TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hồi ký Monrovia
 
Lên mạng ngày 6/3/2010
THAM DỰ ĐẠI HỘI HỤT
Phạm Thanh Khâm

Lời tòa soạn. Ông Phạm Thanh Khâm nguyên là Giám Đốc Nha Canh Nông. Sau 1975, Ông làm cố vấn World Bank (WB) cho nhiều chương trình phát triển nông nghiệp do WB tài trợ, đặc biệt chương trình lúa gạo ONADER ở Conakry Guinea (1980-1984), chương trình sọan thảo kế hoạch phát triển 5 năm của WB cho Bộ Canh Nông Zaire (1991), Tổ chức hành chánh Bộ CN  của WB ở Afghanistan (2004-2006), Tổ chức Bộ CN Liberia và sản xuất lúa gạo của USAID ở Monrovia (2008-2009). Ông cũng làm tham vấn các chương trình phát triển nông nghiệp của nhiều nước khác. Giới thiệu với bạn đọc một hồi ký nhỏ của Ông tại Phi Châu.

Tám tháng qua tôi chuẩn bị đi tham dự Đại Hội Nông Nghiệp Hoa Anh Đào tổ chức ở Washington D.C. vào đầu tháng 4/2009 vừa rồi. Rốt cuộc tôi chỉ có đủ thì giờ gọi bạn hiền Bùi Xuân Cảnh vào ngày chót của Đại Hội từ phi trường Dulles. Bạn hiền an ủi tôi chờ đến kỳ hội năm tới vậy. Tôi không còn dám dự tính gì nữa, vì tính một đường lại đi một nẻo. Nay Anh Chào hối thúc gởi bài, tôi không biết viết ra sao. Eo ơi, khó ơi là khó. Nhưng nhớ lại mình còn nhiều bạn vì lý do này hay lý do khác không thường xuyên họp mặt với anh chị em , nhưng lòng luôn dành cho Hội nhiều thân tình đặc biệt , nên tôi mở đầu trang tạp ghi trong chuyến công tác thứ hai đến Monrovia đầu tháng 4, 2009 như sau.
 
Trước hết tôi phải nhắc lại lời chúc Tết của bạn hiền Bùi Xuân Cảnh gửi đến tôi vào đầu năm như sau: “Chúc bạn phẻ. Đi chơi như hồi trẻ.” Rồi bạn Đinh Nguyên Trình Giang ở Oslo biệt tích giang hồ khá lâu bỗng dưng làm bài thơ nhớ bạn mình, nhầm lẫn ra sao nói Nguyễn Đình Hải đã đi về thế giới bên kia. Chánh án Nguyễn Trọng Nho và Lê Văn Ngọc phải cải chính nói bạn mình còn sống. Đinh nguyên Trình Giang lại vất vã làm bài thơ mới nhận hết lỗi lầm. Anh nhắc hồi còn trẻ trong bài thơ nhớ bạn:”P. Khâm chơi bóng, Đ. Giang chơi bài”. Đã gần nửa thế kỹ, biết bao nhiêu tình và đầy ắp kỹ niệm.
 
Ngày 6/4/2009, tôi đến Monrovia trong khuôn khổ viện trợ Mỹ USAID (Technical Assistance Services in Support of the Ministry of Agriculture). Với khũng hoảng kinh tế tòan cầu, sự phục hồi của đất nước nhỏ bé này còn trì trệ hơn. Thủ đô Monrovia của 3.5 triệu con người tiếp tục ăn lấy sống ngũ lấy sáng. Bộ Trưởng Canh Nông từ chức. Viện trợ chậm trễ hơn trước. Quân đội Liên Hiệp Quốc tính giảm quân số xuống còn 8,000 chờ đào tạo quân đội quốc gia và ngừa đảo chánh. Phần tôi chỉ làm những gì ghi trong TOR trong 6 tuần lễ. Sau đó sẽ trở lại Âu Châu rong chơi như lời chúc Tết của bạn mình.
 
Trong chuyến đi này tôi nhận ra một điều là người Liberia ăn nói cởi mở hơn khi tôi gặp một nhân viên phòng reception của khách sạn. Anh nói khi đi học thầy giáo của anh đưa vào đầu học trò là người da đen quá thua sút phải đứng phiá sau người da trắng 2 thước. Tôi nói nay có Tổng Thống Mỹ Obama, các anh có còn nhiều mặc cảm như trước? Anh hãnh diện nói rằng người đen ở Mỹ bây giờ đứng trước người trắng 2 thước! Tôi không muốn lạm bàn thêm về bối cảnh chính trị Hoa Kỳ, chỉ hỏi lại đất nước Liberia của anh không có đen trắng, vậy có kỳ thị không? Anh nói nạn kỳ thị còn trầm kha giữa người đen với nhau. Anh xoa tay thở dài như người đi trong đường hầm chưa thấy ánh sáng ỡ cuối đường hầm phía trước.
 
Người ta đang hy vọng một cuộc cách mạng xanh (green revolution) ở Phi Châu với giống lúa mới NERICA. Trung Tâm Lúa Gạo WARDA đặt bản doanh ở Cotonou, Benin đã cho phổ biến các giống NERICA đến mười mấy nước Phi Châu. Liberia du nhập đầu năm nay 18 giống NERICA để quan sát. Bộ Canh Nông xứ này chọn được 2 giống cho lúa upland (NERICA 17, NERICA 14) và 2 giống lúa lowland (FKR19, NERICA-L19). Chờ kết quả vào các vụ thu hoạch tới xem sao. Hai anh Cissé và Bah của WARDA được cử đến Kokoya, Liberia để làm công việc của Chị Trần Thị Cẩm Tuyến và anh Nguyễn Văn Nhơn ở Trung Tâm Huấn Luyện Lúa Biên Hòa mấy mươi năm về trước. Khi từ giả họ ở Kokoya, anh Cissé bắt tay tôi nói lời tạm bìệt theo ngôn ngữ của văn hóa Guinea ba mươi năm về trước : Prêt Pour La Révolution Verte! 
 
Thủ đô Monrovia của một Liberia khánh kiệt không thể có những nét văn hoá phong phú đa dạng như những nước thanh bình khác. Tuy vậy người ngọai quốc cũng tìm được nhựng giây phút thư giản như giữa tháng 4, 2009 tôi được thưởng thức hai buổi trình diễn ca nhạc tại phòng ăn của khách sạn ROYAL Hotel do hai ban nhạc rất đặc sắc về hình thức và nội dung. Ban nhạc thứ nhứt gồm 4 nhạc công, 2 ca sĩ da đen với nhiều nhạc cụ khác nhau. Họ trình diễn vào những ngày cuối tuần những bài hát lưu hành trong xứ Liberia. Phong cách trình diễn thanh nhã như nhạc thính phòng không kích động hoặc ồn ào như ở các xứ đen khác. Ban nhạc thứ hai gồm ba người da trắng với 3 cây guitars vừa đàn vừa hát suốt hai giờ vào chiều thứ năm mỗi tuần. Họ hát nhiều thể loại nhạc Mỹ từ rock, jazz, blue…Thực khách tán thưởng nồng nhiệt. Nét đặc biệt của ban nhạc thứ nhì là phong cách tài tử của ba quân nhân cao cấp biệt phái từ quân lực Hoa Kỳ vào lực lượng Liên Hiệp Quốc trấn đóng ở Monrovia. Họ mặc thường phục nên không ai biết họ mang cấp bậc nào.
 
Tôi quen biết một trong ba ca sĩ tài tử này trong buổi tiếp tân tại nhà của đồng nghiệp. Bạn được yêu cầu hát liên tục hơn 10 bài. Bạn thấy tôi có hát theo vài bài của bạn, nên yêu cầu tôi thử hát một bài nhạc Việt. Không thể thối thóat. Nhớ lại mình có bài tủ từ thuở xa xưa do ba ca sĩ Phan Công Tòan, Nguyễn Đình Hải, Bùi Hữu Chí hát ở Bảo Lộc. Cầm lấy cây guitar của bạn, với giọng vịt cồ của người đi vào vùng tuổi thất thập cổ lai hi, tôi trình làng bài “Nắng Lên Xóm Nghèo”. Không ai hiểu lời nhưng tiếng đàn và nhịp vỗ cha cha cha vào than đàn cũng cho người nghe âm hưởng tân nhạc Việt. Bạn vỗ tay tán thưởng : very good! Bạn yêu cầu tôi lên sân khấu với ban nhạc của bạn lần trình diễn tới. Biết tài ca hát cuả mình hạn hẹp tôi nói chỉ muốn làm người nghe hơn người hát.  Chúng tôi thay phiên kể nhiều mẫu chuyện đường xa. Khi từ giả, ca sĩ tài tử này đưa cho tôi cái danh thiếp đề tên Colonel Christopher Holshek, Chief of Civil-Military Coordinator, của lực lượng Liên Hiệp Quốc.
 
Ăn uống thì sao. Chắc chắn không có cơm chỉ hay phở nạm gầu tái sách. Các khách sạn đều có đầu bếp thiện nghệ. Nước suối trong chai có khằn làm chuẩn thì không lo bị Tào Tháo đuổi. Đi công tác vào nội địa thì sao. Không có khách sạn nhưng nhà vãng lai của các NGO’s phần lớn có internet liên lạc với thế giới bên ngòai. Dọc đường cần thãi chất dư thừa trong người: trời đất rộng thênh thang tha hồ ở vị thế nào cũng được. Chỉ bất tiện cho nữ đồng nghiệp phải tìm một chỗ khuất trong khoảng trời đất mênh mông này. Cái cell phone cá nhân phải nhớ cho charge điện thường xuyên để phòng thân khi hữu sự. Tuy không có người ôm bom chờ sẵn ở đâu đó, càng ít đi bộ lòng vòng càng ít gặp quấy nhiễu. Nước này chỉ nhận cash. Travelers cheques, credit cards bỏ vào valise để dành mang về nhà. Mang một cọc cash chỉ mang họa vào thân. Trả trước tiền phòng 6 tuần liền tù tì cho chắc ăn. Đó là bối cảnh làm việc trong 6 tuần lễ của tôi.
 
Còn nhiều chuyện tạp ghi đường xa khác, viết nhiều quá anh Chào sẽ cự nự nên tôi xin ngưng ở đây. Thăm và chúc mọi điề lành đến quí anh chị em trong Hội.
 
Viết tại Monrovia ngày 22/4/2009
Phạm Thanh Khâm

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851755 visitors (2209100 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free