TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Dòng sông kỹ niệm
 
Lên mạng ngày 8/9/2010

DÒNG SÔNG KỸ NIỆM
 
Nguyễn Thị Kim-Thu

Bamboo bridge (called monkey bridge) near Phung Hiep. Can Tho, Vietnam (color)
 
Dòng sông là một đề tài muôn thuở của bao văn sỉ, thi sỉ, nhạc sỉ, họa sỉ, v.v. Sông là nơi thơ mộng cho người có tâm hồn nghệ sỉ, đồng thời cũng mang nhiều lợi ích thiết thực cho bao người dân sống nơi đây. Sông là nguồn nước cho sự sống của muôn loài, cho ruộng vườn xanh tươi, cho giao thông tiện lợi. Dòng sông cũng là nơi chuyên chở tình cảm con người, chứa chất bao kỹ niệm từ thuở ấu thơ cho tới ngày cuối đời, từ kỹ niệm yêu thương với tình quê hương lai láng. Có những dòng sông mang những trang sử oai hùng, tiêu diệt quân xâm lăng, giữ vững giang sơn gấm vóc. Nhưng cũng có những dòng sông mang đầy uất hận, những dòng sông nhỏ bé đã đưa người ra biển khơi trong nước mắt nghẹn ngào từ biệt quê hương. Ôi những dòng sông!
          Tôi được sinh ra và lớn lên bên bờ sông nhánh của Sông Hậu. Cả quê nội và ngoại của tôi đều ở bên bờ Sông Cái lớn, nên tôi được nuôi dưởng bởi sông nước hiền hòa, với không khí trong lành, và phong cảnh đẹp tuyệt vời tuy mộc mạc đơn sơ.
          Đi ngược dòng thời gian, trở về với tuổi ấu thơ, tôi có nhiều kỹ niệm kể từ khi bắt đầu có trí nhớ. Năm 4 tuổi, tôi được Ba Má tập lội, tuổi 5, 6 biết tụ họp bạn bè cùng tắm sông, tắm trưa, tắm chiều. Mỗi lần tắm, tôi không nhớ kéo dài bao lâu, nhưng tôi biết là lâu lắm, nhiều khi má tôi kêu vài ba lần tôi mới chịu lên bờ. Chúng tôi rành bơi lặn cút bắt như con rái cá trên sông.
Thời trước không có nhiều đồ chơi cho con nít như bây giờ, chúng tôi phải chế đồ chơi từ vật liệu trên sông. Bên bờ sông, tùy theo mùa, chúng tôi hái hoa dại để cài lên tóc. Chẳng hạn như bông tra có quanh năm hoa vàng nhụy nâu rất đẹp, hoặc hoa bìm bìm màu tím, hoặc hoa ô môi tím đỏ làm hoa tai, trái gạo xâu thành hạt chuỗi, đúng là “nhân chi sơ, tính bổn diện”.
          Vào mùa nước nỗi, khoảng tháng 9-10 âm lịch, trên sông trôi từng dề tim bức (hay tâm bức). Đó là loại thủy thực vật, dây dài, thân to bằng ngón tay, có lóng dài 30-40 cm. Chúng tôi vớt cả dề tim bức lên bờ sông, chặt 2 đầu lóng, rồi dùng đủa thụt lấy cái tim tròn màu trắng ở giữa, vừa xốp, vừa dai, tròn to hơn chiếc đủa. Chúng tôi cột thành hình búp bê, làm con chó, con nai, v.v. Còn lá dừa chúng tôi làm thành con chim, con cào cào, hay trái ấu. Vào ban đêm, chúng tôi rũ nhau leo lên bụi cây bần bắt đom đóm, nhốt vào chai penicilline để mang vào giường ngủ làm đèn.
          Lớn hơn một chút, chúng tôi được dạy chèo ghe, bơi xuồng. Lúc tắm, biết e thẹn, nên mặc cả quần áo, khi chạy lên bờ quần áo ướt ôm sát thân hình, nên tréo 2 tay ôm che ngực chạy nhanh về nhà.
          Khi gần chấm dứt bậc tiểu học thì không còn đi tắm sông với bạn bè nữa, mà má bắt phải tắm trong nhà tắm. Tuy nhiên, vẫn nhớ cảnh sông nước, chiều chiều chị em rũ nhau ngồi trên cầu ván xỏa tóc gội đầu.
          Tôi rất mong dịp lễ hai Bà Trưng, vì đây là dịp tôi tranh tài bơi lội trên sông với các nữ sinh nhiều trường trong thành phố. Được mặc bộ đồ tắm chính hiệu là ước mong của thuở học sinh của tôi. Có lần tôi được giải hạng nhất về bơi lội, trong tiếng hoan hô cỗ vỏ của bạn bè và khách đứng xem chật cả 2 bên bờ sông.
          Đến khi lập gia đình và có con, nếp sống có khác, vì bận rộn công việc hàng ngày, chỉ còn quen thuộc với bến đò đi chợ, với tiếng rao bán hàng trên sông.
          Một kỹ niệm tôi còn ấp ủ cho tới bây giờ, sau gần 35 năm trong  ký ức. Đó là những kỹ niệm không bao giờ quên của những năm sau 1975. Không biết lý do tại sao thảm họa rầy phá hoại ruộng lúa quá trầm trọng mấy năm liên tiếp sau năm này. Tôi được giao nhiệm vụ ở trong ban hướng dẫn sinh viên tham gia chiến dịch diệt rầy ở các xã Phú Hữu, Phú Thứ thuộc tỉnh Cần Thơ. Vào những năm này, rầy tàn phá ruộng lúa có nơi bị nặng thiệt hại đến 70-80%, nên Tỉnh phát động chiến dịch gồm lực lượng hùng hậu của Ty Nông Nghiệp và Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ. Vì không đủ nhân số, Đại Học Cần Thơ huy động thêm sinh viên Khoa Học, Sư Phạm tham gia. Dĩ nhiên, sinh viên nông nghiệp chủ động về chuyên môn, còn sinh viên các khoa khác chỉ phụ giúp nhân lực mà thôi. Tôi bên Đại Học Nông Nghiệp làm phó đoàn, và một anh kỹ sư bên Ty Nông Nghiệp làm trưởng đoàn, phụ trách ở 2 xã này. Chúng tôi được chia nhau ở trong nhà nông dân, rải rác từng khóm gần nhau. Tất cả nử sinh viên do tôi hướng dẫn và chịu trách nhiệm công tác sinh hoạt cũng như ăn ở.
Vào ngày xuất quân chiến dịch diệt rầy, chúng tôi được chở trên mấy ghe lớn chở hành khách Cần Thơ – Phú Thứ - Phú Hửu. Để có tầm nhìn, tôi thường leo lên ngồi trên nóc mui ghe, thu hết hình ảnh hai bờ sông, ghi vội vào nhật ký. Đến nơi, tôi lao vào công việc tức khắc. Một cảm giác làm tôi rất cảm động, là sự tiếp xúc giữa chúng tôi và nông dân, với tấm lòng chân thật, chất phát của người dân. Họ đã xem chúng tôi như cái phao bám víu để cứu vớt họ trong giờ tuyệt vọng. Họ không còn gì nữa ngoài mảnh ruộng lúa xác xơ vì rầy phá hoại. Tôi thương cảm hoàn cảnh họ vô cùng. Rầy nâu, rầy trắng bu đầy cây lúa, cả cánh đồng héo úa. Không có một bình xịt, không có một giọt thuốc diệt rầy, cũng không có được giọt dầu hôi để làm bẩy diệt rầy. Nhìn cảnh nông dân đi thất thểu trên bờ đê, làn da sạm nắng, với hai bàn tay trắng, mới thật sự cảm thương và muốn giúp họ. Tôi đi theo họ để quan sát và định lượng sự thiệt hại, tìm phương pháp cứu chửa. Tôi xăng quần lội trước, họ lẻo đẻo theo sau, hết đám ruộng này đến đám ruộng khác, từ sáng tới chiều. Tôi không cảm thấy mệt, nhưng các bác nông dân quan tâm e ngại cho tôi: “Cô ơi, da cô trắng hồng quá, vì chúng tôi mà cô phải chịu cực thế này!”. Tôi cười vã lã “Không sao đâu, tôi là dân nông nghiệp mà, nên chuyện lội ruộng, diệt rầy là nghiệp của chúng tôi”.
Nhờ sự định lượng thiệt hại đúng lúc, cùng với mật độ các loại rầy phá hại chính xác, chúng tôi đề nghị cấp tốc lên Ty Nông Nghiệp cung cấp phương tiện gồm bình xịt, thuốc sát trùng, dầu hôi đánh bẩy. v.v. và nhờ sự hăng say chân tình của sinh viên Đại Học Cần Thơ, mà chương trình thành công.
Sau một ngày làm việc là lúc phải tắm gội chất thuốc sát trùng và bùn lầy. Ở nhà quê đâu có nhà tắm, toàn phải tắm sông. Cây cầu dừa hay cầu ván mé sông là nơi để tắm và giặt giũ. Trong số các em nử sinh viên, có em biết lội, có em không, vì sống quen ở thị thành nên các em e ngại phải đi tắm sông. Tôi thường rũ các em biết lội hay không biết lội đi tắm chung với tôi, để tôi trông chừng, vì là trách nhiệm của tôi bảo vệ các em. Tôi lội và lặn hụp với các em biết lội ra tận giữa dòng sông, rất vui, nhưng mắt vẫn trông chừng các em không biết lội, lúc nào cũng bám cứng cột cầu. Đó là những kỹ niệm đẹp cuối cùng của tôi về những dòng sông.
Có nhiều lúc tôi nhớ dòng sông ở quê nhà, tôi hay ra bờ sông Thames vùng tôi ở để nhìn sông nước. Tuy sông nước xứ người không giống xứ ta, nhưng mây nước cũng gợi tôi nhớ lại bao kỹ niệm của một thời còn ở quê nhà.
          Bông tra rạng rỡ màu vàng
          Nhớ con bìm bịp nước tràn mà thương
          Thương gì ? .. Thương nhớ quê hương.

          Và tôi đã khóc như chưa từng được khóc!
 
Reading, tháng 9/2010
Nguyễn Thị Kim-Thu

- - -

Kính Gởi Thầy Cô 
Tối hôm qua nhân đọc bài "Dòng Sông Kỹ Niệm" của Cô mới làm đăng trên trang nhà.  Một thoáng buồn và xúc động em viết vội hai bài thơ để Kính Tặng Cô:

Bài thứ nhứt
          Tựa - Cầu Sông Quê -

Cầu khỉ ngày xưa dẩn đến trường,
Nay chốn quê người nhớ và thương.
Một đời lưu lạc nơi đất khách,
Đêm mơ giấc ngủ chốn quê hương.

                  *******

À ơi nghe tiếng mẹ ru,
...Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu khỉ lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
...Khó đi mà chẳng có đi,
Quê người sao có những gì ta yêu.
Thương chồng thì cũng thương nhiều,
Sông, Cầu, quê cũ thương nhiều thương hơn
 Đọc bài Cô viết hồi hôm,
Chút tình tri ngộ thành thơ tặng NGƯỜI.

Bài Thứ 2 - Không Đề -

Nổi buồn suốt đêm thâu,
Mang nặng nổi sầu đau .
Thế gian lắm u sầu,
Ngày cũ đã chìm sâu.

             ****

Ai về dòng sông xưa,
Mấy nhịp cầu đong đưa.
Hàng dừa xanh bóng mát,
Còn nói sao cho vừa
.

8/9/2010
Dương Xuân Triều


Trở lại Trang Bạn Viết

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860743 visitors (2231532 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free