Giai thoại văn chương
XUÂN MÃN CÀN KHÔN
Có một bà góa nọ, nhan sắc còn rất mặn mà, thường chỉ khoái mấy ông nhà giàu, còn bậc mày râu thường thường bậc trung, nhất là các nhà Nho nghèo kiết thì không bao giờ được bà ta ghé mắt tới.
Dù không thông chữ nghĩa thánh hiền, nhân dịp Xuân về, Tết đến bà ta cũng muốn có đôi câu đối cho vui cửa vui nhà, nhất là để tỏ ra mình cũng sính văn chương, hòng khoe khoang sự “ lịch lãm” của mình với những ông tình nhân nhà giàu đến ” xông tình yêu” cùng bà trong ba ngày Tết. Bà liền ăn vận thật sang trọng đích thân đem câu đối cũ mà ngày xưa chồng bà vẫn treo mỗi độ Xuân về, tới nhà một thầy đồ nổi tiếng hay chữ trong làng để nhờ viết lại.
Ông thầy đồ vốn đã biết tẩy bà góa nên nhân dịp nầy muốn chơi khăm mụ một phen để .. trả thù cho phe mình, nên thay vì nguyên văn câu đối là :
Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.
Có nghĩa :
Thời gian thêm ngày tháng, người thêm tuổi
Xuân đầy trời đất, phước đầy nhà.
Ông đồ bèn phóng bút, nắn nót viết nhưng cố ý bỏ mỗi vế một chữ cuối thành ra:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn.
Nghĩa bây giờ trở thành :
Trời thêm ngày tháng, người thêm
Xuân đầy trời đất, phước đầy.
Suy cho cùng, dù ông đồ có thâm ý, song câu đối này lại hóa ra mới và hay hơn so với câu cũ, vì nó mang tính phổ cập rộng rãi chứ không còn thu nhỏ trong phạm vi cá nhân. Thế nhưng ngày mùng một Tết, một ông nhà giàu, tình nhân của bà góa, vốn là tay sính chữ nghĩa lại hay ghen, nên khi đọc qua câu đối, nhầm tưởng chữ phúc là bụng, liền nổi cơn ghen :
- Ơ ơ … em có bầu rồi đấy à ?
Bà góa ngạc nhiên :
- Dạ… đâu có.
- Thế, tại sao em dán câu đối nầy ?
- Sao ạ.
- Lại còn sao nữa, thằng cha thầy đồ chơi xỏ em rồi đấy .
Chữ Phúc có nghĩa là Phước nhưng khi viết liền với chữ Mãn thì chữ Phúc bây giờ có nghĩa là…bụng đầy, mà bụng đầy là… có bầu chứ sao. Thế, em có bầu với thằng cha nào hả?.
Bà góa tái mặt, tức điên lão thầy đồ thâm nhưng đã muộn, đành chỉ bấm bụng mà chịu.
Lê Thanh Quang sưu tầm
|