Lên mạng ngày 5/2/2010
BẦU CUA CÁ CỌP
Tiếng pháo đại làm thằng Tâm giật mình thức giấc, nó cuộn mền nằm co như con tôm nướng thêm chút nữa, hôm nay mùng một Tết, có quyền dậy trễ chút, nó chép miệng nghĩ vậy. Mơ màng thiêm thiếp 1 lúc thì lần này nó không còn thiu thiu được nữa, tiếng rộn ràng của bài nhạc Xuân phát ra từ radio ở gian nhà trước làm nó tỉnh hẳn, năm ấy nó còn chưa biết bài hát đó tên gì, chỉ biết nghe thì thấy nôn nao vì biết Tết đã rộn ràng ngay trước cửa…
- Thằng Tâm dậy rửa mặt nhanh rồi còn đi đốt nhang với ba . Tiếng Má Tâm gọi vọng vào, nó trườn ra khỏi mền tuột xuống đất, quơ chân mò đôi dép mới.
Sáng mùng một Tết nào Ba Tâm cũng dắt nó đi đốt nhang ở Chùa ông Bổn, rồi Đình, sau đó tới nhà bà con, nó xăng xái lắm vì sau một vòng thế nào nó cũng được một nắm lì xì trong túi.
…Xóm quê Tâm trải theo bờ kinh, dạng chữ T, Đình và Chùa án ngữ trên đỉnh, hai bên chân của chữ T, cách nhau chỉ hơn trăm thước . Xóm chợ của Tâm quay quần xung quanh giao điểm của chữ T, tuổi lên 10 của nó cũng trải bao năm kỷ niệm với đám bạn cùng lứa quanh ngả ba sông này. Từ đó ra vàm kinh xáng gần một tiếng đò chèo, có lần cả nhóm của nó thách nhau lội dọc ra kinh xáng lớn,nằm dọc quốc lộ. Tụi nó hè hụi đẩy xuống rạch : thân chuối, thau, phao lưới biển.. đủ thứ lỉnh kỉnh loi nhoi cả đám, nhưng chỉ mới vài trăm mét bì bõm tới ngả ba xóm đạo thì thằng Nghi Xung vọt lên bờ, ngồi bên mép thành cầu Bánh Bò :
- Sao tao thấy nước ở đây lạnh hơn chổ xóm mình, thôi tao về trước.
- Mày xạo , Ngọc Sanh đầu đàn của nhóm Tâm gân cổ đỏ mặt hét thằng Xung, mấy thằng bên nhóm thằng Xung thấy nó lên bờ cũng tót lên theo. Thằng Sanh cố lội thêm một quảng nữa rồi cũng lên bờ, bỏ lại cây chuối trôi bập bềnh
Thằng Sáu tiếc công “ Tụi mày phụ tao tước bẹ chuối cho nhẹ, tao lấy lõi đem về cho má tao làm ghém “ Cả đám hì hục tước cho đến khi thân chuối còn nhỏ cở bắp đùi, cho thằng Sáu vác về.
Nhóm thằng Sanh, thằng Xung là 2 nhóm cùng trang lứa ở xóm chợ, tụi nó thường chia phe trận giả với nhau, nhưng nếu có bất kỳ sự gây hấn nào từ phe thứ ba thì 2 nhóm tụi nó lại luôn là một.
Tâm là cánh tay phải của thằng Sanh, nhóm nó ít người nhưng thiện chiến hơn nhóm thằng Xung . Trận giả tụi nó thường chơi ở khu vực đình làng, thỉnh thoảnh kéo ra chòm mả ( nghĩa trang ), vủ khí luôn là thân hoặc cành bình bát đã tước vỏ phơi khô, mổi đứa đều có ít nhất vài cây gậy trắng bóc như vậy. Khi lâm trận, gậy mất hoặc gảy xem như thua, không được đả thương. Cuối cùng bên nào còn người và còn vủ khí nhiều xem như thắng trận.
Nhóm thằng Tâm thường thắng thế vì có thằng Sanh lớn hơn gần 2 tuổi cầm đầu, nó nhiều mưu kế, thằng Tâm và 3 đứa còn lại đều lì lợm. Nhóm thằng Nghi Xung đông hơn, nhưng ô hợp, nhát đòn, cho nên thằng Xung rất cay cú…
Nghi Xung là con lai tiều, nó gọi ông nội nó là A Côn, ông chuyên nghề hốt thuốc Bắc, nó rình lấy cây gậy gổ quí bóng nước của a Côn dựng ở góc nhà, thỉnh thoãng đi xa trong xóm ông mới dùng tới. Trận chiến chiều ấy, nhóm thằng Tâm thua tơi tả, cây gậy của a Côn nó như thanh bảo kiếm, quét mấy cây gậy bình bát gảy tơi tả. Thằng Ngọc Sanh và Tâm ức lắm, bàn mưu tính kế phản công. Trận tiếp theo thằng Nghi Xung khóc hin híc vì rơi vào kế Điệu hổ ly sơn, khi nó hăng tiết vị rượt theo thằng bảy Còi vô Đình, vừa lọt qua Tây hiên thì bị thằng Sanh và Tâm nhào ra quật gọn, cây gậy bị lấy và chuyền nhanh cho đứa khác. Chiều đó nó đi theo năn nỉ bọn Tâm xin lại gậy, tụi thằng Tâm đổ thừa chuyền qua chuyền lại cho nhau
- Mày đi hỏi thằng Ngọc Sanh, nó giữ- bay Còi nói
- Tao hỏi nó rồi nó nói thằng Tâm giữ, ngày mai Côn tao đi thăm bệnh, không có gậy chắc tao nát mông- Nghi Xung mếu máo
- Vậy sao hôm kia mày sung lắm mà, tụi tao mất hơn nửa số gậy với mày mà- Sáu xạo, anh của bay Còi chống nạnh hất hàm với thằng Xung
- Thôi tụi mày cho tao chuộc lại đi - thằng Xung nói ỉu xìu
- Tao không có giữ, thôi để tao hỏi Ngọc Sanh – Tâm chêm vào
Thực sự thằng Tâm đang giữ cậy gậy gổ quí của A Côn, nó về tắm rửa, ăn cơm rồi chong đèn dầu học bài. Lúc nó ngáp vắn dài chuẩn bị đi ngủ thì nghe sột soạt ở khe cửa sổ, một thanh kẹo đậu phọng rơi vào, Tâm đứng lên nhìn qua lá sách, thằng Xung còn đang lui cui nhét vào một thanh kẹo nửa. Tâm mềm lòng, nó vào buồng lấy cây gậy, nhè nhẹ mở cửa ra ngoài. Hai đứa nó ngồi yên lặng ở bậc thềm, mổi đứa nhai một thanh kẹo, không nói tiếng nào. Thằng Xung im lặng thổi lon un muổi, quơ quơ sau lưng thằng Tâm, than vỏ đước khói cay mịt , cay chảy nước mắt…
Chiều mùng một, các tụ bầu cua, tứ sắc đều ồn ào. Đây đó là các sòng nhậu của người lớn. Tâm gặp Xung đang chổng mông ở sòng bầu cua của thằng Sửu, nó ở xóm bến đò chuyên làm cái môn này. Năm nay nó vênh váo với cái áo màu sặc sở, mổi lần dở nắp khui là nó vung tay hét tướng lên “ Khui nè, hai cua , một nai “…
Thằng Nghi Xung chiều giờ đã cháy túi, khi thằng Tâm tới khều nó hỏi, nó xụi lơ :
- Anh thằng Sửu làm cho nó bộ hột bầu cua bằng “mốp” đẹp lắm, hột nhẹ tênh, gỏ nhẹ ngón tay lên nắp là nhảy , tao thua sạch trơn rồi …
Thằng Tâm chỉ đứng xem, một lúc sau nó kéo thằng Xung đi “Để tao về hỏi anh Hai tao, ảnh ở Sai Gòn mới về..”
Chiều mùng hai, thằng Sanh, Tâm, Xung, Bảy , bốn đứa kéo nhau ra bến đò vô sòng bầu cua. Thằng Sanh chơi đòn phân tâm :
- Ê Sửu, mày cho tao đổi tiền lẻ
Trong khi thằng Sửu lui cui đếm tiền lẻ thì thằng Tâm cầm hột săm soi khen đẹp, chuyền tay cho thằng Xung và thằng Bảy xem.
Tụi thằng Tâm chỉ tập trung đánh lai rai vào ba cửa : Cua, Nai, Gà. Cả bọn tụi nó ăn tì tì, 4,5 bàn mới thua 1 bàn. Chẳng mấy chốc tiền thua của thằng Nghi Xung đã được thu hồi, tụi nó còn lời thêm một mớ. Thằng Sửu đỏ mặt tía tai, mổi lần lắc xong, nó vổ mạnh lên nắp, hột bên trong càng nhảy tợn…
Tâm khều nhẹ Sanh, bốn đứa nó rút lui từ từ, qua khỏi cầu, tụi nó ôm nhau cười nắc nẻ. Thì ra anh thằng Tâm đã chỉ bài cho nó, sau khi nghe kể sự tình.
Hai đứa nó dùng kềm hè hụi cắt mấy đầu “ kim tây”, lúc thằng Sửu bị phân tâm Bảy còi và Nghi Xung nhanh tay đâm mấy đầu kim dài còn hơn một phân vào các mặt đối xứng : Bầu, Tôm, Cá . Khi hột mốp nhảy, mặt nặng thường rơi xuống trước, chúng chỉ việc đánh vào cửa đối xứng ngửa lên
Sáng mùng ba, Tâm phải dậy sớm, phụ má nó làm gà, nó chỉ có nhiệm vụ ngồi nhổ lông con cho thiệt sạch. Nó nhìn chị nó tréo chân gà một cách thán phục. Nếu làm không khéo sẻ bị Má la, gà cúng mùng 3 thường rất quan trọng ở quê nó, gà cúng luôn phải làm sao để có cặp chân đẹp, có nhà sau khi cúng thì treo cặp chân gà và một khúc xương rồng lủng lẳng ở cửa, hình như để trừ tà.
… Sau hôm trả thù gở nợ cho thằng Xung, tụi nó không qua xóm bến đò nữa. Thằng Sửu cũng dẹp sòng bầu cua . Tụi nó đã chuẩn bị rục rịch cho mùa đá banh, thả diều gần tới, vì đồng ruộng đã bắt đầu khô, sắp làm sân banh dả chiến được rồi.
Hai nhóm tụi nó giờ đã nhập thành một nhóm, để khỏi bị tụi xóm đạo, bến đò lấn lướt. Thằng Ngọc Sanh đã theo chú lên tỉnh học, hết năm nay thì Tâm cũng phải lên tỉnh học đệ thất, tụi nó chừng khắng khít nhau hơn vì biết ngày chia tay cũng sắp gần kề, xuân lại xuân qua, bài nhạc Xuân vẫn như xưa nhưng tâm trạng người nghe ngày một khác…