Xuân Nhâm Thìn
Xóm nhỏ của tôi nằm bên lề của con lộ lớn xuyên tỉnh, bên cạnh có một dòng sông, mà khi đó con nước vẫn thường trôi êm ái. Cũng vào khoảng thời gian nầy, tôi đang làm tên học trò trong bộ đồng phục, gồm cái quần xà lỏn xanh cùng chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, mỗi sáng lon ton theo đám bạn đến trường…
*
* *
Phiá trước nhà của ông Cốc, bên hông nhà của ông Mười, có một cái sân đất trống khá lớn. Chính giữa sân là một trụ đèn điện cột xi-măng không cao, trên vẫn có cái chụp thủy tinh nhưng bên trong thì không còn bóng. Những đêm trăng sáng nhưng không khuya lắm, đám con trai tụi nó cũng thích quay quần quanh đây, để người lớn ngâm thơ Lục Vân Tiên nghe cho sướng tai mà quên đi cái nóng.
Nhà của ông Cốc tuy không khang trang nhưng rất rộng. Nhà có mái ngói, vách ván, lại còn có nền lót gạch tàu màu cam sạch sẽ. Trong nhà có một bàn thờ tổ tiên bằng gỗ khảm xa cừ nằm ngay giữa hướng ra cửa. Bên trái có một bộ ván mun bóng láng hòa hợp cùng với bộ bàn ghế cẩm lai đối diện. Phía sau bàn thờ là một phòng trống cũng rất rộng; chính giữa có đặt sẳn một quan tài còn mới do ông Cốc tự tay đóng lấy. Bọn nhỏ tụi nó ít có đứa nào dám bước đến phòng trong; còn nó thì cũng chỉ có một lần lén vô nhìn rồi bước nhanh ra trở lại. Một ngày nọ, ông Cốc tự dưng ngã ra bất tỉnh. Nó thấy nhiều người lớn chạy đến thoa dầu, cạo gió, hi vọng ông sống lại nhưng không được. Từ đó, gia đình của ông, trước chỉ có ba người, nay còn lại cô Tư là con gái duy nhất, độc thân, cùng một người cô, em gái của ông mà tụi nó gọi là bà Cốc, cũng đơn côi một bóng.
Hai người con trưởng thành của ông Mười đang sinh hoạt ở Sàigòn. Ông Mười là một nhạc sĩ nghiệp dư, biết đánh đàn nguyệt và kéo đờn cò rất hay. Ông có những người bạn, bọn nhỏ tụi nó không biết họ từ đâu tới, nhưng thỉnh thoảng thấy tụ tập lại nhà của ông, để rồi người chơi đàn gáo, kẻ đánh lục huyền, người khảy đờn tranh… cùng nhau hoà nhạc suốt cả mấy ngày đêm hội ngộ. Bà Mười là một tay khéo nấu ăn trong xóm. Bà hấp bánh bò bông đủ màu, rất ngon, để bán cho khách hàng quen biết, và thỉnh thoảng cũng thường đem ra thưởng cho tụi nhỏ trong xóm.
Bên cạnh nhà cô Tư là gia đình của ông Tư Trưởng Ấp. Ông làm ấp trưởng cho xóm nhà nơi đó. Ông bà Tư rất hiền lành và thường hay chăm sóc, thăm hỏi đến mọi người. Gia đình của cô Hai, con gái lớn của ông bà sống chung trong nhà nơi đây; còn cô Ba, người con kế, theo chồng lên phố lớn. Gia đình cô Hai có một xe nước đá bào ‘xi-rô’ đủ màu hấp dẫn bán ở đầu hẻm rất đông khách, đa số là đám học trò trường tiểu học của tụi nó lúc đi ngang.
Đối diện với nhà ông Tư Trưởng Ấp là gia đình của ông bà Sáu, (riêng anh em của tụi nó thì phải gọi họ bằng cậu với mợ, cho dầu không phải là bà con họ hàng gì với má nó). Gia đình của ông bà Sáu đơn chiếc. Cậu mợ không có con, trong nhà thêm được ‘Mi-Lou’, tên của con chó phèn làm bạn hủ hỉ qua ngày. Bà Sáu cũng là một đầu bếp rất giỏi nấu ăn. Bà có một chiếc xe nhỏ bán bánh mì xá xíu ở bên kia chợ, còn ông Sáu thì ở nhà gia công làm thêm bánh tầm phân phối cho các mối bán quanh đây.
Phiá sau nhà ông bà Sáu là căn tiệm chụp hình của chú Lang, có mặt tiền hướng ra lộ lớn. Gia đình của chú di cư vào Nam, tạm trú ở Sàigòn một thời gian trước khi về đây lập nghiệp. Trong gia đình, ngoài chú thím, các con là cái Hiền, trạc tuổi với thằng Chẩy và nó, đến cái Chung và thằng Hiếu, còn có bà Cụ, là mẹ ruột của chú nữa. Bà Cụ thường làm những món ăn đặc biệt của miền Bắc mời các nhà trong xóm nếm thử. Nó thường thấy bà giã cua đồng trong một cái nón sắt, mà bà nói sẽ nấu món canh bún riêu cho ngày hôm nay; nó cũng thấy bà thu mua những con cà cuống đặc biệt có túi dầu, mà bọn chúng nó đã đua nhau rượt bắt dưới những cột đèn đường vào đêm trước, bà bảo là sẽ làm nước mắm ăn với bánh cuốn chả lụa vào những ngày tới. Bà Cụ nhà chú Lang cũng khéo tay nấu ăn lắm đó.
Nằm song song với nhà của ông bà Mười là gia đình của chú Bảy. Chú đi lính cho nên phải di chuyển theo đoàn quân thường xuyên; mãi đến khi sau này chú bị thương ở tay thì mới được chuyển về phục vụ cho một đơn vị gần nhà. Gia đình của chú có thằng Chẩy là bạn học cùng lớp với cái Hiền và với nó; có con Tuyết, em của nó cũng học cùng một trường tiểu học, và cùng lớp với cái Chung; đến thằng Sáng, thằng Chưng hãy còn nhỏ. Thím Bảy rất hiền và rất ít nói. Thím thường nướng chuối, nướng bánh chuối bán, còn chú thì cũng hay mua tập, viết của quầy hành quân tiếp vụ về làm quà tặng cho đám nhỏ trong xóm đang đi học.
Bên cạnh với nhà chú Lang, nằm phía trước nhà của chú Bảy là gia đình của nó. Ba nó mua lại căn nhà này của bà Năm, có mặt tiền cũng hướng ra lộ chính cho nên việc làm ăn của gia đình cũng được thuận lợi. So với những nhà khác chung quanh thì lúc đó gia đình của nó có được nhiều người hơn những nhà khác chung quanh. Người lớn phía trên ngoài ba má thì nó có chị Hai, còn đi học nhưng lúc đó cũng đã biết may vá, thêu thùa, làm bánh mứt. Anh Miên và anh Trư cùng học ở trường nam trung học của tỉnh. Họ cũng biết đi xách nước sông về nhà lóng phèn, biết nạo dừa khô vắt thành nước cốt để má làm bánh, nấu chè. Còn nhỏ hơn nó phía dưới thì có thằng Lu khi ấy mới được vài tuổi. Má nó là một người nội trợ bình thường trong nhà nhưng cũng rất khéo tay, người thường nấu chè xôi nước, hay bánh xôi vị để cúng trên bàn thờ Phật vào những ngày rằm, và cũng lấy đó làm quà mang tặng cho bà con hàng xóm chung quanh.
(Tôi gọi nơi đây là xóm nhỏ, vì nó bị tách rời với xóm khác bởi căn nhà lầu kín cổng, cao tường của bà Năm nằm chắn lối bên cạnh; và nó bị cách xa với xóm nhà phía sau cũng chỉ vì một căn nhà hương hỏa khác của bà, mà sân trước của căn nhà nầy lại là một bãi đất trống lớn đầy cỏ, được bao che bằng những hàng rào dây kẽm.
Cho dầu ngày đó, xóm nhỏ của tôi có rất ít hộ gia đình và ít người cư ngụ, nhưng mà ai cũng rất khéo tay và lòng thì đầy nhiệt tình. Lễ lộc của nhà nào, chỉ cần hô tiếng lên thì sẽ có nhiều người tự nguyện đến giúp. Những gia đình trong xóm nhỏ của tôi thường hay chăm sóc cho nhau là thế đó.
Cái sân đất trống nơi đó, ngày ấy cũng đã để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ đến những đêm Trung Thu, các em nhỏ trong xóm nhỏ của tôi, với những đèn lòng ngôi sao khung tre giấy kiếng đỏ, vàng trên tay, đã được cái Hiền, cái Chung, hay con Tuyết nối nhau thành hàng đi vòng quanh vui đùa. Tôi nhớ đến hình ảnh đám trẻ nhỏ chúng tôi, yên lặng ngồi nghe ông Cốc ngâm thơ Lục Vân Tiên sau bửa cơm chiều. Tôi cũng nhớ tiếng đàn hòa tấu nhạc cải lương của một ban văn nghệ nghiệp dư, cho dầu khi ấy tôi thật sự không có trình độ để thưởng thức, nhưng mà âm thanh ngày đó cho đến nay thỉnh thoảng vẫn còn văng vẳng bên tai. Và tôi nhớ nhất là… xóm nhỏ của tôi vào những ngày cận Tết)
Bàn thờ trong nhà của ông Tư trưởng ấp thì đã có dượng Hai một tay lo liệu, còn lại hai bộ lư hương bằng đồng của nhà cô Tư, nhà ông Mười mới được mang ra sân cho đám trẻ con chúng nó phụ tay lau chùi để chuẩn bị ăn Tết. Bộ chân nến được tháo ra từng phần, giao cho tụi nó đánh bóng bằng những tấm giấy ‘xút’ chấm với chút dầu chùi lư cũng đủ làm đen thùi hai bàn tay của chúng, đôi khi còn dính lên mặt vì chọc phá nhau. Chùi lư cực lắm, cần phải có sức, thằng Chẩy với nó có bao giờ chùi được cho sạch và bóng đâu; sau cùng thì công việc đó cũng phải do tay của những người lớn làm lại.
Một tuần trước, bà Năm chủ đất có chiếc xe hàng ghé lại bỏ xuống mấy cần xé bông cải trắng từ Đàlạt chở về. Bà sẽ phân phối cho các mối bán ở chợ, nhưng trước tiên thì cũng chừa ra một số cho bà con chung quanh đến mua. Những gia đình trong xóm thường hướng dẫn nhau làm bông cải trắng ngâm chua, cùng dưa củ kiệu để dành ăn với nồi thịt kho trứng trong ba ngày Tết. Còn nhà của chú Lang thì bà Cụ ắt cũng có món rau muống làm dưa thay thế.
Còn nữa, vài ngày trước, chị của nó thưởng cho những múi bưởi, mà tụi nó phải chấm vơí chén muối ớt ăn cho bớt độ nhăn trên mặt. Chị Hai thích ngọt, chỉ muốn có những vỏ bưởi mang qua nhà bà Cốc để học làm món mứt mới trong những ngày sắp tới.
Người ta kể lại cho tụi nó nghe, hồi trước, khi bà Cốc còn trẻ thì rất nổi tiếng với tài làm những món ăn mang ra tranh giải toàn tỉnh. Nào là Long Lân Qui Phụng, nào là Tôm Chim hay Hoa Trái…được khắc thành hình từ những củ cà-rốt đỏ, từ những trái đu đủ xanh còn non, hay đôi khi từ vỏ dưa hấu làm ra nữa. Bây giờ lớn tuổi tai kém mắt mờ, bà chỉ muốn mang ra truyền dạy lại cho đám trẻ. May mắn sao, chị của nó cũng thích học cho nên tụi nó cũng khoái chí trong lòng, vì được nhiều dịp thưởng thức bánh ngon, vật lạ chưa hoàn hảo của chị mình. Điển hình là mấy đêm trước, sau khi bà Cốc dạy cho chị Hai học nướng bánh bông lan. Hai người anh của nó phải hì hục thay phiên nhau ngồi đánh trứng, pha bột, rồi bù lại thì tụi nó được thừa hưởng những đợt bánh ‘thử lửa’ đầu tiên mới ra lò.
Cuối năm ông bà Sáu không làm bánh ích, mà lại tổ chức gói bánh tét chia cho mỗi nhà vào trước ngày đón giao thừa để ăn trong ba ngày Tết. Nó nghe người ta thường hay khen bánh ích của bà Sáu làm, ăn rất ngon, nên thắc mắc hỏi chị:
“Tại sao mợ Sáu không chịu gói bánh ích để ăn Tết vậy?”
Chị Hai của nó nói:
“Đầu năm mới thì ai cũng cầu mong ông bà phù hộ cho có được một năm vừa đủ xài, cho nên nếu làm bánh ích để ăn tết, thì coi như là cả năm đó được cái gì cũng chỉ có chút xíu thôi. Bánh ích là ‘ ít’ đó mà!”
Nó lắc đầu tỏ vẻ chưa hiểu lắm, anh Trư của nó phụ họa vào:
“Vậy thì mình phải nói với mợ Sáu làm thêm mấy cái bánh ú để riêng cho nó ăn, thì chắc cả năm nó sẽ mập ú ra như…”
Nó giật mình bỏ chạy ra sân để xem người ta làm bánh. Bà Mười đang chuẩn bị nướng bánh thửng trong một cái nồi đất chứa cát
với một cái khuôn đồng dúi sâu, được đốt nóng trên một bếp lửa đầy than hồng cháy rực ở bên dưới. Từ buổi sáng sớm, cô Tư cũng như bà Mười đều đã dặn chừng tụi nhỏ chúng nó, không cho đứa nào được nói bậy bạ hôm nay vì sẽ làm hư bánh của bà. Nó không hiểu nên cũng về nhà hỏi:
“Bà Mười nói, tụi con không được nói bậy bạ làm hư bánh thửng của bà. Nói bậy bạ là nói cái gì hả má?”
Má nó nói cho chúng biết:
“Bánh thửng khó làm lắm. Bánh tốt khi nướng chín thì trên đầu sẽ nở đều ra ba tay quằn xuống chung quanh, hoặc bốn, năm tay thì cũng được. Nhưng mà còn bánh hư, gọi là bánh trọc đầu, thì sẽ không nở ra được tay nào hết. Bà Mười không muốn tụi con ngồi đó vo cái đầu gối của mình nè! Không cho nói hai tiếng ‘trọc đầu’ nè! Bởi vì làm và nói như vậy có nghĩa là trù cho bánh của bà bị trọc đầu, bị hư đó.”
Miên chớp chớp mắt nhìn Trư mĩm cười, rồi lén đưa tay ra vò nhanh lên cái đầu của nó; hai người anh sau đó tức khắc chạy ra sân.
Mặt bà Mười đang đỏ ửng vì hơi nóng hừng hực từ lò nướng bánh. Bà bắt đầu đổ bột vào khuôn, đấp lên một lớp lá chuối rồi đậy lại nấp với đầy than nóng ở trên. Vài phút sau mở nắp ra xem rồi nhăn mặt chắt lưỡi, bà lộ vẻ thất vọng. Miên lật đật đứng lên bỏ đi nơi khác, còn Trư thì trớn to mắt nhìn cái đầu trọc lóc của đứa em mình, khi đó nó cũng đang tò mò đứng xem; Trư lẳng lặng đến nắm tay kéo nó rời khỏi nơi ấy.
(Không sao đâu! Đúng như lời nhận xét của tôi ở trên. Bà Mười là một người rất khéo tay trong việc gia chánh. Chỉ vài đợt thử lửa đầu tiên thì chưa được hoàn hảo, nhưng sau đó thì những cái bánh thửng của bà cũng được nở nhánh ra lò cho kịp Tết. Đêm đó cũng có vài cái bánh trọc đầu, được đem ra tặng cho bà con đang phụ nấu bánh tét với ông Sáu, ăn giãi lao, uống nước trà, và chắc chắn là hai ông anh của tôi cũng có phần trong đó nữa)
Trong nhà cô Tư, phòng sau có bếp bây giờ rộng hẳn ra. Trên cái kệ gỗ có chất một cái nia đựng đầy những miếng mứt bí ở ngăn dưới, và một cái nia khác cũng trãi đầy những miếng mứt dừa màu trắng, màu hồng lẫn lộn nhau đặt ở kệ trên. Ở mặt bàn ăn cơm, trên đó cũng có hai tô sành lớn chứa đầy kẹo đậu phọng bọc đường, riêng biệt theo từng màu cũng hồng với trắng. Tụi nó không thấy mớ mứt gừng, mứt chuối của cô đã làm xong mấy ngày trước; có lẽ đã được cất trong tủ kín tránh kiến.
Trên bộ bàn ghế gỗ cẩm lai ngoài phòng khách, một nhóm người đang ngồi gói mứt mãng cầu. Những múi mãng cầu nhỏ ngào với đường cát trắng không khô lắm, vẫn còn mềm, được cô Tư và chị Hai của nó gắp ra đặt trên những miếng giấy kiếng trong đã cắt nhỏ. Trư và Miên giúp tay bọc quanh từng múi rồi túm vặn lại ở hai đầu, xong cho vào một cái hộp thiếc trống ở giữa bàn.
Khi nãy nó gọi là đây là những cục kẹo mãng cầu, thì thằng Chẩy với con Tuyết nhất định phải sửa nó kêu là mứt; còn nó kêu những hột đậu phọng ngào đường thì tụi kia cũng nói tên đúng phải là ‘cứt chuột’. Không cần biết là đúng hay sai, chờ thêm vài ngày nữa, chỉ cần tưởng tượng đến mùi chua chua, ngọt ngọt của cục kẹo mãng cầu, hay vị dòn dòn, thơm thơm, và béo béo của hột đậu phọng nằm trong miệng, thì cũng đã đủ để làm cho nó chảy nước miếng ra rồi.
Trong nhà cô Tư lúc bấy giờ còn có bà Tư trưởng ấp, thím Bảy, cô Hai cùng bà Sáu đang ngồi xếp bằng trên bộ ván mun, ra tay trổ tài gói bánh tét nhân đậu xanh. Mớ bánh tét chuối khi nãy đã gói xong vào ban trưa, và đang được nấu ngoài kia. Trên bộ ván đó vẫn còn nào là lá chuối, dây lát chất đầy, những thúng đậu xanh đã ngâm và rửa sạch vỏ, những thúng gạo nếp, những miếng thịt ba rọi xắt vuông dài làm nhân trong nồi đặt ở chính giữa. Một cách thành thạo, và nhanh tay bà Sáu đã hoàn tất một đòn bánh tét làm mẫu trước, sau đó những người khác bắt đầu ra tay.
Ngoài kia trên sân đất trống, một cái nồi thật lớn chứa bánh tét chuối ngập trong nước đang sôi, được đặt trên cái lò dã chiến đốt bằng củi. Ông Sáu vẫn mấp mấp trên môi điếu thuốc rê vấn trong giấy quyến. Mình mẩy của ông đổ đầy mồ hôi trên trán, và ướt thấm cả chiếc áo ngắn tay đang mặc ở trên người. Ông vẫn vui miệng chuyện trò với mọi người.
Nồi bánh tét chuối đã chín thì trời cũng vừa xế bóng. Những đêm tối cuối năm trời không trăng, nhưng cái sân trống nơi đó sẽ được chiếu sáng, nhờ một bóng đèn từ nhà ông Mười kéo dây điện ra treo cao trên cột. Ông Sáu còn cho tăng cường thêm một ngọn đèn Măn-Sôn từ nhà để xem chừng lửa cho một nồi bánh kế. Một vài người sẽ phụ tay ông qua đêm, còn đám trẻ con kia khi nãy, đã trở về nhà an lành trong giấc ngủ.
Ngày cuối cùng trong năm thì sân đất trống lại vắng bóng người. Ai ai cũng bận rộn, cố thu xếp cho xong những công việc còn đang dang dở trong nhà. Anh em tụi nó cũng phải giúp tay nhau dọn dẹp quanh nhà cho gọn gàng, ngăn nắp. Hai người anh chùi bóng bàn ghế, tủ gương từ trong ra ngoài, thì nó cũng phải phụ tay lau sạch nền nhà lót gạch tàu từ ngoài vào trong; rồi sau đó, hai anh của nó còn phải đi xách nước sông về đổ đầy mấy cái lu, lóng phèn cho cả nhà xài trong những ngày sắp tới. Má nó và chị Hai đã nấu xong một nồi thịt kho nước dừa, và cũng đã sẵn sàng có mâm cơm nhiều thức ăn để cúng rước ông bà vào buổi chiều ba mươi Tết.
Sau bửa cơm gia đình của chiều hôm đó, nó và đứa em phải đi ngủ sớm mà trong lòng thì lại đầy nao nức đón chờ. Qua lớp vải mùng trắng, nó thấy chị Hai đang cặm cụi trên chiếc máy may, cố đạp cho xong những đường chỉ cuối trên bộ đồ mới của một đứa em nào đó; và nơi kia bên bếp lửa, nó cũng nhìn thấy má nó vẫn còn ngồi bên cạnh lò than hồng, vo ve từng cục bột nhỏ, nấu chè cúng ông bà vào buổi sáng đầu năm.
Sáng ngày mùng một Tết, tiếng ồn ào của đám nhỏ đang tụ tập ngoài sân khoe quần áo mới, cùng những tờ giấy tiền cũng mới, nhưng mà nó thì lại không dám bước ra khỏi nhà. Ngày đầu năm, nó đã bị ‘lột xác’ để khác với thằng trọc đầu hôm trước, không còn cái quần xà lỏn với chiếc áo bạc màu, cùng đôi chân đất tò mò đi quanh khắp xóm. Chiều qua, sau khi phải tắm rữa cho thật sạch, sáng này phải mặc một bộ đồ mới vô người, và còn phải xỏ vô chân thêm một đôi dép mới nữa…Nó mắc cỡ!
*
* *
…Sau khi ông Mười qua đời, xóm tôi không còn nghe được âm điệu của những buổi hòa nhạc cỗ truyền nữa. Bà Cốc từ giã cõi trần thì những gia đình quanh đây cũng không còn những ngày nấu ăn chung với nhau như trước. Cái sân đất trống cũng phải thu hình bé nhỏ lại, sau khi cột trụ đèn qua một ngày đã biến mất. Những căn nhà mới mọc lên nhanh như nấm chung quanh, các xóm được nối liền nhau, và xóm nhỏ có được thêm vài hộ gia đình mới di cư đến.
Thời gian sau đó đã không còn lặng lẽ trôi nhưng may thay tôi vẫn lớn, để nghe được tiếng đạn bay thay cho tiếng pháo nổ mừng những mùa xuân kế. Dòng sông bên cạnh đã không còn êm ái trôi, mà dòng đời của tôi cũng không gì khác biệt. Tôi trở thành một lữ khách xa nhà, bắt đầu biết đón nhận những cái tết lạnh lẽo đi qua đời bằng những tàn cây không lá. Những năm sau này, cho dầu mai và đào có rộ nở khắp nơi, những món ăn quen thuộc của ba ngày tết cũng nhan nhản xuất hiện đầy ở các tiệm buôn, các ngôi chợ; và quanh đây người ta cũng tổ chức lễ hội đón giao thừa bằng tiếng trống múa lân cùng pháo nổ…nhưng sao trong lòng, tôi vẫn chưa tìm lại được một mùa xuân.
Nếu có ngửi được mùi thơm của đòn bánh tét gói trong lá chuối ở nơi đây, hay vị chua ngọt của viên mứt mãng cầu đến từ ngàn dậm, tôi vẫn biết không thể tìm lại được hương vị ngày nào mà mình đã đánh mất. Một thứ đã vĩnh viễn mất đi trong đời tôi là… tôi sẽ không còn nếm lại được vị ngọt ngào của những viên chè xôi nước của ngày xưa nữa. Một món ăn chơi mà má tôi vẫn thường tự tay vo ve từng viên nấu mang đến cúng Phật, cầu xin cho gia đình được bình an; mang ra cúng tổ tiên, cũng chỉ để xin với ông bà phù hộ cho các con của người mau trưởng thành, khôn lớn.
Trong căn nhà cũ ngày nào nơi xóm nhỏ, má tôi lặng lẽ chia tay với những đứa con của người, mà khi đó họ đều trưởng thành, nhưng chỉ mình tôi dù lớn nhưng vẫn chưa khôn. Má tôi đã qua đời vào một buổi sáng mùa thu, năm 96.)
Viết tại California vào những ngày cuối năm 2011.
Thái Lâm
*
* *
Lời tâm sự…
Những ngày cuối năm, tôi chợt nhớ tới cái xóm nhỏ ngày nào, đã từng có những người thân yêu cho mình nhiều kỷ niệm. Tôi xin lỗi họ vì dùng tên, và danh xưng của những nhân vật thật sự, đã sống bên cạnh tôi trong thời gian ấy, bởi vì họ luôn được ghi nhớ mãi trong lòng tôi dù bao năm tháng đã trôi qua…