TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cần Thơ của tôi
 
Lên mạng ngày 28/6/2010

CẦN THƠ CỦA TÔI
Nguyễn Thị Kim Thu
 
Khi nói đến Cần Thơ, mọi người đều nghĩ đến Ninh Kiều, một phong cảnh đẹp của một bến sông hiền hòa, dưới nước nhộn nhịp với bao ghe thuyền, trên bờ dập dìu tài tử giai nhân:
Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân
 
Sự thật Cần Thơ còn một bến sông đẹp nữa, nhiều người biết nhưng ít được nhắc trong văn chương hay ca dao: Nhị Kiều.
            Tại sao hai bến sông đẹp của Cần Thơ lại có tên Ninh Kiều và Nhị Kiều. Kiều theo nghĩa chữ Hán là “cầu”, nhưng tại bến Ninh Kiều đâu có chiếc cầu nào bắc qua sông, ngoại trừ vài nhịp cầu nhỏ trên bến sông để đưa người lên xuống ghe thuyền đậu chen chúc dưới bến.
 
    
Bến Ninh Kiều vào đầu thế kỷ 20, và đường Lê Lợi trên bến Ninh Kiều khoảng 1950
 
            Ngày xưa, con đường dọc bờ sông có tên “Le quai de Commerce” (Bến Thương Mại), nay là đường “Hai Bà Trưng”. Đây là khu vực buôn bán sầm uất nhất từ hơn 250 năm (kể từ năm 1740), gồm một con lộ rộng có nhiều cây cối chạy dọc sông từ sông Hậu cho tới sau Nhà Lồng Chợ Cần Thơ (cũ, đã phá bỏ), dài khoảng nửa cây số. Vì là nơi buôn bán đô hội nhất của vùng đồng bằng, mà phương tiện chuyên chở hàng hóa là ghe, thuyền và tàu thủy, nên trên bờ sông này có tới 3 cầu tàu: Cầu tàu Hảng nước đá (đầu đường Thủ Khoa Huân), Cầu tàu Lục Tỉnh (đầu đường Ngô Quyền), dành cho ghe thuyền tàu bè từ Lục Tỉnh và Sài Gòn đến đậu bến; và Cầu tàu Sân Heo (chỗ chợ Nhà Lồng củ) dành cho tàu lớn từ Nam Vang về. Dân Cần Thơ không gọi tên đường “Le Quai de Commerce” do Tây đặt, mà gọi là “Bến Hàng Dương” vì ở đây có công viên với nhiều cây dương (phi lao) cắt tỉa rất đẹp. Vào thời Việt Nam Cộng Hòa (1954), đường này đổi thành đường Lê Lợi, vì vậy Bến Hàng Dương còn có tên Bến Lê Lợi.
 
            Năm 1957, Ông Tỉnh Trưởng tỉnh Phong Dinh Đỗ Văn Chước lập ở bến sông này một công viên cây kiểng, có lối đi tráng nhựa, lề xi măng, len lỏi giũa các hàng chậu cây kiểng đủ loại trên thảm cỏ xanh mướt, rất tình tứ cho các cặp giai nhân. Dọc bờ sông có băng đá mài bóng loáng, lúc nào cũng giữ gìn sạch sẽ. Trong công viên có những trụ đèn, dước chân trụ đèn đều có băng đá mài, để du khách dừng chân hóng mát. Vào buổi chiều và tối, du khách dập dìu đến bờ sông thưởng ngoạn và hứng gió mát. Bên kia sông là Xóm Chài với nhà cửa chen chúc trong đám cây xanh. Xa xa trên sông Hậu thấp thoáng Cồn Ấu, với bao ghe thuyền xuôi ngược trên sông. Thật là tuyệt đẹp!
 
            Do đề nghị của ông Trưởng Ty Nông Nghiệp Phong Dinh là Ông Ngô Văn Tâm, Ông Tỉnh Trưởng Đỗ Văn Chước đệ trình lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặt tên bến sông và công viên này là Ninh Kiều. Được Tổng Thống chuẩn y. Tại sao có tên Ninh Kiều?
 
            Đó là nguyện vọng của dân chúng Cần Thơ qua Ông Trưởng Ty Nông Nghiệp Ngô Văn Tâm đề nghị đến Ông Tỉnh Trưởng để đạt lên Tổng Thống ý muốn đặt tên công viên dựa vào một địa danh lịch sử chiến thắng của Lê Lợi trên bước đường khởi nghĩa khôi phục lại giang sơn do quân Minh đô hộ (1414-1427). Lê Lợi từng nói: “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người” (Việt Nam Sử Lược). Đó là chiến thắng Ninh Kiều:  "Cho nên đánh trận đầu ở Trà Long mà lấy lại được đất Nghệ An, Thanh Hoá; đánh trận nữa ở Ninh Kiều mà thu lại cõi bờ nước Đại Việt" và “Đánh Tây Kinh phá tan thế giặc, lấy Đông Đô thu lại cõi xưa; dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông; bến Tụy Động xác đầy ngoài nội” (Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi). Ninh Kiều chính là một địa danh trên sông Nhuệ và sông Đáy thuộc vùng Từ Liêm, nơi đã diễn ra trận đánh ác liệt và cũng là chiến thắng lớn đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn kể từ khi mở cuộc hành quân ra đất Bắc. Trận đánh diễn ra vào ngày 12 tháng 8 năm Bính ngọ (tức ngày 13-9-1426), khi nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, Đô Bí Lý Triển và Trịnh Khả mai phục giặc ở Ninh Kiều và đã chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt trên 2.000 quân Minh. Chính trận Ninh Kiều đã tạo ra tiền đề cho trận đại thắng ở Tụy Động vào ngày mùng 7 tháng 10 năm Bính ngọ (7-11-1426) tiêu diệt hơn 60.000 quân Tàu. Đặt tên bến sông và công viên đẹp của Cần Thơ với địa danh Ninh Kiều là muốn nhắc nhở cho hậu thế cái nhục của sự mất nước, ca ngợi sự nghiệp của anh hùng áo vải Lê Lợi trong việc khôi phục lại giang sơn và bảo vệ từng tất đất từng hải đảo lãnh thổ của tiền nhân để lại.
 
Ngày 4 tháng 8 năm 1958, ông Lâm Lễ Trinh, người quê quán Cái Răng, Bộ Trưởng Nội Vụ thời Đệ nhất Cộng Hoà, đã từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng khánh thành, đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Ninh Kiều dọc sông và đường Lê Lợi thể theo nguyện vọng của dân chúng tỉnh Phong Dinh và thành phố Cần Thơ.
 
Ngày xưa, Bến Ninh Kiều chạy dọc theo đường Lê Lợi. Ngày nay, đường này đổi thành đường Hai Bà Trưng, thì đúng là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
 
Ninh Kiều ngày nay trên đường Hai Bà Trưng
 
Một cảnh đẹp nữa của Cần Thơ cũng dọc bờ sông là công viên “Nhị Kiều”. Bến Nhị Kiều được mang tên từ năm 1964, khi cầu đôi Cái Khế vừa làm xong. Ðó là khoảnh đất dọc theo rạch Cái Khế, từ cầu Xáng Thổi qua ngang Cầu Ðôi Mới, còn gọi cầu Nhị Kiều, chạy thẳng vào Ðàn Tiên, phía bên lộ Cống Quỳnh (nay là Hoàng Văn Thụ và Huỳnh Thúc Kháng). Đây là một khoảng không gian khá lớn làm công viên có đủ các loại hoa và thảm cỏ xanh tươi mát, cũng có các lối nhỏ chạy quanh co trong công viên, có băng đá mài bóng loáng.
 
  
Cầu Nhị Kiều (Cầu Đôi Mới) ngày xưa
 
Nhị Kiều hay Nhụy Kiều? Một câu hỏi là tại sao công viên này mang tên “Nhị Kiều”.
 
            Nhiều người liên tưởng đến hai mỹ nhân trong truyện Kiều là Thúy Kiều và Thúy Vân, vì gái Tây đô từ lâu được tiếng khen là đẹp !
 
            Có người say mê chuyện Tam Quốc thì nghĩ đến “nhị kiều”, hai mỹ nhân đẹp tuyệt thế của đất Giang Nam trong Tam Quốc Chí, mà một người vốn là vợ của Châu Du. Chuyện kể rằng khi Tào Tháo chiếm được đất Tương Dương thì cả Giang Đông rúng động, cả hai bên quan văn võ đều đề nghị chúa Đông Ngô là Tôn Quyền xin hàng, để họ được an thân phì gia, chỉ có vài mưu sỉ như Lỗ Túc một lòng quyết đánh bảo vệ Giang Đông. Tôn Quyền do dự, chưa dám quyết định, chỉ còn trông cậy vào Châu Du đang ở ngoài biên ải. Vào thời điểm này, Khổng Minh Gia Cát Lượng dùng thuật chiến tranh chính trị, thổi phồng quân hùng tướng mạnh của Tào Tháo làm Đông Ngô càng thêm rúng động, số lượng quan liêu võ tướng có ý quy hàng càng nhiều. Đến khi gặp Khổng Minh và Lỗ Túc, muốn thử ý Khổng Minh nên Châu Du bảo với Lỗ Túc là nên hàng, Lỗ Túc cực lực phản đối, riêng Khổng Minh ngồi cười khẩy. Châu Du hỏi Gia Cát:
 
-Tiên sinh có việc gì mà cười?
 
Khổng Minh đáp:
 
-Tôi có cười gì đâu, chỉ cười Tử Kính (tức Lỗ Túc) không thức thờì.
 
Đến khi được hỏi ý, Khổng Minh khuyên Châu Du nên hiến hai nàng kiều của Giang Nam cho Tào Tháo vui tuổi già để làm kế nghị hòa. Gia Cát nói:
 
- Đất Giang Đông mất hai nàng kiều thì như cây to rụng hai cái lá và kho Thái Thượng mất hai hột thóc… đáng kể gì. Nhưng Tào Tháo được hai người ấy, lập tức sẽ cuốn cờ, cởi giáp, vui mừng rút lui ngay. Vậy tướng quân còn chần chờ gì nữa mà không sai sửa thuyền kết hoa, đưa người sang sông làm kế rút quân cho Tào?
 
Nghe thế Chu Du nóng mặt hỏi lại: Ông có bằng cớ gì chứng minh là… Tào có ý ấy không?
 
Gia Cát liền đọc ngay bài “Đổng Tước Đài Phú”, trong bài có mấy câu: “Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc long dữ Kim Phụng; lãm nhi kiều ư đông nam hề! Lạc chiêu tích chí dữ cộng”, tạm dịch 2 câu cuối là: “Tìm hai Kiều phương Nam về sống, Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân….”.
 
Vừa nghe xong, Châu Du đứng vụt dậy, trỏ tay về hướng bắc, nghiến rằng trợn mắt mà thề rằng:
 
-Thằng giặc gìà họ Tào kia dám khinh ta thế à?
 
 
Khổng Minh vội ngăn:
 
-Ngày xưa chúa rợ Hung Nô hay xâm lấn bờ cỏi, thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa gả cho nó để cầu hòa, nay tướng quân tiếc làm chi hai người con gái thường dân ấy?
 
 
Du nói:
 
-Ông chưa rõ Đại Kiều là vợ của Tôn Bá Phùng, Tiểu Kiều là vợ Du đó.
 
 
Khổng Minh giả vờ sợ sệt nói:
 
-Tôi thật vô tình, nói năng lỗ mảng, tội đáng chết, đáng chết!
 
 
Châu Du nói: “Ta thề cùng thằng giặc già kia một còn một mất
 
Kềt quả, lời thề của Châu Du đánh tan mọi mối nghi hoặc trong lòng Tôn Quyền, nên trong ngày hội, Quyền đã rút bảo kiếm ra chém đứt một góc bàn rồi trao kiếm cho Châu Du, hạ lệnh: “Kẻ nào nói hàng là chém”. Chỉ nhờ lời nói khích của Khổng Minh Gia Cát Lượng mà trận Xích Bích đã làm Tào Tháo suýt chết, phải rút quân chạy trối chết, và Lưu Bị ngồi không mà hưởng lợi.
 
Người dân dã Miền Tây ít khi nói “vòng vo Tam Quốc”, mà thường hay nói thẳng, nói thật. Thiết thực hơn cả là “Cầu Đôi Mới” vừa mới xây dựng xong (1964). Cần Thơ có 2 cây cầu đôi là “Cầu Đôi Cũ” tức cầu “Cái Khế”, và Cầu Đôi Mới này. Đó là cầu sắt, có 2 làn đường chạy hai chiều, nên được gọi nôm na trong dân dã là “cầu đôi”, và để thi vị hơn có người gọi là “Nhị Kiều”.
 
            Theo tôi thiết nghĩ, chẳng lẽ người Cần Thơ có ăn học ngày trước lại mộc mạc đến thế! Người dân Cần Thơ đã thuộc sử sách, đã đặt được tên Ninh Kiều từ năm 1958 để tưởng nhớ công ơn anh hùng Lê Lợi, chẳng lẽ không đặt được tên thứ hai theo lịch sử cho một công viên đẹp thứ nhì của thành phố ? Phải chăng, đầu tiên công viên này có tên “Nhụy Kiều”, nhưng vì người dân Miền Tây thường phát âm thành “Nhị Kiều” mà nay đã thành thói quen quên tên thật?
 
            Theo lịch sử, “Nhụy Kiều” là chức tước của bà Triệu Thị Chinh tức bà Triệu Ẩu, vị nử anh hùng đã từng nói “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta" (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim). Ở cái tuổi vừa 20,  Bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh (năm 218) chống lại nhà Ngô để dành độc lập. Bà mặc áo giáp vàng, cưởi voi lẫm liệt, tự xưng Nhụy Kiều Tướng Quân, tả xung hữu đột, nhưng vì quân ít thế cô, Bà dẫn tàn quân chạy đến xã Bồ Điền thuộc Thanh Hóa thì tự tử. Bấy giờ mới 23 tuổi. Về sau vua Lý Nam Đế sai lập miếu thờ Bà và phong Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân(Việt Nam Sử Lược).
 
            Ngày nay, chúng ta phải ráng uốn lưởi phát âm thật đúng chữ “Nhụy Kiều” để tự răn mình phải nhớ lời nói lịch sử của bậc nữ nhi Triệu Ẩu cách đây gần 1800 năm mà vẫn còn giá trị muôn đời và mãi mãi ngàn sau.
 
Reading, 6/2010
Nguyễn Thị Kim Thu

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855376 visitors (2218322 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free