TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Đường đời oan nghiệt
 
Lên mạng ngày 7/11/2011

ĐƯỜNG ĐỜI OAN NGHIỆT
 
Từ ngày gặp lại bạn học cũ Thu-Thủy của thời thơ ấu, mà tôi có dịp kể trong chuyện “Dưới bóng cây ô môi”, chúng tôi trở nên thân thích. Chúng tôi thường tâm sự với nhau hàng giờ qua điện thoại hay Yahoo Messenger. Sau khi biết rõ gia đình bạn, tôi khen ngợi bạn có môt gia đình hoàn hão và tràn trề hạnh phúc. Con cái thành đạt vẽ vang, anh chị tuy không có sự nghiệp đồ sộ nhưng khã dĩ bảo đảm tuổi già an lạc bên con cháu mà không bám vào các con. Tôi tưởng những lời khen chân tình làm bạn hài lòng, không ngờ tôi giật mình khi nghe Thu-Thũy nói “Thu ơi, có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Người ngoài nhìn vào thì đúng gia đình mình thật lý tưởng, chồng vợ cha mẹ con cái thương yêu tha thiết, ai ai cũng cố gắng vươn lên trong xã hội mới. Nhưng Thu có thễ nghĩ rằng mình và anh Việt đã suýt mấy lần ly dị?”. Tôi sững sốt, không dám hỏi thêm vì tế nhị. Đúng vậy gia đình nào cũng có vấn đề, ai giữ kín giỏi thì người ngoài không biết.
          Như là một dịp để trút hết nỗi khỗ tâm, Thu-Thủy kể cho tôi biết hết những dằn vặt đời nàng trong suốt 36 năm qua, kễ từ khi đến Hoa Kỳ. Tôi lắng nghe bạn tâm sự, không một lời chen sợ làm đứt dòng tư tưởng của bạn.
- Thu biết không, những năm đầu tiên của hai đứa mình trên đất Mỹ đầy cam go, tương lai mờ mịt. Phần con còn nhỏ, rồi sau này mình còn sanh thêm hai cháu nữa. Về nghề nghiệp, ở nhà mình là cô giáo dạy Anh Văn, sang đây thì có thằng Mỹ khùng nào mướn mình dạy tiếng Mỹ cho nó. Mình còn biết có nhiều ông giáo sư đại học dạy Anh Văn ở nhà sang đây phải đổi nghề khác, có người làm chân tay, huống hồ chi mình. Còn anh Việt thì thương tật mất bàn tay trái, có ai ngu mướn ảnh làm công nhân hay bất cứ công việc tay chân gì. Toàn là bế tắt. May là lúc đó, chương trình giúp người tị nạn rất quãng đại, giúp đở mọi người đi học để có nghề vững chắc. Vì con nhỏ, và gia đình mình cần có tiền càng sớm càng tốt, nên mình hy sinh, đi học nghề thợ cắt tóc hair dressing, còn anh Việt phải vào đại học để tương lai tốt đẹp. Mình phải hy sinh tất cả vì tương lai của chồng, nhất là các con phải ăn học đến nơi đến chốn. Đó là mục tiêu phải đạt dầu tụi mình có gặp khó khăn bao nhiêu. Vì chỉ có một mình tạo ra tiền trong nhiều năm trước khi anh Việt tốt nghiệp kỹ sư và cao học, tụi mình phải dè xẻn tiền bạc lắm. Nhưng gia đình anh Việt không hiểu như vậy. Ở nhà cứ nghĩ là ở Mỹ ai cũng giàu, dễ dàng như đi lượm lá rụng mùa thu, nên làm khổ tâm mình và anh Việt rất nhiều.
Tôi chen vào câu chuyện: “Hai Bác không biết chuyện ở Mỹ thì cũng được, còn Tố-Uyên thì sao?”.
- Như Thu biết, ngày xưa Tố-Uyên là người bạn tốt. Khi còn ở Việt Nam thì cô ta vẫn là cô em chồng dịu hiền, mặc dầu cảnh “chị dâu em chồng” xoi bói nhau vẫn thường xảy ra ở nhiều gia đình khác trong xã hội Việt Nam. Nhưng sau 75, Tố-Uyên đã đỗi khác. Vì quá khỗ cực, lương cô giáo ít ỏi mà lại dạy môn Việt Văn truyền bá văn chương ngụy không hợp thời, không thấy tương lai, Tố-Uyên bỏ dạy về Cần Thơ sống với ba má anh Việt, và buôn bán sống từng ngày. Nghề buôn đâu có thích hợp với nghề dạy học nên bị thua lỗ, bị lường gạt. Ngoài ra, không chồng không con và từ cái bối cảnh xã hội đỗi đời  đó mà cô ta càng ngày càng đỗi tính. Tụi mình đầu tiên có gởi tiền về để có vốn làm ăn. Về sau, cô ta đòi hỏi tiền bạc ngoài khã năng cung cấp của tụi mình, làm mình rất bực mình, và mình yêu cầu anh Việt viết thơ nói rõ hoàn cảnh khó khăn của tụi mình. Nhưng Tố-Uyên không hiểu như vậy, cho mình là người cản việc gởi tiền về nhà, mình là người ích kỹ, không biết cái khỗ của cha mẹ anh em ở nhà, làm mình như là người tạo ra cái khỗ cùng cực cho mọi người. Rồi Tố-Uyên so sánh với người khác, rằng anh X vốn là binh nhì, không ăn học, lại gởi tiền về cha mẹ xây nhà lầu, rằng chị Y bán rau ở chợ Cái Răng bây giờ giàu lắm, gởi tiền cho đứa em sắm xe xịn, v.v. Đôi khi cô ta còn dạy đời là phải biết sống có đạo đức, phải biết thương yêu đùm bọc, v.v. Cứ mỗi lần nhận một cái thư như vậy, mình và anh Việt đã gây gỗ nhau không biết bao nhiêu lần. Có nhiều lần vì thương em ảnh bênh Tố Uyên, càng làm mình thêm tức tối và đau khỗ. Rồi sau này, khi anh Việt có công ăn việc làm Tố-Uyên không còn coi mình ra gì nữa, cái gì cũng anh Việt cả. Tố-Uyên bấy giờ chỉ nhìn thấy những tính xấu của mình, mà đó là tính của người mẹ hiền phải ưu tiên lo cho tương lai đàn con, như con gà mẹ tục tục gọi con đến ăn khi tìm ra vài hạt gạo và sẳn sàng chiến đấu với gà khác đến cướp hạt gạo ít ỏi của mình tìm ra. Tố-Uyên đã quên rằng mình đã hy sinh cuộc đời để lấy một phế nhân như anh Việt. Mình học cao hơn anh Việt, mình có sắc đẹp chứ có xấu xí gì, mình có đủ điều kiện để có một ông chồng giàu hay tài giỏi, nhưng mình đã từ chối tất cả, vì mình vừa yêu vừa thương hại anh Việt. Anh Việt bây giờ có bằng cấp quản trị sau đại học (MBA) và có chức phận trong công ty. Tố Uyên chỉ biết anh Việt là người tài ba, là người tạo ra tiền, nhưng không biết rằng chính mình đã hy sinh để anh Việt đạt điều đó. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, mình khuyên anh Việt tiếp tục học lấy bằng cao học để tương lai tốt đẹp hơn. Thế là mình phải tiếp tục nhịn nhục cho ba con và chồng ăn học. Tuổi xuân của mình qua mau, không dám mua một bộ quần áo mới cho mình, nhưng chồng con lúc nào cũng rạng rỡ ngoài xã hội. Tố- Uyên không thấy những tính tốt của mình mà chỉ thấy cái xấu mình. Mà ai chẳng có tính xấu, nhân bất thập toàn mà.
Tôi thầm phục Thu Thủy, và khen bạn có nhiều nghị lực phấn đấu vượt mọi khó khăn để đạt mục tiêu của mình. Tôi hỏi bạn cái bí quyết nào để có nghị lực như vậy. Có lẻ để đưa câu chuyện qua một hướng khác, vui hơn là gợi lại quá khứ khỗ hận, Thu-Thủy hỏi tôi:
- Thu, bồ có đọc Tây Du Ký không?
- Dĩ nhiên hồi nhỏ ai mà chả thích đọc chuyện Tề Thiên Đại Thánh. Mới đây, trên đài truyền hình Anh cũng có phim Tề Thiên Đại Thánh của Hồng Kông, và phim hoạt họa của Nhật, mình và mấy đứa nhỏ xem thích thú lắm.
- Nhưng bồ có rút ra được triết lý nào để hành xử trên đời không?
-Thì mình xem để giải trí chứ thấy triết lý triết học gì đâu. Mà môn triết học thì mình dở ẹt có bao giờ được điểm cao khi đi học.
- Mình thì ngược lại – Thu Thủy nói – nó giúp mình nghị lực để vượt mọi khó khăn. Mỗi lần vợ chồng mình gây lộn thì mình nghĩ đến Đường Tam Tạng. Tam Tạng là một người yếu đuối, không có tài năng gì cả, nhưng có một ý chí mãnh liệt vô song, là dầu gặp bất cứ gian nan nào ngài cũng ráng vượt qua để đến xứ Thiên Trúc xa vạn dặm, đầy hiểm nguy thỉnh kinh. Ngài đã trải qua 81 nạn do yêu tinh quấy nhiễu nhưng không làm chùn bước ngài. Đó là cứu cánh của ngài, mang kinh Phật về truyền bá ở Trung Nguyên tức nước Tàu. Vì là người tu hành, yếu đuối, bất tài, ngài cần 4 nhân vật theo hầu. Đó là Bạch Long Mã, Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Ngựa trắng Bạch Long Mã giúp ngài vượt đường xa, đầy đèo cao núi thẩm.
Tề Thiên Đại Thánh thì tài trí thập toàn, có phép thuật thần thông, với 72 phép biến hóa, có phép đổi hình thay dạng, có mắt nhìn thấy được yêu tinh giả dạng, có cây thiết bản dùng đập yêu quái nhưng đồng thời có thể thu nhỏ thành cây kim máng vào mang tai, có thể bay lộn trên mây xa vạn dặm trong nháy mắt, và lại trường sinh bất tử. Vì tài cao trí rộng, Tề Thiên trở nên ngang tàng, dương dương tự đắt, không coi trời phật ra gì, mấy lần đại náo thiên cung, một mình đánh bại mấy vạn thiên binh. Nhưng “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, “võ quit dày thì có móng tay nhọn”, vì quá tự cao tự đại nên bị mắc mưu của đức Phật, không bay ra khỏi lòng bàn tay mà bị Phật túm lấy dùng núi Ngũ Hành Sơn đè lên, sau 500 năm mới được tha tội để phò Tam Tạng đi thỉnh kinh.
 
 
Tề Thiên, Sa Tăng, Tam Tạng và Trư Bát Giới
 
Trên đời này không ai vẹn toàn cả, Tề Thiên cũng thua trận nhiều lần, phải cầu cứu tới đức Phật. Tề Thiên chỉ giỏi chiến đấu trên mặt đất, chứ không có khả năng thủy chiến. Mỗi khi đánh với yêu tinh dưới nước thì phải nhờ tài thủy chiến của Trư Bát Giới và Sa Tăng, để khi yêu tinh chạy lên bờ,  lúc này Tề Thiên mới xử dụng gậy thiết bản đập chết. Cũng vì quá tự đắt, muốn làm gì thì làm, không có kỹ luật, nên Phật mới tròng vào đầu Tề Thiên một vòng “Kim Cô” để Tam Tạng có thể khống chế, điều khiển. Chỉ cần đọc một câu thần chú thì vòng kim cô siết chặt đầu Tề Thiên, gây đau đớn khủng khiếp.
          -Thế còn Trư Bát Giới và Sa Tăng thì sao?. Tôi xen vào.
          -Trư Bát Giới là cốt con heo mang tất cả tính xấu: biếng nhác, tham ăn, ham sắc dục, nói xấu, ganh tị, vì vậy lúc nào cũng gây khốn đốn cho Tam Tạng trên đường thỉnh kinh. Tuy nhiên Trư Bát Giới cũng có các phép thuật siêu nhiên, có 36 phép biến hóa thần thông, tài giỏi thủy chiến, nên cùng với Tề Thiên và Sa Tăng phò Tam Tạng thành công. Còn Sa Tăng có 18 phép thần thông, là một nhân vật siêng năng, cần mẫn, nhưng ba phải, thiếu lập trường, không dám nói sự thật để chống lại những thói xấu tật xấu do Trư Bát Giới gây ra mà đôi  khi còn hùa theo.
          -Tóm lại, Thu-Thủy tiếp tục, 4 nhân vật theo phò Tam Tạng là 4 bản chất của con người. Muốn thành công, trước nhất con người phải có sức khỏe tốt như Bạch Long Mã. Thứ nhì phải có tài trí như Tề Thiên Đại Thánh  nhưng phải biết khiêm tốn, tự kiềm chế qua vòng kim cô tức cần lý trí và lương tâm, phải có lập trường vững chắc chứ đừng như Sa Tăng. Đức Phật đặt tên Tôn Ngộ Không hàm ý rằng dầu là cốt khỉ nhưng phải “ngộ” cuộc đời là “sắc sắc không không”. Bản  chất con người đầy dục vọng như Trư Ngộ Năng nên đức Phật đặt lại tên là Trư Bát Giới có nghĩa là phải hạn chế 8 điều xấu:không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, và ăn chay”.
- Mình thích chuyện Tây Du Ký ở triết lý nhẹ nhàng, không có áp đặc giáo điều như các tôn giáo. Mình và anh Việt thường hục hặc, có lúc mình nghĩ là phải ly dị, mạnh ai nấy sống, nhưng nghĩ đến tương lai các con mà mình nhẫn nhịn. Mà thật ra cũng không phải lỗi của anh Việt, mà do cách biệt xã hội, văn hóa  Đông Tây, thiếu thông tin nên khó có sự thông cảm giữa người  trong nước và ngoài nước. Ngày trước, có lúc mình thật buồn, vì anh Việt đôi khi hành xử như Sa Tăng không công bằng với mình. Nhưng con người mà! Mình hy vọng rằng, với thời gian, mọi ngưởi sẽ cảm thông nhau hơn, sẽ thấy ở mình cũng có những đức tính tốt chứ không hoàn toàn tính xấu như họ nghĩ trước kia.
Tôi lẵng lặng nghe Thu-Thủy tâm sự và bình giảng chuyện xưa. Khi lớn tuổi, phần đông người già tìm an lành ở tâm linh qua tôn giáo, nhưng Thu-Thủy lại có một triết lý khác để sống và hành xử trên đời. Triết lý thì  không mang tính giáo điều áp đặt.  Đó là điều làm tôi phục nàng.
 
Reading, 11/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855403 visitors (2218373 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free