Lên mạng ngày 30/5/2010
Sau bao năm hạn hán kéo dài, những tháng gần đây trời lại cho nhiều cơn mưa không ngớt. Những đám mây xám thường bao kín không trung từ ngày hôm trước, rồi những trận mưa liên tục đổ xuống, kéo dài qua những ngày hôm sau, đã mang trả lại trên những mảnh đất chung quanh một màu xanh của cây cỏ với nhiều bông hoa nở rộ khắp đó đây. Mưa cũng đã mang lại cho anh những cảm giác thật sự thoải mái trong tâm hồn và…dễ thở biết bao. Buổi sáng hôm nay, trong căn phòng nhỏ, anh yên lặng ngồi nhìn bầu trời xám quen thuộc mà liên tưởng những đám mây đen đang hiện diện trong lòng?
Tiếp nhận một bầu trời tự do dân chủ mới ngay từ những bước chân đầu tiên đầy ngượng ngùng, và sau đó chập chững tiếp thâu một nền văn minh khoa học mới, những người tị nạn như anh sau đó đã từ từ vững bước tiến lên. Hơn ba mươi năm không ngừng đóng góp tất cả trí lực và thể lực vào sự phát triễn chung của nhân loại, thế mà lần đầu tiên trong đời, anh cùng những nhân viên làm việc chung phòng trong bao năm đã được cho nghỉ việc tập thể kể từ ngày hôm ấy. Hãng của anh đang phục vụ đã quyết định đóng cửa phòng nhân viên của bọn, vì không còn ngân sách để nghiên cứu những sản phẩm mới nữa! Anh phát hiện ra là ngày mình bị thất nghiệp lại vào một ngày của tháng tư…đen.
Hôm đó cả bọn được cho về sớm hơn thường lệ. Phần cơm trưa mang theo trong ngày cũng trở lại nhà chung với anh. Mở thức ăn ra bày trên bàn, một mình, nhưng anh không còn cảm giác đói nữa. Bên trong lòng lúc đó là một sự nặng nề và khó thở hơn bao giờ. Anh không biết phải giãi thích thế nào để cho những người trong gia đình không mang nhiều nỗi lo âu? Không biết phải trình bày ra sao với những người chung quanh, khi mà họ tình cờ trông thấy anh ở nhà vào những ngày không phải là ngày nghỉ? Anh cũng biết tình hình chung hiện giờ với nạn thất nghiệp đang hoành hành, và anh cũng chỉ là một nạn nhân trong cả triệu người khác chung quanh. Nhưng trong lòng, anh vẫn chưa chấp nhận được sự kiện đang xãy đến cho mình như thế nầy! Trong lúc nầy! Và tại sao lại phải là anh nằm trong những con số những người kém mai mắn đó?
Buổi chiều anh tâm sự với vợ mình, nàng tỏ ra rất thông cảm và an ủi chồng thật nhiều. Hai đứa con đã trưởng thành và đang ở xa, anh cũng không muốn chúng biết được tình hình, vì cũng chẳng có ích lợi gì cho ai cả. Đêm đến với đầu óc đã quá mệt mỏi, anh đánh liền một giấc tới hai giờ khuya thì lại tỉnh. Buổi sáng nằm yên trên giường vỗ về giấc ngủ vì đêm cứ mãi trằn trọc với nhiều băn khoăn, lo lắng. Nhưng rồi nhìn thấy vợ mình đang chuẩn bị ra cửa, lòng anh lại mang nhiều nỗi bứt rứt, không vui. Anh nghĩ…là đàn ông trong nhà, hiện giờ anh phải là người ra lăn lóc ngoài xã hội để kiếm miếng ăn về cho gia đình! Không thể nằm ngủ thêm được, anh tung chăn trổi dậy, rồi cũng ngồi lại nơi đó ôm đầu suy nghĩ. Cả triệu người đang thất nghiệp ngoài kia cũng đang rối trí điên đầu. Trẻ già đều có, nam nữ thuộc mọi chủng tộc và thành phần khác nhau trong xã hội cũng có. Họ cũng đang ngồi ôm đầu suy nghĩ như anh.
Anh biết là mình không dễ dàng bỏ cuộc! Anh sẽ đi tìm lại việc làm! Nhưng nghĩ đến tuổi đời đã bước qua khỏi con số năm mươi từ lâu khiến lòng cảm thấy chùn bước. Nhưng cũng chưa biết được nếu chưa dám thử thách! Có thể tiền lương mới nầy phải thua thấp hơn trước, mình có đủ can đảm để chấp nhận hay không? Anh lại cảm thấy trong lòng xuất hiện một nỗi đắn đo. Hay là anh cứ làm đơn xin nhận tiền trợ cấp thất nghiệp trước đã, sau đó sẽ đi học lại một ngành nghề gì mới khác rồi sẽ tìm việc làm? Nhưng…liệu bộ não già nua của mình có còn khả năng tiếp thâu một kiến thức mới nào nữa hay không? Những câu hỏi anh tự đặt ra, rồi những nỗi lo âu trong lòng như đêm trước lại tiếp tục đến hoành hành cái thân xác chưa thật sự tỉnh giấc nầy của mình. Ba ngày…sau khi bị thất nghiệp, thời gian đã trôi qua trong lòng anh nặng nề là như thế!
Tuần lễ thứ nhất nhiều mong đợi cũng đã chậm chạp trôi qua với nhiều kỷ niệm. Buổi sáng ngày đầu tháng, anh nhớ là mình đã theo dõi chương trình của một đài Việt ngữ địa phương đang trực tiếp phát hình lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 4. Anh trông thấy rất đông những người đồng hương của mình đang hiện diện chung quanh đấy. Anh nhận ra những người cha, chú, những người mẹ, người chị đang trang nghiêm trong những bộ quốc phục truyền thống, cùng những người em, cháu trẻ tuổi cũng đang gọn gàng trong các loại y phục…Tất cả đều đang làm lễ kỷ niệm ngày của ba mươi lăm năm đã trôi qua. Anh nhớ đến những người cha, nguời mẹ, người chị đã tảo tần trong những năm tháng dài thăm con, nuôi chồng, và mưu tìm tương lai mới cho đám con em còn trẻ dại. Anh tưởng tượng đến những ngày đêm dài thảm não sau đó của họ, trên những con tàu nhỏ mong manh giữa đại dương đầy nguy hiểm; họ đã may mắn thoát khỏi bàn tay hung ác của bọn hải tặc, họ đã vượt qua giông to bảo lớn trên biển cả mênh mông…để đi tìm một tương lai mới. Sau cùng thì tất cả những người ấy đều đã thoát ra được những đám mây đen, cùng trưởng thành, cùng lớn lên, hay già đi theo thời gian, và để rồi cùng hiện diện chung với nhau ngày hôm nay dưới bầu trời của tháng năm đầy nắng ấm.
Anh nhớ đến khoảng thời gian trước đây, chính anh cũng từng trôi dạt trên biển cả bao la không thấy được bến bờ. Anh nhớ đến nhữmg đám mưa đêm trong bầu trời đầy bóng tối đen kịt của những hôm trước, anh đã phải ngồi run rẩy trên nóc phòng lái một mình; thế mà hôm sau thì lòng lại rộn rã hân hoan khi trông thấy được bầu trời của đêm trăng tròn với nhiều sao sáng xuất hiện. Anh trông thấy hình ảnh của một thiếu phụ đang chắp tay cầu nguyện dưới bóng trăng, mà lúc đó anh đã chợt ao ước có được một máy ảnh trong tay. Và anh đã trông thấy những nỗi cơ cực và khốn khổ của những thuyền nhân đang vất vả trên tàu, trong trại tị nạn… mà anh cũng mong có ngày sẽ ghi lại những sự kiện nầy như là một bước ngoặc mới trong cuộc đời. Anh biết cuộc đời mới của mình cũng như của nhiều người khác đã bắt đầu từ con số không với đôi bàn tay trắng kể từ ngày hôm ấy. Bây giờ thì trong tay anh đã có máy ảnh, nhưng hình dáng của người đàn bà năm xưa đang chắp tay nguyện cầu dưới bóng trăng không còn hiện ra trước mắt anh nữa. Anh cũng đã có nhiều giấy bút để tha hồ ghi chép lại những gì mình đã mong mõi trước đây, nhưng sao bây giờ thì tình cảm trong lòng cũng đã vơi đi. Anh không còn những xúc động của tuổi thanh niên thời đó đã trôi qua. Nhớ đến đây như một người chợt tỉnh giấc, anh đứng lên rồi bước ra ngoài để tiếp tục những việc còn đang dang dở từ ngày hôm trước.
Anh lại nhớ ngày cuối tuần trước đó, đến dự một bửa tiệc tại nhà một người thân, anh đã gặp một người quen khác thuộc giai cấp đàn anh của mình. Chuyện trò thăm hỏi nhau mới biết anh ấy cũng bị thất nghiệp đã lâu và đang hưởng tiền trợ cấp. Anh ấy đã góp đôi lời an ủi và củng cố tinh thần:
“…Theo kinh nghiệm của anh…những lúc như thế nầy thì em không nên suy nghĩ lung tung nữa. Không nên giam hãm mình trong bốn bức tường quanh nhà, mà hãy đi ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài….Hãy gọi điện thoại cho những người thân và bạn bè quen cho họ biết tình hình của mình hiện giờ. Có thể mình sẽ an ủi được họ nếu là người đồng cảnh ngộ. Hay là họ sẽ an ủi được cho mình, đóng góp cho mình nhiều ý kiến hay, chỉ cho mình những công ăn, việc làm khác chẳng hạn. Nói tóm lại là không nên để mặc cảm thất nghiệp tự cô lập mình. Phải mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tại, và vì tương lai cho nên cần phải tiếp xúc với những người khác chung quanh…”
Suy gẫm những lời khuyên ấy rất đúng cho nên tinh thần của anh cũng đã hồi phục, và cái mặc cảm ‘bị thất nghiệp’ cũng đã vơi đi từ đó. Anh bắt đầu gọi điện thoại đến những bạn đồng nghiệp khác, vì biết họ cũng đã bị thất nghiệp trước đây. Anh liên lạc tới những cơ quan xin giới thiệu việc làm. Anh gởi đơn xin việc đến những hãng xưởng mà những người quen giới thiệu. Hàng ngày, ngoài cái việc kiểm soát điện thư, chờ nghe điện thoại, anh cũng bắt đầu ra tay tu sữa chút ít công việc lặt vặt chung quanh nhà, hay phụ giúp với vợ chuẩn bị bửa ăn tối của gia đình…Bằng ấy chuyện cũng đã giúp anh vượt qua được thời gian dài của mỗi ngày, chỉ trừ vào đêm…những giấc ngủ bình thường đến vẫn chưa quen.
Tuần lễ thứ hai lại đến với anh một cách dễ dàng cho cả ngày lẫn đêm, vì sự mõi mệt của thân xác qua những công việc lao động hàng ngày. Mỗi sáng, sau khi vợ đã rời khỏi nhà, anh vẫn thích ngồi yên lặng một mình trong phòng nhìn qua khung cửa. Tuy cũng vẫn ngồi nơi đây chờ đợi để đọc những bức điện thư, để nghe những cú điện thoại nhưng trong lòng không còn nhiều nôn nóng như trước nữa. Nhớ lại một buổi sáng đầu tuần, anh có nhận được điện thoại gọi từ một hãng mà anh đã gởi đơn xin việc. Họ yêu cầu xin biết giá lương hiện thời, nhưng anh đã từ chối mà chỉ mong được phép đến đó diện kiến với họ để tiếp chuyện. Ngày hôm sau, anh đạt được yêu cầu của mình, nhưng rồi phải về nhà ngồi chờ tin mà cho mãi đến nay vẫn chưa có gì mới lạ cả.
Hôm nay lại là ngày thứ sáu. Một tuần lễ chờ đợi cũng sắp chấm dứt bằng hai ngày cuối tuần cận kề. Đến bàn thờ làm lễ Phật vào mỗi sáng như thường lệ, sau đó anh thay lại áo quần để chuẩn bị ra cắt tỉa những nhánh bông hồng ngoài sân nhà. Tin thời tiết của đêm qua báo: Buổi sáng trời có nhiều mây che phủ nhưng sẽ không cho mưa, đến ban trưa thì sẽ cho nhiều nắng ấm. Anh không cảm thấy lạnh khi làm những công việc bên ngoài chung quanh nhà khi nắng vẫn chưa xuất hiện. Những đóa bông chưa khô lại rụng nhánh hoa tơi tả khi tay anh vừa chạm đến. Chúng cảnh cáo lại anh bằng những vết đốt trả thù vào tay rướm cả máu từ những chiếc gai bén nhọn trên cành, anh phải nhẹ nhàng nói với chúng hai tiếng xin lỗi. Chuông điện thoại chợt reo vang từ trong nhà, anh ngừng tay theo dõi. “Ai lại gọi mình vào lúc nầy?” Những cú điện thoại anh đang mong đợi phải phát âm ra từ chiếc máy di động mà anh đang mang theo trên người cả ngày, và khắp nơi anh đi. Anh chần chừ rồi cũng bước nhanh vào. Tiếng người trong máy:
- Hello! … Vì thủ tục hành chánh hơi chậm tôi xin lỗi báo tin trể đến bạn...
Chúng tôi đã đồng ý với yêu cầu…Bạn có thể bắt đầu công việc với chúng tôi vào ngày đầu tuần sắp đến này hay không?
Anh nhanh miệng trả lời:
- Cám ơn ông đã gọi điện thoại cho tôi. Vâng! Tôi sẽ có mặt nơi đó đúng hẹn…
Từ trong nhà nhìn ra, ngoài kia nắng ấm đã trãi rộng khắp sân, anh trông thấy những đóa hồng trong vườn hoa của nhà mình đẹp hơn bao giờ.
Viết tại Cali, tháng năm 2010