TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cái lờ
 
Lên mạng ngày 13/9/2009

Cái Lờ ở miền đồng ruộng sông Cửu Long
 
   Cách xa nơi chôn nhao cắt rún cả nửa vòng quả đất mà tai tôi còn văn vẳng câu hò từ vùng đồng ruộng quê xưa:
     “Hò… ơ… Tình người như cá trong lờ…
       Thò tay vô bắt… hò… ơ… Thò tay vô bắt… còn ngờ kẹt hơm…ớ…ơ…”
   Câu ca dao này diễn đạt tâm lý con người “như cá trong lờ”, “thọc tay vô bắt” lại gặp khó khăn bởi cái “hơm”.
   Tôi sinh ra và lớn lên ở miền sông nước Cửu Long thì chuyện gì liên quan đến đồng ruộng lúa, khoai, bắp, cá, tôm… trên ruộng đồng mà tôi không biết.
   Trở lại với “lờ” quen thuộc ở miền đồng quê tôi gọi là “cái lờ”. Lớn lên rời tiểu học bước vào trung học, học môn việt văn, tôi đọc truyện của nhà văn Thạch Lam viết về đồng ruộng miền Bắc, diễn tả cảnh sinh hoạt dân quê qua nhân vật Bà Mẹ Lê: “… mấy ngày rỗi rảnh, Mẹ Lê ngồi vá lại mấy cái lờ để ra đồng bắt tôm, bắt cá…”.
   Cái lờ được làm từ thân của cây tre, trúc hay lồ ồ. Cây lồ ồ thuộc họ tre chỉ có ở cao nguyên miền Trung, có thân cao và lóng dài hơn cây tre và trúc. Cây tre và trúc có nhiều ở miền đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ở đây cây lồ ồ không sinh trưởng được. Cây lồ ồ dùng làm cái lờ dễ hơn thân cây tre và trúc nên thường thường lồ ồ được đem vào đây cung cấp cho nông dân miền đồng bằng sông Cửu Long để làm thành nông cụ là “cái lờ”.    
   Muốn làm được cái lờ, nông dân phải dùng cái cưa, cưa thân cây tre, trút hay lồ ồ ra từng đoạn, rồi dùng cây mác chẻ ra từng sợi nhỏ, đan tay thành cái lờ.
   Cây mác tựa như cái dao, lưỡi của cây mác nhỏ hơn lưỡi dao, có cái cán làm bằng gỗ dài hơn cán dao, khi chẻ tre người xử dụng cái mác bằng cách nện đầu cán của cây mác xuống đất tạo lực trợ cho mủi mác chẻ tre nhanh ra thành từng sợi nhỏ gọi là “nan”.
   Lờ có 3 phần chánh: mình lờ, mặt lờ và hơm lờ.
1-Mình lờ: hình chữ nhựt đan với nhau có nhiều ô vuông bởi 2 loại nan là nan mình dàinan mình ngang. Nan mình dài gấp 4 lần nan mình ngang.
   Đan thành mình lờ nhờ “cái cở”, nếu mình lờ có 20 nan mình dài thì cái cở có 20 rãnh, cái cở làm bằng gỗ của cây gáo hay cây sao.
   Người đan ngồi chồm hổm, để cái cở dưới, xếp nan mình dài lên đầy cái cở, xỏ nan mình ngang đi tới đến khi đầy mình lờ khoảng 75 cây nan mình ngang, thì “bẻ” gài vòng 4 cạnh thành mình lờ có hình chữ nhựt gọi là bẻ mình lờ.
2-Mặt lờ: Đan nên mặt lờ từ nan mặt, nan mặt chỉ có 1 loại, nhỏ, nhuyển hơn nan mình.  Nan số 1 thẳng, nan số 2 nằm chồng lên nan 1 thành hình chữ nhơn và nhờ ngón chân cái giữ, nan số 3 gài ngang bẻ cóp thành 1 cạnh ngang và 1 cạnh hướng phía trước song song với nan 2, nan gài 4 giống nan 3, nan 5 gài ngang không bẻ cóp, nan số 6 song song với nan 1 sẽ gài thành 2 hình lục giác gài nhau nhờ nan 1,2,3,4,5,6. Liên tục lên nan 5 và tiếp tục tất cả 6 lần thành dạng tròn rỗng ở giữa có 6 mặt lục giác. Đan thêm vòng to kết hợp khoảng 48 nan mặt, đan gài nhau tạo những hình lục giác nhỏ rồi bẻ thành vòng tròn gọi là bẻ mặt lờ.
 Mặt lờ hình vành khăn, vòng ngoài tròn, vòng trong có dạng một hình tròn với 6 cạnh lục giác, phần vành khăn là những ô rỗng hình lục giác.
3-Hơm lờ: gồm “rẻ hơm” nhuyễn hơn nan mặt “đan = bện” với “dây hơm”. Rẻ hơm bẻ cóp hình chữ U ra thành 2 rẻ hơm, mỗi cái hơm ghép bởi 10 chữ U là 20 rẻ hơm, dây hơm là dây đôi dính lại 1 đầu “bện” cập rẻ hơm thành vòng tròn mở là miệng hơm, 2 vòng trong nhỏ hơn bện song song, vòng 3 nhỏ hơn vòng số 2, cóp phần cuối rẻ hơm chúp thành hình dạng vòng tròn nhỏ sau cùng là chóp hơm. Gọi là bện hơm lờ.  
   Người cưa và chẻ tre thành nan thì trong tư thế ngồi;
   Đan mình lờ thì phải ngồi chồm hổm;
   Đan mặt lờ thì bắt buộc ngồi cạnh bìa ván ngựa, 1 chân trái thòng dài xuống, ngón chân bên phải bắt buộc tựa lên nan mặt lờ;
   Bện hơm lờ thì ngồi 2 kiểu, khi đi vòng miệng hơm lờ phải ngồi trên bìa ngựa giống như đan mặt lờ, khi bện hơm vòng 2 và 3 thì có thể ngồi thong thả trên ngựa hay nằm võng vừa ca vừa bện;
   Buộc thành cái lờ thì cả ba tư thế đứng, ngồi hay nằm, thông thường tư thế ngồi buộc cái lờ là tư thế dễ dàng nhất.
   Cái lờ kết hợp bởi “1 cái mình lờ”, “2 cái mặt lờ” và “2 cái hơm”.
   Dùng dây “lạc” là sợi tách ra từ thân cây “lùn” phơi khô buộc “1 hơm lờ lên 1 mặt lờ” thành 1 “mặt hơm lờ”.
   Quấn tròn 1 mình lờ tròn như cái lu nước, rổng mặt 2 bên, 2 cạnh dài mình lờ bây giờ thành 2 vòng tròn 2 bên cho 2 “mặt hơm lờ”, chóp hơm quay vào trong, 2 chiều ngang của mình lờ cóp chéo 2 góc 2 bên thành miệng lờ hình dẹp như cái hột xoài để đổ cá ra.
   Lúc “đặt lờ” dưới ruộng đồng, mương, rạch, hay chổ đường nước có nhiều cá tôm.
   Cá tôm lội vào miệng hơm chạm rẻ hơm lọt vào vòng chóp hơm đi thẳng vào trong cái lờ. Sau khi chui qua miệng hơm vào lờ, cá tôm không đủ khôn biết để cách trở ra ngoài bằng cách chui ra cái vòng nhỏ “chóp hơm” để tung tăng trở lại ruộng nước nữa.
   Nên có dân gian câu “cá đã vào lờ” ý nói mọi việc đã an định. Cái lờ là nông cụ hiện rất phổ thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi mùa mưa tới, mùa nước nổi, mùa cá tôm chu du khắp nơi, thì khắp các chợ búa vùng đồng bằng sông Cửu Long có bày bán “Lờ”.
   Lúc này các bạn ghé các chợ hỏi tiệm nào có bán “Lờ” thì các bạn sẽ thấy từng bó, 1 bó gồm: 100 cái mình lờ, kẹp theo 100 cặp mặt lờ và 100 cặp hơm lờ. Trả giá lên xuống, mua xong đem về nhà buộc thành 100 cái lờ đi “đặt lờ” bắt cá làm phương tiện sinh sống cho gia đình, người làm nên cái lờ, người trồng tre, trút, lồ ồ, người trung gian mua bán... liên quan đến “cái lờ” sản phẩm nông cụ thân thương của quê hương tôi từ họ “tre” tuy đơn sơ mà thắm thiết nghĩa tình. Quanh năm nông dân rảnh rổi thì đan lờ tồn trử chờ đến mùa nước nổi đem ra chợ bán cho các hiệu buôn.  
   Câu ca dao xuất xứ ở quê tôi từ “cái lờ” mà đến nay tôi vẫn không quên cho dù xa đồng ruộng quê nhà gần 30 năm:
Tình người như cá trong lờ,
Thò tay vô bắt còn ngờ kẹt hơm!
 
Trần V Diên, CT 70-73, ngày 12/9/09

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860829 visitors (2231712 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free