TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Ly rượu mừng
 

LY RƯỢU MỪNG
 
   Mỗi độ sắp xuân về, giữa cơn gió lạnh còn sót lại của những ngày cuối đông, lòng người chợt nghe vương vương một nỗi buồn nao nao chợt nhớ lại những mùa xuân xưa trở về trên những chậu hoa vạn thọ tươi thắm, cúc vàng rực rỡ, mồng gà đỏ thắm, những cây tắc kiểng no tròn bụ bẩm trái căng chín mọng… Và hơn thế nữa những cánh mai vàng nở rộ trong nắng xuân ấm áp. Đẹp kiêu sa đến nao cả lòng người. Hương xuân thanh thoát, tình xuân nồng nàn. Cho dù có ơ thờ cách mấy mùa xuân cũng đến bên mình để nhuộm hồng đôi má cô gái xuân thì, làm rạng rỡ nụ cười trẻ thơ. Người ta vẫn cho rằng mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, khi những mầm lá non vừa nhú trên cành lộc biếc là một sức sống mới bắt đầu.
   Đứng trước cửa giao mùa người có chút xao lòng khi nhớ về những dâu bể của năm tháng qua, tình cũ phai nhòa, bạn bè người thân có người ra đi không bao giờ trở lại… Một thoáng ngậm ngùi khi nhớ những chiều xuân năm xưa, khi mái tóc còn xanh, tâm hồn còn mênh mang nét hồn nhiên tuổi trẻ. Xôn xao mong đợi từng ngày để đón tân niên, trao nhau lời chúc đầu năm, mời nhau miếng mức thâm tình, ly rượu nồng ấm… Và cùng nhau cất lên khúc hát mừng xuân rộn ràng:
   Ngày Xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi…
   Bằng nhịp valse sôi nổi, Từ năm 1955, bản nhạc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lần đầu tiên được đăng trên số báo Tết Đời Mới xuất bản tại Sài Gòn đã trở thành một khúc hoan ca không thể thiếu trong những buổi tiệc tân niên, người ở xa quay bước trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, khi bạn bè thân hữu gặp gỡ trong ngày họp mặt đầu năm với gia đình. Người ta tạm quên đi những bon chen nhọc nhằn của đời sống và cùng nâng ly rượu chúc mừng năm mới:
   Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
   Người thương gia lợi tức
   Người công nhân ấm no
   Thoát ly đời gian lao nghèo khó…
   Tiếng hát hòa lẫn vào niềm mơ ước chung giản dị cơm no, áo ấm của con người:
   Á… a… a… Nhấp chén đầy với chúc người người vui…
   Á… a… a… Muôn lòng xao xuyến duyên đời…
   Có gì vui hơn nữa khi lòng người tràn ngập niềm vui, khi mối duyên thắm trở thành vĩnh cửu dưới mái ấm ngôi nhà se se mùi mứt tết ngọt lịm bên bếp lửa hồng. Người phụ nữ khéo tay lựa từng hột nếp tím, ủ men làm ly rượu cẩm cay nồng để:
   Rót thêm tràn đầy chén quan san
   Chúc người binh sĩ lên đàng
   Chiến đấu công thành
  Sống cuộc đời lành
   Mừng người vì nước quên thân mình…
   Mùa xuân không chỉ đơn thuần trong tình yêu tuổi trẻ. Nó còn bao la hơn nữa đó là tình yêu quê hương, đất nước. Người trai trẻ bỏ lại hết niềm vui sau lưng, người thân yêu nơi chốn quê nhà, bước lên đường để làm nhiệm vụ. Giữa hoan khúc rộn ràng của nhịp xuân, tiết tấu bài hát chợt nhẹ nhàng hẳn đi khi nói về người mẹ già đang mòn mỏi trông chờ người con phương xa:
   Kìa nơi xa xa, có bà mẹ già
   Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
   Chúc bà một sớm quê hương
   Bước con về hòa nỗi yêu thương…
   Quê hương của mẹ có mái nhà tranh khói lam chiều tỏa ấm. Chậu cúc vàng nở rộ bên hiên nhà. Gốc mai già cha đã tỉ mỉ ngắt từng cọng lá để chờ đúng giao mùa nở tung cánh diệu kỳ. Đêm ba mươi tết có em ngồi trông nồi bánh tét nhớ về anh thiết tha trìu mến. Mùa xuân tươi vui là mùa xuân sum họp gia đình, bạn bè thân thiết. Mong anh trở về cùng em bên bếp lửa hồng, cho mắt mẹ thôi lệ nhòa, rạng rỡ niềm vui đoàn tụ:
   À… a… a… a… Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
   À… a… a… a… Chúc mẹ hiền dứt u tình…
   Nụ cười đã trở về bên môi mẹ già, vòng tay mở rộng chờ đón người yêu bao năm dài biền biệt. Tiếng hát vang vang, nụ cười rộn rã của người thanh niên làm ấm áp mái tranh nghèo thiếu bàn tay con chăm sóc. Nguyện ước cho quê hương thanh bình, cho tình yêu đôi lứa đơm hoa kết trái như đôi chim non ríu rít đang mớm mồi cho nhau trên cành lộc biếc:
   Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
   Xây tổ ấm trên cành yêu thương…
   Lời chúc Tết càng rộn ràng hơn nữa trong những nụ cười viên mãn, tiếng cụng ly mời chào thân thiết của bạn bè. Người ta hát những bài ca vui, đọc những vần thơ hay của người nghệ sĩ trau chuốt gửi tặng cho đời. Người nghệ sĩ cầm bút lên để viết về mối giao cảm theo mùa. Đêm xuân rạo rực, hồn xuân tươi thắm. Sức sống của cả năm dường như đang bắt đầu từ những giây phút thiêng liêng, vô hình lan theo làn khói hương trầm nghi ngút. Người ta khai bút đầu năm bằng những ý xuân nồng nàn mong cho tình xuân luôn tươi trẻ:
   Nào cạn ly mừng người nghệ sĩ
   Nét thi ca chấm phá tô lên đời mới…
   Giữa giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa, bao nhiêu tị hiềm đắng cay chợt biến mất. Có những khuôn mặt tưởng như bị chìm vào quên lãng nhưng giờ đây chỉ trong khoảng không gian vô tận của phút giao mùa, chợt hiểu, ánh mắt đó, nụ cười đó, vẫn còn tồn tại mãi trong tâm trí không nguôi:
   Bạn hỡi vang lên
   Lời hứa thiêng liêng
  Chúc non sông hòa bình
   Ngày máu xương thôi tuôn rơi
   Ngày ấy quê hương yên vui
   Đợi anh về trong chén tình đầy vơi…
   Niềm mơ ước thanh bình trong Ly Rượu Mừng chính là lời chúc chân thành của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Mơ ước của người nhạc sĩ đã trải qua bao nỗi thăng trầm. Lời nhạc giản dị, điệu nhạc rộn ràng. Người nhạc sĩ thiên tài đã viết về niềm mơ ước rất chung của bao người trong những nốt nhạc thiết tha. Không đơn giản chỉ là một nỗi niềm riêng tư dành cho anh, hay cho em, mà còn có bóng dáng của quê hương đất nước trong thời ấy:
   Nhấc cao ly này
   Hãy chúc ngày mai sang trời tự do
   Nước non thanh bình
   Muôn người hạnh phúc chan hòa…
   Cuối cùng, niềm mơ ước đã được dâng lên cao vút trong phần kết thật tròn trịa tràn đầy gửi đến mọi người, mọi nhà:
   Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
   Hương thanh bình dâng phơi phới.
   Điệu nhạc ấy, lời nhạc ấy đã khiến Ly Rượu Mừng trở thành bất tử theo thời gian dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Người nhạc sĩ thiên tài nay đã khuất, nhưng mỗi khi xuân về, nếu chúng ta cùng nắm tay nhau cất lên khúc nhạc mừng xuân, hãy nhớ về ông, hãy nhớ về những người bạn, người thân đã ra đi… với lòng tha thiết cho một tình yêu thiêng liêng chân thành, vĩnh cửu.
            
Nguyễn Văn Tạo ngày 03/03/2011
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780405 visitors (2069720 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free