TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Trân trọng tình yêu
 

Trân Trọng Tình Yêu
 
Lời Mở đầu: Ban biên tập Lưu Bút Ngày Xanh bảo rằng tập 3 trình làng là tập chót. Tôi và bạn bè thấy buồn buồn làm sao ấy! Thế là mình mất đi dịp tâm tình hoài vọng ở cái tuổi thích sống về dĩ vãng. Nhiều bạn muốn nghe tôi kể lại chuyện tình của tôi đã dấu kín tự bao giờ. Vậy thì chiều theo ý bạn vào dịp nầy.
   Chuyện tình của tôi không lả lướt như “Hoài Niệm” của anh Lê Thanh Quang, không thoang thoảng mơ màng như “Tình Học Trò” hay “Tình Mùa Hạ” của chị Trần Thị Thịnh. Chuyện tình của tôi thật thà, thánh thiện, sôi động tự nhiên của tuổi mới biết yêu. Tình rất trân trọng để rồi vấn vương, theo tâm linh là “duyên”, một cái duyên trói buộc dai dẵng đến cả đời.
      
Thân Phận
   Tôi sinh ra và lớn lên trên bờ KINH LỨC. Con kinh mang tên một loài cây dại, tiêu biểu cho nguồn sống tươi mát của một vùng quê thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó không rộng, dài, hoành tráng như kinh Thiên Hộ, không trù phú như kinh Chợ Gạo, không huyền thoại như kinh Vĩnh Tế, không dạt dào tràn ngập phù sa như kinh Xáng Xà No, không dài bạt ngàn như kinh Cái Sắn. Nó cũng không thẳng mút mắt như một số kinh khác ở vùng Tháp Mười hay sông Tiền hoặc sông Hậu.
   Kinh Lức của tôi thật hiền hòa thơ mộng, nhìn qua không ảnh nó hiện lên dáng của một nàng tiên, một nữ sinh với mái tóc bay bay, tà áo dài lộng gió. Đầu nguồn của con kinh tung ra nhiều ngọn rạch nhỏ tựa như mái tóc dài gió cuốn hất tung đến mặt cổ nối theo những nét uốn cong của trời ban cho phái đẹp. Dưới nguồn là tà áo dài thướt tha uốn khúc, lượn quanh phủ xuống dòng sông Cổ Chiên yêu dấu quê mình. Có lẽ vì vậy mà những bậc tiền nhân đặt cho quê tôi là làng Tân Thiềng. Mọi người thường nói lái là Tiên Thần.
   Từ thuở nhỏ tôi biết tánh mình trầm lặng, ít khi náo nức nô đùa mạnh bạo như các bạn trong xóm chơi đá banh, đánh đu, cút bắt hay nghịch ngợm lặng hụp dưới dòng kinh. Tôi lại thích trồng bông, nâng niu những cành hoa tươi miền thôn dã như vạn thọ, mười giờ, mồng gà, móng tay… Tôi còn nhớ những cây kiểng mà cha tôi trồng tự bao giờ đó là 4 cây liễu to cao nghiêng mình soi bóng dưới dòng kinh. Liễu này là loại liễu ta lá dài màu xanh nhạt cành dài rủ xuống thướt tha nên có biệt danh là liễu rủ. Chắc đây là liễu của Nguyễn Du:
Lưa thưa tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành hoa sen
   Cũng như giống liễu của Hàn Mặc Tử:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
   Bây giờ tôi không tìm ra giống liễu này nữa. Đa số những cây liễu hôm nay là giống liễu gốc Nhật Bản, lá ngắn màu sậm, cũng buông cành rủ nhưng không thướt tha lại thêm những trái tròn thô thiển làm kém đi vẻ đẹp thơ mộng của thế nhân. Tôi thích những buổi chiều tà nhìn hoa lục bình trôi chầm chậm dưới kinh mà tiếc thương cho những đóa hoa rạng rỡ một thời không trở lại. Mỗi chiều nhìn qua màn liễu cả chân trời hoàng hôn với ánh ráng chiều muôn màu tạo những hình thù muôn vẻ, sôi động, hư thực duyên dáng rồi phút chốc chuyển thái mất dần, mất dần, xong một kiếp phù du khiến lòng tôi mang mác buồn.
   Con trai nhà quê mới mười tuổi đầu mà tôi phải xa nhà lên quận rồi đến tỉnh để đi học. Bởi vậy tôi ít gần gia đình nên liên tục mất đi những buổi họp mặt trong những bữa cơm. Dần dà tánh tôi trầm lặng thích đọc sách nhưng văn thơ nhạc thì dở nhưng lại mê hội họa và võ thuật.
   
Nhập Thân   
   Bất ngờ tôi trúng tuyển vào Nông Lâm Súc Cần Thơ, chính trường nầy đã khai trí mở cửa tương lai cho tôi bước vào đời. Lúc ấy tôi ở trọ sóc Sbay với một số anh đệ nhất ban văn chương trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Trong đó có anh Niềm quê Cao Lãnh, anh biết ngâm thơ nhiều giọng điệu tuyệt vời nên chúng tôi phong cho anh là Niềm Tao Đàn, vì theo học ban C thì ai cũng biết thơ văn rất giỏi. Anh viết thư tình rất xuất sắc và truyền cho tôi kinh nghiệm ấy. Dần dần chúng tôi trở thành “công ty” viết thư theo “đơn đặt hàng”, không chỉ riêng cho đấng mài râu mà còn cho những hoa hồng quen biết nữa, thù lao thì rẻ thôi chỉ một tô phở hay một ổ bánh mì là xong. Khi mà “đơn xin tình yêu” được duyệt thì cả bọn được hưởng một nồi cháo lươn hay cá lóc, ít tốn kém, nước lả khuấy nên hồ mới đủ cho mọi người húp đổ mồ hôi. Thường thì mấy nàng tặng nồi chè đậu xanh nóng hổi vừa thổi vừa ăn thấm mát da thịt.
   Chuyện hy hữu, một chàng bảnh bao học giỏi nhưng không biết cách viết thư tình tán gái, vội “xì” đến chúng tôi góp ý, anh Niềm liền phân tích những điểm “yếu” cần “o” lại. Thế là “công tử” liền đặt hàng chánh hiệu. Khi lá đơn được chuyển đến thần tượng đối tác. Thì trời xuôi nàng lại tỉnh bơ đem cho chúng tôi xem, rồi nàng lộ vẻ khoái chí ra mặt tự hào khinh khỉnh cười hí hí! Xong nàng vội đặt hàng ngay tại công ty của chúng tôi để “phản pháo” với điều dặn dò là dùng lời nhẹ nhàng, lả lướt, tế nhị vì là nữ nhi nếu dùng lời mất lịch sự thì sẽ “mất duyên”…
   So cựa qua lại của 2 khách hàng đưa đến “bổng lộc” cho công ty của chúng tôi một thời gian khá lâu. Cả 2 đối tác không hề hay biết sản phẩm của 2 vị nhận từ một công ty. Rồi một chiều thứ bảy đẹp trời, sóc Sbay được đãi chè đậu xanh cùng cháo lươn bồi thêm 1 kết lave hiệu co cọp của chàng “công tử Bạc Liêu” nữa. Ba năm sau, nhận được tin 2 người đã ra trường và se tơ kết tóc.
 
Nụ Tình Chớm Nở
   Vào cuối năm 1964, nhóm chúng tôi có Lê Chí Tâm và Đỗ Văn Quang đi ăn giổ nhà anh Niềm ở cao Lãnh, nhà anh ở ngoại thành xây tường lợp ngói kiểu mới, không giống lối xưa nhà 3 gian 2 chái hay kiểu cổ hình chữ đinh vách bổ kho. Bà con đến đông lắm. Bửa tiên khi cúng bửa tiên xong, tối đến nam thanh nữ tú cùng các vị trong gia tộc tụ lại đờn ca tài tử. Một số xuống nhà sau làm gà vịt… và xắc cà rốt, củ cải trắng, đu đủ ướp dưa chua chuẩn bị cho bửa chánh ngày mai. Tôi tự hào rằng đã qua sinh hoạt “IVS = International Volunteer Service” tích luỷ những công việc thiết thực về xã hội nên không gia nhập hát hò mà nhào vô xắt tỉa dưa chua với đa số là các cô nương xuân thì phơi phới nên càng thu hút chúng tôi.
   Các nàng dùng dao nhỏ, bàn chận tỉa thành những hoa mai, hoa cúc hay những chiếc lá xinh xinh. Tôi chợt nghĩ ra sáng kiến:
   - Các chị các em khắc tên mình chắc cũng hay lắm! 
   Được hưởng ứng, chỉ trong chớp mắt tôi được biết Thảo, Tâm, Cúc, Liên, Hoa, Cẩm, Tiên… Có chữ sắc xảo lắm, có chữ lôi thôi nhưng cũng đọc ra. Khi tôi nhìn chữ “Tiên” trên tay nàng liền có ngay cảm giác như đang bị thôi miên nhưng giả vờ hỏi:
   - Tên của em là Tiển hả! Tiển là mũi tên. Nếu ai bị mũi tên nầy bắn thì thật là êm đềm và thú vị lắm!
   Nàng chớp mắt hồng đôi má chống chế:
   - Tên của em là Thuỷ Tiên chứ đâu phải là Tiển.
   Tôi: - Ờ! ờ! Tại anh đọc lầm! Nàng Tiên mà! Thế gian ai cũng mơ đến cõi Tiên.
   Tôi khắc tên mình “Chúc” bằng chữ nho thật to. Các cô nhìn thấy tấm tắt khen rồi cười xòa khi hiểu chữ chúc có nghĩa là chúc tụng hay chúc mừng, nghĩa khác là đuốc chứ không phải là chút xíu. Ngày đầu tiên học với thầy Trần Đăng Hồng, tôi rõ ngay nghĩa chữ Đăng là đèn soi sáng thì tôi liền luận suy ngay rằng “đèn và đuốc” tương ngộ. Có một lần vào cuối năm 1975, anh Võ Tòng Xuân nghĩ qua đêm ở nhà tôi bên bờ Kinh Lức, khi tâm sự đổi trao anh hiểu thấm thía nghĩa của hai chữ Chúc và Đăng.
   Trở lại chuyện khắc dưa chua. Tôi để ý nhìn Thuỷ Tiên và các cô xầm xì với nhau rúc rích cười rồi vội khắc 2 chữ Chúc Tiên gần nhau. Phụ nữ họ cũng rất nhạy cảm không kém nam nhi.
   Hôm sau, đơm dĩa dưa chua, phía dưới là dưa hành dưa kiệu, phần giữa là chữ nho “chúc” của tôi khắc, còn xung quanh là tên các nàng, điểm tô hoa cúc hoa mai… Một bà dì trạc ngũ tuần rành chữ nho nhìn dĩa dưa liền phá lên cười ngất:
   - Cậu nào tên Chúc (đuốc) nằm giữa, các cô Thảo, Tâm, Cúc,
Tiên… vây chung quanh úm cậu vậy?
   Các cô đồng loạt cười ồ lên chỉ vào tôi cười nghiêng ngữa.
   Chuyện vui rồi cũng qua mau, tôi trở về Cần Thơ rinh theo giỏ xách bánh về hậu đãi cho các bạn ở nhà khiến cho mọi người
nhâm nhi no lòng vô cùng khoái chí.
   Riêng tôi nôn nao nhớ ngay ý trong quyển sách “đắc nhân tâm” khi đến nhà ai vui vẻ linh đình khi về nên viết thơ tỏ lòng cám ơn, nên tôi vội viết thư gửi đi. Vài ngày sau thì nhận được thư hồi âm của Thuỷ Tiên, tôi lại viết, tạo nhịp cầu thư càng ngày càng vững chắc ý thiên trào đẹp đẽ như thác Cam Ly.
   Anh Niềm có người yêu là chị Cẩm và có đám hỏi rồi nên tuần nào cũng về Cao Lãnh. Còn các bạn Nông Lâm Súc Cần Thơ thì cuối tuần ở lại công tác IVS vừa vui lại có tiền công tác.
   Vào một ngày cuối tuần trước tết năm 1964, anh Niềm không về Cao lãnh nên thuyết phục tôi đừng tham dự chuyến du sát Rạch Giá để ở lại Cần Thơ với anh. Khoảng 4 giờ chiều ngày thứ 7, bất ngờ xuất hiện trước cổng sóc Sbay 2 nàng tiên là chị Cẩm và Thuỷ Tiên, chị Cẩm mặc áo thời trang màu hồng phấn cổ bề lai tay hoàng hậu cải biên từ kiểu áo Kimono của Nhật, còn Thuỷ Tiên mặc áo dài trắng nữ sinh vải KT 3000. Tôi vui sướng như trong mơ khi gặp lại Thuỷ Tiên. Chúng tôi đi ăn chuyện trò rồi dạo bến Ninh Kiều đến tối mới về sóc Sbay. Sáng hôm sau tại cổng sóc Sbay tôi và anh Niềm tiển chị Cẩm và Thuỷ Tiên lên xe lôi ra bến xe về cao Lãnh.
   Vào mùa đông năm 1965, tôi tốt nhiệp và nhận việc tại Ty Nông Nghiệp Kiến Phong (Cao Lãnh) đúng 7 ngày sau. Trong lúc làm việc ở nơi đây những khi rãnh tôi thường đến thăm Thủy Tiên và gia đình. Tôi bận với công việc, còn nàng tuổi mới lớn tập trung vào con đường học vấn lo cho tương lai sự nhiệp. Chúng tôi giữ nhau trong tình bạn vì thời cuộc nên công việc đổi thay ngoài ý muốn khiến chúng tôi bặt tin nhau.
 
Tái Ngộ
   Dòng thời gian trôi không ngừng, trong tâm tôi luôn nhớ về trường Nông Lâm Súc Cần Thơ mến yêu của tôi, ký ức còn mãi công viên Ninh Kiều, một nụ tình mới chớm nở. Trong tâm tôi mối tình đầu đời mãi nằm trong ký ức của mình.
   “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm dễ đã mấy ai quên”   
   Sự tái ngộ của hai chúng tôi nửa khóc nửa sầu. Biết rõ ra nàng xong trung học vào đại học văn khoa Sài Gòn nhưng sau đó lại đổi qua ngành giáo dục trường Sư Phạm Vĩnh Long. Tôi còn giữ mãi lá thư sau cùng nàng viết: “Cửu Long ngày 11/9/1975
   Anh Chúc, Thư anh đến lâu rồi, muốn viết thư hồi âm nhưng em ngại quá đi anh ạ! Em không muốn cho sự liên lạc nầy dần dần sẽ cho ta không lối thoát “em chạy trốn chính em!” chứ biết thế nào hở anh. Anh đã hiểu em, em cảm thấy sung sướng, anh cao cả sáng ngời, thánh thiện biết bao, em mãn nguyện lắm rồi… em nào ngờ tình cảm ngày xưa anh đã dành cho em to tát và đẹp đẽ đến thế với 16-17 em nào dám mơ ước điều ấy… Anh! Giờ đây em biết được thực thể thì em đã chìm trong tuyệt vọng rồi… Anh phải thế chứ! Em không muốn anh nhắc đến, đừng đánh thức thêm nữa, hãy để nó yên ngủ anh nhé! Và đừng để nó thức dậy. Anh! Ta mãi hoài cho nhau, tình cảm thật đẹp thật hiền nha anh. Em đi Sa Đéc về hôm qua, khoảng 15-9 nầy em xuống Sa Đéc tập huấn khoảng 10 ngày, lo lo áy náy hết sức khi phải còn bám víu gia đình. Má em vẫn rất quí thương anh, tất cả đều nhắc đến anh luôn… Nhiều lúc nhớ về Vĩnh Long ghê nơi, Vĩnh Long thương yêu của anh! Với ngôi trường Sư Phạm thương yêu của em! 
Em (ký tên)”
   Rồi một hôm giữa năm 2011, tôi chợt nghe điện thoại với giọng nữ: “Em đọc Lưu Bút Ngày Xanh II của Nông Lâm Súc Cần Thơ xem bài anh viết và biết số điện thoại của anh. Anh khỏe hôn. Có viết bài đương nhiên anh còn minh mẫn và vẫn nhớ. Em cũng thế, nhớ… nhiều lắm!… Anh quên giọng em sao?...”. Tôi mừng mở cờ, hỏi thăm gia cảnh của em. Em bảo: “Em đau khổ triền miên nhưng cố phấn đấu ráng bò lên đại học Sư Phạm, sau đó làm hiệu phó trường ‘A’, đã về hưu, có 1 đứa con nay trưởng thành, chồng em đã vĩnh viễn ra đi cách nay 2 tháng. Em an phận đang tịnh tâm tu học nhàn cư theo phong cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm…”.          
   Tôi cảm nhận trong cõi lòng mình niềm cảm xúc dâng trào với tâm trạng mang mát hồi tưởng lại kỷ niệm mãi còn trong ký ức tuổi thanh xuân cùng sự an định của đời sống hiện tại.                    
   
Ngô Văn Chúc, Chợ Lách- Bến Tre, 26/7/2011, 0753-505-736
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855396 visitors (2218358 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free