TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Trường tôi
 
Lên mạng ngày 16/12/2010

Trường Tôi
 
   Tôi đã đọc bài thơ “Trường tôi” trên trang báo TT, của tác giả nào tôi không nhớ rõ, có lẽ lúc ấy lòng đang có nhiều cảm xúc về trường xưa nên không chú ý:
                       Cổng trường tôi trông rất xinh,
                 Tường cao cổng sắt, dưới hình văn hoa .
                       Bước vào thoang thoảng hương hoa,
                 Trời cao xanh ngắt, mây là là bay...
                       ………………………………….
                      Vọng xa nghe tiếng giảng đường,
                 Bao la trang trải tình thương cô thầy.
                       Dạo quanh xa đó gần đây,
                 Nơi đâu đẹp nhất là đây trường mình.
   Trường của tôi là ‘Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ’, có từ năm 1963, cùng lúc với NLS Bảo Lộc và Huế. Và niên học 1966 tôi được nhận là học viên chính thức của trường. Trường nằm cạnh đường QL4, kế cạnh phi trường BT, và đi xa thêm đoạn nữa là tới phi trường TN, chính vì vậy con đường lúc nào cũng có nhiều xe cộ qua lại, và bóng dáng các anh lính KQ xuất hiện thường xuyên trên đường vào những sáng sớm và buổi chiều lúc tan sở. Tuy nhiên không có anh lính KQ nào ‘bắt cóc’ được các nữ sinh trường tôi cả (những khóa học sau thì tôi không rõ?), với lý do là thời gian nầy, ban Đại Diện học sinh trường tôi lấy tôn chỉ ‘Bảo vệ hàng nội hóa - Hãy sử dụng, tiêu dùng hàng nội - Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn’.
   Các bạn thân mến! Thời gian đi qua đã hơn 30 năm rồi, tôi biết trí nhớ của mình cũng có đôi chút lẫn lộn, nếu điều chi thiếu sót các bạn bổ sung thêm nhé! Bước vào cổng trường chúng ta sẽ nhận thấy dãy nhà một tầng ở trước mặt, tầng trệt là văn phòng, và tầng trên làm phòng thí nghiệm. Là học viên NLS thì bắt buộc ai cũng phải ra vào văn phòng rồi, đó là nơi làm thủ tục nhập học, lãnh bằng cấp… và cười vui vẻ thoải mái khi mổi học kỳ đến ký tên nhận tiền học bổng, một
vài khi bị Thầy TGT gọi vào viết bài phạt về cái tội bỏ quên bảng tên ở nhà. Bước những bậc thang lên phòng thí nghiệm, chúng ta không quên bài học thực hành đầu tiên, bóc lớp vỏ mỏng của củ hành xếp lên kính, đưa vào kính hiển vi xem cấu tạo của các lớp tế bào… Nhìn sang bên tay mặt có một ngôi nhà gạch sơn vôi màu ngà, mái nhà cao, nhọn như kiến trúc của Châu Âu. Đây là nhà sinh hoạt của ban Đại diện học sinh, và cũng là nơi đón nhận các học viên tình nguyện tham gia công tác khuyến nông (vào mỗi chiều thứ bảy, và sáng chủ nhật với thù lao khiêm tốn… đủ tiền ăn kem, ngồi quán sinh tố, và xem phim giải trí… hi! hi!).
   Đằng sau ngôi nhà nầy chúng ta sẽ nhìn thấy một ngôi nhà cổ với tên gọi “Ngôi nhà ma”, là nhà của Hiệu Trưởng trường tôi. Do kiến trúc lâu đời trông cổ kính nên lũ học trò tôi gọi như thế. Tuy nhiên phía dưới tầng trệt của ngôi nhà là nhà kho chứa tất cả những nông cụ, cơ khí nông nghiệp, đặc biệt hơn là vườn ươm cây hoa màu phụ do các bác lao công ươm và cho vào từng bịch đất nhỏ, phân phát cho chúng tôi trồng, phát theo số lượng của Thầy qui định. Vậy mà chúng tôi cứ van xin nhận thêm, rồi lại đòi hỏi lựa chọn cây thật tốt… quấy rầy các bác nhưng các bác luôn cười vui vẻ, có lẻ vì chúng tôi rất “dể thương” phải không?
   Mời bạn quay trở lại phía bên trái cổng vào, chúng ta sẽ thấy một ngôi nhà ngói đỏ nửa là nhà ở của Thầy Tổng Giám Canh. Có câu chuyện kỷ niệm do Thầy kể lại làm chúng tôi nhớ mãi: ‘chuyện cây xoài tượng ở phía sau nhà Thầy, đến mùa có trái, những quả xoài to tướng treo lủng lẵng trên cây, trông phát thèm chảy nước miếng, lũ học trò tinh nghịch làm sao mà nhịn được, lợi dụng lúc trời khuya im ắng, leo lên cây hái trộm, ông trời bất dung kẻ gian nên lâu lâu có trái xoài vuột tay rớt nghe lèng xèng trên mái tole nhà sau của Thầy, Thầy biết được nhưng vẫn giả bộ làm thinh… la lớn tiếng tụi nó hoảng sợ… rơi xuống đất thì nguy!’
   Tiếp tục men theo con đường lộ nhỏ tráng ciment, hai bên đường có trồng những cây “tiên đồng, ngọc nữ” nở hoa vàng giống như hoa hoàng anh, vài cây phương đỏ trồng rải rát trên sân trường, thỉnh thoãng còn có những cây khuynh diệp trồng xen kẽ (mổi khi đi ngang qua, chúng tôi hái vài lá ép vào trang sách hay vò nhẹ đưa lên mũi ngửi có mùi thơm nhè nhẹ). Dãy lớp học thứ 1 dành cho các lớp ngũ, tứ (lớp 8,9 ngày nay). Và tôi nghĩ chúng ta sẽ không quên phòng y tế ở cuối dãy phải không? Lâu lâu nhà trường mời bác sĩ đến khám sức khỏe cho học viên toàn trường, và thường xuyên có một y tá trực phát thuốc chửa bệnh (nhức đầu, đau bụng… vì lười học đó mà), tôi không nhớ tên thật của chú y tá, nhưng biệt danh nầy thì không quên được “Chú Sỉ”, Chú Sỉ có nhiêm vụ chăm sóc sức khỏe cho Trường nhưng sức khỏe của chú lại không tốt mấy… Chú Sỉ ốm nhom hà!
   Đi thêm vài bước nửa đến dãy lớp thứ II, thời gian nầy dành cho các lớp tam, nhị, nhất Công Thôn (10,11,12 ngày nay), thường thì lớp CT đa số học viên nam, nữ chiếm khoảng 5-10% ,vì vậy chúng tôi ít gần gủi với các bạn ấy (con gái ưa “nhỏ mọn, ganh tị”, đừng cười nhen), tuy nhiên vào những giờ nghỉ giải lao, tôi và vài bạn khác hay tản bộ đi ngang dãy lớp với ý đồ được gặp ai đó (thương người ta mà không dám ngỏ-đi suốt cả con đường, rồi quay về chổ cũ…).
   Rời dãy lớp nầy, bạn sẽ nhận ra một Hội Trường lớn, nơi đây in đậm nhiều kỷ niệm, từ những buổi họp toàn trường mừng lễ khai giảng, phát thưởng, trình diễn văn nghệ giữa các lớp với nhau cùng so tài ngâm thơ, ca, hát, múa, kịch…
  Từ đây, chúng ta sẽ thấy một dãy lớp học một tầng, mới xây cất, và chúng tôi được vinh dự vào học lớp mới nầy ở tầng trệt, cùng lớp CN (10,11,12). Tầng một dành cho lớp MS(10,11,12). Nơi đây tập trung nhiều lớp học vì vậy giờ học nghiêm trang bao nhiêu! Đến giờ ra chơi lại ồn ào như đàn ong vỡ tổ, mấy nữ học viên thì bay lượn khắp sân trường như những đàn bướm trắng, học viên nam cười nói om sòm, chưa kể đến có một số anh tranh thủ cơ hội làm quen, tán tỉnh, chúng tôi mỉm cười vui khi nghe tiếng các anh vang lên! ‘em ơi tan học về… anh đợi em ở cổng trường nhé! Trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình cũng xinh. Có nấu cơm nhớ thêm phần anh với!’.
   Thích nhất với chúng tôi đó là khu Nông Trại, trong khuôn viên rộng lớn nầy gồm có: Vườn Thủy Lâm, khu đất trồng hoa màu phụ, khu đất trồng những loại cỏ dành cho đại gia súc, đất trồng cây lâu năm (công nghiệp), ao nuôi cá, một mảnh ruông nhỏ trồng lúa thí nghiệm (vì có ruộng nầy nên sau cơn mưa, những chú ếch, nhái kêu lên ồm ộp, nghe nhớ nhà lắm lắm!). Chúng ta hãy dừng lại khu nuôi gia cầm một chút, trại gà của chúng tôi có nuôi nhiều giống gà ngoại, giờ thực hành chúng tôi làm vệ sinh chuồng trại, chăm sóc gà, lượm trứng, thong thả hơn thì hốt lá ngoài sân chơi của gà… Có dịp nhìn ngắm những cây cườm thảo bông vàng mà cứ ngỡ như nàng mimosa trên thành phố sương mù. Và bên cạnh là khu nuôi Đại gia súc, chúng tôi có dịp làm quen với mấy ‘chú thiếm’ trâu, bò thịt, sữa, heo nọc, heo nái… Đáng sợ nhất là việc đẩy phân thú còn tươi ra nhà ủ phân (lúc nào phân hoại thì dùng trồng trọt), ngoại trừ ‘mùi thơm’ đặc biệt… Còn có những sinh vật nhỏ màu trắng lúc nhúc làm chúng tôi phải khóc thét lên… Nhưng phải làm thôi vì thầy có ‘chấm điểm’ mà. Bù vào việc đó thì việc tắm thú lại vui và thích thú, các ‘chú thiếm’ được chăm sóc kỹ lắm! Tắm bằng xà bông, đôi khi bằng xà bông thơm do chúng tôi đem theo, lau khô, chãi lông cho láng mướt…
   Kỷ niệm về trường xưa cứ miên man chảy tràn về… Năm 1977 tôi có về thăm lại trường, và vài người bạn cũ, trường đã có ban quản lý mới, những thầy cô và bạn học cũng còn đó. Hôm đó có người đã tặng cho tôi một cái nón đệm dùng trong việc đồng áng kèm theo một chút tình riêng (sao ngày xưa anh không ngỏ - giờ ván đóng thuyền, cửa lòng đã khép). Và lần chia tay ấy đã thật sự mất mát, thay đỗi…
   Hơn 20 năm sau chúng tôi có trở về dự họp mặt truyền thống, thời gian khắc nghiệt quá, đã vô tình hay cố ý đã xóa
nhòa đi những hình ảnh của ngày xưa… Bạn ơi! Thầy ơi! Trường xưa ơi! Tất cả đã không tìm thấy được nữa rồi.
 
Nguyễn Thị Hồng Cúc 66-69(MS) ngày 07-11-2010

Trở lại LBNX 2
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851932 visitors (2209485 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free