TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lễ hội cúng đình
 

LỄ HỘI CÚNG ĐÌNH
 
   Trong quá trình di dân vào miền Nam để khai khẩn vùng đất hoang đã gặp không ít khó khăn về thiên tai, phong thổ, chống chọi với thú dữ hoành hành. Cuộc sống ngày càng ổn định, nền văn hóa làng xã cũng đã bắt đầu hình thành từ đó.
   Việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được lưu dân thành lập trên vùng đất mới này.
   Mặc dù có một số khác biệt so với tín ngưỡng xa xưa, nhưng cơ bản hình thành đã đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an vô sự giữa chốn thiên nhiên đồng xanh bao la bát ngát tận chân trời nầy.
   Đình làng lúc đầu chỉ có chức năng là ngôi nhà lớn, dùng làm nơi nghỉ ngơi, tá túc cho khách lỡ đường. Dần dà về sau, giới chức chính quyền mới sắc phong cho các vị có công với quốc gia là thần Thành Hoàng, cầu mong các vị thần Thành Hoàng này chăm lo, bảo hộ cho dân làng, tá quốc an khang. Ngoài ra, đình làng cũng là một cơ sở văn hóa tín ngưỡng thể hiện sự tri ân của hậu bối đối với tiền nhân, những vị có công dựng làng, lập ấp, tạo chợ, xây cầu, khai khẩn đất hoang. Từ ý thức hồn thiêng sông núi, từ lâu người Việt đã biết thờ các vị thần núi, thần sông, thần đất, để giúp cho con người bảo vệ mùa màng, bình an xóm làng.
   Thờ thần là việc vô cùng thiêng liêng, thể hiện ở đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của mọi người. Trong tín ngưỡng thờ thần của dân chúng còn có một khía cạnh thiêng liêng khác nhằm tôn vinh các vị thần, tin tưởng vào sự linh thiêng của các vị thần. Công việc nầy là do triều đình thực thi, mà cụ thể đứng đầu là nhà
vua, là thiên tử thay trời trị an thiên hạ. Thiên tử là con trời mà ý dân là ý trời. Do đó, sắc phong của triều đình cho vị thần đồng nghĩa với việc xem vị thần đó là cơ sở pháp lý phụng mệnh của
nhà vua làm thần quyền cho làng xã. Khi một vị thần có sắc phong của nhà vua cho một làng thì vị thần đó được gọi là Thành Hoàng của làng. Sắc phong được để nơi trang trọng nhất, đặt trên ngai thờ. Ở mỗi đình làng, gian chánh điện là nơi thiêng liêng nhất, thường ghi chữ Thánh thọ vô cương, Thánh cung vạn tuế, với ý nghĩa là quyền uy nhà vua ngự trị ở nơi thiêng liêng nhất của làng và đó cũng là nơi để sắc thần.
   Trong thiết chế văn hóa của làng, đình là cơ sở tín ngưỡng có tính chất chính thống. Việc ông thần Thành Hoàng của làng được vua phong sắc là việc quan trọng vì sắc thần được coi là sự công nhận chính thức của chính quyền về sự hợp pháp của làng.
   Về kiến trúc, đình thường cất cao ráo, thoáng mát, nóc có tượng đôi rồng lượn tranh lấy quả châu, trên các thanh xà ngang là hoành phi, câu đối với nội dung thể hiện ước vọng về cuộc sống bình an của con người, ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân.
   Đặc biệt, thiêng liêng hơn cả là lễ hội ở đình, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ thần, biết ơn thần, tạ ơn đất trời đã cho con người cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, tạo được sự an lành trong đời sống thường ngày.
   Hàng năm, đình có hai kỳ lễ chính: lễ Kỳ Yên thượng điền và lễ Kỳ Yên hạ điền. Vào các ngày này, dân làng mở lễ hội đình để tưởng niệm công đức của các vị thần. Dịp cúng đình cũng là ngày lễ hội của dân làng, người ta tổ chức các trò chơi ở làng, diễn hội làng, hát bội với những tuồng tích xưa. Quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm qua trúng mùa hay thất mùa.
   Ngày lễ đầu tiên thành lập đình gọi là lễ Túc Yết, ngày cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công đức, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình. Tiếp theo là lễ Chánh Tế, được tiến hành vào giữa đêm thứ hai, có đọc văn tế với nội dung ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển mùa màng gia tăng năng xuất nâng cao đời sống cho mọi người.
   Thường thì, sau phần nghi thức lễ được tổ chức trang trọng là
phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng
đình nên dân làng tham gia rất đông. Mọi người ăn mặc nghiêm trang, chỉnh tề đến tham gia, thưởng thức, diễn trò, từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật… thể hiện được nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.
   Những người đến dự lễ hội đình làng được tự do xem hát, tham gia các trò chơi, trao đổi tâm tình và cùng nhau ăn uống, cười nói vui vẻ, mọi khía cạnh đời thường được nâng lên đời thiêng. Không gian thiêng liêng của đình cả năm im lìm thì một hôm nay được tái hiện sinh động bởi dân chúng trong làng hưởng ứng. Đèn, nến sáng trưng, cờ ngũ sắc trung bay, chiêng trống nổi lên, lòng người khắp nơi náo nức, rộn rã hướng về không gian thiêng liêng đó.
   Người đến lễ hội trước hết là để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần và các bậc tiền nhân đã khuất, có nhiều công lao, xây dựng cơ nghiệp. Sau, là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, sinh hoạt tinh thần gắn bó với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian diễn ra hằng năm.
   Lễ hội đình được diễn ra do tín ngưỡng thờ thần và vui được mùa của người người trong xã hội, giữ mãi truyền thống văn hóa. Bởi thế, lễ hội đình rất thiêng liêng trở thành nét văn hóa đặc sắc độc đáo.
   Lễ hội đình làng là cầu nối tâm linh giữa mọi người từ quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa dân gian, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc, đồng thời tạo được một điểm tham quan, vui chơi giải trí cho khách du lịch khắp nơi.
 
Tô Quân Bảo ngày 08/03/2011
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 852104 visitors (2209998 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free