Lên mạng ngày 27/9/2010
Ông Thầy dạy Sử Địa
Hồi đó, đã lâu lắm rồi, khi tôi hãy còn mặc chiếc áo nâu. Tôi còn nhớ vị thầy dáng người nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàn, thâm trầm, nhưng không thiếu phần hóm hỉnh, vui tươi. Thầy đi dạy thường mang theo rất nhiều sách, khệ nệ cả một cặp da, tướng đi chậm rải như nghiền ngẩm một điều gì. Ông thường mặc áo trắng quần xanh, hoặc đen, săn tay áo lên tới chỏ. Tóc ít khi nào chải gọn, tu tủa một bên tráng. Từ khi cuôc chiến đến hồi sôi động, ông đi dạy mặc áo nhà binh, mang lon Trung Úy. Giọng nói “Bắc Kỳ” thâm trầm.
Hình như ông thường hay gián tiếp nhắn nhủ một điều gì với bọn tôi. Bọn học trò với cuộc sống khó khăn trong thời chiến, muốn nhảy vào trường để giựt một mảnh bằng, hầu che nắng che mưa.. Nếu đứa nào gia đình may mắn có tiền, đủ tuổi gia hạn quân dịch, và cũng là bọn học giỏi, học siêng kià, thì có tương lai bước lên ngưỡng cửa Đại Học. Còn bọn tôi, hồi đó tương lai của bọn tôi chỉ là “mầm non của Nghĩa Trang Quân Đội”.
Ông có biết đâu những lời nhắn nhủ của ông, bọn tôi chưa bao giờ có khả năng thực hiện. Chỉ vì đời sống học trò, mang thân phận của những thanh niên nghêu ngao với sách đèn, lẫn tránh xã hội bên ngoài, vào học đường hầu chạy trốn chiến tranh, chứ không hẵn trau giồi kinh sử như thiên hạ lầm tưởng.
Còn nhớ lúc giảng bài, ông thường đưa ra những lời dẫn dụ rất thâm thuý. Như ông thường nói: Các em biết không? nghề mà ông thích nhất là Quản Thủ Thư Viện. Ông quan niệm rằng, đó là cơ hội để ông tha hồ đọc sách. Ông cho rằng, bất cứ sách nào khi các em xem, thì các em lảnh hội ít nhất là 30 % công sức trí tuệ của tác giả, mà mổi một lần xem sách thì mình lại có thêm chừng ấy kiến thức, mấy tay viết sách đâu có bở đâu…toàn là mấy người đi trước chúng ta cả thế hệ…Ph.D không hà….Thử hỏi sau bao nhiêu năm đọc sách, vô tình mình có được kiến thức của hàng tá tác giả, ông cho rằng kiến thức, quả là món quà có giá trị tuyệt đối mãi khi ngày nào mình còn sống…
Ông có cái ước mơ để trao tặng chúng tôi từ một người đàn anh hơn là người thầy với lủ học trò. Vì hình như trong gia đình ông, cũng có thằng em trai học cùng lớp với bọn nầy. Sinh hoạt với ông thoải mái lắm. Giống như thằng anh đang kèm dạy dổ thằng em vậy. Không có áp lực của cái gọi là nguyên tắc sư phạm của ông thầy giáo. Nó mượt mà, thông dong như thả dìu chơi lúc gió lên vào những tháng đồng trống. Có lúc ông cũng rất nghiêm để săn sóc mấy đưá mơ ngũ, hắn có cái tên giống chữ lót của ông như Nguyễn Trường V.. Tên nầy dể bị để ý và bị hãm địa, chỉ vì hắn trùng họ và tên chữ lót của ông. Tếu một chút cho vui thôi…chứ có bao giờ ông phạt vạ gì ai..
Bọn tôi rất thích nguồn kiến thức phổ thông của ông, ông đã mở rộng tầm mắt của chúng tôi, như một người đọc sách dùm, nếu cần thì sẽ hướng dẫn thêm. Những đề tài mà chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội biết đến. ..
Thằng em trai của ông học giỏi lắm, hắn thi nhảy vào Đ.H Nông Nghiệp C.T. Ông có tên trong nhóm chấm thi lần đó. Ông bảo, tội nghiệp mấy đứa học trò chiệu khó trao giồi luyện thi. Ông đã kể cho nghe khi chấm thi, thấy tuồng chữa nào quen quen…ông vớt vài điểm ân huệ, nếu bài thi xem xém gần trúng tuyển. (hai ba đứa gì đó..)
Khi đó ông có hỏi tôi, vậy chớ tương lai em có định vào Đ.H Nông Nghiệp C.T không??”
Tôi có thưa rằng: “Không cần đâu, cha dạy con là đủ rồi”. Vì bố tôi là nhà nông chuyên nghiệp một đời, chẵng lẽ cha dạy con làm ruộng không được sao….!!!?? Ông quay đi chỗ khác, nhìn về cửa sổ ngoài sân mà nghe lòng se thắc, khi thằng học trò đem hoàn cảnh khó khăn của mình mà dám đuà giởn với tương lai, mặc dù hẵn định mệnh của bọn tôi đã gắng liền với tay súng, và chiếc áo nhà binh, tương lai là bải chiến trường, chứ kiến thức nông gia không còn chỗ đứng ngoài mặt trận, chiến tranh là cái mà không ai chọn, do đó chúng tôi làm gì có hân hạnh đặt chân đến ngưỡng cửa Đại Học như bao nhiêu thanh niên khác có đủ tuổi và đủ tiền, khi gia đình chúng cung phụng cho đời sống ăn học.
Mấy năm gởi thân nơi trường cũ, bọn tôi chỉ còn vài kỷ niệm êm đềm xa xưa, có lúc ru mình vào giấc mộng đẹp, như khi nhớ đến mấy cô nữ sinh e thẹn trong chiếc áo nâu, tay cầm mã tấu (làm cỏ), cũng có lúc ác mộng trỡ về, không phải vì học đường, mà vì hoàn cảnh nhà nghèo túng của thư sinh. Sống trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nghèo khó và mọi cố gắng hầu gia giảm sự chạm tráng với cuộc chiến, né chiến tranh càng xa càng tốt. Chính tôi cũng là thành phần con yêu của đất nước. Nhưng nếu cho tôi chọn, sẽ chọn sống nơi đất nước thanh bình, để mọi người có quyền chọn đời sống riêng mình mà không bị ám ảnh bởi chiếc áo nhà binh. Chiến tranh, nơi đó không có kẻ thắng trận, mà hai bên đều là người bại trận, ngược lại với như ai đó…đã từng rêu rao lếu láo…
Ngày tan trường, kể từ năm ấy tôi không còn gặp ông nữa, bọn tôi đã quên ông mất rồi. Tôi quên ông, như quên tô "phở tái, béo, đặc biệt" vào những sáng mùa đông, tôi quên ông như quên những tình khúc ca dao quê nghèo. Tôi quên hẵn, như quên chính cái bản thân nghèo xơ xác của mình dạo đó. Tôi quên, như chưa bao giờ đặt chân đến trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, kể cả quên luôn cô bạn nhỏ cùng lớp, dầm mưa dãy nắng trong chiếc áo nâu, cố đặt mấy ngọn chuối non trên líp khô cằn, lúc Thực Hành Nông Trại hè năm 1972.
...Thầy Nguyễn Trường Hy, dạy Sử Địa đâu rồi ????? Bây giờ ông ở đâu ?