Lên mạng ngày 25/8/2010
RỪNG U MINH
Kinh phòng hộ Ong mật Rùa U Minh Bông tràm
Năm 1980…Chuyến tàu đò chợ đúng cử rời bến chợ Cà Mau, giửa khoang hàng hoá chất đầy. Tôi và anh bạn quẳng ba lô leo lên nóc ghe ngồi.
Qua ngả ba Tắc Thủ, Cái Tàu chúng tôi hướng về U Minh trên dòng sông Biện Nhị (Ngả ba Tắc Thủ với nhánh sông Đốc chạy về phía đông ra mủi Cà mau, ngả ba Cái Tàu với 1 nhánh sông Trẹm về Thới Bình ) - Đã 2 hè qua, năm nào chúng tôi cũng phải đi thực địa cho đề tài cấp nhà nước về Tứ giác Long xuyên, Đồng Tháp Mười, Rừng Tràm U Minh…những địa danh liên quan tới phèn và phèn- mặn .
Việc đầu tiên là chúng tôi tới nhà N, một thợ rừng quen cũ. Anh ta sẽ là người đồng hành trợ giúp trong các ngày lưu lại đất U minh này. N. trông già trước tuổi, có lẻ do nắng gió phèn mặn . Sau vài câu xả giao thăm hỏi, chúng tôi đặt kế hoạch cho tuần công tác đầu tiên. Nghe lộp cộp phía sau bếp, chốc sau vợ N lệ mệ bưng ra cái nồi đất nghi ngút khói, hoá ra “ rùa rang muối “( khi muối hột thôi nổ trong nồi có nghĩa là món ăn đã xong ). Món nhậu xé phay đơn giản mà nhanh chóng được bày ra. Cả ba chúng tôi ngồi bệt dưới sàn nhà lót bằng thân tràm, N xách ra 1 chai rượu đế pha mật ong còn lẩn sáp.
Bốn người chúng tôi chuyền nhau chén rượu, chị Tám ở Thới Bình qua chơi thấy vui, chỉ cần một tiếng mời là xáp xuống, chị vui vẻ tự nhiên, uống rượu như đàn ông, uống xong phải nhổ nước bọt ( may mà ngồi ở nhà sàn …) ( Phần lớn dân miền Tây uống rượu phải “nhả hơi” bằng cách như vậy, nếu bắt họ không được nhổ, có nghĩa là họ sẽ “rớt đài” rất sớm )
Dũng, bạn tôi, tửu lượng rất cứng cựa vậy mà hôm ấy về tới giường là ngả lăn quay không còn biết trời đất. Đúng là rượu đế pha mật ong làm người ta vào cơn say lúc nào không hay..
Rừng U Minh năm nào cũng cháy, không nhiều thì ít, phần lớn do con người. Do tầng lâm hạ là lớp “bổi” rất dày bởi rán, tranh, dớn, choại. Bên dưới có nơi lại có than bùn, nên có khi chỉ cần một tàn thuốc lá đã đủ để gây nên thảm hoạ.
Ngày đầu chúng tôi chỉ khảo sát sinh khối khu vực nguyên sinh, nơi còn những thân tràm lớn . Đường rất khó đi, chúng tôi chia làm 2 nhóm, mổi nhóm 2 người, vừa đi vừa phát quang dọn đường . Tôi và Dũng đi chung, thấy một thân tràm lớn đường kính gốc cở 35-40cm nằm rạp, chắc do kẻ trộm đốn hạ chưa mang đi kịp, chúng tôi hăng hái bước lên thân cây đi cho khoẻ, đở một đoạn vừa đi vừa phát, gần tới ngọn cây, chợt thấy một con ong bay vụt lên. Tôi la “ Dũng, coi chừng “. Lập tức hai đứa dừng lại, ngay sau đó một con nữa vụt lên . “ Ong lổ, lui lại “ tôi suỵt . Hai đứa thật nhẹ lùi lại, chiếc nón rơm rộng vành được kéo sụp xuống. Ngồi yên ở gốc tràm lớn và nín thở, vừa nhìn 2 con ong trinh sát quần lượn vừa tính đường thoát thân. Rán và dây dớn choại dày đặc như vầy đừng hòng tính chuyện chạy, đi còn khó khăn nói chi chạy . Sau cùng, thật nhẹ nhàng chúng tôi vạch bụi bước lui về hướng có tiếng nói của N, thợ rừng. N nói “ Mấy anh may đó, chứ nêu không dừng kịp thì tiêu tùng, một mủi chích của nó trâu rống chạy như điên “…
Hai ngày sau chúng tôi dành cho khu vực vừa cháy và khu vực tái sinh sau cháy. Băng qua thảm tro rừng sau cháy cũng có cái gian nan riêng, không khi thật khô hanh, đây đó vẫn còn vài chổ nghi ngút khói . N vừa dò đường vừa nói “ Nghe nói có người bị sụp chân vào hố cháy ngầm, hậu quả để lại nguyên cái đế giày “ . Có thể hơi cường điệu, nhưng trong tình huống ấy, bỏng là cầm chắc. Hai bi đông nước dự trữ đến trưa đã gần cạn, chúng tôi ai cũng như “lọ nồi” . Ra khỏi khu vực cháy, cả nhóm ngồi nghĩ. N. tranh thủ lùng sục, mươi phút sau, anh ta đã quay về với con rùa ngoe nguẩy trên tay ( các loài bò sát chạy lửa dạt ra các khu rừng xung quanh rất nhiều, nhất là các mương vũng nước ). “ Vậy là chiều nay lại rang muối rùa hay rùa rang muối “ Tôi đùa. “ Không , chiều nay tui đải hai ông món rùa hầm đậu đen “ N. cười toe trả lời…
Hai ngày chót, chúng tôi ngược hướng Đông Nam về khu vực Khánh Lâm, Khánh Hội. Đêm yên tĩnh vô cùng, chúng tôi đã thanh toán hết lương thực dự trữ, chờ xế chiều vỏ lải vào đón. Trời đã tối mịt, vẫn không nghe tiếng máy nổ, hai đứa đi ra đi vào. Dũng bưc bội nói “ Nhậu” . Đúng là giờ không biết làm gì chỉ còn mổi việc nhậu cho quên buồn và đi ngủ. Nhà trạm hoang sơ, chỉ có độc cái khạp da bò đựng muối hột. Rượu và mật ong tặng phẩm thì có sẳn trong ba lô, sau lưng nhà trạm là bờ kinh, chuối xiêm bạt ngàn. Tôi hạ một quày chuối xanh vừa căng da, bắt nồi luộc 1 nãi. Một tiệc nhớ đời với chuối xanh luộc nhai với muối hột nhậu với rượu đế mật ong . Chuối xanh luộc nhai giòn như khoai mì sượng ăn không biết ngán.
Giửa cái heo hút hoang vu, chỉ có tiếng gió và xào xạc bẹ lá sau hè, mổi đứa chúng tôi có một tâm sự riêng không ai nói ra …
Rừng cháy tàn tích dớn choại than bùn
Năm 1984…Chúng tôi quay lại U Minh lần này với nhiều thành phần ( địa chất, động vật, thực vật ) . Thầy Trần Kim Thạch và 3 công sự, anh Nguyễn Quốc Thắng và 5 công sự, tôi và Dũng thuộc nhóm của Thầy Phùng Trung Ngân kèm theo hai sinh viên đang làm luận văn tốt nghiệp.
Mùa khô 1984 với trận cháy rừng khốc liệt, các báo cáo nghe xót ruột, hàng trăm, hàng ngàn ha rừng bị thiêu rụi. Đoàn chúng tôi vào miệt Khánh Bình, buổi tối hạ trại ở khoảng trống ngả ba chợ như đoàn hát bội. Mùng cá nhân xếp hàng dảy, tôi nằm cạnh anh Lợi, hai anh em thò đầu ra ngoài hút thuốc rù rì nói chuyện, anh vén hẳn một góc mùng, thỉnh thoảng lia đèn pin . “Anh làm gì mà soi đèn hoài vậy “ Tôi hỏi, Anh cười hề hề “ Bắt muổi chứ làm gì, đi vội quá anh đâu có kịp ghé bộ môn lấy bẩy, bây giờ phải lấy thân làm mồi sống ” . Hoá ra anh đang canh bắt muổi làm tiêu bản giúp anh Hùng chuyên trách côn trùng, bị bệnh ở nhà không đi được, tôi và anh mổi người cầm ống nghiệm lớn canh úp muổi.. . Anh Thắng trưởng nhóm bên động vật, chuyên ngành bò sát, anh có thể bắt rắn bằng tay, con rắn lục xanh lè đảo qua đảo lại trên tay anh làm các chị bên địa chất rú lên la làng. Anh Tòng khảo sát về chim là sướng nhất, suốt ngày chỉ đi vòng vòng với cái ống nhòm đeo lủng lẳng trước ngực. Nhóm địa chất phải khoan thăm dò nên khá cực nhọc, rảnh tay thì chúng tôi hè nhau vô phụ khoan, lấy mẩu tiêu bản trắc diện.
.
Khi nghe dân đồn có đấu mảng xà rất lớn, chúng tôi đòi xem bằng được. Thực vậy, hiên trường còn dấu trên tro vết trườn đường kính rất lớn, khoảng 30-35cm ( cho là gió làm rộng thêm dấu vết thì đây chắc chắn là vệt trườn đi của trăn hoặc hổ mây rất lớn )* . Quanh đó cũng còn dấu chân của thú có vuốt và móng guốc, dĩ nhiên đó cũng chỉ là bằng chứng tham khảo, chúng tôi chỉ chụp hình ghi nhận. Có lẻ truyện của nhà văn Sơn Nam, truyền khẩu Bác Ba Phi cũng có một chút cơ cở sự thật cho chúng ta lọc và ghi nhận ở một mức độ nào đó
Thời ấy người ta đang hồ hởi với các kế hoạch xẻ kinh chửa cháy, xẻ kinh tiêu thoát, bỏ ngoài tai các phản biện khoa học.
Sự phá vở cân bằng sinh thái có bao giờ cho đáp án sớm chiều đối với những người thiển cận…có chăng rừng vẫn tiếp tục cháy, diện tích tiếp tục bị thu hep. Hầu hết rừng ngày nay là rừng tái sinh, rừng trồng mới . Chỉ còn vài ngàn ha kể cả U Minh thượng và hạ nhờ các qui hoạch bảo tồn ( có kinh phí quốc tế ) . Trong khi thế giới xót xa về tầng than bùn quí giá về mặt thổ nhưỡng, sinh thái thì người ta dửng dưng bàn đến việc khai thác làm chất đốt, hay thà cháy bớt để đở cháy rừng …!!!
* Chuyện kể :
- Cuối năm 2002, anh Chín Của đi thăm rừng (năm này rừng U Minh Hạ cháy dữ dội) cùng anh kiểm lâm viên Đỗ Thanh Hóa. Đến đoạn gần giữa ruột rừng đặc dụng Vồ Dơi, trong khi anh Hóa đang mãi mê nhìn khỉ đung đưa trên ngọn tràm hai bên đường thì tiếng Chín Của như quát vào tai: “Thằng nào chơi kỳ, kéo cây chắn giữa đường vậy ta?”.tuyến đường chính thường xuyên có kiểm lâm qua lại, tự nhiên có một cái cây to tướng chắn ngang thì rõ ràng có người muốn hại cán bộ kiểm lâm. Sau khi nhìn kỹ, anh Chín Của la lớn: “Rắn! Rắn, Hóa ơi”. Anh Chín Của rụng rời tay chân, còn anh Hóa run lên bần bật, đạp thắng suýt té. Cái đường đất rộng 8m mà con rắn bò ngang không thấy đầu, thấy đuôi, chỉ thấy đoạn giữa to cỡ cái gối ôm của người lớn. Là người chuyên nuôi trăn, anh Chín Của cho biết với kích cỡ ấy thì con rắn khổng lồ này nặng khoảng vài chục ký và dài cỡ 20m.( việt báo)
- Anh Nguyễn Văn Tẻn kể: cách nay chưa lâu, anh em đang ngồi trò chuyện bỗng nhiên nghe phía bên kia bờ kênh xáng có tiếng kêu thất thanh của con chồn. Cứ ngỡ rằng trăn ăn mồi nên mọi người cầm đèn pin ra soi. Ngay sau khi rọi đèn, tiếng ào ào của lau sậy và tiếng gãy răng rắc của cây khô vang lên khiến mọi người rùng mình. Tiếng kêu của con chồn di chuyển cặp theo bờ kênh. Soi đèn pin lên một cây cao khoảng 8m gần đó, mọi người mới há hốc mồm khi thấy con chồn đang lủng lẳng trên ngọn cây và nằm gọn trong miệng con rắn khổng lồ. Hai mắt con rắn bắt đèn đỏ au, mình to hơn cái ca lớn loại 2 lít. Anh em nháo nhào tắt đèn bỏ chạy.(việt báo )