Lên mạng ngày 23/12/2010
THU THỦY
Ít có học trò con nhà nghèo nào có dịp cởi Honda SS 67 đi học như tôi, và cũng có rất ít ai như tôi, một học trò xấu xí, được một nữ sinh trẻ đẹp cười mỉm chi mỗi khi tôi lượn vòng xe qua mặt hay đối diện với nàng- Trần Thị Thu Thuỷ- lớp 6 Trường Trung Học Đoàn Thị Điểm- Cần Thơ.
Chiếc xe cũ mà chị tôi đã nài nỉ được mẹ tôi mua lại của chú Thức, một người quen. Sau khi chị sử dụng được vài tháng thì đã chán hoặc không thấy thích hợp, cho nên đã ‘trùm mền’ lại cho nó hai tháng trước ngày tôi vào lớp sáu trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ.
May mắn thay, tôi tự tập lái xe gắn máy một mình mà không có một lần té nào, không có một vết trầy trụa nào trên thân xe. Một hôm nọ tôi chạy xe đến đón mẹ tôi đi làm về. Ngồi yên sau xe để ý cách tôi chạy, mẹ tôi tin những gì bà đang nhìn thấy. Sáng sớm hôm sau tôi lại có dịp chở bà đến tận sở làm. Sau hai lần lái xe rất thuần thục và an toàn ấy, tôi được người cấp giấy phép sử dụng xe gắn máy bằng miệng. Ôi, tôi lại có thêm một điều may mắn khác nữa, đó là chị tôi không hề tị hiềm, ngăn cản. Tôi cũng không biết đây có phải là dịp để chị trao lại tôi cái trách nhiệm đưa rước mẹ hay không nữa. Nhưng dù sao, chiếc xe Honda nầy cũng đã giúp tôi chinh phục được nàng Thu Thủy… của mình.
Trong 47 học trò của lớp 6-A1, tôi khá đặc biệt, cao gầy, chạy xe Honda SS 67. Văn Thành Thông, tầm thước trung bình - con một tiệm vải lớn, chạy chiếc SS 66. Trần Hữu Trí, sún răng- con nhà binh, chạy chiếc xe Sash. Ba đứa tôi nổi lên như ba chàng ngự lâm pháo thủ. Nhóm ba thằng tôi, có 3 xe khác nhau, có ba cách chạy xe khác nhau, có ba nhân cách cũng khác nhau nhưng lại có chung một cách giải trí: chạy xe vòng vòng trước hoặc sau giờ học. Thằng Trí Sún lạng lách như làm xiếc. Văn Thông chạy xe đầm thắm, tránh né nhẹ nhàng tài tình. Tôi có khi bốc đồng, cất cao đầu xe, thắng lết bánh để xe quay ngược đầu 180 độ. Chúng tôi, ba thằng học sinh lớp 6 chạy xe gắn máy như thế đã khiến biết bao nhiêu người ngắm nhìn, tặc lưởi ganh tị, chửi rủa. Trong số những người ấy, tôi chỉ có nhận ra một nữ sinh của trường Đoàn Thị Điểm, trường “hàng xóm” với trường tôi, người có những điểm tương đồng thú vị. Tim tôi đánh vang như tiếng trống trường mỗi khi trông thấy nàng nhìn tôi mỉm cười. Trong giây phút đó tôi bỗng muốn mình biến thành Phù Đổng Thiên Vương. Tôi muốn chiếc SS 67 trở thành một con tuấn mã có hai cánh khoẻ mạnh để được chở nàng bay vút lên tận mây xanh.
Tôi còn ước mơ rằng hai trường của chúng tôi mở cửa sớm hơn để tôi có thể chạy xe nhiều vòng hơn, để nàng đứng đó lâu hơn, cười với tôi nhiều hơn. Tôi ước sao bổng dưng hai chiếc xe của Văn Thông và Trí Sún biến mất để mình tôi tự do tung hoành. Nhưng tôi lại cũng muốn hai con ngựa sắt ấy đôi khi xuất hiện hộ tống chúng tôi khi nàng yên tâm lên xe tôi, và cũng để cho các nàng kiều diễm khác của trường nhìn nàng thèm thuồng.
“Ê, Thành! Nàng đang cười với mầy đó Thành.”
Thằng Trí Sún lạng xe lên, thích thú nói vào tai tôi. Tôi kiêu hảnh mỉm cười:
“Thì còn ai vào đây nữa.”
“Mầy bén thiệt nghe. Hê, vọt!”
Hai đứa chúng tôi bất ngờ phóng xe thật nhanh về hướng đại lộ Hoà Bình, để lại cho Văn Thông phải ngửi hai làn khói trắng khét nghẹt. Vừa qua góc đường, quẹo ngược chiều gần vỉa hè, tôi thắng nhanh cho bánh xe sau trượt trên lớp cát bụi mỏng để chiếc xe quay đầu lại. Trí Sún nhìn tôi cười nghiêng ngửa:
“Nghề quá ta!”
Tôi mỉm cười phóng xe ngược chiều trong khi Văn Thông cũng vừa ôm cua chạy đến. Hai đứa phải né nhau hết cở mới tránh cho hai xe không phải tông vào nhau, và tôi vẫn tiếp tục lao nhanh về phía trước vì nàng của tôi kia rồi!
Trong đám áo dài màu trắng, một con hạc màu bạc của tôi đang tỏa sáng! Nàng đứng đó chờ tôi, cho một nụ cười thật tươi khiến tôi nôn nao khoái chí, hồi hợp nhưng vẫn còn đủ bình tỉnh để liếc nàng thật nhanh. Cái cặp da, nàng đang ôm trước ngực, che lấp hơn phân nữa cái bản tên, tôi kịp nhận ra hai chữ cuối là Thu Thủy.
Tiếng máy xe của Trí Sún làm tôi hơi giật mình. Tôi cố làm ngơ. Nhưng Trí Sún đã xuất hiện đúng vào lúc để cho tôi khoả lấp một cú sốc, nó hỏi:
“Thằng Thông đâu rồi mậy?”
“Nó chạy thẳng về cầu Tham Tướng rồi.
“Ê mầy! Tao thấy nàng cười với mầy rồi đó, Thành.”
Tôi đánh trống lảng: “Nàng có giận tao hông mậy?”
“Đứng chờ nảy giờ và cười tươi như vậy mà giận cái gì?”
“Ý tao hỏi thằng Thông kìa.”
“Ai mà biết?”
Hai đứa tôi không còn chú ý gì đến các chàng nam sinh quần xanh dương áo trắng, hoặc các “con hạc trắng” khác đang đứng trước cổng trường Đoàn Thị Điểm nữa. Chúng tôi có một con đường riêng, có một kiểu riêng để chạy xe vòng vòng.
Chiều hôm ấy, trên đường Ngô Quyền vẫn đông nghẹt học sinh của hai trường sau khi tan học, trong đám đông nữ sinh ấy, tôi biết có người dõi mắt tìm tôi để tặng một nụ cười. Và tôi đã hiên ngang, can trường, lách, chen, xẻ vào các nhóm học trò đó để tìm nàng Thu Thuỷ của mình chỉ riêng mỉm cười với tôi.
Tôi đã từng bị thầy Lực - dạy Sử ký cho một điểm‘zero’ đáng để đời, nhưng cũng được thầy Phi - dạy Toán - tặng cho một điểm ‘20’ duy nhất trong đời đi học. Bây giờ, tôi lại đang tìm một kỷ lục khác đó là một nụ cười của nàng Thu Thuỷ. Tôi không còn biết gì khác hơn là việc chạy xe len lỏi trong đám đông học sinh tan trường về, đảo mắt tìm kiếm. Ra đến đại lộ Hoà Bình, tôi phóng xe thật nhanh trong khi hít vào một hơi thở thật sâu để tự trấn tĩnh. Dòng người thưa dần trên đại lộ như tôi cảm thấy thư thả hơn trong lòng. Cái vòng chạy của tôi hàng ngày bổng trở nên ngắn ngủi êm ái hơn. Khi đến đầu ngả ba đường Minh Mạng, tôi phải chậm lại để nhường đường cho một nhóm học trò băng qua đường. Trời chiều chợt tắt nắng. Đâu đó trong đầu tôi chợt vang lên một tiếng kêu thánh thót:
“Anh Thành ơi! Anh không nhận ra em sao?”.
Đâu đó trong tim tôi phụt ra một dòng máu thật nóng. Toàn thân tôi nóng lên như bị đẩy đến trước một lò thiêu. Chiếc xe tự nhiên như chết máy, còn tôi thì như chết lặng. Kia rồi, nàng Thu Thuỷ đang hiện ra trước đầu xe, mỉm cười thật tươi. Tôi chỉ biết cười đáp trả rồi bổng biến thành dại khờ, đần độn, không biết phải làm gì nữa. Trong một giây khắc, cả thế giới này như ngưng vận động. Cả nàng và tôi bổng hoá ra thạch, mặt đối mặt nhìn nhau chỉ… mỉm cười. Khu vực giữa đại lộ bổng chuyển thành một khu hoa cỏ, một đồi dốc thoai thoải, một góc trời yên tĩnh. Khoảng cách vật lý của hai đứa tôi tự nhiên ngắn lại, một gang tấc. Tôi bị hút vào một cơn lốc mạnh và không có ai nhận thấy. Tôi bị nàng thôi miên và nàng bắt tôi đứng bất động giữa đường. Nàng Thu Thuỷ xinh xắn mỉm cười với tôi bổng trở thành một thiên thần. Hai đứa tôi được ban phép bay lên không như một cặp sứ giả của trời để đọc một thông điệp:
“Loài người phải yêu thương nhau.”
Suốt mấy tháng liền, buổi đi học nào tôi cũng chạy xe lòng vòng đường Ngô Quyền, đại lộ Hoà Bình vào đầu giờ học hoặc sau lúc tan trường, để Thu Thuỷ và tôi được gặp nhau, mỉm cười với nhau.
Mọi việc qua đi, tuổi thơ ngây trôi theo ngày tháng. Tôi đã phải giả từ lối lái xe vòng quanh để dành thời giờ sinh hoạt thể thao với các bạn cùng lớp cùng nhau luyện tập cho đội bóng rổ trong trường.
Sau đó tôi trúng tuyển vào lớp tám trường Nông Lâm Súc Cần Thơ rồi sau khi hoàn tất hai năm học tôi chuyển lên trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc… và tôi chỉ chú tâm vào việc học nên không còn dịp để Thu Thủy ngây thơ mỉm cười với tôi nữa.
Rạch Giá ngày 5/7/10 Lương Ngọc Thành 69-71(lớp 8-9/2)