TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Một chuyện huyền bí
 
Lên mạng ngày 30/10/2011

MỘT CHUYỆN HUYỀN BÍ
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Tôi vốn không tin những chuyện dị đoan hay có tính thần thoại, nhưng có nhiều chuyện không giải thích theo khoa học đã xảy ra trong gia đình khi tôi còn nhỏ được Ba Má kễ lại, và chính mắt tôi chứng kiến khi tôi khôn lớn.
          Sau khi đậu bằng Trung học, Ba tôi đi làm việc để ông bà nội được nhẹ gánh nuôi các chú cô ăn học. Ba làm thư ký cho một đại điền chủ ở Cái Tắc khoảng giữa thập niên 1940s. Ông bà đại điền chủ này rất giàu, có trên chục ngàn mẫu ruộng lúa trải dài từ Cái Tắc đến vùng Sua Đủa. Công việc của Ba là ghi chép sổ sách tài chánh, số lúa thâu hoạch, đi thâu góp lúa vào mùa gặt và phụ tá ông bà trong mọi việc kinh doanh. Ngoài số ruộng trên, bà chủ còn có một tiệm bán vải lớn duy nhất và một vựa mắm ngay phố chợ Cái Tắc. Sau một thời gian làm việc, ông bà gả con cho Ba và giao Ba quản lý mọi việc vì ông ngoại đã lớn tuổi. Tôi chưa ra đời trong thời gian Ba Má sống chung với ông bà ngoại ở Cái Tắc.
          Ba Má sống trong nhà cùng ông bà ngoại. Ông Bà Ngoại có tới 13 người con, Má thứ năm. Dì Hai lấy chồng ở Cù Lao Mây, cũng trong một gia đình đại điền chủ. Các Cậu thì có người lập nghiệp ở Sài Gòn, có người còn đi học ở bên Tây, hay ở nội trú tại Sóc Trăng trong trường đạo. Chỉ còn vài cậu dì nhỏ tuổi, có người mới sanh, sống với Ông Bà Ngoại. Má kễ lại, để phục vụ công việc, Ngoại có tới hai ba bà vú để nuôi dì cậu nhỏ, 2 người lo bếp núc, 3 thanh niên lực lưởng nhiệm vụ canh gác, hai ba người sai vặt, 3-4 người làm vườn, một thợ chuyên đan nia thúng cho công việc góp lúa, một thợ khảm xa cừ mướn từ xứ Quảng vào để lo trang trí bàn thờ và nhà khách. Đó là những người giúp việc thường trực. Ngoài ra, vào mùa thu góp lúa, ông bà ngoại mướn hàng chục người giúp việc theo mùa. Là một đại điền chủ, nhà ngoại xây vừa cỗ vừa tân thời, rất lớn, ở bên kia sông đối diện Chợ Cái Tắc. Ngôi nhà trung tâm, rất lớn, ba gian hai chái. Gian giữa thờ Phật và ông bà, gian trái là nơi ông bà ngoại ở, gian phải là nhà khách và các cậu dì lớn, trong đó có Má. Mỗi gian đều có nhiều phòng. Hai bên ngôi nhà trung tâm là hai nhà lớn khác, một nhà cho các bà vú cùng các cậu dì nhỏ tuổi. Ngôi nhà kia là nhà ăn gia đình và nhà bếp.  Sau dãy nhà này là một hồ sen với thủy tạ. Bên kia hồ sen là một dãy nhà dài, có tới mấy chục căn, dành cho nhân viên và người giúp việc. Ba tôi đầu tiên được ở trong một căn nhà này. Mấy năm sau, khi lấy Má mới dọn lên khu nhà khách. Để giao thông giữa các ngôi nhà này là các nhà cầu có mái che. Mặt trước nhà là một sân lớn cẩn đá Italy, cuối sân là một hàng rào sắt cao vót nhọn, sát Sông Cái Tắc. Để giữ vũng bờ sông, ông ngoại mua đá tảng chẻ từ Thất Sơn làm bờ kè. Một cầu tàu sắt cho nhiều ghe chài cặp bến chuyển lúa vào nhà kho. Sau dảy nhà nhân viên là một nhà kho lúa, có nền cao tránh ngập lụt, có thể chứa hàng trăm ngàn giạ lúa. Sau đó là ngôi vườn trái cây tạp. Một hàng rào cây trâm bầu và dừa làm ranh giới.
          Sau khi Ba làm quản lý, vì công việc quá nhiều, ông ngoại đồng ý tuyển một phụ tá cho Ba. Bác Năm, bạn học của Ba, chưa có vợ, được giao công việc, Bác ở trong căn phòng Ba ở trước kia. Công việc của Bác là phụ tá mọi việc và cùng Ba đi vào vùng quê thâu lúa, vì thời gian sau này bắt đầu mất an ninh. Ba và Bác Năm lúc nào cũng sát cánh bên nhau.
          Hàng năm, vào gần cuối tháng tư âm lịch Ông Bà Ngoại đều đi lễ Vía Bà ở Núi Sam Châu Đốc. Ba và Bác Năm đi theo, vì vào thời gian này mùa đi thâu lúa vừa xong. Một lần, trong khi Ông Bà ngoại về khách sạn nghĩ ngơi, Ba và Bác Năm rũ nhau leo lên núi. Hai người đến một hang động mà người dân địa phương nói là nơi xưa kia có một ông Hổ (cọp) đến tu. Sau khi chui vào hang, Bác Năm thấy có một viên đá màu đen, bóng mượt, to bằng hai bàn tay chụm lại, bèn lượm. Ba bảo không nên, nhưng Bác Năm nói biết đâu có vị thần núi trong viên đá này sẽ phù hộ anh em mình. Bác vái xin viên đá và mang về nhà.
          Sau đó vài ngày, đang đêm khuya Ba nghe tiếng chân chạy vào nhà nơi phòng ngủ của Ba và tiếng Bác Năm nói ú ớ như người Miên “Nam phải chạy ra bắt hai tên trộm dừa ở mé vườn hướng đông”. Ba mở cửa thì thấy Bác Năm, da mặt sậm, hai mắt đỏ như say rượu, không giống như thường ngày. Bác Năm trâm một tràng tiếng Miên hay ngôn ngữ gì đó và lôi Ba cùng các thanh niên lực lưởng có nhiệm vụ canh gác chạy ra vườn. Bác chạy rất nhanh, Ba và đám thanh niên chạy theo không kịp. Ra tới mé sông thì thấy hai tên trộm đang leo lưng chừng thân dừa, muốn tuột xuống để chạy trốn mà hai chân như bị dính chặt vào thân cây. Đến khi Bác Năm ra lệnh leo xuống thì hai người này mới tuột được tới đất. Sau đó, Bác Năm rùng mình, trở lại khuôn mặt với giọng nói bình thường. Bác hỏi mọi người đang đêm khuya sao ra đứng ở đây.
          Một lần khác, đang ngồi uống trà với Ba trong giờ giải lao giữa buổi làm việc, Bác Năm đứng dậy, miệng trâm như tiếng Miên, và chạy vụt ra sân, hướng về bến ghe. Không biết chuyện gì, Ba chạy theo. Đến bến ghe, Bác nhảy chuyền từ ghe này sang ghe khác cho tới gần giữa sông, Bác phóng xuống nước và lặn biệt tăm hơi. Ba vô cùng sững sốt. Chỉ ít giây sau, Bác trồi lên và tay ôm một đứa bé bị lọt xuống sông mà không ai biết, đứa bé gần chết đuối. Sau khi đưa đứa lên bờ an toàn, Bác rùng mình trở lại người thường. Ba hỏi sao biết có đứa bé sắp chết đuối mà chạy đến cứu thì Bác nói là có biết gì đâu, đang uống trà với Ba mà.
          Qua hai sự việc đó, Bà Ngoại mới vái là nếu có đấng thiêng liêng phù hộ thì xin cho biết để thờ cúng. Vừa vái xong ở căn nhà thờ phượng, thì Bác Năm từ khu nhà nhân viên  đến. Một điều lạ là Bác Năm nhảy bò bằng 2 tay với một chân, còn chân kia dơ lên cao như cái đuôi, chứ không đi như người bình thường. Khi lên tới bàn thờ, trước mặt Ngoại, chỉ nhìn chứ không nói gì, miệng  gầm gừ như muốn nói mà không thốt được. Bà Ngoại vái lạy, xin đấng thiêng liêng cho biết phải cúng gì. Bây giờ, Bác Năm hiện thành người khác, da mặt trở nên sạm, mắt đỏ và nói như người Miên: “Từ nay, nữ phải bắt mọi người trong nhà ăn chay hai ngày Rằm và Mồng Một. Nếu muốn gọi Xiêm, nữ phải đốt 5 cây nhang, đồ cúng phải 5 cốm chùi  hay 5 viên chè trôi nước”. Nói xong, Bác Năm xuất hồn, trở lại bình thường. Từ ngày đó, Ông bà Ngoại tăng lên 6 ngày ăn chay thay vì 2 như trước đây, và bắt mọi người trong nhà, kẻ ăn người làm, phải ăn chay 2 ngày Rằm và Mồng Một, và giao Bác Năm nhiệm vụ kiểm soát thi hành lệnh này, vì Bác Năm ở khu nhà nhân viên dễ dàng kiểm soát.
          Trong một ngày Rằm nọ, ban ngày thì ăn chay theo đúng quy luật của Bà Ngoại đưa ra, nhưng tới khuya các ông nhân viên đói quá bèn đề nghị bắt gà nấu cháo ăn. Bác Năm hưởng ứng, vì cho là khuya rồi, đã sang ngày khác. Vừa bắt đầu ăn tô cháo, thì Bác Năm vụt đứng dậy, chạy ra hồ sen thủy tạ trước khu nhà, xách nước đổ đầy lu, gục đầu vào lu nước, sắp chết ngộp, thì rút đầu ra, rồi tiếp tục gục đầu vào lu nước, cứ như thế. Có người chạy lên báo cáo, Ba và Bà Ngoại chạy xuống. Bà bèn đốt 5 cây nhang và vái. Bây giờ Bác Năm mới rút đầu ra khỏi miệng lu và nói theo giọng Miên “Xiêm trừng phạt thằng nam vì nó phá luật ăn chay, bây giờ Xiêm tha nó”. Sau đó Bác Năm nằm dài mệt lã vì suýt chết ngộp trong lu nước. Trong một ngày Rằm khác, hai ba nhân viên vốn không tin chuyện dị đoan, bèn bắt gà ăn khuya, nhưng không cho Bác Năm biết. Vừa đang ăn, thì Bác Năm thức dậy, chạy ra hồ sen, tái diễn cãnh y như trước. Bà Ngoại chạy đến, thắp 5 cây nhang và xin đấng thiêng liêng tha tội. Bây giờ, Bác Năm nói giọng Miên “May mà thằng nam không theo bọn kia, nên Xiêm tha tội cho nó. Kễ từ nay, bất cứ ai không theo luật giới ngày Rằm Mồng Một, không những Xiêm phạt thằng nam mà trừng phạt kẻ phá giới nữa”. Kễ từ đó, không ai dám phạm luật nữa.
          Qua các sự việc đó, Ông Bà Ngoại rất tin ở các đấng thiêng liêng Núi Sam Châu Đốc. Ông Ngoại nói ở nơi này có 5 vị Sơn Thần gồm Ông Xiêm. Ông Hỗ, Ông Lục, Ông Lèo và Ông Mọi. Bác Năm được Ông Hỗ nhập hồn một vài lần, đa số là Ông Xiêm xuất hiện phù hộ.
          Khoảng năm 1945 hay 1946, phong trào Việt Minh bắt đầu nỗi dậy, đốt nhà và giết điền chủ. Ông bà ngoại bắt đầu nao núng, nhưng nghĩ rằng chợ Cái Tắc vẫn còn an lành, nên chưa chuẩn bị tản cư.
          Một chiều nọ, tự nhiên Bác Năm xuất hồn, chạy đến gặp Ông Bà Ngoại, ra lệnh bằng tiếng Miên là phải rời ngay nơi đây trước tối nay. Vốn tin tưởng Ngũ Vị Sơn Thần mách bảo, Ông bà Ngoại cùng Ba Má và các cậu dì, mỗi người tom góp ít của cải như châu báu, vàng ngọc, chạy ra Cần Thơ ngay chiều đó. Má lúc đó mang thai tôi.
          Đúng như đấng thiêng liêng mách bảo, tối đó Việt Minh cùng hàng chục tá điền đến nhà tìm kiếm lùng bắt ông bà ngoại. Không bắt được, sau khi lục kiếm và mang đi không biết bao nhiêu đồ quí giá, tất cả nhà và kho lúa đều bị phóng hỏa. Những ngày kế tiếp, có người đến hôi của, có người tốt đến mang đi dấu những thứ quý giá còn sót, và sau này nhắn ông bà ngoại đến lấy lại nhưng ông bà cho hết. Các bà con sống gần đó sau này kễ lại, ngày ngày không biết bao nhiêu ghe nườm nượp đến hôi của, từ đống lúa chưa kịp cháy, cho đến bàn tủ ghế cháy lem nhem trong nhà. Rồi hàng rào sắt dài hàng mấy trăm thước được tháo gở, đá Italy trong sân cũng đào lấy hết, ngay cả đá làm bờ kè cũng biến mất dần. Có người nói kho lúa cháy âm ỉ suốt 5 tháng mới tắt. Cuối cùng chỉ còn đống gạch vụn.
          Ba Má chạy về Ông Bà Nội tá túc một thời gian rồi tìm công ăn việc làm mới, và tạo một ngôi nhà gần nhà nội. Tôi được sanh ra trong căn nhà này. Ông Bà ngoại chạy về Sài Gòn ở với các cậu. Sau vài năm, chán cảnh Sài gòn, ông bà về mua một căn nhà gần nhà Ba Má để được con gái chăm sóc lúc tuổi già. Ví quá buồn phiền, Ông ngoại rồi bà ngoại lần lượt ra đi. Bác Năm cũng về quê củ, tức cũng gần nhà nội.
          Tất cả các chuyện nói trên là do Ba Má tôi kễ lại, vì lúc đó tôi chưa ra đời. Tuy nhiên, chính mắt tôi chứng kiến ba lần Ông Xiêm nhập hồn Bác Năm đến nhà thông báo chuyện có liên hệ với gia đình tôi.
          Năm tôi bắt đầu vào học Đệ Ngũ Nông Lâm Súc, tôi đến chơi nhà Cậu Mợ bà con ở kế khu Đại Học. Mợ đang chăm sóc heo nái vừa đẻ 13 heo con, trong khi heo không đủ sửa bú. Mợ biết tôi vừa vào học Nông Lâm Súc nên hỏi tôi có muốn nuôi heo không, mợ sẽ cho một con. Tôi vui mừng mang heo về nhà để nuôi thực tập. Hai ngày sau, tự nhiên Bác Năm xâm xâm đi vào nhà tôi, ra hiên sau nơi tôi nuôi con heo, Bác Năm một tay nắm lấy nó, tay kia bắt ấn trâm tiếng Miên, con heo chết tức khắc, rồi Bác quăng xuống sông, trước sự ngơ ngác của gia đình tôi. Bác Năm nhìn tôi nói theo giọng người Miên “Đây là con quỷ chứ không phải heo. Xiêm cứu gia đình nữ đó”. Sau đó, ông rùng mình và hiện lại Bác Năm bình thường. Ba Má bảo tôi đốt 5 cây nhang và vái cám ơn. Đó là chuyện thứ nhất, tôi chưa tin lắm vì đâu thấy quỷ mà đó chỉ là một con heo con dễ thương.
          Trong dịp Tết Mậu Thân thành phố Cần Thơ bị tấn công. Gia đình Bác Ba bà con tản cư đến ở nhà tôi khi chiến sự bắt đầu xảy ra ở vùng ven thành phố. Chiều ngày hôm sau, Ông Xiêm nhập hồn Bác Năm chạy đến nhà tôi, nói giọng Miên, ra lệnh cả hai gia đình tôi và Bác Ba phải lập tức chạy ra hướng Cần Thơ lánh nạn. Ba Má vội vã đưa cả gia đình đến ở nhà một bà con gần sân vận động Cần Thơ. Quả thật, tối đó Đài phát Thanh bị tấn công, hai bên bắn nhau dữ dội tại khu vực gần xóm tôi. Khi chiến sự chấm dứt, trở về nhà, chúng tôi khám phá nhiều vết đạn trên vách, một viên đạn làm nát bánh xe đạp đang dựng kế bên giường ba má. Gia đình tôi thoát nạn.
          Lần thứ ba, khoảng năm 1969, lúc tôi còn học ở Cần Thơ. Một buổi chiều, Ông Xiêm nhập xác Bác Năm đến gặp Ba tôi, lúc đó có tôi đứng bên. Ông Xiêm, tức Bác Năm, nhìn vào mặt Ba rồi nói giọng Miên: “Xiêm đến báo Nam biết là Xiêm đi xa, không còn ở đây để phù hộ Nam nữa”. Nói xong, Bác Năm trở lại bình thường.
          Kễ từ đó Bác Năm không còn bị Ông Xiêm nhập xác nữa. Vài năm sau 1975 Bác Năm mất, kế tiếp ba năm sau là Ba tôi.
          Mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi đều sợ rùng mình, không giải thích bằng khoa học được.
 
Reading, cuối tháng 10/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780461 visitors (2070001 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free