TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lá thơ cuối năm
 
Lên mạng ngày 20/12/2009

Cái Côn, ngày... tháng.. năm…

Con của Ba,
Hôm nay là 30 Tết, Ba đốt nén hương lên bàn thờ cúng tổ tiên. Nói là bàn thờ cho có vẻ tôn nghiêm như vậy, chớ chỉ cái lon cặm nhang và di ảnh của mẹ mầy. Ba không hiểu tại sao Tết cứ đến liền liền thế nầy. Phải chi vài ba năm mới Tết một lần, và ngày cuối năm cũng giống như ngày thường, để gia đình ta không phải sót xa vì cảm thấy thiếu thốn vào những nầy.
Bây giờ Ba kể chuyện quê nhà cho con nghe. Nhà mình, đúng ra là cái chòi lá của mình vẫn như xưa, ông bà ta không có cơ ngơi, nên chi miếng đất cặm dùi từ mấy thế hệ qua vẫn nằm cạnh bờ sông, vẫn là nơi nuôi nấng mấy anh em con khôn lớn. Đã vậy, cơn bảo lụt vừa qua làm cho mùa màng bị hư khá nhiều, nhà mình coi như không hư hao gì lắm, vì chẵng có gì để hư hao. Con vẫn biết cái chòi không có cánh cửa cái, chó chạy rèn rẹt không vướng chân, do đó giông bảo cũng chẵng làm hư hao nhiều. Thế rồi thiên hạ cũng vẫn sống, và cũng hoà mình với trời đất cho qua ngày đoạn tháng.
Ở quanh đây thiên hạ không còn sinh hoạt gì cả, dù nghề nông là nghề chánh, nhưng cũng vẫn không còn gì canh tác sau cơn bảo. Hẵn đối với ba thì giông bảo của đời tàn bạo hơn giông bảo của thiên nhiên nhiều. Vì chúng ta chỉ cần lánh nạn một thời gian ngắn thì có thể tránh được. Nhưng giông baỏ của đời khó tránh được, vì chúng phân biệt chánh kiến, giai cấp, màu da và hằng hà những thứ vấn nạn khác nữa.
Từ lâu rồi chúng ta thờ cúng ông bà mà không hề dính dáng gì đến tôn giáo cả. Không phải gia đình ta kỵ tín ngưỡng đâu, nhưng cũng vì đời sống, mà ba vô tình coi nhẹ “linh hồn” hơn “ vật chất”. Không biết Phật và Chuá đứng ở bên nào của cuộc đời. Thế sao mà gia đình ta quá vất vả trong cuộc sống. Nếu có sự hình phạt nào đó của Thượng Đế, thì sự hành phạt nầy không mấy công bằng. Vì gia đình ta dính dáng gì đến các đấng thiên liêng mà phạt hay thưởng.
Ởn bên kia quả địa cầu, ngày Tết chắc vui lắm phải không con. Tha hồ mà quà cáp, chưng dọn. Ở bên nầy, mãi đến tối ngày 30 nầy Ba mới ra chợ để mua một số lễ vật để rướt ông bà. Vì giá cả ngày cuối năm rất rẻ so với những ngày đầu đưa ông Táo.
Con à ! bây giờ Ba mới thấy rằng Tết không hẵn là ngày đoàn tựu và sum hợp gia đình nữa. Mà chính ngày Tết là ngày để chúng ta thấy rỏ khoản cách giàu nghèo của những người cùng đón xuân mà thiếu thốn đủ mọi thứ. Ba không than thở cho riêng mình mà chỉ cho các con thôi, chỉ vì các con không khứng chịu nổi sự túng thiếu, và khinh chê của hàng xóm, và luôn mặc cảm với đời khi thể diện bị dằn vật về tinh thần.
Con phải nhớ rằng cái giá của cuộc đời luôn luôn phải trả rất đắc, đôi khi thân bại danh liệt chỉ vì đi mưu cầu danh vọng. Ba vẫn còn nhớ mấy câu thơ nào đó thời tiền chiến có đọan như sau:
“Chốn rừng thẩm chúa sơn lâm ghào thét
Ham mồi ngon nộp mạng dưới hầm sâu”
Ôi nghe sao mà nó chua chát quá. Còn nhớ không? Ngày vào đời ai cũng hân hoan để đón nhận sự hấp dẫn chờ đợi. Chính Ba rất hồi hộp khi nâng niu cuộc đời mình lúc dấn thân ngày đầu đời. Ôi nó tuyệt vời làm sao, cái gì cũng có ấn tượng mảnh liệt với gả thanh niên hai mươi tuổi đầu. Ba đã tự nguyện rời bỏ ruộng đồng không luyến tiếc để ra chợ. Sau cùng chính ba là người thấy rằng tìm về quê cũ thì ba mới sống được với chính mình. Con ơi! hố sâu của đời không gì khác ngoài danh vọng, tiền bạc, sỉ diện, và cũng không loại trừ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Đàn ông muôn đời vẫn là chiến sỉ gan lỳ chịu trách nhiệm với gia đình và bản thân.
Sau cùng ba đã trỡ về trắng tay, thế mà vẫn không thể nguôi ngoai với ám ảnh ê chề, khi đời không luôn hẵn là chỗ lý tưởng để dấn thân. Không biết con có thông cảm cho ba không? Hẵn con là con chim đại bàng, hãy còn nhìn cỏi bao la trong tầm tay, tội gì mà không tung cánh để thoả chí. Thế nhưng, những cánh thiêu thân băng mình vào ánh đèn màu chỉ vì miếng đỉnh chung, sau cùng đôi cánh bị cháy tan tành. Ba không nở đe dọa con đâu, nhưng cho dù nát thây, xin con hãy giữ sao cho mình vẫn là mình để không phải hổ thẹn, khi mình đã không thành thân.
Năm nay ba không làm giổ cho mẹ mầy, và sẽ chờ ngày rướt ông bà sẽ ít tốn kém hơn. Ở bên nầy làm cái gì cũng tính toán cẩn thận, lợi hại, vì đời sống gắn liền với mồ hôi và nước mắt. Đôi khi phải sống gian trá một chút là chuyện bình thường, và cũng chính là cái thủ tục bất khả đảo nghịch trong đời sống, vốn ánh sáng văn minh đã từ lâu rồi chưa cơ hội chiếu vào xóm nhà lá nầy.
Có lúc ba nghĩ rằng ba có lổi với các con, vì ba má tạo ra các con mà không có khả năng làm đời sống đầy đủ như bao nhiêu gia đình khác, Ngày nào cũng chạy gạo, ăn buổi sáng cho trọn tới buổi chiều, và phải đi ngũ sớm để cái bao tử không hành hạ sau đêm dài khô héo. Sống trong xã hội nầy khoản cách giàu nghèo xa thăm thẳm, đôi khi chỉ cách một tấm vách, thế mà vói tay cả đời vẫn chưa tới.
Ôi đời sống là sự trừng phạt hay sao mà gia đình ta không có diễm phúc. Ngày vui truyền thống cuối năm, không hẵn là ngày vui của chúng ta. Quần áo thì thằng lớn trao lại cho thằng bé, cứ thế mà thay phiên cho đến rách cũng không thôi. Thằng Út và thằng lớn chỉ có một bộ đồ mới để mừng xuân. Tội nghiệp hai đưá nó phải thay phiên nhau mặc, có lúc ba là trọng tài trong việc xử dụng quần áo của hai đưá nó, sao cho công bằng. Ôi! thế gian làm gì có những sự công bằng trong đường tơ kẻ tóc, khi đưá nầy mặc kém hơn đưá kia vài phút…
Có lúc ba cũng không biết gia đình ta là nạn nhân của ai? Chiến tranh, Tín ngưỡng? Nghiệp chướng từ muôn kiếp!!! Cho dù là nạn nhân thế nào đi nữa, thì các con là nạn nhân trực tiếp của Ba Má thì đúng hơn. Ba xin ơn trên hãy cho phép ba nhận thế tội lổi nầy, để chính ba phải đương đầu với sự nghèo đói, túng thiếu và chính ba là tác giả của mổi sự tồn tại yếu đuối, miễn cưỡng và dể tổn thương nầy của các con. Không biết tại sao hồi đó Ba Má không thể đánh giá được bề trái của hạnh phúc sau hôn nhân. Thế rồi ba má đã chấp nhận nhau quá dể dàng như một món quà trời cho. Rồi một ngày Thành Hôn, thì ra có phải chăng đó là án khổ sai vô hạn của đời người. (Xin lổi, ba chỉ kết án chính mình thôi…)
Nhà mình ở cạnh bờ sông Hậu, từ nhiều đời chúng ta vẫn còn tồn tại với sóng nước phù sa. Cũng chính dòng sông nầy, lúc thưởng lúc phạt, khi hạn khi lụt. Cứ thế mà đời sống gắng liền với đe doạ thiên nhiên. Có lúc ba thấy dòng sông rất dể thương, hình như vô tình mang đến cho ai một thông điệp, và nhắc khéo rằng, sống với thiên nhiên là chấp nhận ẩn số của định mệnh dòng sông. Vậy phải sống làm sao cho có hạnh kiểm tốt, có thể phước đức là võ khí sau cùng để chống lại thiên tai. Ba nghĩ như vậy không biết có đúng không. Vì lẻ từ nhỏ đến giờ ba là người ít đọc sách.
Cách đây mấy năm, nhân lúc ngồi xã hơi bên bụi bạc hà, rau húng quế, cạnh chuồng heo. Thoang thoảng mùi hương trong gió mát của đồng quê, Ba chợt nghĩ ra trong mấy chục năm gia đình ta sống trong sự trăn trở của sự thử thách, buồn tủi, bất công trong đời sống mà hẵn ta đã tranh đấu tận cùng. Do đó ba nghĩ tại sao mình không vứt đi nổi niềm cay đắng đó. Hãy sống bình thảng và chấp nhận đó là những gì mình đã tạo ra từ trước.
Sai nầy ba thấy nhẹ đi, vì chẵng tốn kém đồng xu nào để tự kềm chế, và hình như đây là dịp để tự tha thứ cho hoàn cảnh bất hạnh của mình. Thành quả nầy là do ba tự khám phá lấy, chứ chẵng có đấng thiêng liêng nào mang đến cho ba, cũng chẵng lạy lục ai mà có. Con cũng biết ba chưa hề đọc sách hay ai hướng dẫn. Có lẻ đau khổ, phiền nảo là động cơ thúc đẩy cho ba phải làm cuộc cách mạng bản thân. Từ đó, tài sản vô giá của ba là sự yên vui, không phiền nảo ngay tại cái thế gian đọa đày nầy. Vâng, sau cùng ý niệm thiên đàng và địa ngục, vô tình ba đã xoá sạch trong ký ức. Có lẻ thiên hạ thích lý luận về cuộc đời, mà ít ai chịu đương đầu để sống với thực tế. Và hình như vật chất không hẵn là chìa khoá cửa kho tàng hạnh phúc, thế mà con ngươì lại thích đi tìm phép lạ.
Ngoài kia con chó ốm yếu, lạc loài bên đống rác nhà nghèo, hắn quanh quẫn tìm mãi khúc xương, hay một miếng ăn thừa. Tiếc thay xóm nhà nghèo làm gì thừa những món ấy, sau cùng lầm lủi bươi giồng khoai mì…mong tìm một củ lạc loài cho no dạ sau một ngày dong rủi.
Một con ó đen đáp trên cành khô gãy, sau trận oanh kích dưới mé mương, lủ chuột ngu si, chậm chân bị trã giá mạng mình bằng móng vuốt của tử thần. Ó nhà ta có được bửa ăn thoải mái trên cành cây cao, mà không nhớ rằng dười chân hắn, một linh hồn nhỏ bé lià đời trong một lần điểm tâm của hắn. Ba thấy lòng mình sao buốt giá, ngày cuối năm đáng lẻ gió xuân hiu hiu ru hồn mình chìm vào giấc ngũ cho vơi đi nổi nhọc nhằn sau một ngày mệt mỏi. Hình như đời sống chung quang ta chỉ là hoàn tất một cuộc viễn vong, lập đi lập lại những sự việc mà không cần xem đọan cuối, người ta vẫn đoán chuyện phim đời kết cuộc như thế nào? Người nầy sống trên mạng sống của người kia mà cho là nhân đạo, và sống để chỉ vì hoàn tất những ngày còn lại bị vướng trên tờ lịch treo tường.
Không biết có bao giờ con nhớ nhà không? Có đêm mưa nào bên ấy giống mưa bên nầy không? Có dòng sông nào cạn khô nước, để những người từng sống hai bên nguồn thiếu nước không? Có hôm nào con thấy mình lẻ loi vì chưa tìm về quê như chim về tổ không. Chắc hẵn nơi đây luôn mông chờ con, vì con là thành viên của mái tranh nầy..
Tiếng pháo giao thừa nổ đì đùng làm cho ba biết rằng, trời đất đang chuyển mình qua một năm mới. Ba chúc con luôn được cái phước trời cho nơi đất khách. Và nơi quê nhà gia đình ta sẽ sống bình thãng với sự nổi trôi của dòng đời./.


NHT

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855335 visitors (2218247 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free