TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Về thăm trường cũ
 


 

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ
 
   Mọi việc bắt đầu từ anh Nguyễn Văn Kiềm, một người bạn cùng lớp với Bạch Mai dưới mái trường Nông Lâm Súc Cần Thơ năm xưa. Sau nhiều năm không được tin tức của nhau, rồi đột nhiên vào giữa tháng 7 năm 2010 anh Kiềm tìm tin tức trên mạng Nông Lâm Súc Cần Thơ http://thnlscantho.page.tl/ tìm được số điện thoại của Mai, anh liền gọi về (anh đang định cư ở Mỹ) khiến cho Mai vô cùng ngạc nhiên và xúc động sau hơn bốn mươi năm dài không hề gặp lại vì không biết tin tức của nhau. Một niềm vui khó tả và đặc biệt là giọng nói quen thuộc của anh không hề thay đổi nên mình nhận ra ngay, rồi mặc tình trò chuyện kể lại chuyện xưa thời đi học, rất cảm động, dù chỉ nói chuyện với bạn qua điện thoại.
   Sau đó Mai bắt đầu liên lạc được với ban liên lạc Nông Lâm Súc Cần Thơ mà anh Kiềm cho biết số điện thoại, Mai gọi điện thoại ngay đến anh Lục Hòa để biết thêm tin tức của các bạn cùng lớp của mình hồi học chung ở Nông Lâm Súc Cần Thơ.
   Sau khi được anh Hòa cung cấp số điện thoại cũng như email các bạn (khoảng 10 người). Mai mừng quá nên dành nguyên một buổi sáng để điện thoại thăm các bạn học xưa của mình. Thú vị làm sao, tâm hồn Mai cảm thấy vui hẳn lên. Cùng suy nghĩ với Mai, anh Khởi cũng tìm bạn và có được nhiều niềm vui như mình vậy.
   Ôi! tình bạn bè Nông Lâm Súc của mình sao mà đậm đà, tha thiết quá!
   Sau thời gian liên lạc được với các bạn, Khởi, Mai, Loan cùng bàn bạc và đồng ý về trường cũ (Nông Lâm Súc Cần Thơ) một chuyến để gặp lại bạn bè vào ngày 01/01/2011 theo lời thông báo của ban liên lạc trường, cụ thể là anh Phạm Lục Hòa (bạn học cùng lớp với Mai, Loan…).
   Vì tuổi đã lớn, sức khỏe có hạn nên Mai đề nghị với anh Khởi và Loan đi trước một hôm tức là đi vào ngày 31/12/2010. Mai được chấp thuận ngay và bộ ba chúng tôi: Khởi, Mai, Loan cùng khởi hành về Cần Thơ vào sáng 31/12/2010 lúc 7 giờ 30 phút sáng tại trạm xe Mai Linh ở đường Lê Hồng Phong gần Ngã Bảy để mua vé về Thành Phố Cần Thơ, xe trung chuyển đưa chúng tôi đến bến xe Xa Cảng Miền
Tây để lên xe về Cần Thơ.
   Xe khởi hành lúc 9 giờ sang cuộc hành trình kéo dài 4 tiếng đồng hồ xuyên qua Cai Lậy, cầu Mỹ Thuận, Vĩnh Long, cầu Cần Thơ... và đến Cần Thơ vào lúc 1 giờ trưa, rồi lên xe trung chuyển thẳng về nhà Kim Chi ở Hưng Phú, Cái Răng, Thành Phố Cần Thơ (Kim Chi là bạn học cùng trường và cùng dạy dưới mái trường Nông Lâm Súc Bình Dương).
   Bạn bè lâu năm mới gặp lại nhau nên vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, rất cảm động và chúng tôi được bạn Kim Chi tiếp đón ân cần, vui vẻ, thoải mái, được thưởng thức món đặc sản là lẩu rắn tại nhà Kim Chi.
   Xế chiều, chúng tôi ghé nhà anh Khương và Ánh Tuyết để thăm hai bạn. Sau đó đến nhà Kim Hạnh cũng là bạn học với nhau ở Nông Lâm Súc Cần Thơ ban Công Thôn đang ở Bình Thủy có ông xã là anh Bé học ban Canh Nông, thật vui và xúc động, được đãi món cháo cá lóc rau đắng thật tuyệt vời.
   Tối đến, chúng tôi được Kim Chi đãi một chầu cà phê tại quán Hợp Phố (tại thành phố Cần Thơ) rồi sau đó đi dạo bến Ninh Kiều để hồi tưởng lại kỷ niệm thuở xa xưa; rồi thì chúng tôi trở về nhà Kim Chi bằng xuồng máy băng qua sông Cần Thơ (vì nhà Kim Chi ở bên Xóm Chài), lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Trên xuồng máy chúng tôi rất hồi hộp vì ban đêm màkhông có đèn (mặc dù thời gian ngồi trên xuồng chỉ có 10 phút mà thôi).
   Thế là xong một ngày 31/12/2010, cũng không kém gì đi tour du lịch sông nước miền Tây (cứ tưởng tượng là như thế cũng hoàn toàn đâu có sai đâu nào).
   Sáng hôm sau, ăn sáng xong thì chúng tôi lại băng qua sông Cần Thơ một lần nữa để tiến về Trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Khi đến cổng trường, chúng tôi bồi hồi nuối tiếc vì ngôi trường xưa giờ   không còn nữa, kể cả cái tên gọi hoàn toàn xa lạ không còn ba chữ Nông Lâm Súc quen thuộc mà là Trường Cao Đẳng Kinh Tế Kỷ Thuật Cần Thơ.
   Tại đây, chúng tôi đi rảo một vòng chung quanh trường để tìm lại chút gì hình ảnh cũ, nhưng hoàn toàn không tìm thấy được, kể cả Sóc Lương (nơi trọ của học sinh) trước đây là những mái lá nền đất, nay
Đang là Ký Túc Xá sinh viên rất khang trang.
   Vườn Thủy Lâm cũng không còn nữa. Sau đó, chúng tôi trở về hội trường Cao Đẳng Kinh Tế Kỷ Thuật Cần Thơ để dự buổi họp mặt. Ở nơi đây, chúng tôi được tiếp đón thật ân cần, niềm nở và thật xúc động nhứt là cảnh anh Bá Việt nhìn thật là lâu mới nhận ra anh Khởi, anh liền nhảy chổm lên và thốt nêncâu thật lớn “Mắc dịch mầy Khởi”...
   Rồi chúng tôi vào hội trường dự lễ, chương trình gồm báo cáo tình hình hoạt động trong năm 2010, và hướng hoạt động trong năm tới, sau đó là trình diễn văn nghệ do các bạn cây nhà lá vườn phụ trách, thật linh động và vui nhộn, kế đó, có bốc thăm trúng thưởng và tặng hoa cho giáo viên trường. Buổi họp kết thúc, toàn thể anh chị em đến dự được mời dự tiệc liên hoan trưa tại trường.
   Về dự họp mặt, Mai và Loan gặp được một số bạn cùng lớp là Anh Năng, anh Chánh, anh Cao, anh Đức, anh Luyện, Xinh... Thật vui và thật xúc động. Mai còn được gặp lại người thầy xưa kỳ cựu là Thầy Lê Hiền Lương. Có anh Công về dự (từ Úc về, là cựu giáo sư Nông Lâm Súc Bình Dương). Sau đó anh Công có nhã ý mời chúng tôi về quê của anh nhà tại Xã Định Hòa, Huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp. Sau khi bàng bạc thì chúng tôi đồng thuận và cuộc hành trình bắt đầu sau khi dùng xong bửa ăn trưa tại trường.
   Chúng tôi tới nhà anh Công lúc 3 giờ chiều cùng ngày, rồi ở đó chơi một đêm, tại đây gặp mẹ của anh Công và Kim Huôi em của anh Công là cựu học sinh Trường Nông Lâm Súc Bình Dương. Ở đây, chúng tôi được tiếp đón thật ân cần, hiếu khách đúng theo phong cách của dân miền sông nước Cửu Long.
   Sáng hôm sau, khi ăn sáng xong chúng tôi từ giã bà cụ và gia đình để đi đến bến xe Thị Xã Sa Đéc rồi lên xe về lại Sài Gòn. Chúng tôi về đến nhà lúc 2 giờ 30 phút chiều kết thúc một chuyến đi đầy kỷ niệm, thú vị và quá tuyệt vời. Chúng tôi xin kể lại nơi đây để đánh dấu một kỷ niệm tuyệt đẹp vời nhằm khuyên các bạn nên “Về Thăm Trường Cũ” đồng thời thưởng thức món ngon… như chúng tôi vậy!
   Chào thân ái!
 
Trần Thị Bạch Mai,  Saigon ngày 22/01/2011
V
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852009 visitors (2209712 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free