Lên mạng ngày 23/12/2010
Xe Ngựa
Không ai còn nhớ ngày mà xe ngựa ngừng hoạt động tại Sàigòn. Nhưng kể từ khi có lệnh không cho xe ngựa di chuyển ở vùng lân cận trung tâm Sàigòn vào đầu thập niên 1970. Thì khi ấy xe ngựa vẫn còn lăn bánh ở vùng ngoại ô tại Hòa Hưng, Bảy Hiền, Bà Quẹo…
Hình ảnh còn mãi người phu xe đen đủi gồng chân ra sức từ đôi tay kéo xe ba gác hay xích lô chất đầy rau trái cố sức qua mặt đôi song mã nhịp nhàng phi nước kiệu hòa với tiếng lục lạc vui tai gõ đều đều trên mặt đường theo nhịp “đôi”, như trong bài hát dân ca “Lý Ngựa Ô” từ thế kỷ thứ 17, vào buổi sớm mai lành lạnh hơi sương lúc trời lập đông năm nào.
Những khung xe ngựa nằm phủ bụi trong góc vườn ở Lái Thiêu, Dĩ An, Thủ Đức, Bà Điểm, Hốc Môn, Đức Hòa… tưởng chừng để cho mục nát theo thời gian, nhưng lại được người ta đi lùng mua, lau chùi đánh bóng bán lại cho những người hoài cổ. “lối xưa xe ngựa”*. Hay nhờ vào bàn tay khéo léo của những người thợ làm nên chiếc xe ngựa mới rập khuôn đúng kiểu thời xưa.
Bây giờ thì xe song mã được đem trưng bày trong căn phòng lộng lẫy. Người ta còn gắn lên vách, treo lơ lững giữa gian phòng ở quán cà phê hay trong nhà hàng một cái bánh xe ngựa giăng đầy mạng nhện xem như là cách trang trí.
Vào năm 1992, chuyện nhà đạo diễn từ Pháp vào Sài Gòn thực hiện cuốn phim “Người Tình” đã đến Huyện Thuận An Tỉnh Bình Dương tìm gặp ông Hai Sộp người chuyên làm xe ngựa theo kiểu thời xưa để hợp đồng mướn 8 chiếc xe ngựa của ông và nhờ ông hướng dẫn cho diễn viên cách đánh xe ngựa trong suốt thời gian 2 năm dài đóng phim với số tiền là 180 triệu đồng vào thời đó, đã trở thành bước ngoặc thay đổi đời sống kinh tế trong gia đình của ông Hai Sộp.
Sau đó đạo diễn Thiery từ Pháp sang Việt Nam làm phim “Miền Nam Xa Xưa” cũng đã đến gặp ông Hai Sộp mướn 6 chiếc xe ngựa đủ loại trong vòng 1 năm với giá trên 100 triệu đồng. Phen này thì tổ đãi, ông vừa có tiền hậu vĩ, vừa được
đến Huế, Hội An… theo đoàn phim bên cạnh đạo diễn nổi
tiếng người Pháp và nhà văn Sơn Nam rất am tường về văn hóa miệt vườn Miền Nam. Ông Hai Sộp rất tự hào khi hồi tưởng lại cha của ông thọ giáo với người thầy là “ông tổ” Văn Luốc để học cách làm xe ngựa vào đầu thập niên 1920.
Trước đó, xe ngựa có cái thùng phía sau với hai hàng ghế bằng gỗ là chổ ngồi cho hành khách; hay chở rau cải, hàng hóa… được ngựa kéo. Kiểu xe này được phổ biến từ xưa cho đến ngày chấm dứt vẫn giữ nguyên dáng cũ. Có kiểu xe ngựa liễu nhỏ thon ra đời để các vua quan chiều chiều đi hóng gió. Vẫn hay hơn là anh xích lô ì ạch còng lưng kéo một cổ xe có người đang ngồi chểm chệ mà sức nặng dồn lên đôi chân bước đi như chạy của anh phu xe. Ngoài kinh nghiệm làm xe ngựa cổ, ông Hai Sộp còn rành cách nuôi ngựa và gầy giống.
Xe ngựa ngày nay không những chỉ cần cho việc đóng phim, mà còn cho thuê mướn trong dịp đám cưới hỏi, tạo cảnh trí sinh động cho dịch vụ nhiếp ảnh hay trung tâm giải trí... Ông Hai Sộp đang giữ lấy cái nghề gia truyền mà người thời nay ít có ai theo “lối xưa xe ngựa”* nầy nữa ./.
* Lời trong bài đường thi Thăng Long Thành Hoài Cổ của thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan
Xe ngựa thời xưa trước chợ Bến Thành Sài Gòn