TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Một chuyến đi
 
Lên mạng ngày 11/11/2009

Rach Binh Thuy, Can Tho


Một chuyến đi
Mãi đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được là chuyến đi hay chuyến về. Đi đâu? về đâu??
Chỗ nào che chở được với nắng mưa thì chỗ ở đó là nhà, chỗ nào không thể tồn tại được thì làm sao gọi là nhà?? Nơi tôi đã từng sanh ra và cũng là nơi từng bỏ chạy trốn. Mâu thuẩn thì thôi, khi chính mình hiểu rành mạch chỗ nào là chổ ở của mình. Nhưng sau bao nhiêu biến đổi, thăng trầm của đời ngươì…đi hay về cũng chỉ cùng một ấn tượng tương đối với tôi. Ấn tượng nầy sống với tôi bao lâu nữa, để lòng mình không còn nhầm lẫn để bảo rằng đi hay về. Nơi nào mà tôi sống và làm quen với phần nào của trái đất, nơi ấy được gọi là nhà.
Miên man trên chiếc phi cơ hàng không dân sự, sau 14 giờ lặng hụp trên những tầng mây bạc, chiếc phi cơ đã hạ cánh xuống miền trái đất tôi đã sanh ra…không phận Việt Nam.
Bây giờ là 10 giờ đêm Sài Gòn. Trời cuối năm, hơi ẩm ướt, cái nóng vẫn còn hừng hực sau một ngày chói chang, tuy nhiên tôi vẫn cảm nhận trời đất đang chuyển mình bước sang một ngày mới, với một chút gió lơ là.
Sài gòn chưa bao giờ đi ngũ, lúc nầy là giờ thức để tiêu tiền của những người giàu có trong xã hội mới, và cũng là lúc thức để kiếm tiền của những kẻ nghèo vì phải phục vụ trong bar, hàng quán để đổi lấy miếng ăn. Xe cộ dập dìu, đủ màu sắc. Chiếc xe van chở bọn tôi đi lướt qua bao nhiêu khu phố để rời thành phố đông người ngột ngạt, khói bụi.
Hồn tôi đã lạc vào cảnh giới nào chẵng biết, cứ như ngây dại chìm vào giấc ngủ, ngất ngư như sóng biển trong suốt đoạn đường về quê…
Nghe văng vẳng tiếng anh tài xế bảo, bà con xuống xe qua bắc Cần Thơ nhe…
Bên kia bờ là quê tôi, dòng sông nầy đã nuôi tôi khôn lớn, cũng dòng sông nầy đã tiển  chân tôi, cũng dòng sông nầy đã mang tôi trỡ lại. Tôi làm sao quên được cuộc đời mình gắng liền với dòng sông Hậu. Có lúc cũng muốn quên, nhưng vì giận mà quên chứ không phải ghét mà quên. Có lúc tôi cho rằng có lẻ dòng sông quá vô tình…lúc hận, lúc yêu, lúc là phương tiện, lúc là chướng ngại, ngăn…đôi bờ. Có lẻ tại lòng người…
Bây giờ trời đã tờ mờ sáng. Sài Gòn cách Cần Thơ chỉ 168 cây số. Thế mà phải mất cả buổi để tới lui, nhưng có khi mất cả đời để dân Cần Thơ hiểu được đời sống của dân Sài Gòn và ngược lại.
Quê mình, các thành phố không cách nhau xa lắm, thế mà đời sống và văn hoá cũng khá cách biệt. Dân Sài Gòn không tình cảm bằng dân các tỉnh, con gái Sài Gòn phớt tỉnh hơn con gái miền Tây. Nhìn con gái miền Tây muốn nhìn hoài không chán, dù không sắc sảo bằng. Không biết trong ánh mắt đó có chứa đựng ẩn khuất gì mà “có người” đã mất một đời tìm hiểu vẫn chưa ra câu trã lời nào ngã ngủ. Có người đã nhìn ai đó ở miền tây một lần, mãi sau 40 năm mà vẫn chưa quên. Bởi thế họ vẫn còn ở mãi bên nhau để tự mình dấn thân và “khám phá”…!!! (dù cô ta không phải là Hoa Hậu).
Trời tờ mờ sáng, thế mà phà Cần Thơ đã chật cứng với khách địa phương qua lại, giới lao động là chủ chốt trên chuyến phà sớm nầy, họ vật lộn với không gian và thời gian, sao cho kịp giờ giao hàng ra chợ. Kẻ đứng, người ngồi trong tư thế chờ đợi. Con phà nặng nề hướng đầu qua bên kia bờ một cách mệt mỏi.
Nước sông đục ngầu, có lẻ đất cát phù sa đã lẫn vào dòng sông như định mệnh tự bao giờ, màu nước sông vẫn một màu đỏ ngầu muôn thuở. Những dề lục bình lang thang trôi dạt không biết về đâu. Có lẻ đời mình không khác những cụm lục bình kia, tan hợp theo dòng nước, lúc đi lúc về, và có lẻ ngay lúc đi cũng chính là lúc về chăng???
Quê tôi đây rồi, Cần Thơ đang trỡ mình thức dậy sau cơn ngũ vùi của đêm dài, những người bên nầy bờ, nhìn ai cũng thân quen, thân quen đến đổi như nhìn lại chính người thân của mình ngày nào.
Đến bến xe mới, bến xe nầy là nơi trạm xe hành khách SG & Cần Thơ và khắp nơi của lục tỉnh. Nơi nầy cũng đánh dấu mổi lần đi xa. Lúc còn bé, mổi lần theo má đi xa, tôi vẫn còn nhớ, bà thường chọn chiếc xe nào chạy chậm và an toàn. Bà vẫn không quên nhắn nhủ nhiều lần cùng bác tài. Thế mà má tôi lần nào cũng giống như mọi lần, bà vẫn không yên tâm khi bác tài nào cũng vẫn hứa, thế mà làm bà muốn lọt tim ra ngoài…
Chiếc xe van rẻ phải hướng Bình Thuỷ. Qua lộ 19 và lộ 20…nơi đây là khúc quanh của cuộc đời. Trường Nông Lâm Súc nằm bên trái dọc theo quốc lộ liên tỉnh, cạnh lộ 20. Mái trường xưa vẫn còn ngũ yên bất động. Một thời học viên ở trường, sống và làm quen với dân địa phương như ngươì hàng xóm. Họ đến từ khắp nơi của các tỉnh lân cận. Sau ngày ra trường họ dọn về chốn nào đó và định cư hẵn, như chưa từng biết đến trường NLS Cần Thơ, như chưa bao giờ mặt chiếc áo nâu ngày nào. Bây giờ còn xa hơn nữa, những người như tôi, đã từng ngồi cùng ghế nhà trường, khó mà tưởng tượng được, ngày nào đó mình đi ngang đây và nhìn vào như một người khách lạ. Vâng, lạ lắm bạn ơi, còn gì nữa mà không lạ. Đã hơn bốn thập niên rồi, những thư sinh ngày nào bây giờ tóc bạc phơ. Mái trường xưa phô bày bên dãy mặt tiền văn phòng có cột cờ phía trước, bên trái là một căn nhà hai tầng, có cầu thang hai bậc bên ngoài, bên phải hun hút sau hàng dừa nhỏ có cái cầu bắt ngang mương để qua dãy lớp học, đường dẫn vào có mấy cây bạch đàn. Dưới hàng mương chạy dọc theo đó, thẩn thờ đây đó mấy con cá thòi lòi phóng trên mặt nước. Hình ảnh nầy là biểu tượng chăng? Không những hình ảnh quá tầm thường thuở xưa đã không bảo giờ là biểu tượng của trường xưa, nhưng chúng vẫn nằm đâu đó trong tim người. Nếu cần thì chúng nỗi dậy như đóm than hồng bị phủ bởi lớp bụi tro mờ. Thời gian chẵng có vô tình với ai bao giờ, có lẻ nó đẹp và bền vững, vì chưa bao giờ dám kiêu ngạo với ai. Còn những thứ khác được thiên hạ dựng lên như một biểu tượng duy nhất độc đáo, có lẻ thời gian rồi họ sẽ quên. Vì nó không phù họp với thiên nhiên. Không giống như lâu rồi không còn nghe tiếng mẹ hiền đong đưa bên võng kẻo kẹt, nhưng biểu tượng dân gian hiền lành kia làm sao mà biến mất theo thời gian được.
Vi vu theo tiếng gió, trong chốc lát, chúng tôi đã đến Bình Thuỷ. Nơi đây, Đại Thần Nguyễn Trung Trực, trước kia ngài đã tránh sóng gió ngoài sông cái và dừng quân chốn nầy. Thấy mặt nước phẳng lặng, ngài đặt tên nơi đây là Bình Thuỷ. Ngay cạnh dốc cầu, ẩn khuất trong hàng cây và đường mòn dẫn đến bờ sông, Chùa Nam Nhả toạ lạc nơi đây kể từ cuối thế kỷ 18. Chùa Nam Nhả theo phái Nam Tông (Trung Quốc). Khởi công xây dựng khoản năm 1911 và hoàn tất năm 1917. Nơi đây, những sỉ phu thời bấy giờ tụ tập để chống Pháp, trong đó có các thời kỳ Phong Trào Đông Du. Ngoài ra cụ Bùi Hữu Nghĩa và con trai là Cụ Bùi Hữu Sanh là một trong những vị chơn tu thời bấy giờ.
Ông bà tôi đã tu ở chùa nầy đã bốn đời. Cho đến khi tôi ra đời thì mái ngói đã rêu xanh, tường đã mụt, những cây trắc bá diệp có muồi hương cong queo đã trơ mình hàng thế kỷ vẫn còn đứng trước chùa. Trên tường cửa ngỏ có mấy hàng liễng mà người xưa cố ý gởi gấm cả một sự nghiệp giải thoát của mình vào mấy hàng chữ nho như sau:
“Hàng Long Phục Hổ Thông Huyền, Bất Tất Mịch Bồng Lai”
Hàng chữ trên được giải thích như sau: Hàng phục được âm dương trong người, tức là thông mọi huyền khiếu. Hà tất phải đi tìm bồng lai nữa làm gì???
Hôm nay ngày cuối năm, nắng xuân nhợt nhạt, tan biến theo mây trời, quê tôi lúc nào cũng nắng hay mưa, chúng tôi phải chọn một trong hai thái cực…Phải mà, là người bình thường trong một xã hội, chúng tôi ít có cơ hội để chọn…. ngay cả thời tiết.
Thiên hạ ở đây riết rồi quen, họ quen với đời sống bình thường, bình thường có nghĩa rằng cái tiêu chuẩn nào đó là sự gói ghém của gia đình, chứ không phải nhu cầu tạo ra sản phẩm, mà chính sản phẩm nào đó đã tạo ra nhu cầu cần thiết.
Tôi phải bỏ ra mấy ngày để làm quen với thời tiết, phong tục, thói quen, giờ giấc, ăn uống. Những cái phải làm quen, đáng lẻ ra đấy là những chuyện mà tôi đã từng làm gần nữa đời ngươì trước kia.
Lúc ra đi vô tình đánh mất những thói quen cũ bao giờ mà không hay. Những thói quen ngũ trưa, ăn, nói lớn tiếng ngoài đường, thói quen hay đi trễ, khạt nhổ, xả rác nơi công cộng, “tè” không đúng chỗ, bạo lực với con cái, không xếp hàng trật tự, ăn hàng ngoài vĩa hè, lái xe uống rượu…ăn no không cần ngon, lén hút thuốc lá ngoài lớp học, hay cúp cua đi ciné, thấy gái đẹp hay nhìn, ….chờ mưa xuống đi bắt dế…..và còn nữa….
Bây giờ tôi muốn về quê làm lại từ đầu Tôi muốn bỏ hết tất cả, chỉ chừa lại vài thói quen dể thương thôi, để mình sống lại với chính mình và những người hàng xóm, bạn bè củ thân thương nữa.
Tôi nhớ lắm, nhớ thật nhiều vì cuộc đời mình đã mất quá nhiều rồi, thời gian còn lại của kiếp người không biết có còn đủ để hàn gắng lại những đổ vỡ trong tim mình hay không?
Tiếng chuông chùa Nam Nhả vang vọng khắp xóm nhà mình, ai cũng hiểu rằng, cuộc đời là những chuyện lôi thôi, hãy gát lại chuyện lẩm cẩm để còn tu thân. Để còn thực hiện những chuyện lớn hơn, lợi người, lợi mình.
Lần nầy, đi hay về, đối với tôi bây giờ vô nghĩa, khi chính mình chưa bao giờ thật sự sống, chỉ cần sống một cách hoàn hảo trong từng hơi thở hàng ngày …đi và đi mãi, nhưng dù đi xa đến đâu, thì vẫn quanh quẫn bên cái thói quen, kỷ niệm thời xa xưa khó quên, chạy làm sao cho khỏi chính mình …và có lẻ ngay lúc đi cũng chính là lúc về chăng???
 
NHT

 Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860618 visitors (2231285 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free