TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Dòng đời 2
 
Lên mạng ngày 3/6/2011

DÒNG ĐỜI
 Bà bán vé số chứ không xin tiền cháu ơi.
Mặc dầu hầu hết các em tôi lập nghiệp ở Sài Gòn gần 30 năm, nay chỉ còn hai đứa em sống ở Cần Thơ, nhưng lúc nào tôi cũng nôn nóng muốn về Cần Thơ ngay mỗi khi về tới Việt Nam. Tôi muốn tìm lại không khí ấm cúng ở căn nhà mà bảy chị em tôi được sinh ra và lớn lên trong tình thương yêu của Ba Má và chị em. Tôi cũng muốn tìm lại những ngày thơ mộng, gặp lại những láng giềng thân thương của một thời xa xưa trong xóm.
          Thường tôi lấy chuyến xe khuya từ Sài Gòn để đến Cần Thơ vào buổi sáng. Tôi sợ trời nắng và nóng bức lúc ban trưa. Tôi cũng thích nhìn phong cảnh đồng quê Miền Tây tuyệt đẹp trong sương mờ khi rạng sáng. Về tới bến xe, trong khi chờ đợi taxi, vô số người trong đó có cả trẻ em quay quần quanh tôi mời mọc mua vé số, trái cây, thức ăn, v.v. Thật đáng thương cho các người nghèo khổ này.  Nhưng dầu có tiền rừng bạc bể không ai có khả năng giúp đở hết các thành phần nghèo khổ này trong xã hội. Tôi phải chọn. Đó là một bà già, khoảng 70 tuổi, mang vé số đến bán cho tôi. Dáng bà ốm yếu, da mặt nhăn nheo, sạm nắng với đồi mồi, tóc bạc phơ, cọm rọm bước lê chân đất đến tôi. Bà không mời mọc gì cả, chỉ chìa cọc vé số và khẫn thiết nhìn tôi. Có lẻ bà không hy vọng bán được vé số cho Việt Kiều như tôi. Tôi nhìn bà, tôi thấy từ đôi mắt của bà ánh lên nét van xin. Cá nhân tôi không có nhu cầu mua vé số. Nhưng tôi tội nghiệp cho bà, tôi mua một cọc 50 tấm vé với ý nghĩ giúp bà, đồng thời làm quà cho bà con nghèo trong xóm, mỗi gia đình một vài tấm số, mang niềm hy vọng cho mọi người thoát được cảnh nghèo khó cơ cực hiện nay. Tôi trả tiền cho bà nhiều gấp bội so với giá bán. Bà thật sự ngạc nhiên và cảm động. Hai tay bà run run nhận tiền, nhìn tôi rươm rướm nước mắt. Bà cất tiền trong túi áo trong, cài kim cúc thật cẩn thận. Tôi nhận thấy ở một bàn tay của bà ngón cái có mọc thêm một ngón tay nhỏ. Bàn tay này có tới 6 ngón. Tôi chăm chú nhìn theo bà khi từ giả tôi. Tự nhiên tôi thấy bà hơi quen quen.
          Về nhà trong buổi ăn tối, tôi mới đem câu chuyện bà già bán vé số để hỏi lại em tôi. Tôi nói rằng tôi nhớ ngày xưa, cách đây trên 30 năm, trong xóm có một bà có tật ở ngón tay cái, giống như bà già bán vé số, nay bà ấy còn sống hay chết và còn ở trong xóm không.
          Em tôi trả lời đó là Thiếm Năm, vợ Chú Năm “Đùng Đình”. Ở xóm tôi có hai người thứ năm, đều tên Năm. Để phân biệt, chú Năm làm cho xe Thập Điện được gọi “Chú Năm Thập Điện”, còn chú Năm chạy xe lôi thì gọi “Chú Năm Đùng Đình”. Thú thật, tôi không biết tại sao chú có biệt danh “Đùng Đình”.
          Ngày tôi còn ở Việt Nam, tôi biết rõ gia đình Chú Năm Đùng Đình. Chú nghèo, nhà trong một ngỏ hẻm. Chú thường chở tôi đi chợ. Chú ít nói, rất chăm chỉ chạy xe lôi kiếm tiền nuôi vợ con. Chú rất thương vợ con. Chú có chiếc xe lôi cũ kỹ.Từ 4 giờ sáng, chú chạy rước những mối bạn hàng Cần Thơ – Cái Răng. Những bạn hàng này ở Chợ Cần Thơ vào chợ Cái Răng thật sớm để mua trái cây, rau, tôm cá, v.v. từ các nông dân trong vườn đem ra bán. Còn thiếm Năm mua rau trái cây trong vườn rồi bưng bán lẻ ở chợ Cái Răng buổi sáng, hay trong xóm tôi, trước trường học vào buổi xế chiều. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, kiếm được tiền ngày nào thì chỉ đủ ăn cho ngày nấy và nuôi ba đứa con học ở tiểu học. Ba đứa con của chú mặt mày sáng láng. Nghe nói, chúng thông minh và học giỏi, lúc nào cũng đứng nhất nhì lớp. Chú Năm thường tâm sự với Ba tôi là chú thiếm ráng cho mấy đứa con ăn học lên cao, như chị em tôi, với hy vọng là chúng thoát được cảnh nghèo khó, lam lũ như chú thiếm.
          Sau 1975, gia đình chú gặp nhiều khó khăn. Vì quá gắng sức chạy xe lôi, và sống quá kham khổ để đủ tiền đóng học phí cho các con, chú Năm bị bệnh đau dữ dội ở ngực. Phải dành dụm cắt xén chi tiêu lắm mới được chút ít tiền để được khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Bác sỉ bảo là chú bị đau tim nặng, cần phải mỗ gấp, với một giá tiền khỗng lồ mà suốt đời chú chạy xe lôi cũng không đủ trả tiền mỗ.
          Chú tiếp tục gắng sức chạy xe lôi, chỉ khấn nguyện trời đất cho chú sống thêm được ngày nào hay ngày nấy, để kiếm tiền cho con ăn học.
          Một ngày nọ, trong Bến Xe Lôi, người ta phát giác là Chú Năm Đùng Đình đã chết cứng ngắt trên ghế ngồi dành cho khách ở tư thế ngủ trưa. Khi khách đến gọi mới phát giác là chú đã chết khá lâu trước đó. Mọi người cho là chú bị trúng gió chết.
          Cũng từ ngày chú Năm mất, không đủ tiền đóng học phí, các con bỏ học, đứa chạy xe lôi như cha nó, đứa làm phụ hồ, đứa nhỏ giúp Thiếm Năm bán vặt. Thiếm Năm nay cũng đã già, bịnh hoạn liên miên, không có tiền vào chửa trị ở bệnh viện. Nghề chạy xe lôi đạpkhông kiếm được tiền, và không có tiền để mua xe gắn máy Honda chạy ôm. Đứa làm phụ hồ cũng chẳng ra gì, khi có việc khi không có ai mướn. Cuối cùng, cả gia đình thiếm Năm bán căn nhà đó rồi dời đến một xóm nào khác để sống.
Cả xóm tôi, ai ai cũng lo tất bật làm ăn. Không ai còn nhớ đến gia đình Chú Thiếm Năm Đùng Đình.
Bà con trong xóm nói thêm, gia đình Chú Năm Đùng Đỉnh cũng chỉ là một trong hàng triệu gia đình khốn khổ ngày nay. Ai sướng được thì  cứ sướng, ai khổ cứ tiếp tục khổ. Trong nghịch cảnh xã hội : “Con vua thì được làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa”.
 
Reading, tháng 6/2011.
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855278 visitors (2218123 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free