TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhìn lại tuổi thơ
 
Lên mạng ngày 17/12/2010

NHÌN LẠI TUỔI THƠ
 
   Tuổi thơ của tôi đã được gói ghém với hai cuộc hành trình còn nhớ mãi trong lòng mà đến nay vẫn không phai mờ theo thời gian. Cuộc hành trình thứ nhất, là lần đầu tiên tôi xa nhà để vấn thân vào trường NLS Cần Thơ. Trải qua hai năm học đệ ngũ và đệ tứ; nơi đó tôi đã tiếp nhận được sự dạy dỗ của quý thầy cô, tình thâm giao cùng bạn hữu đồng môn với nhiều kỷ niệm thật tuyệt vời. Nhưng rồi tôi phải rời mái trường thân yêu này để cất bước vào ngã rẽ cho hoài bảo của mình khi chuyển đến trường NLS Bảo Lộc, nơi vùng cao nguyên đất đỏ, với lý do rất đơn giản là mơ ước trở nên một thành viên của ngành Thủy Lâm, nói nôm na của ngành chuyên môn này là nghề lấy búa gỏ đầu gỗ, bởi vì tôi thích chiêm ngưởng cảnh vật thiên nhiên của rừng núi, thích ngửi mùi hương hoa dại của cây và hít thở không khí trong lành nơi hoang dã; lại nữa công việc này rất có địa vịtrong xã hội.
   Sau khi hoàn tất chương trình trung học đệ nhứt cấp tại trường NLS Cần Thơ vào mùa hè năm 1967, tôi trở về Sài Gòn chuẩn bị cuộc hành trình thứ hai trên ngôi trường mới.   Hành trang để đến trường NLS Bảo Lộc cũng đã chuẩn bị xong, nhưng sao lòng tôi vẫn nôn nao và lo âu không khác gì lần trước lúc đến Tây Đô cách đây đã hai năm.
   Lần này tôi đã lớn lên đôi chút nên không còn được người anh cả đưa đến tận nơi như kỳ nhập học NLS Cần Thơ, tuy nhiên anh cũng giúp tôi chuyển hành lý đến bến xe đi Đà Lạt ở Ngã Bảy Sài Gòn. Nơi đây có hai loại xe nhỏ và lớn; xe nhỏ chứa khoảng bảy người, còn xe đò lớn có đến vài chục chỗ ngồi. Tôi có ý muốn đi xe lớn với giá vé rẻ để tiết kiệm, nhưng anh tôi vẫn thương nên mua vé xe nhỏ giá tiền cao hơn cho đứa em ngồi thong thả, vì xe chạy nhanh ít rước khách dọc đường. Sau vài phút tâm tình, khuyên dặn đủ điều, anh bảo tôi lên xe rồi vẩy tay chào tạm biệt. Tôi ngồi trên xe mà tâm trí suy tưởng miên man về ngôi trường mới cho đến khi tài xế bắt đầu cho xe lăn bánh, lòng tôi cảm thấy nao nao với một nỗi buồn nhè nhẹ thoáng qua.
                        Học xa nhớ mẹ thương cha,
                  Bên thầy gần bạn đậm đà tình thâm
 Lòng con cố gắng nguyện thầm,
                  Thi đua nổ lực học chăm từng ngày.
                        Tương lai sự nghiệp có ngay,
                   Phận con hiếu thảo ơn dày cưu mang.
   Xe rời đô thành Sài Gòn tới Ngã Tư Hàng Xanh bắt đầu vào xa lộ. Xa lộ Biên Hòa này có tầm vóc lớn nhất vào thời đó, 1967, đường rộng có nhiều hàng chạy mỗi bên nên xe bắt đầu tăng tốc độ vù vù… Rời khỏi Biên Hòa thì xa lộ trở thành quốc lộ Số Một, xe tiếp tục di chuyển trên con đường tráng nhựa hẹp hơn. Đến Ngã Ba Dầu Giây, đi thẳng thì đến Phan Thiết, Nha Trang, còn rẽ trái vào quốc lộ Hai Mươi hướng về Đà Lạt. Từ đây cảnh vật tươi mát với những rừng cây cao su bạt ngàn nối tiếp hàng thẳng hàng, xinh xinh khác hẳn với những cánh đồng lúa miền Nam. Xe chạy xuyên qua các địa danh Phú Lâm, Gia Kiệm và qua cây cầu dài trên sông La Ngà bắt ngang con suối lớn từ thượng nguồn đổ xuống dòng nước trong leo lẻo. Đến 11 giờ trưa tới chợ Định Quán, xe dừng để mọi người dùng cơm. Nơi nầy tiệm quán tấp nập, có tiệm bày bán kỹ nghệ đồ gỗ như tủ bàn ghế v.v…
   Định Quán có những tảng đá xanh thật to chồng lên nhau một cách ngộ nghĩnh, tuyệt vời mà thiên tạo đã đặt để cho. Tạm ngừng khoảng ba mươi phút xe tiếp tục di chuyển, mọi người có cảm giác thật thoải mái vì đã được nghỉ ngơi ăn uống ngon lành. Chẳng mấy chốc xe bắt đầu leo dốc Đèo Chuối. Nhìn hai bên đường là rừng chuối ngổn ngang xen lẫn với cây xanh nên nơi đây được mệnh danh đúng với tên gọi. Vượt qua Đèo Chuối, nhìn từ xa đã thấy ló dạng đồi núi chập chùng; đến chân đèo Bảo Lộc, hiện diện vài căn nhà nằm cheo leo hai bên đèo có độ dốc rất cao, con đường hẹp lại mỗi bên chỉ có một đường xe chạy ngoằn nghoèo quanh co rất hiểm trở, xe từ từ leo lên đèo, tiếng máy xe bắt đầu rú gầm lên. Càng lên cao độ nóng giảm dần, và dường như cái nóng của Sài Gòn đã để lại nơi chân đèo.
   Một vực sâu thăm thẳm bên trái, bên phải là sườn núi cao vun vút, những âm thanh vo ve âm u của núi rừng rú quyện bên tai, lẫn trong tiếng róc rách của những con suối dọc theo thung lũng tạo nên một âm điệu du dương tuyệt vời.
   Cây rừng xanh biếc, suối chảy quanh co; xa xa xuất hiện những nhóm năm, bảy người dân tộc thiểu số lủi thủi bước đi với tấm áo choàng thô sơ chỉ đủ để che thân. Họ nối tiếp đi từng hàng lên xuống, kẻ mang gùi, người cầm nông cụ, phụ nữ đai con hoặc đội củi…, có lẽ mỗi nhóm là một gia đình. Xe leo gần hết đèo thì đến một khúc quanh co thật gắt. Người tài xế giải thích rằng: “Thật cẩn thận tay lái!”; ông ta chậm rãi cho xe từ từ chạy qua hết khúc quanh này tới khúc quanh khác. Tôi nhìn thấy một cái miếu nhỏ phía trên sườn núi ghi là Miếu Ba Cô. Vì ngày xưa tại đây có ba cô gái trên một chiếc xe, lái qua đây đã bị trượt xuống đèo rồi tất cả đã vĩnh viễn ra đi, sau đó hồn rất linh thiêng nên dân địa phương liền lập nên miếu thờ ba cô.
   Xe tiếp tục leo dốc đến được tận đỉnh đèo, mọi người mới có lại cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu, vì con đường trở lại êm dịu bình thường.
                                 Núi non chồng chất lên nhau,
                    Lòng vui chờ đợi xe mau đến trường.
                   Cao nguyên trời đẹp mù sương,
                          Ngát hương hoa nở bên đường quanh co.
 
   Chẳng mấy chốc xe đã đến ranh giới Bảo Lộc, nhìn đồi trà xanh biết nối tiếp nhau hai bên đường. Ô kìa! Những nàng tiên nữ đang thu hoạch trà, vai quảy gùi đầu đội nón thúng dùng tay nhẹ nhàng hái những đọt trà non xanh tươi.                                            
                         Mây xanh lơ lững Ngự Bình,
Lòng anh vui sướng tâm tình em trao.
Hương trà Bảo Lộc ngọt ngào,
Cùng em chung chén rót vào đôi tim.
   Xe từ từ đến Tân Bùi rồi Tân Hạ, mọi người sảng khoái ngửi hương thơm của mùi trà ngào ngạt thoang thoảng lan tỏa bay trong gió nhẹ mà lòng cảm thấy lâng lâng! Xa xa là dáng ngọn núi Tân Bình lưng chừng giữa những làn mây lơ lững như một bức tranh hữu tình tuyệt mỹ.
                         Một màu xanh biếc bao la,
                  Kìa cô thiếu nữ hái trà dễ thương.
 Ngày đầu mới đến cổng trường,
Trà thơm bay tỏa mùi hương ngập trời.
 Anh thầm nguyện ước trong đời,
                   Học xong đỗ đạt đẹp lời cùng em.
   Xe đang chạy ngon trớn bổng dừng lại, tài xế cao giọng:
   - Tới Trường NLS Bảo Lộc rồi, mời các cháu xuống xe!  
   Thì ra tài xế rất am tường về ngày tựu trường sau dịp nghỉ hè, nên cho học sinh xuống tại cổng rất tiện; nếu chờ xe đến bến thì phải đi bộ lại một quảng đường khá xa. Có hai người xuống xe là tôi và một nàng trẻ đẹp ngồi phía sau.
   Tôi vội mở lời: - Cô cũng là học sinh NLS Bảo Lộc?
   Cô đáp: - Vâng em là học sinh mới!
   Tôi đồng thanh: - Tôi cũng thế!
   Cả hai cùng bách bộ vào trường nhìn ba chữ trên cổng Nông Lâm Súc đã in vào tâm trí tôi mãi cho đến giờ.
   Tôi đến văn phòng được hai nhân viên của trường ân cần tiếp đón thật vui vẻ, nhưng mới vở lẽ ra là vì không dành chỗ nội trú trước nên vào phút cuối không còn phòng trống. Trường linh hoạt chỉ điểm đến những nhà cư dân gần trường để học viên đến xin ở trọ. Kết quả là tôi tìm được nhà trọ là tiệm trà Vạn Xuân của ông bà cụ cao niên rất nhân hậu tử tế.
   Vào sáng ngày khai trường mới NLS Bảo Lộc, tôi gặp lại hai bạn NLS Cần Thơ cùng lớp là Nguyễn Văn Kế và Nguyễn Hữu Ái. Kế có chổ nội trú trong trường, còn Ái thì chưa có nên về nhà trọ với tôi thật vui. Trường mới có bạn mới là Nguyễn Trung Huy, Nguyễn Đăng Khoa…, và đặc biệt là Đặng Thành Hổ và Lâm Phi Hổ, hai con cọp này được các bạn trong lớp trêu chọc là “Hổ Đực và Hổ Cái”
   Buổi sáng của ngày khai trường, tất cả học viên tập họp ở khuôn viên cột cờ để làm lễ chào quốc kỳ; lời cuối của bản quốc ca đã mang đến cho mọi người niềm tin dũng cảm và nhiệt quyết. Thầy hiệu trưởng Nghiêm Xuân Thịnh choàng áo lễ thật chỉnh tề, ngỏ lời với tất cả học viên bằng một bài diễn văn ngắn gọn nhưng hết sức cảm động, hàm chứa tình thầy trò lẫn tình bạn, chia sẻ tình cảm giữa học viên cũ và mới, phổ biến nội qui của trường để học sinh mới am tường, kết thúc là một tràng pháo tay vang dội của tất cả học viên để bày tỏ lòng cảm nhận lời dạy của thầy.
   Khuôn viên trường thật tao nhã với lối kiến trúc linh động hòa hợp hai kiểu Á Âu đầy mỹ thuật, nhất là ngôi đại thính đường mà trước đây là ngôi trường cao đẳng Nông Lâm Mục Blao.                                    
   Hai bên con đường rộng từ cổng đi vào có những hàng cây đại thụ cao và to là thông, dầu, sao v.v… Trên con đường rộng thênh thang này xe có thể di chuyển vào sân trường đến tận văn phòng. Tiếp nối là con đường hẹp lại đôi chút, bên phải là lưu học xá lớn nhất là E. Nơi đây mỗi năm tiếp nhận biết bao giai nhân mỹ nữ dịu hiền trong tà áo dài dịu dàng thật điệu đàng từ khắp nơi hội tụ về. Những nàng công chúa này được quản lý bởi một nữ giám thị nghiêm nghị kỷ luật.
   Đối diện với lưu học xá E, nằm về phía bên kia đường hiện diện với bốn tòa nhà nhỏ hơn dành cho nam học viên là lưu học xá A,B,C và D. Tiếp nối ra xa phía sau là những chuồng trại khang trang, khu nông cơ và vùng đất rộng thênh thang dành cho học viên thực hành nông trại. Đặc biệt nhất là Thủy Lầu Cao cung cấp nước cho toàn trường. Và con đường đẹp tuyệt vời chính là Hoàng Hoa Lộ với đầy những đóa hoa vàng tươi hai bên tiêu biểu cho sự yêu thương phơi phới đầy ắp kỷ niệm lứa đôi mà hoa tình vừa mới chớm nở búp măng.
   Rẽ qua bên trái đi tiếp, hướng bên phải là dãy lớp học A và B, đó là các lớp học gồm có phòng thí nghiệm và thực hành môn Thủy Lâm. Kế tiếp là Đại Thính Đường, nơi đây diễn ra những buổi văn nghệ trong dịp tất niên hàng năm rất tưng bừng hào hứng do các anh em nghệ sĩ cây nhà lá vườn cùng thi đua trổ tài. Phía sau là thư viện, bên phải là biệt thự dành cho giáo sư trường nằm cuối cùng có tên gọi PO số 13. Hướng đi ngược lại sân cỏ là lối về phố chợ Bảo Lộc.
   NLS Bảo Lộc ở cao độ 1.000 mét trên mặt nước biển nên khí hậu mát lạnh quanh năm, Bảo Lộc có tên cũ là Blao thuộc tỉnh Lâm Đồng cách hướng tây bắc Sài Gòn 190 km, cách hướng đông nam của Đà Lạt 110 km, phi trường Liên Khương thuộc quận Di Linh nằm giữa Bảo Lộc - Đà Lạt.
   Nơi đây, trà là nông sản đặc biệt hết sức phong phú và nổi tiếng cả nước, kế đến là mít, sầu riêng… Bảo Lộc có tiềm năng phát triển chăn nuôi với những đồng cỏ xanh mát quanh năm nhờ vào lượng nước mưa, nhất là mưa phùn, và phù sa đất đỏ.Bảo Lộc có nhiều “suối mơ” với những thác nước thật thơ mộng bên cạnh đồi núi xanh tươi là nơi đầy triển vọng cho việc thành lập các khu du lịch giải trí trong tương lai.
   Buổi học đầu tiên của lớp với vị thầy đáng kính, cũng là người hướng dẫn chúng tôi trong ngành Thủy Lâm. Với dáng dấp thanh cao, giọng nói chậm rãi cân nhắc nhưng âm thanh hơi ồ ồ, thầy Đồng Phúc Hộ, một cao thủ đệ nhứt của ngành Thủy Lâm. Thầy cũng là trưởng ty Thủy Lâm thời Pháp, quen thuộc núi rừng miền Cao Nguyên Trung Phần và Thượng Du Bắc Việt. Thầy thường kể lại những kinh nghiệm của người đã đối đầu với những khó khăn trong ngành. Và nhiều thầy cô… như cô Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng, thầy Châu Kim Lang…
   Cho đến ngày tôi ra trường với văn bằng tú tài hai kỹ thuật NLS làm hành trang bước sang tuổi trưởng thành của cuộc đời. Dù dòng thời gian tròm trèm nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây xa cách quê hương cách nửa vòng trái đất, nhưng tôi vẫn yêu thương hai ngôi trường xưa NLS Cần Thơ và Bảo Lộc, với tình chan chứa yêu thương nghĩa thầy trò, lưu luyến tình thâm với bạn học, vui có, buồn có, qua sự vui chơi, cãi vã, giận hờn và an ủi, nối tiếp bên nhau cho đến ngày thành đạt.      
                          Nhớ trường mến bạn kính thầy,
                       Năm xưa, ngày, tháng tình đầy vấn vương.
                           Xa rồi lớp học còn thương,
                      Hoàng Hoa Lộ đẹp con đường gót chân.
   Tôi thầm mơ ước sao cho thời gian tuổi học trò xa xưa của mình được sống trở lại, cho dù chỉ hiện về giấc mơ, đấy là niềm vui sướng tận trong đáy lòng.
 
Vương Văn Khôi, NLSCT 65-67& NLSBL 67-70, 12-09-2010

Trở lại LBNX
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855344 visitors (2218266 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free