi cho số phận những lứa đôi không được may mắn như chúng tôi.
 

 
Bải biển Đại Lãnh
 
Anh bước chân lên Đèo Cả
Anh trông sang Vạn Giã,
Anh ngó lại Tu Bông,
Biết rằng cha mẹ đành không,
Anh chờ em đợi, uổng công hai đàng...
 
Đứng trên đèo Cổ Mã,
Ngó xuống Vạn Giã, Tu Bông,
Biết là phụ mẫu đành không,
Chàng chờ thiếp đợi, uổng công hai đàng.
 
Cảm tạ. Tôi chân thành cám ơn chồng tôi, TS Trần Đăng Hồng đã giúp tôi hoàn chỉnh bài này.
 
Anh Quốc, tháng 2/2010
Nguyễn Thị Kim Thu

Mời thưởng thức YouTube nhạc cảnh: Nha Trang - Nhạc:
 Minh Kỳ - Ca sĩ: Hà Thanh.

https://www.youtube.com/embed/oW85iAk0Zbk

và "Nha Trang Ngày Về" qua tiếng hát của ca sĩ Ngọc Lan

https://www.youtube.com/embed/BFD9D1tNWVA



Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860602 visitors (2231265 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free