TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tổ trát
 
Tổ Trát             
 
   Năm 1964, lúc đó tôi không biết từ đâu mà thầy Trần Đăng Hồng và quí thầy trong ban Giám Hiệu Trường NLS Cần Thơ mang về cho trường một chương trình IVS. Dịp nầy chúng tôi có điều kiện đi công tác thực tế sát với nông dân. Chúng tôi quảng bá thực hành ứng dụng khoa học nông nghiệp cho nông dân nào cách xử dụng thuốc sát trùng, phân bón, giống gia súc, gia cầm mới nhập có chất lượng cao. Nhất là những điểm trình diễn lúa thần nông 8 (IR8) một giống lúa mới nhập, thấp giàn, ít đổ ngã, năng suất cao, ngắn ngày, trồng mùa nào cũng được, không bị ảnh hưởng thời tiết như các giống địa phương. Nhờ những lá bùa thần thánh nầy mà chúng tôi rất được nông dân ái mộ. Đương nhiên “thần tượng” cũng lọt vào mắt xanh. Cũng không ít “cậu trâu bò” làm rễ nhà nông.
   Một hôm vào mùa gió chướng 1964, chúng tôi 5 đứa (3 nông và 2 súc) kéo về xã Hiệp Qưới (Vĩnh Long), điểm nầy tôi chọn làm đề xuất: một là trên đường xe, hai là khu vực thuần nông và điều thứ 3 vô cùng chính yếu là khu vực có nhiều tà áo dài trắng của nữ sinh Tống Phước Hiệp mà tôi đã quen biết.
   Điểm chính chúng tôi là nhà bác Sáu có con là anh Tám Thao đang học đệ Nhất Tống Phước Hiệp (bạn tôi) và cô em gái lớp đệ Tam xinh thật xinh. Xóm nầy tôi cũng thường ghé qua chơi kể như quen hết cả xóm.
   Không thất vọng, khi chúng tôi vừa đến, cả nhà bác Sáu ra đón mừng một cách niềm nở. Bác Sáu nói:
   - May quá, đêm qua tao đặt trúm được khoảng 2 kí lươn, để bảo sấp nhỏ um dừa lá cách cho tụi bây ăn, còn một con gà trống thiến cũng làm luôn, để lâu nó dai thịt ăn không ngon.
   Chúng tôi từ chối lấy lệ chứ thực trong lòng đứa nào cũng khoái chí phất cờ.
   Đã nói như trên, chúng tôi có vốn kha khá: học ăn, học nói, học làm bếp, nói cách khác là làm dân vận, trong quá trình công tác IVS. Chúng tôi ùa vào nhà bếp tiếp tay, thực thà mà nói, cũng để được tiếp cận các “nường”.
   Không mấy chốc, cả xóm tò mò đến với chúng tôi không ít. Đủ các hạng tuổi, già, trẻ, trai, gái đương nhiên không thiếu các đóa hồng.
   Tiệc được dọn ra, anh Tám Thao không quên kéo về 1 kết bia hiệu con cọp để liên hoan tỏ lòng ái mộ các bạn cũ mới. Em gái của anh không quên ‘diện’ một bộ bà ba đen, cổ trái tim, rộng tay hoàng hậu loại vải KT 3.000 mỏng (lúc đó là mốt thời trang nhất). Màu đen của áo cổ hở hở làm nổi bậc nước da trắng mịn của cô nữ sinh đệ Tam vùng thôn dã, hiển hiện trên nền xanh của lúa mênh mang đến tận chân… cây. Bốn đứa bạn tôi thì thầm khen tôi chọn địa điểm công tác quá tốt.
   Vào tiệc, bác Sáu, rồi các chú, các bác, các anh chị hỏi chúng tôi đủ điều về nông, ngư, súc. Dần dần tự chia thành cụm: Cây lúa, nuôi heo gà, cá chép, cá phi, lươn, ếch… các huấn sự ‘tơ’ tha hồ mà xổ, nổi gân cổ, nổ xủi bọt mép.
   Ăn uống, trao đổi chưa được một phần tư buổi tiệc, bất thần từ phía sau vườn nhà một con heo khoảng 70 kg, đâm đầu chạy thục mạng đâm bổ vô hất tung bàn ghế, mắt láo liên, đầu lắc lư, la en ét, cứ thế mà tung hoành dưới bàn ăn chúng tôi.
   Chủ khách góp sức nhau quần đảo với con heo và giữ bàn ăn để không bị đổ ngã. Con heo lại lăn đùng ra mắt trợn ngược, 4 chân cong cong rung rung, mồm mũi sủi bọt, đuôi quập xuống cứ thế mà rên ầm lên.
   - Sao vậy? Sao Vậy? Làm sao?
   Nhiều người nhốn nháo lên. Tội nghiệp cho 2 huấn sự Mục Súc của chúng tôi thừ mặt ra, miệng méo xệch. Lúc đó đứa nào còn ngậm mồi thì nuốt không trôi. Tất cả mọi người dồn vào chúng tôi cầu cứu.
   Bất ngờ… có một chị khoảng 40 tuổi đi dậm lúa về ngang, tay còn cầm cây nọc, đôi chân vo quần tới đầu gối. Chị chạy ùa vô khẩn trương hô to:
   - Lấy cái dao, lấy cái dao, dao ăn trầu cũng được!
   Có ông nhanh miệng chen vào:
   - Đâm họng phải cần cái mác chớ, dao ăn trầu làm sao được!
   Chị ấy nói:
   - Không! Không! Tôi cần cái dao để cắt cái đuôi và 2 lổ tai.
   Bọn chúng tôi chưa từng thấy máu chảy thành vũng một lần. Nếu mà chị cắt cái đuôi và 2 lổ tai của con heo thì kinh khủng lắm.
   Cái dao nhọn được đem ra, chị thành thạo cắt nhanh ở phía dưới cạnh đuôi heo một vết nhỏ, rồi tiếp tục cắt cạnh hai bên phía trên lổ tai heo chổ tỉnh mạch. Rồi nhờ mọi người dạn tay giúp nặn máu bầm đen ra. Chị còn cắt thêm vài chổ ở nách và bụng… của con heo. Rồi chị lấy dầu cù là thoa đều và cạo gió nhiều nơi.
   “Nợ báo” bớt la, từ từ thở nhè nhẹ, hết xùi bọt mép, khoảng 10 phút sau nó liền đứng dậy ăn xương gà.
   Bàn tiệc lại bắt đầu, nhưng chủ đề nói về con heo thường bị trúng nắng, trúng gió gì… gì… đó. Hai ông mục súc nhà tôi bẻ mặt quá, kéo luôn cả ba canh nông cũng xìu xìu như nhau. Tôi vội liếc nhìn cô nữ sinh áo đen. Cô chớp chớp đôi mắt, đôi má ửng hồng nhanh chân bước xuống bếp.
   Chúng tôi bị tổ trát thật rồi!        
   
 Ngô Văn Chúc, Chợ Lách Bến Tre, ngày 7/7/2011, 0753-505-736

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855283 visitors (2218139 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free