TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Chuyện con mèo ở nhà thương
 
Lên mạng ngày 16/7/2010

CHUYỆN CON MÈO Ở NHÀ THƯƠNG
Nguyễn Thị Kim-Thu
 

 

Tôi làm việc ở nhà thương này gần 29 năm. Đây là một bệnh viện nhỏ, dành riêng cho người già bị bệnh bất trị, và người bệnh ung thư thời kỳ cuối. Đó là một chi nhánh của Bệnh Viện Đa Khoa Royal Berkshire Hospital của tỉnh Berkshire. Khi bệnh viện đa khoa quyết định gởi đến nhà thương này, bệnh nhân cũng như thân nhân hiểu ngầm rằng đây là chặng cuối của cuộc đời. Vì vậy, nhà thương tôi đang làm việc có chính sách ưu đải rất đặc biệt cho bệnh nhân, đúng ý nghĩa của từ ngữ nhà “thương”.
          Mặc dầu là một bệnh viện nhỏ, chỉ chứa vài chục giường, nhưng tọa lạc trong một khu vườn rộng lớn mấy mẩu đất, bên cạnh một công viên cây xanh rộng hàng mấy trăm mẩu, lớn nhất của thành phố Reading.
          Nhà thương gồm nhiều dảy nhà trệt, xây cất với tiện nghi dành cho người già không đi đứng khỏe mạnh. Phần đất giữa và chung quanh các dãy nhà này là những thảm cỏ xanh xen với các vườn hoa xinh đẹp được chăm sóc kỹ lưởng quanh năm.
          Số nhân viên của nhà thương gần xắp xỉ với số bệnh nhân, vì bệnh nhân cần chăm sóc 24 giờ mỗi ngày, và nhân viên được huấn luyện rất kỹ lưởng cách đối đải với họ, bởi người già bệnh hoạn thường rất khó tính. Vì nhà thương dành cho người cuối đời, nên các cơ quan từ thiện đóng góp khoảng 50 % ngân sách điều hành của bệnh viện. Cuối tuần, có hàng chục người tình nguyện đến chăm sóc vườn hoa. Trong tuần có nhiều người tình nguyện đến trò chuyện, giải khuây giúp đỡ lặt vặt cho bệnh nhân. Vào ngày nắng đẹp, họ dẫn bệnh nhân ra ngồi ngoài các băng gỗ trong vườn hoa, hay đi ngắm hoa trong các nhà kiếng do các cơ quan từ thiện bảo trợ. Đối với các bệnh nhân có đủ sức khỏe, nhà thương tổ chức đi chơi xa trên các xe bus đặc biệt dành cho người bệnh, có khi thăm viếng Paris hay Amsterdam vào dịp mùa hoa tulip nở trong đầu tháng tư. Dĩ nhiên, trong đám du hành có cả y tá chuyên khoa đi theo chăm sóc. Nói vậy, ít khi có người bệnh nào ở bệnh viện này sống quá một năm kể từ khi được chuyển về đây. Thỉnh thoảng thấy có người chết chở vào nhà xác.
          Trong nhà thương này có một phòng khách lớn, và phòng ngơi nghĩ (family room)  với tiện nghi khách sạn 2-3 sao, dành cho thân nhân đến từ giả người thân. Bác sỉ thông báo cho thân nhân biết ngày sắp ra đi, và thân nhân đến phòng này suốt ngày đêm để chờ giã từ vào phút chót cuộc đời. Người Anh, thường phát tỉnh “Ăng Lê”, chỉ âu yếm nắm tay người hấp hối, rưng rưng nước mắt, nhưng người Á Đông hay Phi Châu thì mang hết dòng họ đến khóc lóc trong nhà khách, rất thảm nảo.
          Tôi có một văn phòng làm việc riêng, tọa lạc trong một dãy nhà, cửa sổ nhìn thấy nhà xác. Cảnh đưa người chết vào nhà xác làm tôi ớn lạnh, nhưng lâu dần cũng hóa quen. Tuy nhiên tôi rất hải hùng về những chuyện ma. Ông trực an ninh, có lẽ một phần dọa tôi, kễ cho tôi nghe những chuyện ma mà ông nghe kễ lại, hay chính ông chứng kiến. Chính vì vậy, mà tôi rất sợ khi ngồi một mình trong phòng làm việc ngoài giờ công sở (9 giờ sáng – 5 giời chiều).
          Có một thời, vì không đủ bệnh nhân và để tiết kiệm ngân sách, nhà thương quyết định đóng cửa tạm thời một dãy phòng bệnh nhân, chỉ còn lại vài văn phòng làm việc, trong đó có văn phòng tôi. Đó là thời gian tôi rất hải hùng, vì cả một dãy nhà thương gồm mấy chục phòng bệnh nhân, từ nay vắng toanh.
          Có lần, tôi nghe có tiếng giựt nước cầu tiêu ở phòng bên cạnh, mà tôi biết là phòng đó đã khóa cửa từ lâu. Tôi phone cho ông trực an ninh báo là có người xâm nhập. Ông đến và tôi rón rén theo sau, mở khóa vào phòng, thấy không có ai, các cửa sổ đều khóa kỹ, chứng tỏ không ai vào và ra được, nhưng khi đến cầu tiêu thì nước vẫn còn chảy.
          Có lần khác, tôi nghe có tiếng chuông kêu cứu của bệnh nhân. Bởi vì ở mỗi đầu giường có nút bấm chuông, bệnh nhân muốn gọi y tá trực thì bấm nút. Ở cửa phòng bên ngoài hành lang có một ngọn đèn, khi chuông bấm thì ngọn đèn cháy nhấp nháy để y tá trực biết bệnh nhân ở phòng nào. Cũng vậy, tôi báo cho ông trực an ninh và cùng tôi đến phòng, quả thật đèn cửa phòng chớp nháy, mở cửa vào phòng thì không có một ai. Ông  còn kễ cho tôi nghe, đó là chuyện thường, có khi mở cửa vào ban đêm thấy có người nằm rên hừ hừ, nhưng sau đó biến mất.
Nhất là vào mùa đông, mặt trời mọc lúc 9 giờ sáng và lặn lúc 3:30 chiều, mà công việc của tôi thỉnh thoảng phải đến làm việc lúc 6 giờ sáng, hay về trễ lúc 9 giờ tối, những lúc trời tuyết giá và tối đen, không có một ai trong dãy phòng của tôi. Ngoài trời thì gió thổi xào xạt từ phía nhà xác, nghe thật ớn lạnh. Có một lần, mới 6 giờ sáng, tôi vừa mở cửa phòng làm việc thì nghe tiếng chuông kêu cứu của bệnh nhân, và từ cuối hành lang tôi thấy ngọn đèn chớp nháy. Tôi hoảng hồn, chạy cầu cứu ở dảy bên cạnh có nhiều nhân viên trực. Các bạn tôi, người Anh, họ tin có ma nhưng không sợ như tôi, họ kễ nhiều chuyện rùng rợn chính họ thấy. Tôi không biết trong trường hợp gặp ma người Anh có cầu nguyện gì không. Phần tôi, trong trường hợp hải hùng tôi thường niệm Phật, nhưng khi nghĩ lại là làm sao ma Anh có thể hiểu được khi tôi niệm bằng tiếng Việt! Kễ từ đó, khi phải đi làm việc sớm chồng tôi đi theo, chờ cho tới khi trời sáng hẳn chồng tôi mới về nhà hay đi làm. Cũng may, thời gian đó kéo dài không lâu, và dãy nhà này được mở cửa lại.
Cách đây khoảng 15 năm, bỗng dưng vào một buổi chiều có một con mèo đen không biết từ đâu đến, đi thẳng vào phòng tiếp tân (Reception) rồi nằm ở đó. Nó đi chậm rãi, không một tiếng “meo meo” như mèo thường. Theo tôn chỉ nhà thương, khách hay bệnh nhân không được phép mang theo chó hay mèo. Nhưng vì đây là mèo vô chủ đi lạc, lại nằm lì ở phòng tiếp tân, im lặng và rất triều mến với mọi người chung quanh. Hễ có người bước vào phòng tiếp tân, nó đến gần cọ sát vào chân rồi về nằm lại chỗ cũ. Người Anh rất yêu thương súc vật, không ai nở đuổi, hay quăng nó ra đường. Họ tường trình lên ban Giám Đốc nhà thương. Bà Giám đốc ra lệnh dùng tiền nhà thương và nhờ ông tùy phái mua thức ăn mèo về cho nó, trong khi chờ chủ đến nhận. Sáng ngày hôm sau, trong công viên cũng như các khu gia cư kế cận, và trên báo chí địa phương có thông cáo mô tả con mèo đi lạc.
Thời gian trôi qua, 1 tháng, 2 tháng, rồi cả năm không ai đến nhận. Con mèo này có cá tính rất khác lạ với mèo thường, không bao giờ chạy nhảy, dáng đi lúc nào cũng chậm rãi, không bao giờ kêu “meo meo”. Muốn đi phóng uế nó đến nằm gần cửa, chờ có ai mở cửa thì đi theo ra ngoài, đi phóng uế ở nơi thật xa, rồi về nằm lại bên cửa chờ có người mở cửa thì đi vào phòng, lại nằm chỗ cũ. Một đặc điễm nữa là nó không bao giờ xuống nhà bếp, hay vào canteen ăn vụng, hay ăn bất cứ món gì của bệnh nhân để trong phòng. Nó chỉ ăn khi ông tùy phái hay cô thư ký phòng tiếp tân mang đồ ăn đến cho nó. Nó sống trong tình trạng vô chủ, ở nhờ, như vậy trong 2 năm, cho đến khi ban Giám đốc nhà thương chính thức thu nhận nó là con mèo nuôi (pet) của bệnh viện, đặt tên theo tên của bệnh viện, mua cho một ổ ngủ có mền êm ấm để trong nhà kính (sun lounge). Đêm đêm, nó về ngủ ở đây, nhưng ban ngày thì đến nằm trong phòng tiếp tân.
Có một điều rất lạ ở con mèo này, là khi người bệnh mới nhập viện, nó lẻo đẻo theo sau xe đẩy bệnh nhân cho tới đến phòng dưởng bệnh mới trở về nằm lại ở chỗ cũ. Hình như nó thuộc lòng hết các phòng ở mấy dãy nhà. Mỗi khi thấy nó đến nằm im lìm ở cửa phòng nào thì chỉ sau vài ngày, bệnh nhân trong phòng đó từ giả cỏi đời.
Tới giờ, con mèo vẫn còn sống, nay đã khá già. Nó vẫn nằm im lìm trong góc phòng tiếp tân, thường đến cọ mình vào chân khách. Hàng ngày, ai ai cũng theo dõi hướng đi của con mèo, bởi vì hễ nó đến nằm ở cửa phòng nào thì trước sau gì bệnh nhân của phòng đó cũng ra đi vĩnh viễn.
 
Reading, 7/2010
 
Nguyễn Thị Kim Thu

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855322 visitors (2218223 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free