Lên mạng ngày 3/9/2010
HƯƠNG BẾP
Một buổi tối, trên đường nhỏ đi bộ về nhà, chợt thoáng mùi hương khói củi bếp, tôi hít một hơi dài, lâu lắm rồi mới sực ngửi được mùi vị quê xa. Hương bếp từ những thanh củi, hay cành nhánh cây xanh ( sao đen, trâm, lim, phượng ..), chứ không phải loại tận dụng từ ván gổ xây dựng
Thành thị bây giờ đâu còn mấy nhà dùng củi, tất cả là bếp gas, bếp dầu, than đá, than củi…thỉnh thoảng một vài hộ có sân hậu, tranh thủ nhặt nhạnh ván, gổ cốp pha đem về đun nước, nấu ăn ( dĩ nhiên là để ngoài sân mà nấu )
Quê tôi gần rừng ngập mặn, thập niên 60-70, đun nấu toàn bằng củi, nhà nào sang thì có bếp dầu ( lúc ấy gọi là “lò sô”). Ghe củi vài tuần ghé lại, chủ yếu là củi đước, mắm…Củi được bán tính theo thước, người ta cắm 2 cọc rộng 1 mét, chất củi lên cao 1 mét, xong ôm về. Củi đước đắt nhất vì lửa đượm, ít khói , dễ chẻ. Phần lớn củi cở bắp chuối, bắp đùi. Tôi cũng phụ ba tôi chẻ củi mổi khi về nhà cuối tuần. Củi đước chẻ xong đẹp đều tăm tắp, củi mắm khó chẻ dù rằng xốp hơn, do mạch gổ và libe ốp xoắn vòng không đồng tâm, bất định. Chẻ trầy trật ra những mảnh gổ chán ngắt, vát mỏng vát dầy. Củi mắm ít lửa, khói mù mịt cay sè. Thỉnh thoảng cũng có củi cóc, thân cóc sần sùi nhiều mắc, rất cứng, thường dùng làm cọc kè, hay làm hà lản ( sàn nước ).
Chạng vạng, muổi nhiều, chúng tôi hay nhóm bếp un di động làm bằng lon sửa bò, mổi đứa một cái, thi nhau quay vòng xem lon của đứa nào khói nhiều, vỏ mắm luôn cho nhiều khói nhất ( lon sửa bò đục lổ đáy và thân cho thông gió, xỏ quai bằng dây kẻm ), thỉnh thoảng 2 lon chạm nhau, lửa văng tung toé. Nhà nào cũng có bếp un, xóm làng mờ mờ khói và mù sương cuối năm…
Miền tây có than đước, miền đông có than cầy, là loại cây rất cứng, sớ thô, gốc thường bộng, còn gọi là cây kơnia, than cầy cũng đượm như than đước. Nhóm bếp than không gì tuyệt bằng “ngo thông” ( lỏi thông chứa nhiều dầu ), ở SG ngo thông được chẻ ra và bán thành từng bó nhỏ xíu. Năm 1984 khi theo GS Phùng Trung Ngân đưa GS Ramade ( một chuyên gia sinh thái nỗi tiếng của Pháp ) khảo sát Đà Lạt rồi qua đèo Ngoạn Mục về Phan Rang ( khảo sát diển thế sinh hệ thực vật theo cao độ và ẩm độ ). Trên đường ra Suối vàng, Cổng trời, gặp những người Thượng gùi ngo thông ra chợ, quà quí đối với thầy trò chúng tôi lúc ấy là khúc ngo thông, xài dần cả năm mới hết ( khách Tây nhìn chúng tôi tâng tiu khúc củi mọng dầu, lắc đầu không hiểu nổi …) Thời ấy xăng dầu rất khan hiếm, xe gắn máy phải trộn thêm dầu gasol vào xăng, chạy khói mù mịt, bugi chết liên tục . Bài hát Bóng cây kơnia theo âm điệu dân tộc Hrê mô tả hình ảnh bóng cây cầy trơ trọi trên ruộng, rẩy ( người dân tộc đốt rừng làm rẩy, thường chừa lại cây cầy do do gổ cầy rất cứng, mạch xoắn rất khó cưa xẻ, bóng của nó sau đó trở thành nơi trú nắng lý tưởng, nếu trú mưa sẽ dễ bị sét đánh nên có lẻ yếu tố tâm linh được người dân tộc tin tưởng thêm vào …). Những cây cầy ở miền đông nam bộ hiện nay đều bị các lò than tận diệt, chỉ còn những cây lớn ở Tây nguyên, những nơi hiểm trở khó vận chuyển
“Kơ nia là loài thực vật thân gỗ lớn, cao 15-30 m, đường kính 40-60 cm
Gỗ Kơ nia có màu vàng nhạt, giác lõi khó phân biệt. Do có sớ gỗ dạng xoắn rất cứng nên khó cưa xẻ khi đã khô, muốn sử dụng phải chế biến khi còn tươi. Tuy nhiên, khi gỗ khô lại dễ bị mối mọt.”
Quê nội tôi miền sông nước An Giang, nơi nỗi tiếng nghề nhuộm “lảnh mỷ a” và nghề mộc, (những cây “mạc nưa” nhà nào cũng có thời ấy, bây giờ đã gần tuyệt tích) . Có lẻ do ít củi lại nhiều dăm bào, trấu, nên có mẩu lò đun rất độc đáo, họng lò rộng lót vỉ bằng nhíp xe, người ta có thể tọng đủ thứ vào và lò vẫn cháy phầm phập. Khi Má tôi nhờ Cô tôi chở 1 lò mẩu về thì rất nhiều người tới xem, xứ bạt ngàn củi đước, mắm làm gì cần kiểu lò này…Vậy mà chẳng bao lâu sao rất nhiều nhà có ống khói vươn lên khỏi mái, vì trấu là nguyên liệu thì quê tôi có hằng hà, nhà nào cũng trữ 1 bồ. Riêng bếp lò nhà tôi lại có thể đun cả lá lợp nhà cũ, lá bàng sân đình …tôi không phải “nhặt lá bàng” nhưng vác “cần xé” ra sân đình quét gom lá bàng là chuyện thường tình. Lò có ống khói nên ít phải hít khói…tuy nhiên loại lò này chỉ dùng để nấu sơ chế lửa lớn, nhanh.... muốn tinh chế liu riu thì phải dùng bếp nhỏ. Những loại củi cho than đượm như đước là số một cho công đoạn này , trong khi ở thành thị thì người dùng than củi, than đá ( đó là các hộ dân trong hẻm, nhà có sân , trong khi các hộ nhà hộp chung cư thì chỉ xài gas hoặc dầu ).
Từ SG về, chỉ có một đoạn giữa Sóc Trăng-Bạc Liêu, trước đây đồng ruộng còn trống mênh mông sát quốc lộ, chiều tắt nắng, khói đốt đồng lan toả trong không gian thật là man mác, nó luôn gợi một tâm tình hoài cảm khó tả…
Khói của hương vẫn luôn xót xa cay mắt. Hương của khói vẫn luôn nhiều vẻ mơ hồ dìu dịu… !!!