TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Sức khỏe ...
 
Lên mạng ngày 24/8/2010

SỨC KHỎE - Cái vô giá lẽ ra ai cũng có
(Bài viết tưởng nhớ về bác bảy tôi- Bác Đỗ Văn Quang)


Từng bước nặng nề và mệt lả, bác tôi và tôi cuối cùng cũng đến được Phòng trả kết quả xét nghiệm của Khoa Ung bướu- Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
 “Không sao đâu… kết quả phim chụp cho thấy phổi của chú tốt rồi. Không còn vết gì nữa…”. Cô bác sĩ kêu lớn tiếng như một câu chúc mừng thay cho lời chào ngay khi vừa gặp bác tôi từ xa.
 Niềm vui không tả xiếc như được tái sinh thêm một lần nữa trong ánh mắt của bác tôi, anh Duy con trai bác và cả tôi. Thế là mọi chuyện đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều sau 6 lần hóa trị và 10 lần xạ trị với căn bệnh ung thư suốt chín tháng.
 Theo như định nghĩa từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội. Đây là một định nghĩa rất rộng và cũng rất gần với khái niệm về sự hạnh phúc nên tôi chỉ muốn chia sẻ vấn đề này trong giới hạn về thể chất để những người bạn thân thiết có thể cảm thấy sự quý giá của sức khỏe từ những hành động rất nhỏ trong mỗi một ngày nhằm có được chất lượng cuộc sống lâu bền thực sự là cho chính bản thân và gia đình mình.
 Trong gia đình nội tôi, ngoài ba tôi ra thì bác tôi là người thứ hai có học thức và trình độ cũng như sự nhận thức những vấn đề trong cuộc sống, gia đình và xã hội hơn thảy. Bên cạnh đó, bác có được rất nhiều sự kính nễ từ những người thân quen trong gia đình và cả bên ngoài xã hội. Trong suốt thời gian điều trị căn bệnh thế kỷ này, có thể nói tôi là một trong số ít người chứng kiến được nghị lực và tinh thần rất vững vàng của bác khi chống chọi với căn bệnh này. Ngay cả khi căn bệnh di căn lên đến não thì bác cũng hoàn toàn nhận biết được sự suy giảm trong trí nhớ của mình. Cho đến lúc này, mặc dù cơ thể bác đã suy giảm rất nhiều sau những di chứng để lại của căn bệnh sau khi di căn và cả tác dụng phụ của quá trình điều trị kéo dài thế nhưng sự sáng suốt, minh mẫn trong suy nghĩ của bác vẫn còn vững vàng như trước.
Trong một lần lên thăm bác, bác khuyên tôi bỏ hút thuốc lá với một lời khuyên như một phần của việc gìn giữ sức khỏe. Bác nói:
 “Bệnh của bác mắc phải hiện nay nếu nói là do thuốc lá hoàn toàn thì không phải nhưng nếu bảo là không phải là do thuốc lá thì cũng không đúng. Ít nhiều nó góp phần vào căn bệnh này. Bác sống đến từng tuổi này nên kinh nghiệm được rất nhiều điều. Có những sai lầm con người ta có thể làm lại, có thể vượt qua đôi khi vượt qua được thì trưởng thành hơn trước nữa. Thế nhưng lại có những sai lầm không thể nào chỉnh sửa được và chỉ có sự hối hận thôi. Trong số những sai lầm đó thì đánh mất sức khỏe là đầu tiên. Hút thuốc lá chẳng có lợi gì hết nhưng chỉ có hại thôi.”
 Không ai không biết rằng hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe. Và ngay cả trên bao thuốc lá có ghi dòng chữ này. Tưởng chừng như hút một điếu thuốc là chúng ta đang chấp nhận một sự giảm đi tuổi thọ của mình. Và nhiều người vẫn vui vẻ đón nhận nó khi cầm điếu thuốc như cái chết là một phần tất yếu trong cuộc sống của mình và trước sau gì cũng chết thế thì lo gì sự chết sẽ đến với mình sớm hơn người khác một tí. Tôi đã từng suy nghĩ thế này. Thế nhưng, tôi đã thật sự hiểu được giá trị của sức khỏe nhờ bác tôi.
 Kết quả kiểm tra sức khỏe tốt đẹp của thứ sau tuần rồi là một tin vui cho cả gia đình bên nội. Thế nhưng, chính tôi cũng hiểu rằng bác tôi giờ ăn uống không vì cái ngon nữa mà vì sự sống. Giấc ngủ tốt lành không bị những cơn đau nhức hoành hành bởi chứng ung thư xương trong những ngày mưa bão đã trở thành là một điều mong muốn khó tả. Việc đi lại giờ đây chẳng phải để đến nơi mình muốn nữa mà đến nơi mình phải đến như: cái bàn ăn, cái giường hay bệnh viện…Ăn mặc thì sao cho ấm và tránh được gió lùa chứ chẳng còn là cái đẹp nữa. Giờ bác tôi ăn uống, ngủ nghĩ, đi lại chẳng phải để đáp ứng những nhu cầu trong thang nhu cầu của Maslow mà chỉ vì một điều duy nhất ấy là sự sống.
 Hiện giờ thì tôi cũng như những người bạn tôi còn rất trẻ và hầu như ít khi nghĩ đến những sự này. Thế nhưng, mọi sự hiện giờ rồi cũng đi đến điểm kết này. Ngay cả sau khi chúng ta đạt được bậc cao nhất trong cái thang nhu cầu Maslow kia: giàu có, nhiều người kính nễ, nổi bật trong hầu hết những người xung quanh… thì cuối đời nhu cầu cần nhất của chúng ta cũng không thoát khỏi cái mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta trong cái ngày đầu tiên của cuộc đời mình ấy là sự sống và bình an như con trẻ.
 Sau khi khuyên răn tôi những lời trên, nghỉ một ít lâu nhìn tôi, và bác nói tiếp:
 “Từ xưa đến nay hầu như bác chưa yêu cầu mày việc gì hết nên giờ bác chỉ có một yêu cầu duy nhất là mày bỏ thuốc lá. Và mày làm điều này chẳng phải vì bản thân mình mà vì bác”.
 Việc bỏ thuốc lá chỉ là một phần nằm trong thông điệp giữ gìn sức khỏe mà bác tôi muốn nhắn gửi với tôi. Tôi sẽ không bao giờ hút thuốc lá nữa như lời hứa với bác nhưng tôi cũng mong rằng thông điệp này đến được với tất cả những bạn bè thân thiết của tôi. Tôi làm điều này vì bác tôi nhưng các bạn hãy làm điều này vì gia đình mình.
 Cầu mong Chúa ở cùng bác và chữa lành cho bác./.
 
TP.HCM, 6/8/2010.
(Đỗ Đăng Khôi)

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860698 visitors (2231445 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free